Trên thế giới hiện nay có rất nhiều tôn giáo như Công giáo, đạo Kitô, đạo Tin lành,... Mỗi đạo đều có một quy chế, quy định hoạt động nhất định trong mỗi lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt trong hôn nhân, thì Công giáo có quy định về tiêu hôn. Bài viết dưới đây, chúng ta sẽ tìm hiểu về Tiêu hôn.
Mục lục bài viết
1. Tiêu hôn là gì?
Hôn nhân trong cái nhìn của Giáo Hội Công Giáo
Giáo Hội Công Giáo hiểu rằng hôn nhân là một “giao ước hôn phối, mà qua đó người nam và người nữ cùng nhau tạo nên một cuộc thông hiệp trọn cả cuộc sống, mà tự bản tính giao ước hôn phối hướng về thiện ích của đôi bạn cũng như việc sinh sản và giáo dục con cái.” Mỗi người phải hứa trung tín vĩnh viễn trong suốt cuộc đời, cho đến khi một trong hai người kết hôn qua đời.
Hôn nhân là một bí tích hoặc không phải là bí tích. Bí tích được hiểu như sau: “Bí” là kín ẩn; “tích” là dấu vết. Bí tích là dấu vết kín ẩn. Bí tích là những dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng do Đức Kitô thiết lập và ủy thác cho Hội Thánh, để trao ban sự sống thần linh cho con người. Hôn nhân là một bí tích khi cả hai đã được rửa tội theo nghi thức Công Giáo hay theo nghi thức của các giáo phái Kitô hữu khác. Mọi hôn nhân (của người Công Giáo, Chính Thống Giáo, Tin Lành, Do Thái Giáo, không phải Kitô Giáo, không có đức tin), dù là bí tích hay không, đều được phỏng định là thành sự. Sự thiện ích của những thành phần có liên hệ (vợ/chồng, con cái, các thành viên gia đình, xã hội, Giáo Hội) đòi buộc việc phỏng định thành sự này. Giáo Hội Công Giáo vẫn trung thành với lời giảng dạy của Đức Giêsu Kitô về hôn nhân, ly hôn và tái hôn.
Giấy liên kết hôn nhân bị ràng buộc cho tới khi một trong hai người kết hôn qua đời. Sự trái ngược với việc thành sự cũng có thể được đặt ra. Nếu khi có bằng chứng đầy đủ cho thấy hôn nhân đó không thành sự, thì sự phỏng định lúc đầu về việc thành sự của hôn nhân đã không có. Giá trị của lời thề hứa giữa hai người khi kết hôn trao cho nhau trong hôn lễ là một điều hết sức quan trọng. Nếu một người không hiểu trọn vẹn đặc tính của hôn nhân trước khi thề hứa, hoặc không có sự tự do thề hứa, hay không có ý định coi đó là một hôn nhân như Giáo Hội hiểu (hoặc không có khả năng để chu toàn bổn phận và quyền lợi trong hôn nhân), thì người ấy đã bước vào một tương giao mà thiếu một (hoặc nhiều) yếu tố thiết yếu của hôn nhân như Giáo Hội Công Giáo hiểu. Do đó khi một hôn nhân không phản ánh được sự hiểu biết này, nó được coi là “bất thành” hoặc “vô hiệu.”
Qua một tiến trình tiêu hôn, khi có thể chứng minh được là cuộc hôn nhân nào đó không thành sự, và rồi Giáo Hội có thể ban hành một “công bố về tính cách vô hiệu của hôn nhân,” việc công bố này nói lên sự phỏng định thành sự lúc ban đầu của hôn nhân đã không đúng.
Từ ngữ “tiêu hôn” thường được hầu hết mọi người dùng đến. Nên biết rằng định nghĩa tiêu hôn của Giáo Hội Công Giáo rất khác biệt với định nghĩa trong từ điển phổ thông. Người ta thường hiểu ý nghĩa của sự tiêu hôn với nhiều ý nghĩa mà nó ám chỉ Giáo Hội đang tiến hành điều gì đó trong hôn nhân nhưng quan điểm này là không đúng. Thay vào đó, Giáo Hội chỉ ban hành một công bố về hôn nhân. Nếu sự tiêu hôn được ban hành, có nghĩa là Giáo Hội tuyên bố rằng hôn nhân ấy đã thiếu một (hoặc nhiều) yếu tố căn bản ngay từ lúc ban đầu khiến hôn nhân ấy không thành sự. Một thuật ngữ khác thay cho tiêu hôn đó chính là “một công bố về tính cách vô hiệu,” nghĩa là một công bố có ý nói rằng một hôn nhân bất thành nên không có sự ràng buộc cho tới khi một trong hai người kết hôn qua đời, như trong trường hợp một hôn nhân thành sự.
Tiêu hôn tiếng Anh là: “Annul a marriage”.
2. Tiêu hôn và ly hôn khác nhau như thế nào?
‘Tiêu hôn’ khác biệt hoàn toàn với ‘ly hôn’. Tiêu hôn là xác nhận rằng một cuộc hôn nhân đã không thành bí tích vì những yếu tố như bị ép buộc cưới nhau, gian dối hay bị lừa gạt tình cảm, thiếu sự hiểu biết và ưng thuận rõ ràng về bản chất, mục đích, quyền lợi căn bản của hôn nhân. Còn ly hôn là tự ý phân ly, phá đổ một khế ước hôn nhân đã thành bí tích.
Như vậy, một giao ước hôn nhân tuy đã được cử hành theo nghi thức Công giáo (bên ngoài) vẫn có thể được coi là không thành bí tích (bên trong) khi bị mắc vào những yếu tố nêu trên. Nếu cuộc hôn nhân quả thật không thành sự, thì hôn nhân ấy cũng không có giây bí tích ràng buộc. Do đó, tự nó, việc tái hôn trong trường hợp này sẽ không bị ngăn trở, hoặc bất hợp pháp, xét theo luật đạo Công giáo. Tuy nhiên, để việc cử hành hôn nhân mới được thật sự hợp pháp, giáo luật yêu cầu hai người phải làm thủ tục tiêu hôn, và phải nhận được phán quyết tiêu hôn chính thức của giáo quyền trước khi tiến hành nghi thức hôn phối lại.
Nếu một cuộc hôn nhân đã thành sự bí tích, nghĩa là đã thật sự được Chúa đóng ấn và liên kết, thì Giáo hội không bao giờ có quyền tháo gỡ. “Sự gì Thiên chúa đã liên kết, con người không được phân ly”. Nhưng, khi tuyên bố một cuộc hôn nhân ‘tiêu hôn’, Giáo hội chỉ làm công việc điều tra, suy xét và xác định rằng hôn nhân ấy đã không thành sự vì những lý do đặc biệt nêu trên.
3. Thủ tục tiêu hôn trong Giáo hội Công giáo:
Người có thể thực hiện yêu cầu tiêu hôn, và tiến trình để bắt đầu tiêu hôn
Người có thể thực hiện yêu cầu tiêu hôn là bất kì ai, không hạn chế cá nhân nào. Khi có nhu cầu, những cá nhân đó liên lạc với giáo xứ Công Giáo địa phương để lấy hẹn gặp Người Bảo Trợ cho Người Đứng Đơn. Người Bảo Trợ là một linh mục, phó tế hay giáo dân được giáo xứ chỉ định để cung cấp tài liệu, hướng dẫn và hỗ trợ người đứng đơn trong suốt tiến trình. Người Bảo Trợ sẽ quyết định xem loại đơn nào đương sự cần phải điền. (Để có tờ đơn xin tiêu hôn hay cần sự giúp đỡ của Người Bảo Trợ đều miễn phí.) Với một số tòa án, không một đơn thỉnh nguyện nào nộp lên Văn Phòng Tòa Án được chấp nhận nếu không có sự giúp đỡ của Người Bảo Trợ
Đơn xin tiêu hôn thường được gọi là đơn thứ nhất. Đơn này gồm những chi tiết:
– Chứng chỉ Rửa Tội.
– Tôn giáo của người phối ngẫu cũ.
– Ngày và nơi cử hành hôn lễ.
– Đã li dị thì ngày và nơi nào, dựa căn bản nào.
– Đã đem đơn xin tiêu hôn tại tòa án nào chưa.
Nguyên đơn sẽ được tòa phỏng vấn, hoặc bởi cha sở hoặc luật sư của tòa án
Các tài liệu và chứng liệu phải nộp
Đơn xin và lời phát biểu:
Trong đơn sẽ có các câu hỏi về những căn bản khác nhau đã khiến hôn ước bất thành.
Đương sự sẽ được yêu cầu giải thích tại sao họ cảm thấy hôn ước của mình bất thành, và dựa trên căn bản nào họ cho rằng có đủ điều kiện để được tiêu hôn hóa.
Đương sự cũng được yêu cầu phát biểu cảm tưởng về hôn ước cũ; về thời kỳ theo đuổi nhau, thời kỳ đính hôn, tuần trang mật, đời sống gia đình, những bất thường, xa cách, li dị, và sự liên lạc hiện tại với người vợ/chồng cũ theo những căn bản họ dựa vào để xin tiêu hôn. Khi đã phát biểu cảm tưởng, họ có thể được yêu cầu xin thị thực lời phát biểu của mình.
Trình bày của đương sự phải: đủ lời, giới hạn trong phạm vi đã dành cho, thường dài từ 3 tới 6 trang; Tả đầy đủ và rõ ràng; Nên hỏi ý kiến cha sở hay luật sư xem phải viết gì; Nhấn mạnh đến mối liên hệ trước khi cưới, thời đính hôn và chính ngày cưới. Về sau ngày cưới, nêu ra những trục trặc có lẽ đã manh nha trước ngày cưới; Lập trường thuần nhất.
Nhân chứng: Hầu hết các vụ tiêu hôn theo thể thức cần 3 nhân chứng. Nguyên đơn phải chứng minh hôn ước cũ tiêu hôn. Tuy nhiên, các nhân chứng không buộc biết hết các chi tiết riêng tư, chỉ những biến cố hoặc những cuộc đối thoại hỗ trợ phần chứng minh cho vụ án theo như họ biết. Các nhân chứng không cần ra hầu tòa. Tòa sẽ gửi cho họ bản câu hỏi tỉ mỉ đề cập đến những căn bản viết trên giấy.
Diễn tiến tại tòa án
Khi mọi giấy tờ cần thiết cho vụ xin tiêu hôn đã đủ, một phiên tòa sẽ được chỉ định với những thành phần như sau: Mỗi tòa có từ 1 đến 3 thẩm phán tùy nơi và tùy trường hợp. Vị bảo hệ: vị này đòi các bằng chứng và luận cứ bênh vực việc xin tiêu hôn phải được trình bày chặt chẽ rõ ràng; vạch ra những sơ hở, chỉ chích căn bản không chính xác, và tổng quát, làm luật sư của nguyên đơn phải tỉnh thức… Nhưng nếu thấy phán quyết tối hậu có bằng chứng chắc chắn thì không phản đối nữa. Luật sư của nguyên đơn: Luật sư của nguyên đơn chính là người đã cùng làm việc với họ từ đầu, được tòa chính thức chỉ định đại diện cho nguyên đơn.
Khi phiên tòa được ấn định, nguyên đơn phải ký nhận để luật sư đại diện cho mình. đây chỉ là chuyện hình thức, nhưng phải có. Thí dụ, nếu nguyên đơn vắng nhà lâu khi tòa xử mà không có
Tại tòa sơ thẩm sẽ quyết định xem
(1) Tòa có quyền tài phán đối với vụ án không?
(2) Hồ sơ đã trình bày đầy đủ những căn bản chưa?
(3) Ðã sẵn sàng các bằng chứng chưa?
(4) Những căn bản đặc biệt cho vụ án là gì?
Nếu trả lời cho 1 trong 3 câu đầu là không, thì phải đình xử. Nhưng chuyện này khó xảy ra, vì nếu có thì nguyên đơn đã được báo cho biết ngay từ đầu.
Tiếp xúc bị đơn: Tòa phải liên lạc để báo cho biết thủ tục tiêu hôn hôn ước đang tiến hành, và dựa trên căn bản nào. Bị đơn phải có đủ thời gian để phúc đáp. Theo giáo luật hiện hành, địa chỉ của bị đơn phải biết để xem tòa định xử có thích hợp không.
Theo kinh nghiệm, hầu hết bị đơn không ngó gì tới những câu hỏi và bản điều tra gửi cho họ, và thường không mấy sẵn lòng ra mặt giúp nguyên đơn. Thực tế mà nói, nguyên đơn có lẽ không nên quá trông cậy vào sự hợp tác của bị đơn trừ khi nhận được sự đồng ý trước của họ.
Tiếp xúc các nhân chứng: Hầu hết trong các vụ án, các nhân chứng nhận được những bản câu hỏi riêng liên quan đến những căn bản đặc biệt được nguyên đơn chọn. Các nhân chứng thường được yêu cầu điền vào bản câu hỏi này và xin thị thực rồi gửi về tòa án. Có nơi và trong một số trường hợp, các nhân chứng được tòa phỏng vấn.
Phỏng vấn lần hai: Có thể nguyên đơn được yêu cầu chịu phỏng vấn bởi một chuyên viên tâm lý hay một nhà phân tâm, người này sau này sẽ làm chứng. Điều này gần như bắt buộc nếu đơn xin nại vào căn bản tâm lý.
Ý kiến của chuyên viên ngoài tòa: Trong các vụ án dựa trên căn bản tâm lý, chuyên viên tâm lý không đích thân ra hầu tòa. Nhưng các bằng chứng được thâu tóm rồi được gửi cho chuyên viên tâm lý để nghiên cứu rồi viết ý kiến mình ra. Ý kiến chuyên môn này được đưa làm bằng chứng khi vụ án được xử lần chót.
Phiên chung thẩm: Khi thu thập xong bằng chứng, nguyên đơn có thể được luật sư của mình cho biết ngày xử phiên cuối cùng, nhưng họ không buộc phải ra hầu tòa.
Phán quyết: Phán quyết bằng văn bản. Đây thường chỉ là một lá thư ngắn, hoặc một mảnh giấy nhỏ, gửi cho nguyên đơn. Án lệnh này, một văn kiện rất đơn giản và bằng những tiếng vắn tắt nhất, báo cho nguyên đơn biết kết quả việc họ xin tiêu hôn là được hay không.
Duyệt lại phán quyết và kháng án: Khi nguyên đơn nhận được lá thư chính thức báo cho biết phán quyết của tòa án tức là vụ án đã xong. Việc tiếp liền sau đấy là xét lại phán quyết của tòa sơ thẩm này bởi một nhân vật khác. Một trong hai cách sau đây sẽ xảy ra: tự động duyệt lại, hay là Kháng án.
Quyền kháng án của nguyên đơn: Nguyên đơn có thể nại đến tòa đệ nhị cấp nếu việc thỉnh cầu của họ không được tòa sơ thẩm thỏa mãn. Nhưng việc này rất hiếm, vì ít khi có vụ nào đã đủ bằng chứng lại thất bại; hai là nếu không có bằng chứng vững chắc, thì họ đã được khuyên rút đơn từ trước, khi chưa xử phiên chung thẩm rồi.
Tòa án đệ nhị cấp: Tòa án sẽ báo cho nguyên đơn biết họ đã bị từ chối việc xin tiêu hôn, và cho biết phải kháng án lên tòa nào. Tòa kháng án thường ở tại một giáo phận lân cận.
Chính nguyên đơn phải tiếp xúc với tòa kháng án. Việc kháng án hay xét lại, vì quyền lợi nguyên đơn, không tự động xảy ra nếu nguyên đơn thua cuộc trong vụ vô hiệu; mà chỉ xảy ra nếu họ thắng cuộc và đã được lệnh tiêu hôn. Khi nguyên đơn đã lưu ý tòa kháng án về sự kiện, một nhân viên nào đó do tòa kháng án cử ra sẽ tiếp xúc với tòa sơ thẩm để xin các hồ sơ về vụ đã được xử.
Tòa kháng án sẽ họp, thường trong vòng một tháng, để xem nền tảng thích hợp cho phán quyết có được dùng đến bởi các Thẩm Phán tại tòa sơ thẩm không? Có đủ bằng chứng biện minh cho phán quyết đó chăng? Có vấn đề nào bị bỏ sót hay không được xét đúng mức chăng?
Tòa án đệ tam cấp: Tòa Thượng Thẩm Rôma được gọi là Tòa Án thứ ba và, theo lý thuyết, một kháng án cuối cùng có thể đệ lên tòa này, và Đức Thánh Cha sẽ lấy quyền tài phán tối cao để xử vụ án.