Bài thuyết trình về nghệ thuật kể chuyện trong tác phẩm truyện cần giới thiệu những thông tin cơ bản về tác phẩm truyện được chọn để thuyết trình; nêu được các khía cạnh trong nghệ thuật kể chuyện của tác phẩm truyện; Trình bày được những phát hiện cá nhân về giá trị của tác phẩm, thu hút sự quan tâm của người nghe về tác phẩm được chọn để thuyết trình.
Mục lục bài viết
1. Yêu cầu của một bài thuyết trình về nghệ thuật kể chuyện trong tác phẩm truyện:
Một bài thuyết trình về nghệ thuật kể chuyện trong tác phẩm truyện cần đảm bảo một số yêu cầu sau:
– Bài thuyết trình giới thiệu được những thông tin cơ bản về tác phẩm truyện được chọn làm đề tài để thuyết trình.
– Bài thuyết trình cần nêu được các khía cạnh trong nghệ thuật kể chuyện của tác phẩm truyện đó.
– Bài thuyết trình phải trình bày được ý kiến của cá nhân mình gồm những phát hiện về giá trị nào của tác phẩm thu hút sự quan tâm của người nghe về tác phẩm được chọn để thuyết trình.
– Việc thuyết trình phải đảm bảo thể hiện được sự tôn trọng những cách cảm nhận đánh giá khác nhau về một tác phẩm truyện.
2. Thuyết trình về nghệ thuật kể chuyện trong tác phẩm truyện:
2.1. Chuẩn bị nói:
– Lựa chọn đề tài của bài nói: Lựa chọn một đề tài bản thân muốn để thuyết trình, ví dụ lựa chọn nghệ thuật kể chuyện trong truyện ngắn Đời thừa.
– Tìm ý và sắp xếp ý: Để tránh nói chung chung hoặc lan man, bạn cần phải đặt tên cho bài nói (tên bài thề hiện rõ điều muốn nói, cả về nội dung và định hướng). Việc xác định ý và sắp xếp ý cũng được thực hiện theo quy trình giống như ở hoạt động Viết trước đó.
– Xác định từ ngữ then chốt, từ hệ thống luận điểm ở bài viết, lựa chọn những ý quan trọng nhất, thể hiện rõ quan điểm của bản thân cần được trình bày trong bài nói. Chẳng hạn như:
+ Tại sao cần quan tâm đến nghệ thuật tự sự của truyện này?
+ Vấn đề câu chuyện và truyện kể
+ Vấn đề người kể chuyện và điểm nhìn nhân vật
+ Đặc điểm lời trần thuật
+ Ý nghĩa của nghệ thuật tự sự ở tác phẩm này
2.2. Thực hành nói:
Bài nói phải có đầy đủ ba phần, các phần tập trung nói vào những nội dung sau:
– Mở đầu: Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm truyện mà bạn lựa chọn để thuyết trình. Cần lưu ý bắt đầu bài nói không quá đi xa vấn đề sao cho thu hút được sự chú ý của người nghe, tránh việc thuyết trình giống như việc đọc lại bài viết.
– Nội dung: Trình bày lần lượt các thông tin trong bài viết mà bạn đã làm ở bước tìm ý và sắp xếp ý theo hình thức tóm lược, bài nói sẽ có sức thuyết phục hơn khi được kết hợp nhịp nhàng với việc trình chiếu hay minh họa trực quan (nếu có). Người nói có thể kể lại ngắn gọn nội dung của truyện để người nghe có thể hiểu nội dung mình nói nhưng không nên kể lại hoàn toàn tiết lộ nội dung của truyện, nếu tác phẩm ấy chưa được nhiều người biết đến. Phương tiện trình chiếu được thiết kế dựa vào các luận điểm đã xác định trong bố cục bài nói, thiết kế các slide sao cho thích hợp. Nội dung của bài nói nên sử dụng các từu ngữ mang tính then chốt (ví dụ như những từ được gợi ý trong sách giáo khoa). Khi thuyết trình có thể sử dụng các phương tiện phi ngôn ngữ nếu cần thiết đề bài thuyết trình không bị nhàm chán.
– Kết bài: Khái quát lại những điều cảm nhận, phát hiện cũng như đánh giá của bản thân về tính nghệ thuật của tác phẩm mà mình chọn để giới thiệu. Kết bài bằng cách khuyến khích người nghe chia sẻ cảm nhận hay góc nhìn khác về tác phẩm sau khi nghe mình thuyết trình là một cách kết bài đặc sắc.
2.3. Trao đổi đánh giá:
Sau khi thực hành nói bài thuyết trình của mình, người nói và người nghe có thể có những trao đổi, đánh giá như sau:
– Người nói:
+ Người nói sẽ trả lời những câu hỏi, thắc mắc của người nghe.
+ Khi trả lời, người nói phải thể hiện thái độ tiếp thu ý kiến một cách chân thành, cởi mở với những góp ý xác đáng, nghiêm túc.
+ Ngoài ra, người nói có thể chia sẻ thêm một số điểm mà mình muốn làm rõ hơn nữa và một số phát hiện khác về tính nghệ thuật của tác phẩm vừa thuyết trình.
– Người nghe:
+ Sau khi nghe bài thuyết trình, người nghe có thể chia sẻ những điểm mà bản thân cảm thấy hợp lí và hấp dẫn trong bài thuyết trình.
+ Đưa ra đánh giá, cảm nhận về tác phẩm khác với người nói hoặc đưa ra những điểm còn băn khoăn.
+ Ngoài ra, người nghe có thể đặt thêm một số câu hỏi để người nói làm rõ hơn về những điều bạn tâm đắc ở tác phẩm.
– Người nói và người nghe có tham khảo một số tiêu chí theo bảng sau để tự đánh giá hay đánh giá về bài trình bày:
STT | Nội dung đánh giá | Kết quả | |
Đạt | Chưa đạt | ||
1 | Giới thiệu được các thông tin cần thiết về tác phẩm truyện được thuyết trình (các thông tin như tác giả, hoàn cảnh ra đời, vị trí của tác phẩm trong sự nghiệp của nhà văn hay trong lịch sử văn học, …). | ||
2 | Chỉ ra và đánh giá được theo cách nhìn của bản thân các phương diện làm nên tính nghệ thuật của tác phẩm truyện. | ||
3 | Biết phối hợp nhịp nhàng giữa nội dung phần nói, giọng điệu, phương tiện phi ngôn ngữ và phần trình chiếu hay minh họa trực quan. | ||
4 | Có sự tương tác với những người nghe bằng ánh mắt, câu nói, hành động, …, thu hút được sự quan tâm của người nghe đối với tác phẩm. |
3. Bài nói tham khảo:
Xin chào thầy cô và các bạn!
Mình là Phương Thảo. Trong bài học hôm nay, mình xin được trình bày về nghệ thuật kể chuyện trong tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao. Rất mong được thầy cô và các bạn cùng chú ý lắng nghe.
Trong tác phẩm Chí Phèo, nhà văn Nam Cao đã thành công sử dụng và mang lại rất nhiều giá trị nghệ thuật đắt giá. Một điểm nghệ thuật đặc biệt ấn tượng trong tác phẩm “Chí Phèo” đó là có sự xáo trộn trình tự thời gian. Nhà văn đã mở đầu câu chuyện bằng âm thanh tiếng chửi của Chí Phèo, sau đó tác giả mới bắt đầu dẫn dắt vào câu chuyện. Điều này đã tạo nên sức hấp dẫn và gây chú ý, thu hút người đọc ngay từ những câu đầu tiên của truyện. Đến cuối câu chuyện là hình ảnh cái lò gạch cũ bỏ hoang đã từng xuất hiện ở đầu tác phẩm, điều này gửi gắm thông điệp sâu sắc của tác giả đến người đọc, đó là: chừng nào còn tồn tại một xã hội như làng Vũ Đại thì lúc ấy vẫn còn những Chí Phèo con ra đời.
Nét nghệ thuật đắc sắc thứ hai, Nam Cao còn thành công trong việc phân tích tâm lí nhân vật. Những chi tiết tác giả miêu tả hình ảnh Chí Phèo từ một người nông dân lương thiện mà trở nên tha hóa, đến cuối cùng bị loại bỏ ra khỏi xã hội loài người. Từ hình tượng nhân vật này, nhà văn đã khái quát một hiện tượng phổ biến của xã hội thời bấy giờ, đó là tình trạng người nông dân nghèo khổ bị bần cùng hóa và cuối cùng là tha hóa. Không chỉ phân tích tâm lí nhân vật tài tình, nhà văn còn xây dựng nên những hình ảnh đặc sắc mang nhiều ý nghĩa biểu tượng. Điển hình là chi tiết bát cháo hành đơn sơ là biểu hiện của tình yêu thương. Chính hơi ấm từ hình ảnh bình dị đó đã thức tỉnh con quỷ dữ bên trong Chí Phèo và khiến hắn từ một người đã tha hóa, bị xã hội ruồng bỏ muốn quay trở lại làm người lương thiện. Có thể thấy nghệ thuật xây dựng hình ảnh của Nam Cao đã tạo ra một hình ảnh biểu tượng tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng mỗi ai sau khi đọc xong truyện khi nhắc đến cháo hành đều nghĩ ngay đến truyện Chí Phèo.
Đặc sắc về nghệ thuật trong truyện “Chí Phèo” không thể không kể đến là ngôn ngữ kể chuyện đa dạng, linh hoạt xuyên suốt tác phẩm, điều đó giúp cho người đọc cảm nhận được rõ ràng nhất những tâm trạng của nhân vật.
Đọc xong tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao, người đọc có thể thấy được và trầm trồ trước tài năng của Nam Cao trong việc viết truyện ngắn.
Bài thuyết trình của mình đến đây là kết thúc. Cảm ơn thầy cô và các bạn đã chú ý lắng nghe. Mình rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của mọi người.