Hiện nay nhiều doanh nghiệp lựa chọn hình thức dựa trên doanh số để trả tiền lương, tiền thưởng cho nhân viên. Vậy tiền thưởng doanh số xuất hóa đơn và hạch toán như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Tiền thưởng doanh số có phải xuất hóa đơn không?
Đối với những hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài) là những đối tượng phải chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo quy định. Tuy nhiên có những trường hợp không phải kê khai, nộp thuế GTGT tại quy định Khoản 1 Điều 5
Không phải kê khai, nộp thuế GTGT đối với tổ chức, cá nhân nhận được các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), các khoản tiền hỗ trợ, tiền thưởng, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác. Tuy nhiên cơ sở kinh doanh phải lập chứng từ thu theo quy định khi nhận khoản tiền thu về từ tiền bồi thường, tiền hỗ trợ nhận được, tiền thưởng, tiền chuyển nhượng quyền phát thải theo quy định của pháp luật. Để lập chứng từ chi tiền phù hợp, các cơ sở kinh doanh chi tiết cần căn cứ vào mục đích chi.
Đối với những khoản tiền mà cơ sở kinh doanh nhận được của tổ chức, cá nhân để thực hiện dịch vụ cho tổ chức, cá nhân chẳng hạn dùng số tiền đấy để sửa chữa, bảo hành, khuyến mại, quảng cáo thì phải kê khai, nộp thuế theo quy định.
Như vậy, tại Khoản 1 Điều 5 của Thông tư 219/2013/TT-BTC chỉ quy định về tiền thưởng, không có quy định cụ thể về tiền thưởng doanh số có xuất hóa đơn hay không. Dựa trên tinh thần của quy định này, có thể thấy trường hợp tiền thưởng doanh số không phải kê khai, nộp thuế GTGT như sau: Tiền thưởng doanh số từ doanh nghiệp mà không có điều kiện kèm theo thì không cần phải xuất hóa đơn mà chỉ cần dựa vào mục đích chi đó để lập phiếu thu, chi.
Tuy nhiên, trường hợp nhận tiền thưởng doanh số từ doanh nghiệp mà để thực hiện các dịch vụ cho doanh nghiệp như sửa chữa, bảo hành, quảng cáo, khuyến mại kèm theo điều kiện thì vẫn phải lập hóa đơn và kê khai, nộp thuế theo quy định. Trường hợp có thưởng doanh số bằng hàng hóa, dịch vụ thì phải lập hóa đơn và kê khai thuế như bán hàng.
Ngoài ra, Cục Thuế TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 69565/CT-TTHT giải đáp thắc mắc của Công ty cổ phần Megram về vấn đề chính sách thuế đối với các khoản thưởng doanh số. Cụ thể, Cục thuế TP Hà Nội đã trả lời công ty cần căn cứ vào tình hình thực tế xác định khoản chi của đơn vị là tiền thưởng hay tiền chiết khấu thương mại để thực hiện theo nguyên tắc sau:
+ Đối với trường hợp khách hàng đạt doanh số và được công ty chi khoản thưởng thì khách hàng khi nhận khoản tiền thưởng này phải lập chứng từ thu theo quy định và thuộc trường hợp không phải kê khai tính nộp thuế GTGT theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 5
+ Công ty lập hóa đơn bán hàng đối với trường hợp bán hàng mà giảm giá niêm yết cho khách mua với số lượng lớn, bán hàng theo chiết khấu thương mại, cụ thể: Số tiền chiết khấu thương mại được tính điều chỉnh trên hóa đơn bán hàng của lần mua cuối cùng hoặc điều chỉnh trên hóa đơn vào kỳ tiếp sau đối với trường hợp Công ty bán hàng hóa có áp dụng hình thức chiết khấu thương mại cho khách hàng căn cứ vào doanh số hàng hóa đã bán; Công ty được lập hóa đơn điều chỉnh kèm bảng kê các số hóa đơn cần điều chỉnh, số tiền, tiền thuế điều chỉnh đối với trường hợp số tiền chiết khấu được lập khi kết thúc chương trình (kỳ) chiết khẩu hàng bán.
Bên cạnh đó, nội dung Công văn 488/TCT-CS năm 2013, Tổng Cục Thuế Hà Nội gửi cho Công ty TNHH Panasonic về chính sách thuế GTGT, thuế TNDN đối với các khoản chiết khấu, giảm giá cũng nêu rõ các khoản thưởng doanh số được xem như khoản chiết khấu thương mại. Do đó, doanh nghiệp thực hiện tương tự như các quy định về chiết khấu thương mại như sau:
Công ty được giảm trừ doanh thu khi tính thuế GTGT khi Công ty phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh việc giảm doanh thu và không thu được tiền thực tế đối với các khoản giảm giá trong trường hợp Công ty thực hiện chiết khấu, giảm giá dựa trên doanh số bán hàng với mức nhất định và thực hiện giảm trừ trực tiếp trên hóa đơn GTGT.
Tuy nhiên với những khoản chiết khấu ngay bao gồm cả chiết khấu thanh toán ngay và chiết khấu thanh toán nhanh thì khi tính thuế GTGT công ty không được giảm trừ doanh thu.
Với các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN, các khoản chiết khấu thương mại (chiết khấu, giảm giá dựa trên doanh số bán hàng) đã được giảm trừ doanh thu tính thuế GTGT và thuế TNDN, do đó các khoản chi này không được ghi nhận vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
2. Tiền thưởng doanh số thì hạch toán như thế nào?
Các khoản thưởng ngày nghỉ Lễ, Tết, thưởng khi đạt doanh số … có bản chất là tiền lương, tiền công nên được hạch toán vào tài khoản 334- Phải trả người lao động. Trong tiền lương thưởng mà doanh nghiệp phải trả cho nhân viên thì khoản chi trả tiền thưởng khi đạt doanh số cho nhân viên được hạch toán như sau:
Căn cứ theo quy định tại Điều 53 Thông tư 200/2014/TT-BTC thì tiền thưởng cho người lao động là một trong những khoản chi mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động, khoản tiền chi và tình hình thanh toán khoản chi này được ghi rõ trong tài khoản 334. Theo dó kết cấu và nội dung phản ánh tài khoản 334 như sau:
Bên Nợ:
– Các khoản tiền thưởng có tính chất tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội và các khoản khác đã chi, đã trả, đã ứng trước cho người lao động;
– Các khoản khấu trừ vào tiền lương, tiền công của người lao động.
Bên Có: Khoản tiền thưởng có tính chất lương, bảo hiểm xã hội và các khoản khác phải trả, phải chi cho người lao động;
Số dư bên Có: Khoản tiền thưởng có tính chất lương và các khoản khác còn phải trả cho người lao động.
Tài khoản 334 phải hạch toán chi tiết về Thanh toán lương và thanh toán các khoản khác.
Tài khoản 334 có 2 tài khoản cấp 2 gồm:
– Tài khoản 3341 – Phải trả công nhân viên trong doanh nghiệp là các khoản phải trả và tình hình thanh toán các khoản phải trả cho công nhân viên của doanh nghiệp về tiền lương, tiền thưởng có tính chất lương, bảo hiểm xã hội và các khoản phải trả khác thuộc về thu nhập của công nhân viên.
– Tài khoản 3348 – Phải trả người lao động khác trong doanh nghiệp là các khoản phải trả và tình hình thanh toán về tiền công, tiền thưởng (nếu có) có tính chất về tiền công và các khoản khác thuộc về thu nhập của người lao động khác ngoài công nhân viên của doanh nghiệp.
Theo đó, phương pháp kế toán đối với tiền thưởng trả cho nhân viên như sau:
– Khi xác định số tiền thưởng trả công nhân viên từ quỹ khen thưởng, ghi:
Nợ TK 353 – Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3531)
Có TK 334 – Phải trả người lao động (3341).
– Khi xuất quỹ chi trả tiền thưởng, ghi:
Nợ TK 334 – Phải trả người lao động (3341)
Có các TK 111, 112,…
Việc chi tiền thưởng cho nhân viên vượt doanh số bán hàng nên phải đưa vào chi phí bán hàng theo quy định tại Điều 91 Thông tư 200/2014/TT-BTC có quy định về tài khoản 641 – chi phí bán hàng như sau: Theo đó tài khoản 641 để phản ánh các chi phí thực tế phát sinh trong quá trình bán sản phẩm, hàng hoá, cung cấp dịch vụ, bao gồm các chi phí chào hàng, giới thiệu sản phẩm, quảng cáo sản phẩm, hoa hồng bán hàng, chi phí bảo hành sản phẩm, hàng hoá (trừ hoạt động xây lắp), chi phí bảo quản, đóng gói, vận chuyển,…trong đó có phản ánh về tiền thưởng. Đối với khoản tiền thưởng không được coi là chi phí tính thuế TNDN theo quy định của Luật thuế nhưng đã hạch toán đúng theo Chế độ kế toán và đã có đầy đủ hóa đơn chứng từ thì không được ghi giảm chi phí kế toán mà chỉ điều chỉnh trong quyết toán thuế TNDN để làm tăng số thuế TNDN phải nộp.
Đối với khoản tiền thưởng doanh số thì theo quy định tai điểm a khoản 3 Điều 91 Thông tư 200/2014/TT-BTC sử dụng bút toán Nợ 641/Có 334 ghi:
Nợ TK 641 – Chi phí bán hàng
Có các TK 334, 338,…
Đồng thời tính toán thuế TNCN phải nộp (nếu có), ghi:
Nợ TK 334
Có TK 3335
– Khi nộp thuế TNCN, kế toán ghi:
Nợ TK 3335
Có TK 111,112
3. Những lưu ý khi tính tiền thưởng doanh số cho nhân viên:
– Quá nhiều mức thưởng, quy định các mức thưởng không rõ ràng: Thực tế, với nhiều mức thưởng doanh số, nhân viên theo xu hướng phản xạ tự nhiên sẽ nhớ những mức thưởng cao, điều này vô hình chung làm giảm sự phấn đấu và chưa khai thác hết được năng lực của nhân viên.
– Mức thưởng theo doanh số đặt ra quá cao hoặc quá thấp: Nếu đặt doanh số để đạt được mức thưởng quá cao với thực tế tình hình kinh doanh của doanh nghiệp sẽ khiến nhân viên thiếu động lực vì nghĩ khó có thể đạt được; còn nếu đặt doanh số thưởng quá thấp thì nhân viên không đặt mục tiêu để tiếp tục cố gắng.
– Lương cơ bản và tiền thưởng doanh số cân cân xứng , phù hợp để nhân viên ổn định cuộc sống, cố gắng cống hiến.
4. Cách tính tiền thưởng doanh số cho nhân viên:
Cách 1: Trích theo phần trăm cố định: chủ yếu áp dụng cho loại sản phẩm có giá trị tương đương nhau. Ví dụ với mỗi sản phẩm bán ra với giá cố định 5.000.000 đồng, nhân viên bán hàng được trích 1% thì số tiền thưởng là 50.000 đồng.
Cách 2: Thưởng theo bậc thang
Theo cách thưởng này khi nhân viên kinh doanh đạt được mức doanh số mà doanh nghiệp đặt ra sẽ được nhân với giá trị tương ứng rồi cộng lại.
Ví dụ:
– Doanh số đạt 0 – 300 triệu: hoa hồng 3%
– Doanh số đạt 300 – 500 triệu: hoa hồng 4%
– Doanh số đạt trên 500 triệu: hoa hồng 5%
Các văn bản pháp luật được sử dụng có liên quan bài viết:
– Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật thuế giá trị gia tăng và
– Thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp;
– Công văn 69565/CT-TTHT năm 2020 về chính sách thuế đối với khoản thưởng doanh số do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành;