Các quy định của pháp luật về công chứng bản dịch? Tiêu chuẩn, điều kiện của cộng tác viên dịch thuật công chứng? Vai trò của hoạt động công chứng trong thực tiễn?
Ngày nay, do tính cả tin, các cá nhân, tổ chức chỉ bằng lòng với lời nói suông hoặc với những giấy tờ được in ấn rất đẹp, bằng tiếng nước ngoài nhưng lại là giấy tờ nguy tạo mà không được công chứng, nên có khá nhiều cá nhân đã trở thành nạn nhân của sự lừa đảo và phải trả những cái giá rất đắt. Chính vì vậy, hoạt động công chứng ngày càng có vai trò vô cùng quan trọng và Nhà nước cần phải ban hành những quy định cụ thể để đảm bảo hoạt động công chứng diễn ra chính xác, nhanh gọn. Việc các cá nhân, tổ chức công chứng hợp đồng là cơ sở pháp lý để bảo đảm sự hợp tác ổn định lâu dài của các bên đối tác. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu về các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện của cộng tác viên dịch thuật công chứng trong pháp luật hiện hành.
Luật sư
1. Các quy định của pháp luật về công chứng bản dịch:
1.1. Tổng quan về công chứng bản dịch:
Theo quy định của pháp luật, công chứng được hiểu là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.
Điều 61
“1. Việc dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để công chứng phải do người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Cộng tác viên phải là người tốt nghiệp đại học ngoại ngữ hoặc đại học khác mà thông thạo thứ tiếng nước ngoài đó. Cộng tác viên phải chịu trách nhiệm đối với tổ chức hành nghề công chứng về tính chính xác, phù hợp của nội dung bản dịch do mình thực hiện.
2. Công chứng viên tiếp nhận bản chính giấy tờ, văn bản cần dịch, kiểm tra và giao cho người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình thực hiện. Người phiên dịch phải ký vào từng trang của bản dịch trước khi công chứng viên ghi lời chứng và ký vào từng trang của bản dịch.
Từng trang của bản dịch phải được đóng dấu chữ “Bản dịch” vào chỗ trống phía trên bên phải; bản dịch phải được đính kèm với bản sao của bản chính và được đóng dấu giáp lai.
3. Lời chứng của công chứng viên đối với bản dịch phải ghi rõ thời điểm, địa điểm công chứng, họ tên công chứng viên, tên tổ chức hành nghề công chứng; họ tên người phiên dịch; chứng nhận chữ ký trong bản dịch đúng là chữ ký của người phiên dịch; chứng nhận nội dung bản dịch là chính xác, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội; có chữ ký của công chứng viên và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
4. Công chứng viên không được nhận và công chứng bản dịch trong các trường hợp sau đây:
a) Công chứng viên biết hoặc phải biết bản chính được cấp sai thẩm quyền hoặc không hợp lệ; bản chính giả;
b) Giấy tờ, văn bản được yêu cầu dịch đã bị tẩy xóa, sửa chữa, thêm, bớt hoặc bị hư hỏng, cũ nát không thể xác định rõ nội dung;
c) Giấy tờ, văn bản được yêu cầu dịch thuộc bí mật nhà nước; giấy tờ, văn bản bị cấm phổ biến theo quy định của pháp luật.
5. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết mẫu lời chứng của công chứng viên đối với bản dịch.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật, việc dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để công chứng phải do người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Điều kiện của cộng tác viên tham gia dịch thuật phải là người tốt nghiệp đại học ngoại ngữ hoặc đại học khác mà thông thạo thứ tiếng nước ngoài đó. Ngoài ra, cộng tác viên phải chịu trách nhiệm đối với tổ chức hành nghề công chứng về tính chính xác, phù hợp của nội dung bản dịch do mình thực hiện.
Cộng tác viên tiếp nhận bản chính của các loại giấy tờ, văn bản cần dịch, kiểm tra và giao cho người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình thực hiện. Người phiên dịch phải ký vào từng trang của bản dịch trước khi công chứng viên ghi lời chứng và ký vào từng trang của bản dịch.
Đối với các loại giấy tờ, văn bản công chứng thì từng trang của bản dịch phải được đóng dấu chữ “Bản dịch” vào chỗ trống phía trên bên phải; bản dịch phải được đính kèm với bản sao của bản chính và được đóng dấu giáp lai theo đúng các quy định của pháp luật.
1.2. Trường hợp không được công chứng bản dịch:
Công chứng viên không được nhận và công chứng bản dịch trong các trường hợp sau đây:
– Thứ nhất, công chứng viên biết hoặc phải biết bản chính được cấp sai thẩm quyền hoặc không hợp lệ; bản chính giả.
– Thứ hai, các giấy tờ, văn bản được yêu cầu dịch đã bị tẩy xóa, sửa chữa, thêm, bớt hoặc bị hư hỏng, cũ nát không thể xác định rõ nội dung.
– Thứ ba, các giấy tờ, văn bản được yêu cầu dịch thuộc bí mật nhà nước; giấy tờ, văn bản bị cấm phổ biến theo quy định của pháp luật.
1.3. Hình thức dịch thuật công chứng:
Có hai hình thức dịch thuật công chứng sau đây:
– Hình thức thứ nhất: Chứng thực bản dịch tại Ủy ban nhân dân Quận, Huyện thường gọi là dịch thuật công chứng tư pháp. Việc chứng thực bản dịch thực hiện bởi phòng tư pháp Quận, Huyện. Dịch thuật công chứng tư pháp là việc phòng tư pháp chứng thực cộng tác viên đã dịch và cam kết dịch chính xác từ văn bản gốc sang tiếng nước ngoài. Cộng tác viên ở đây là người đủ khả năng, trình độ dịch thuật. Được cơ quan nhà nước kiểm tra trình độ và ký
– Hình thức thứ hai: Công chứng bản dịch tại Văn phòng công chứng là việc công chứng viên công chứng bản dịch.
Hai hình thức này có bản chất khác nhau. Ủy ban nhân dân quận huyện chỉ chứng thực chữ ký của người dịch trên bản dịch chứ không chịu trách nhiệm về nội dung dịch thuật. Công chứng viên công chứng bản dịch sẽ phải chịu trách nhiệm về nội dung của bản dịch. Tuy nhiên, giá trị sử dụng và pháp lý của hai bản chứng này là như nhau.
2. Tiêu chuẩn, điều kiện của cộng tác viên dịch thuật công chứng:
Theo quy định tại Điều 27, Điều 28
– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.
– Có bằng cử nhân ngoại ngữ trở lên về thứ tiếng nước ngoài cần dịch hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên đối với thứ tiếng nước ngoài cần dịch.
Đối với ngôn ngữ không phổ biến mà người dịch không có bằng cử nhân ngoại ngữ, bằng tốt nghiệp đại học theo quy định này thì phải thông thạo ngôn ngữ cần dịch.
Người có đủ những tiêu chuẩn và điều kiện trên được làm cộng tác viên dịch thuật của Phòng Tư pháp trong phạm vi cả nước. Phòng Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra tiêu chuẩn, điều kiện của cộng tác viên dịch thuật và lập danh sách cộng tác viên dịch thuật của phòng, báo cáo Sở Tư pháp phê duyệt.
– Người dịch là cộng tác viên của Phòng tư pháp phải đăng ký chữ ký mẫu tại Phòng tư pháp. Khi đăng ký chữ ký mẫu, người dịch phải nộp Văn bản đề nghị đăng ký chữ ký mẫu và trực tiếp ký trước mặt Trưởng phòng Tư pháp 03 (ba) chữ ký mẫu trong Văn bản đề nghị đăng ký chữ ký mẫu.
Theo quy định trên, đối với ngôn ngữ phổ biến, cộng tác viên dịch thuật phải có bằng tốt nghiệp đại học /bằng cử nhân trở lên đối với thứ tiếng nước ngoài cần dịch; đối với ngôn ngữ không phổ biến thì cộng tác viên dịch thuật phải thông thạo ngôn ngữ cần dịch. Hiện nay, có thể nói tiếng Trung (thứ tiếng nước ngoài mà bạn đăng ký cộng tác viên dịch thuật) là ngôn ngữ phổ biến nên nếu bạn muốn đăng ký là cộng tác viên dịch thuật tiếng Trung Quốc tại Phòng tư pháp thì phải có bằng tốt nghiệp đại học/bằng cử nhân trở lên đối với tiếng Trung Quốc.
3. Vai trò của hoạt động công chứng trong thực tiễn:
Để phòng ngừa các tranh chấp, bảo đảm an toàn pháp lý cho các quan hệ trong các loại giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại mà đương sự tham gia, họ cần đến chứng cứ công chứng – đây được xem loại chứng cứ xác thực, chứng cứ đáng tin cậy hơn hẳn các loại giấy tờ không có công chứng hoặc chỉ trình bày bằng miệng.
Công chứng cũng có vai trò rất lớn đối với đời sống xã hội và phát triển kinh tế của đất nước.
Công chứng là một hoạt động quan trọng được quy định cụ thể trong văn bản pháp luật, một thể chế không thể thiếu được của Nhà nước pháp quyền.
Các văn bản công chứng là một công cụ hữu hiệu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể, phòng ngừa các tranh chấp có thể xảy ra, tạo ra sự ổn định của quan hệ giao dịch dân sự, tài sản, bảo đảm trật tự, kỷ cương. Ngoài ra, các văn bản công chứng tạo ra một bằng chứng xác thực, kịp thời không ai có thể phản bác, chối cãi, trừ trường hợp có ý kiến của người thứ ba và được quá trình tố tụng cho là không đúng.
Về giá trị pháp lý, văn bản công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan và có giá trị pháp lý cao, trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng có các thuận khác.
Văn bản công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng không phải phải chứng minh, trừ trường hợp văn bản công chứng đó bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.
Một vai trò hết sức quan trọng nữa của văn bản công chứng đó là các văn bản pháp lý được công chứng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cá nhân, tổ chức tiện lợi trong giao dịch hơn. Đồng thời, đây là cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp khi buộc các bên tham gia giao dịch phải xác nhận tính xác thực của hợp đồng, cũng như địa vị, trách nhiệm pháp lý trong tham gia giao dịch. Vì vậy, việc bắt buộc công chứng các loại hợp đồng trong giao dịch liên quan đến kinh tế sẽ tránh được nhiều rắc rối, kiện cáo phát sinh.