Bài thơ "Mùa xuân chín" là một tác phẩm tiêu biểu, góp phần làm nên tên tuổi của Hàn Mặc Tử. Tiêu đề bài thơ "Mùa xuân chín" gợi lên một sự mềm mại, mùi hương thoang thoảng của mùa xuân rạo rực nhưng không kém phần sâu lắng và ý tứ. Để tìm hiểu thêm về tác phẩm này, mời bạn đọc theo dõi bài viết Thuyết minh về tác phẩm Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử.
Mục lục bài viết
1. Thuyết minh về tác phẩm Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử hay nhất:
Hàn Mặc Tử (1912 – 1940), tên thật là Nguyễn Trọng Trí và ông cũng là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của phong trào Thơ mới. Ông từng học trung học ở Huế sau đó ra làm công chức ở Sở Đạc điền Bình Định rồi vào Sài Gòn làm báo. Bài thơ “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử được rút từ tập thơ Đau thương sáng tác năm 1938 được coi là tiếng thơ trong trẻo nhất trong cuộc đời làm thơ của Hàn Mặc Tử. Bài thơ là một bức tranh thôn dã mang đậm vẻ xuân từ cảnh vật cho đến tấm lòng của con người.
Bức tranh thiên nhiên trong bài thơ hiện lên với vẻ đẹp của sắc xuân ngập tràn:
“Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang”.
Đó là sắc vàng của ánh nắng sớm, là đôi mái hiên lấm tấm vàng của nước và ánh nắng. Khung cảnh ấy tạo nên một bức tranh thiên nhiên mùa xuân giản dị và rất đỗi gần gũi. Đặc biệt là hình ảnh “sột soạt” của tiếng gió thổi vào tà áo. Đây được xem là cách miêu tả âm thanh đặc biệt và hay. Qua con mắt trữ tình của tác giả, chỉ là hình ảnh gió thổi tà áo nhưng tác giả đã thổi hồn vào sự vật, nhân hóa nó để tưởng chừng như gió đang trêu tà áo. Tất cả tạo nên một cảm giác vui tươi khó tả, sự hứng khởi khi mùa xuân tới. Giàn thiên lý lấp ló sau bóng xuân tạo nên một khung cảnh mãn nhãn, khiến người đọc không khỏi trầm trồ mà tưởng tượng ra được một khung cảnh thiên nhiên đẹp và mê hoặc đến thế.
Sức sống đang tràn ngập muôn nơi, con người cũng vậy, cũng hòa mình vào sức sống mãnh liệt đó của đất trời:
“Bao cô thôn nữ hát trên đồi
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”.
Mọi người đang hòa mình vào khung cảnh xuân cũng chính là đang đắm chìm trong hạnh phúc của cuộc đời. Đó là hình ảnh những cô thôn nữ còn “xuân xanh”, họ đều trẻ trung, xinh đẹp như mùa xuân. Họ đang đắm chìm trong hạnh phúc, có cả hạnh phúc lứa đôi (theo chồng). Tiếng hát của họ vang vọng vào không gian, mang theo cả khát vọng của chính họ đến cuộc đời.
“Thầm thì với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây”.
Trong cái sắc xuân tuyệt đẹp ấy của lứa tuổi đẹp nhất, họ đang trò chuyện, tâm tình với người mình thương, giãi bày nỗi lòng của mình. Đó cũng là mong muốn, niềm tiếc nuối của tác giả, phải chăng tác giả cũng đang đợi người thương của mình, cũng muốn một lần được đắm mình vào mùa xuân ấy để được yêu thương và hạnh phúc, để rồi tác giả buồn rầu mà bày tỏ nỗi nhớ nhung của mình trước khí xuân vui tươi ấy:
“Khách xa, gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng
Chị ấy, năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”.
Nếu khổ thơ đầu là hình ảnh cỏ cây xanh tươi thì ở khổ này, mùa xuân đã “chín”, mang theo cảm giác tiếc nuối, ngậm ngùi. Người khách ấy, trong khung cảnh tuyệt đẹp này dường như là bóng dáng quê hương được hiện ra trước mắt tác giả. Anh nhớ họ, nhớ những cảnh vật nhỏ bé mà gần gũi, thân thương, mong muốn được một lần trở về, thăm người con gái thân quen ấy. “Chị ấy” giờ đây đã là người phụ nữ đảm đang, gánh vác trách nhiệm của một người vợ, người mẹ, dẫu vất vả nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp rạng ngời. Ánh nắng chang chang trên bờ sông trắng gợi lên nỗi nhớ nhung, trăn trở về cuộc sống vất vả, khó nhọc nơi thôn quê.
Bài thơ nhẹ nhàng mà sâu lắng, ngôn từ giản dị nhưng được chọn lọc kĩ lưỡng. Mỗi câu thơ đều chứa đựng tình cảm tha thiết, nỗi nhớ quê hương và sự yêu thương sâu sắc. Với tài năng và tấm lòng của mình thì tác giả Hàn Mặc Tử đã viết nên một “Mùa xuân chín” trọn vẹn, đong đầy cảm xúc.
2. Thuyết minh về tác phẩm Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử dành cho học sinh giỏi:
Hàn Mặc Tử là một thi sĩ có phong cách thơ rất riêng biệt, độc đáo. Ông để lại cho đời nhiều tập thơ nổi tiếng như Gái Quê, Thơ Điên hay Chơi Giữa Mùa Trăng. Bài thơ “Mùa xuân chín” là một bài thơ tiêu biểu, góp phần làm nên tên tuổi của nhà thơ.
Tựa đề bài thơ đầy ấn tượng “Mùa xuân chín”, ta nghe như có sự mềm mại, hương thoang thoảng của vị xuân rạo rực mà không kém phần đằm thắm, ý tứ chất chồng những tầng sâu ý nghĩa khiến ta tò mò muốn khám phá, thôi thúc ta đi sâu vào nội dung tác phẩm để khám phá nét “chín” của mùa xuân trong thơ Hàn Mặc Tử ra sao.
“Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang”.
Bức tranh mùa xuân chốn thôn quê thật thanh bình, duyên dáng mà đằm thắm. Trong làn nắng nhẹ của bầu trời, làn khói xa như tan đi tạo nên vẻ đẹp như mơ như thực, không quá chi tiết mà chỉ có đôi nét chấm phá nhưng khiến ta không khỏi xao xuyến trước khung trời bình yên lúc này. Trên những mái nhà tranh nơi quê nghèo lấm tấm màu hoa thiên lý điểm tô. Cơn gió nhẹ đung đưa những chiếc lá xanh biếc tạo nên thứ âm thanh lạ lùng “sột soạt”. Mùa xuân đang len lỏi vào cảnh vật, trên giàn thiên lý báo hiệu xuân về. Mùa xuân đến thì cỏ cây, thiên nhiên, đất trời và cả lòng người như hòa quyện lấy nhau:
“Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thông nữ hát trên đồi.”
Vạn vật mang sức xuân, làn mưa xuân tưới thêm cho cỏ cây sức sống mới đầy xanh tươi “gợn tới trời” như đang đùa giỡn với nắng, với gió và với mây. Tiếng hát đón xuân của bao cô gái thôn quê đầy tình tứ. Mùa xuân đến khiến ai cũng vui tươi, phấn khởi, tầm hồn đầy trẻ trung, yêu đời. Giai điệu nhạc cất lên cùng lời ca:
“Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.”
Niềm vui xuân hòa cùng niềm vui của hạnh phúc lứa đôi. Thế là ngày mai trong đám các cô thôn nữ ấy có người đi lấy chồng bỏ lại sau lưng những cuộc vui, có chút tiếc nuối đan xen niềm vui ấy. Mùa xuân điểm tô cho đời, kết nên quả ngọt cho tình yêu, mùa xuân của hạnh phúc tràn đầy.
“Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi
Hổn hển như lời của nước mây
Thầm thì với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây…”
Niềm yêu đời họa trong lời hát thơ ngây, trong sáng, tình nghịch “tiếng ca vắt vẻo” trên lưng núi, hòa vào cảnh vật để âm vang mãi. Những âm thanh như đang chuyển động theo nhịp thời gian, đầy ý vị, thân thương. Tiếng thơ nghe sao khiến người bâng khuâng, xao xuyến đến lạ kỳ.
“Khách xa, gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng
Chị ấy, năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”.
Nếu khổ thơ đầu là hình ảnh cỏ cây xanh tươi thì ở khổ này, mùa xuân đã “chín”, mang theo cảm giác tiếc nuối, ngậm ngùi. Người khách ấy, trong khung cảnh tuyệt đẹp này dường như là bóng dáng quê hương được hiện ra trước mắt tác giả. Anh nhớ họ, nhớ những cảnh vật nhỏ bé mà gần gũi, thân thương, mong muốn được một lần trở về, thăm người con gái thân quen ấy. “Chị ấy” giờ đây đã là người phụ nữ đảm đang, gánh vác trách nhiệm của một người vợ, người mẹ, dẫu vất vả nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp rạng ngời. Ánh nắng chang chang trên bờ sông trắng gợi lên nỗi nhớ nhung, trăn trở về cuộc sống vất vả, khó nhọc nơi thôn quê.
“Mùa xuân chín” lúc thì dào dạt, lúc thì lắng dịu trong tâm hồn thi sĩ. Có lúc vội vã, có lúc mênh mang như đang lắng hồn mình vào bước đi của mùa xuân bổi hổi, trong trẻo, lãng mạn. Bài thơ nhẹ nhàng mà sâu lắng, ngôn từ giản dị nhưng được chọn lọc kĩ lưỡng. Mỗi câu thơ đều chứa đựng tình cảm tha thiết, nỗi nhớ quê hương và sự yêu thương sâu sắc. Với tài năng và tấm lòng của mình thì tác giả Hàn Mặc Tử đã viết nên một “Mùa xuân chín” trọn vẹn, đong đầy cảm xúc.
3. Dàn ý thuyết minh về tác phẩm Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử:
I. Mở bài:
+ Giới thiệu tác giả Hàn Mặc Tử là một nhà thơ thuộc phong trào Thơ mới, theo đuổi chủ nghĩa tượng rưng siêu thực.
+ Tác phẩm “Mùa xuân chín” là một sáng tác của Hàn Mặc Tử trích trong tập “Đau thương” (1938).
II. Thân bài:
a. Mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình:
+ Mạch cảm xúc bài thơ đi từ bức tranh ngoại cảnh đến bức tranh tâm cảnh, từ cảnh xuân đến tình xuân.
+ Nhan đề “Mùa xuân chín”.
b. Cảnh xuân:
- Nhà thơ vẽ nên bức tranh thiên nhiên mùa xuân rực rỡ, tươi đẹp, tràn đầy sức sống:
+ Dấu hiệu báo xuân sang: Nắng ửng, khói mơ, mái nhà tranh, tà áo biếc, giàn thiên lý.
+ Những kết hợp từ độc đáo: Nắng ửng, khói mơ tan, sóng cỏ, đám xuân xanh.
+ Nghệ thuật đảo ngữ “sột soạt gió trêu tà áo biếc”.
+ Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác “bóng xuân sang”, “tiếng ca vắt vẻo”.
=> Khung cảnh làng quê thanh bình, yên ả mà đằm thắm yêu thương.
c. Tình xuân:
- Nhà thơ thể hiện nỗi nhớ quê, niềm khát khao giao cảm với cuộc đời:
+ Niềm vui của con người khi xuân đến: “Ngày mai trong đám xuân xanh ấy/ Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”.
+ Tình yêu đời, khao khát giao hòa với cuộc đời: “Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi/ Hổn hển như lời của nước mây”.
+ Nỗi nhớ làng quê da diết: “Khách xa gặp lúc mùa xuân chín/ Lòng trí bâng khuâng sự nhớ làng”.
d. Nét hấp dẫn, độc đáo của bài thơ:
+ So sánh bài thơ “Mùa xuân chín” với thơ Đường để từ đó làm rõ tính cổ điển và hiện đại trong bài thơ.
III. Kết bài:
+ Khẳng định giá trị thẩm mỹ, tư tưởng của bài thơ.
THAM KHẢO THÊM: