Giáo viên mầm non là gì? Đặc điểm của giáo viên mầm non. Tiêu chuẩn vè trình độ của giáo viên mầm non hiện nay. Nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non hiện nay.
Giáo viên mầm non là ngành nghề cao quý, là nghề dạy dỗ và ươm mầm tương lai đất nước. Đây là ngành nghề yêu cầu người làm nghề phải nắm bắt tâm lý trẻ nhỏ, có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực này. Theo đó, để được tuyển dụng vào vị trí giáo viên mầm non cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn về trình độ của giáo viên mầm non. Vậy hiện nay, tiêu chuẩn về trình độ của giáo viên mầm non được quy định như thế nào, có khắt khe hay không?
Tổng đài Luật sư
Căn cứ pháp lý:
– Nghị định số 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 30/6/2020 quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở;
– Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành ngày 02/2/2021 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.
Mục lục bài viết
1. Giáo viên mầm non là gì?
Giáo viên mầm non hay còn được gọi là nghề nuôi dạy trẻ được biết đến là nghề mang sứ mệnh cao cả và đóng vai trò quan trọng đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục mầm non tương lai đất nước. Giáo viên mầm non dạy dỗ và hướng dẫn trẻ em mầm non làm quen và tiếp cận, tìm hiểu về các kiến thức cơ bản không chỉ là văn hoá mà còn là các kiến thức xã hội bên ngoài. Giáo viên mầm non có vai trò giúp đỡ trẻ em mầm non hình thành nên phẩm chất cá nhân, hiểu biết về thế giới quan và khơi dậy niềm đam mê học tập từ những ngày đầu các em làm quen trường lớp.
Giáo viên mầm non có một điểm quan trọng hơn so với giáo viên làm việc ở các cấp học khác bởi giáo viên mầm non không chỉ dạy trẻ em mầm non về các kiến thức văn hoá cơ bản mà còn đóng vai trò như một người bảo mẫu, người mẹ thứ hai chăm lo mọi thứ cho con mình.
2. Đặc điểm của giáo viên mầm non:
Giáo viên mầm non là nghề có tính đặc thù cao. Đặc điểm của nghề giáo viên mầm non không chỉ thể hiện ở chuyên môn nghiệp vụ vững vàng mà còn phải thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao trong công việc và đặc biệt là phải có tình yêu thương đối với trẻ em thì mới làm việc được trong ngành nghề này.
Bên cạnh đó, giáo viên mầm non là một người có tấm lòng vị tha cao cả, chu đáo lo toan và luôn biết gần gũi, yêu thương học sinh như con của mình. Như vậy, đặc thù của ngành nghề này không chỉ nằm ở trách nhiệm dạy dỗ mà hơn hết là làm việc bằng tình yêu thương và sự lo toan về mọi mặt đối với học sinh.
3. Tiêu chuẩn về trình độ của giáo viên mầm non hiện nay:
Giáo viên mầm non là một nghề thuộc ngành giáo dục và đào tạo nên phải đáp ứng được tiêu chuẩn về trình độ của nhà giáo nói chung. Theo đó, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục năm 2019, tiêu chuẩn về trình độ của nhà giáo được quy định như sau:
– Phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;
– Phải có bằng cử nhân thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên làm ở các cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Trong trường hợp có môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì giáo viên đó phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;
– Phải có bằng thạc sĩ đối với người giảng dạy ở trình độ đại học và phải có bằng tiến sĩ đối với người giảng dạy, hướng dẫn học viên làm luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ;
– Đối với nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì trình độ tiêu chuẩn được đào tạo của người đó được thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Như vậy, theo quy định trên thì giáo viên mầm non phải đảm bảo có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên. Trong trường hợp chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành nghề sư phạm thì có thể tuyển thêm giáo viên có bằng cử nhân thuộc chuyên ngành phù hợp và phải có chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ sư phạm.
Theo đó, căn cứ theo Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT thì tiêu chuẩn về trình độ đào tạo theo từng tiêu chí xếp hạng giáo viên mầm non được quy định như sau:
– Tiêu chuẩn về trình độ của giáo viên mầm non hạng III- Mã số V.07.02.26:
+ Giáo viên mầm non hạng III phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm giáo dục mầm non trở lên;
+ Được cấp chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn giáo viên mầm non hạng III. Đối với những giáo viên mầm non mới được tuyển dụng vào vị trí giáo viên mầm non hạng III thì yêu cầu phải có chứng chỉ trong thời hạn 36 tháng kể từ này được tuyển dụng.
– Tiêu chuẩn về trình độ của giáo viên mầm non hạng II- Mã số V.07.02.25:
+ Giáo viên mầm non hạng II phải có bằng tốt nghiệp cử nhân giáo dục mầm non trở lên hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm về giáo dục mầm non hoặc có bằng cử nhân quản lý giáo dục trở lên;
+ Được cấp chứng chỉ bồi dưỡng theo đúng tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II;
– Tiêu chuẩn về trình độ của giáo viên mầm non hạng I- Mã số V.07.02.24:
+ Phải có bằng cử nhân giáo dục mầm non trở lên hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng của ngành sư phạm giáo dục mầm non và phải có bằng cử nhân về lý giáo dục trở lên;
+ Được cấp chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng I.
Cần lưu ý, đối với giáo viên mầm non được tuyển dụng từ ngày 20/3/2021 áp dụng theo Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT thì không có yêu cầu tiêu chuẩn về chứng chỉ ngoại ngữ và tin học văn phòng.
4. Nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non hiện nay:
Để đáp ứng được tiêu chuẩn của nghề và nâng cao trình độ chuẩn được đào tạo đối với giáo viên mầm non, Nhà nước ta đã và đang thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non hiện nay. Theo quy định tại Điều 4 nghị định số 71/2020/NĐ-CP, lộ trình thực hiện nâng trình độ tiêu chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non được thực hiện như sau:
– Lộ trình được Nhà nước đặt ra và được thực hiện từ ngày 01/7/2020 đến hết ngày 31/12/2030;
– Lộ trình được đặt ra để thực hiện trong 02 giai đoạn:
+ Giai đoạn thứ nhất: được thực hiện từ ngày 01/7/2020 đến hết ngày 31/12/2025. Ở giai đoạn này phải đảm bảo ít nhất 60% giáo viên mầm non đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo giáo viên mầm non được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm;
+ Giai đoạn thứ hai: được thực hiện từ ngày 01/1/2026 đến hết ngày 31/12/2030. Giai đoạn này áp dụng với số giáo viên mầm non còn lại để đảm bảo 100% giáo viên mầm non trên cả nước phải hoàn thành chương trình đào tạo và được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm.
Để đảm bảo tiêu chuẩn trình độ đào tạo và nâng cao trình độ đào tạo của giáo viên mầm non, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ theo lộ trình mà Bộ Giáo dục đã ban hành 05 năm một theo hai giai đoạn để thực hiện hàng năm.
Theo đó, đối tượng được áp dụng thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo giáo viên mầm non đó là những giáo viên chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên tính từ ngày 01/7/2020 còn đủ 07 năm công tác, tức là 84 tháng đến tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật hiện hành.
Những đối tượng được tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn phải thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ liên quan. Giáo viên mầm non tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn có các quyền sau:
– Được đơn vị quản lý tạo điều kiện về mặt thời gian để đáp ứng yêu cầu học tập, được hỗ trợ tiền học phí theo quy định của pháp luật hiện hành đối với sinh viên sư phạm;
– Được hưởng 100% lương và các khoản phụ cấp, chế độ khác theo quy định của pháp luật;
– Được tính công tác và thời gian đào tạo liên tục.
Bên cạnh các quyền được hưởng khi tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn, giáo viên mầm non tham gia phải có trách nhiệm như sau:
– Thực hiện đúng các quy định, quy chế về đào tạo, chịu sự quản lý của cơ sở đào tạo trong thời gian tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn;
– Trong suốt thời gian tham gia khoá học nâng trình độ chuẩn, giáo viên mầm non vẫn phải đảm bảo thực hiện nhiệm vụ công việc tại đơn vị công tác theo quy định khi không phải tham gia các hoạt động tại đơn vị đào tạo;
– Phải cam kết đảm bảo thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở giáo dục đào tạo mầm non sau khi hoàn thành chương trình đào tạo nâng trình độ trong thời gian ít nhất là gấp 02 lần trong thời gian tham gia đào tạo;
– Trong trường hợp giáo viên mầm non tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn đào tạo mà không thực hiện đúng thời gian đào tạo, kéo dài thời gian đào tạo thì người đó phải tự túc chi trả các khoản phí đào tạo bị phát sinh trong thời gian kéo dài quá quy định.