Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của người dân có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Vậy tiếp công dân là gì? Ý nghĩa, mục đích của việc tiếp công dân?
Mục lục bài viết
1. Tiếp công dân là gì?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật tiếp công dân năm 2014 tiếp công dân được hiểu là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố giác, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật.
Thông thường hoạt động tiếp công dân thường thực hiện ở Trụ sở tiếp công dân, địa điểm dùng làm tiếp công dân hoặc nơi làm việc khác do cơ quan, tổ chức, đơn vị bố trí để tiếp công dân và khi tổ chức tiếp công dân tại địa điểm trên phải được thông báo công khai hoặc thông báo trước cho người được tiếp.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm thực hiện tiếp công dân bao gồm:
+ Chính phủ;
+ Các Bộ, cơ quan ngang bộ; tổng cục và tổ chức tương đương; cục;
+ Ủy ban nhân dân các cấp;
+ Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
+ Các cơ quan của Quốc hội;
+ Hội đồng nhân dân các cấp;
+
+ Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp;
+ Tổ chức chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức việc tiếp công dân phù hợp với yêu cầu, quy mô, tính chất hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
2. Ý nghĩa của việc tiếp công dân:
Đảng và Nhà nước ta hoạt động luôn dựa trên quy định của pháp luật, nhận thức sâu sắc và thấm nhuần tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh, với tư tưởng: “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi”. Như vậy công tác tiếp dân có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức nhà nước, giúp cho việc xây dựng nhà nước vững mạnh, phát triển. Nhưng ý nghĩa đó được thể hiện cụ thể như sau:
Thứ nhất, công tác tiếp dân là hoạt động phát huy vai trò của nhà nước ta là “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”. Thông qua hoạt động tiếp công dân thể hiện trách nhiệm của cơ quan nhà nước với công dân. Đồng thời khi tiếp công dân Đảng và Nhà nước có điều kiện lắng nghe, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, ý kiến của người dân liên quan trực tiếp tới hoạt động tiếp dân của cán bộ, công chức, cơ quan Nhà nước hoặc về cơ chế chính sách, đời sống dân sinh…để giải đáp kịp thời những vướng mắc của người dân. Từ đó, cơ quan Nhà nước đánh giá được những hạn chế, khiếm khuyết của cán bộ, những bất cập trong thủ tục quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đời sống để điều chỉnh sao cho phù hợp hơn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Bộ máy nhà nước, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội mà Đảng và Nhà nước đặt ra. Đồng thời cũng nâng cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan nhà nước với người dân, củng cố niềm tin của người dân đối với cơ quan nhà nước.
Thứ hai, công tác tiếp dân thực hiện có hiệu quả mới phát huy được tinh thần làm chủ của nhân dân, huy động được sự tham gia rộng rãi của nhân dân vào hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Người dân được tố cáo, khiếu nại với những vấn đề sai phạm của cán bộ, trực tiếp tham gia giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước giúp cho việc xử lý những sai phạm như tham nhũng, quan liêu, tiêu cực được kịp thời, góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch và vững mạnh.
Thứ ba, hoạt động tiếp dân thúc đẩy hoàn thiện công tác quản lý nhà nước, công tác chỉ đạo điều hành đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, xây dựng và hoạch định chính sách một cách kịp thời, đúng đắn, phù hợp với lòng dân. Qua đó, cơ quan, tổ chức đơn vị có điều kiện để nhìn nhận và đánh giá lại cơ chế chính sách, công tác chỉ đạo của mình để kịp thời khắc phục và sáng tạo cải tiến cho phù hợp.
Thứ tư, công tác tiếp công dân tốt tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền khiếu nại, quyền tố cáo và phát huy quyền làm chủ, quyền giám sát đối với hoạt động của cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước, bảo đảm trật tự, kỷ cương xã hội giúp cho cơ quan nhà nước kiểm tra, đánh giá, phát hiện và xử lý các hành vi trái pháp luật. Vì vậy, việc giải quyết nhanh chóng, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân, gắn liền với nó là việc khôi phục kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xử lý nghiêm minh những người sai phạm, giúp cho chất lượng của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo xử lý có hiệu quả.
3. Mục đích của việc tiếp công dân:
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 04/2021/TT-TTCP quy định về quy trình tiếp công dân do Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành xác định mục đích tiếp công dân như sau:
Thứ nhất, tiếp công dân nhằm hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đúng quy định pháp luật, góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân.
Nội dung này thể hiện rõ yêu cầu mang tính bắt buộc đối với cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức Nhà nước trong mối quan hệ đối với công dân. Đó là trách nhiệm của cơ quan nhà nước phải luôn tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân và lắng nghe ý kiến của nhân dân. Đồng thời thông qua đó, khắc phục được những bất cập trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, tuyên truyền và giáo dục pháp luật đến với mọi công dân.
Thứ hai, tiếp công dân để tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Tiếp nhận khiếu nại tố cáo của công dân giúp cho việc bảo đảm việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được kịp thời và hiệu quả. Đồng thời công tác tiếp công dân cũng có mối quan hệ chặt chẽ với hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Khi tiếp công dân, người có thẩm quyền tiếp nhận được các thông tin kiến nghị, phản ánh, đóng góp ý kiến về các vấn đề liên quan đến chủ chương, đường lối chính sách của Đảng và nhà nước. Qua đó, người dân có quyền được tham gia đóng góp, xây dựng các vấn đề liên quan đến địa phương và đất nước, đảm bảo dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Đây là cách thể hiện bản chất dân chủ của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Đối với cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức phải luôn tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, việc tiếp công dân cũng đặt ra yêu cầu mang tính bắt buộc. Thông qua việc tiếp công dân Tiếp công dân là giải thích những thắc mắc, khó khăn của công dân khi có yêu cầu, từ đó hướng dẫn công dân thực hiện các thủ tục hành chính khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình tại cơ quan nhà nước, hỗ trợ, giúp công dân giải quyết nhanh chóng, thuận tiện những công việc khi thực hiện các thủ tục hành chính trong mối quan hệ với cơ quan nhà nước.
4. Những trường hợp được từ chối tiếp công dân:
Căn cứ tại Điều 9 Luật tiếp công dân năm 2014 quy định những trường hợp sau đây người tiếp công dân được từ chối tiếp công dân đến nơi tiếp công dân trong các trường hợp sau đây:
– Công dân đến nơi tiếp công dân mà đang trong tình trạng say do dùng chất kích thích, người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển được hành vi của mình;
– Công dân có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ hoặc có các hành vi khác vi phạm nội quy tại nơi tiếp công dân của địa phương đó;
– Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã tiến hành kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản đối với người khiếu nại , tố cáo về vụ việc đã được giải quyết theo đúng chính sách, pháp luật và đã được cơ quan có thẩm quyền đó tiếp, giải thích, hướng dẫn nhưng công dân đó vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài;
– Ngoài ra còn có các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Luật tiếp công dân năm 2014.
– Thông tư 04/2021/TT-TTCP quy định về quy trình tiếp công dân do Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành.