Vũ Đình Liên (1913 - 1996) là một nhà thơ, nhà giáo và dịch giả nổi bật của văn học Việt Nam. Vũ Đình Liên cũng chính là tác giả của bài thơ nổi tiếng “Ông đồ” - một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của văn học Việt Nam. Xin mời các em học sinh cùng theo dõi bài viết dưới đây với chủ đề Thuyết minh về tác giả Vũ Đình Liên và tác phẩm Ông đồ.
Mục lục bài viết
1. Thuyết minh về tác giả Vũ Đình Liên và tác phẩm Ông đồ hay nhất:
Vũ Đình Liên sinh ngày 12/11/1913 và mất ngày 18/1/1996. Ông không chỉ là một nhà thơ mà còn là một nhà giáo nhân dân tiêu biểu của Việt Nam. Dù sinh ra tại Hà Nội, quê gốc của ông lại thuộc thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Năm 1932, ông tốt nghiệp tú tài rồi tiếp tục theo học tại trường Luật, sau đó làm việc tại Nha Thương chính ở Hà Nội. Sau Cách mạng tháng Tám, ông chuyển sang giảng dạy và từng giữ vị trí Chủ nhiệm Khoa tiếng Pháp tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngoài sáng tác thơ ca, ông còn hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, dịch thuật và là một trong những người sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Những tác phẩm tiêu biểu của ông như “Lũy tre xanh”, “Mùa xuân cộng sản”, “Hạnh phúc” đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả.
Trong số đó, bài thơ “Ông đồ” là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Vũ Đình Liên, phản ánh sinh động sự chuyển mình của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX. Trong bối cảnh chữ Hán dần mai một, những ông đồ – từng là biểu tượng tri thức và nho phong – lại rơi vào quên lãng. Với bút pháp tinh tế và đầy xúc cảm, Vũ Đình Liên đã tái hiện hình ảnh những con người từng được trọng vọng nay lặng lẽ sống trong sự lãng quên, gợi lên bao niềm xót xa, tiếc nuối. Bài thơ được cấu trúc thành ba phần rõ ràng, mỗi phần đều chứa đựng những thông điệp sâu sắc, giúp người đọc cảm nhận trọn vẹn nỗi hoài niệm và sự thương cảm dành cho những giá trị văn hóa đang dần phai mờ của dân tộc.
Nếu thơ Xuân Diệu có giọng điệu say đắm, rạo rực, thơ Hàn Mặc Tử có chút điên loạn, thơ Huy Cận có nỗi buồn ảo não thì thơ của Vũ Đình Liên lại mang một giọng điệu hoài cổ. Mỗi người nghệ sĩ có phong cách thơ khác nhau. Đây chính là nét riêng biệt để phân biệt họ với các tác giả khác và cũng là ấn tượng riêng để bạn đọc nhớ đến. Tuy sáng tác không nhiều nhưng Vũ Đình Liên đã để lại cho văn học Việt Nam những tác phẩm giá trị, tiêu biểu là bài thơ “Ông đồ”.
Bài thơ được sáng tác vào năm 1936 và được đăng trên tạp chí “Tinh hoa”. Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh nền Hán học đang mất dần vị thế của mình do sự xâm nhập của nền văn hóa phương Tây. Đây cũng là lúc các ông đồ không còn được trọng vọng do thời thế đã thay đổi. Nhan đề bài thơ “Ông đồ” gợi nhớ về một nét đẹp đã lùi sâu vào dĩ vãng cùng sự tiếc thương của tác giả.
Nhắc đến ông đồ là nhắc đến những thầy dạy chữ Nho ngày xưa, mỗi dịp Tết đến xuân về ông thường xuất hiện bên đường phố để viết những câu đối đỏ:
“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua”.
Hình ảnh này đã trở nên vô cùng quen thuộc bởi Tết nào ông đồ già cũng xuất hiện cùng với mực tàu và giấy đỏ. Đó là thời đắc ý, vàng son của ông đồ. Như một sự tuần hoàn của chu kỳ thời gian, mỗi dịp chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, khi những cánh đào hồng tươi khoe sắc thắm thì đó cũng là lúc ông đồ xuất hiện. Không gian làm việc của ông là ở bên phố. Qua những vần thơ của Vũ Đình Liên, người đọc hình dung hình ảnh ông đồ già đang vẽ những nét chữ điêu luyện dưới những bông hoa đào cùng tiết trời se lạnh của ngày Tết và những bước chân nhộn nhịp của mọi người qua lại đã tạo nên một bức tranh thật tươi vui. Từ “mỗi”, “lại” đã phần nào thể hiện nhịp điệu đều đặn ấy. Hoa đào và ông đồ đã song hành, sóng đôi cùng nhau để tôn thêm vẻ đẹp của ngày Tết. Màu hồng của hoa đào, màu đen của thỏi mực, màu đỏ của giấy đã làm bức tranh trở nên thật sinh động.
Tài năng viết chữ của ông đồ được mọi người ngợi khen, thán phục:
“Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”.
Rất nhiều người thuê ông viết chữ. Người ta không chỉ quý trọng nét chữ của ông đồ mà còn dành cho ông tấm lòng kính trọng. Ông đồ đã phô diễn tài năng của mình qua các câu đối đỏ, những nét chữ rồng bay phượng múa. Phải là một người am hiểu về Hán học, chữ Nho thì ông đồ mới có thể viết nên những nét chữ tài hoa đến như vậy. Phép tu từ so sánh “như phượng múa rồng bay” đã thể hiện lòng ngưỡng mộ, sự tôn trọng của Vũ Đình Liên cũng như của nhân dân ta dành cho ông đồ. Chơi chữ là một thú vui thể hiện cốt cách thanh cao của người thưởng thức nó. Đồng thời, người viết chữ cũng được xem như một nghệ sĩ tài ba bởi nét chữ thể hiện được cái tâm, cái trí của người sáng tạo. Không những viết đẹp mà ông đồ còn viết nhanh, điều này thật đáng khâm phục. Những nét chữ uốn lượn một cái tài tình dưới đôi tay của một người có học thức khiến ai cũng muốn thuê ông viết cho câu đối đỏ. Có thể nói, thời đắc ý của ông đồ vô cùng đông khách, người ta đến với ông vì sự thán phục những nét chữ phóng khoáng. Cả người viết chữ người viết chữ và người chơi chữ như có mối đồng cảm sâu sắc vì họ đều là người biết yêu và thường thức cái đẹp.
Nhưng khi thời thế thay đổi cũng là lúc ông đồ không còn được trọng vọng, ngưỡng mộ:
“Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu…”
Trước đây, người thuê ông đồ viết chữ nhiều là thế nhưng nay họ đã đi đâu hết? Họ vẫn ở đó, vẫn xuất hiện trong cuộc sống thường nhật nhưng sự xâm nhập của văn hóa phương Tây đã làm cho những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc bị mai một. Tác giả đã miêu tả một khung cảnh quạnh hiu, vắng vẻ đến thê lương. Thời gian cuốn trôi đi những gì tươi đẹp của quá khứ khiến con người không khỏi xót xa, tiếc nuối. Câu hỏi tu từ: “Người thuê viết nay đâu?” vang lên với bao đau đớn. Thực tại thú chơi chữ đã không còn được ưa chuộng, người chơi chữ, mua chữ cũng ít dần đi theo năm tháng. Nỗi buồn ấy giờ đây nhuốm sang cả cảnh vật, sang cả những đồ vật vô tri vô giác. Giấy đỏ cũng biết buồn nên đã chẳng còn thắm, màu giấy đã phôi phai đi rồi nhạt dần, thỏi mực đã mài nhưng không được dùng đến nay cũng đọng lại trong nghiên. Biện pháp nhân hóa đã thể hiện tâm trạng u uất của ông đồ và cũng là sự xót xa, thương cảm của nhà thơ.
Nền Hán học đã suy tàn nhưng với mong muốn lưu giữ lại những giá trị văn hóa mà ông đồ già vẫn kiên trì ngồi bên hè phố như bao năm trước:
“Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài giời mưa bụi bay”
Nhưng sự xuất hiện của ông không còn được mọi người chú ý, quan tâm như thời và son. Bóng dáng ông cứ lặng lẽ bên phố mà không một ai hay biết. Hình ảnh ông đồ đã rơi vào quên lãng, chỉ còn là “cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn” (Vũ Đình Liên). Sự tàn phai, úa rụng được thể hiện qua hình ảnh chiếc lá vàng cùng không khí lạnh lẽo của làn mưa bụi lất phất đã bao trùm lên toàn bộ khung cảnh khiến cảnh vật nhuốm màu sắc tâm trạng. Mọi người đã gạt ông đồ ra khỏi trí nhớ và kí ức, họ coi ông như người vô hình trong xã hội đương thời.
Vũ Đình Liên đã bộc lộ nỗi xót xa, niềm hoài cổ của mình qua khổ thơ cuối:
“Năm nay hoa đào nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”
Hình ảnh ông đồ đã thực sự vắng bóng. Đào vẫn khoe sắc hương, cảnh vật vẫn tuần hoàn theo quy luật tự nhiên nhưng ta không còn thấy sự xuất hiện của ông đồ nữa. Sự vắng bóng của ông đồ khiến người đọc không khỏi thương tiếc cho một giá trị tinh thần đã không còn tồn tại. Những người trước đây từng thuê ông đồ viết câu đối, những người từng tôn trọng ông đồ nay đã hoàn toàn thay đổi. Họ đang bận thích nghi với nền văn hóa mới từ phương Tây nên tâm hồn họ cũng không còn chỗ cho những tinh túy của văn hóa truyền thống nữa. Câu hỏi tu từ vang lên ở cuối bài đọng lại bao sự cảm thương, hối tiếc cho những gì đã mất.
Bằng việc sử dụng các biện pháp nghệ thuật khéo léo, “Ông đồ” không chỉ là một bài thơ mà còn là một tác phẩm nghệ thuật giàu chiều sâu, khơi gợi những suy tư và cảm xúc trong lòng độc giả. Dù trải qua bao thập kỷ, bài thơ vẫn giữ nguyên giá trị, khiến người đọc không khỏi trăn trở về sự đổi thay của thời cuộc và những di sản văn hóa của cha ông.
2. Thuyết minh về tác giả Vũ Đình Liên và tác phẩm Ông đồ ngắn gọn:
Phong trào Thơ mới đã tạo nên một làn sóng mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm sâu sắc của giới trí thức và văn đàn đương thời. Mỗi tác giả khi dấn thân vào dòng chảy văn học đều mang theo giọng điệu riêng, góp phần vẽ nên bức tranh đa sắc của thi ca thời kỳ ấy. Trong số những tên tuổi nổi bật, Vũ Đình Liên không chỉ là một nhà thơ giàu sáng tạo với những biến tấu độc đáo mà còn là một tâm hồn nhân ái, luôn hoài niệm về những giá trị xưa cũ. Thơ ông thấm đẫm nỗi buồn hoài cổ như lớp sương mờ phủ lên những ký ức xa xăm, gợi lên hình ảnh một quá khứ dần lùi xa theo dòng chảy của thời gian. Bên cạnh sáng tác, ông còn miệt mài nghiên cứu, dịch thuật và góp phần lan tỏa tinh hoa văn học của dân tộc.
Dù không để lại nhiều tác phẩm, nhưng chỉ với bài thơ “Ông đồ”, Vũ Đình Liên đã khẳng định được vị trí của mình trong phong trào Thơ mới. Bài thơ ra đời trong bối cảnh đầu thế kỷ XX, khi nền Hán học dần suy tàn, nhường chỗ cho những chuyển biến mới trong đời sống văn hóa Việt Nam. Hệ thống giáo dục cũ bị thay thế, kéo theo đó là sự lạc lõng của những trí thức từng gắn bó với nền học vấn truyền thống. “Ông đồ” không chỉ là lời than thở về sự đổi thay nghiệt ngã của thời cuộc mà còn là tiếng lòng đầy tiếc nuối trước sự phai nhạt của một nền văn hóa từng rực rỡ. Với ngôn ngữ tinh tế và hình ảnh đầy sức gợi, bài thơ đã chạm đến trái tim người đọc, khơi dậy sự đồng cảm sâu sắc. Không chỉ là nỗi niềm riêng của một thi nhân trẻ tuổi hoài niệm quá khứ, tác phẩm còn là một cái nhìn nhân văn về sự biến thiên của thời đại, được các nhà nghiên cứu như Hoài Thanh và Hoài Chân tôn vinh như một kiệt tác của Thơ mới.
Bài thơ “Ông đồ” là một bài thơ chứa đầy hàm súc, là sự tiếc nuối của tác giả về một nền văn học đã từng rất rực rỡ. Ở hai khổ thơ đầu, Vũ Đình Liên đã tái hiện lại không khí ngày tết xưa khi ông đồ còn được trọng dụng. Tết đến xuân về, hoa đào đua nhau khoe sắc thắm, phố phường đông vui tấp nập, hình ảnh ông đồ xuất hiện bên hè phố bán đôi câu đối để mọi người mua về trưng trong nhà dường như là một văn hóa không thể thiếu vào mỗi ngày đầu năm mới của người dân Việt Nam.
Những nét chữ thanh thoát như rồng bay phượng múa, gửi gắm cả tâm hồn và tấm lòng của người viết. Thế nhưng, theo thời gian, phong tục treo câu đối ngày tết không còn được ưa chuộng nữa. Từ “nhưng” như nốt trầm trong khúc ca ngày xuân, cho thấy sự thay đổi trong bước đi chầm chậm của thời gian. Người tri âm xưa nay đã là khách qua đường. Niềm vui nhỏ nhoi của ông đồ là được mang nét chữ của mình đem lại chút niềm vui cho mọi người trong dịp tết đến xuân về nay đã không còn.
Nỗi buồn của lòng người khiến cho những vật vô tri vô giác như giấy đỏ, bút nghiên cũng thấm thía nỗi xót xa. Hình ảnh ông đồ xưa vốn gắn với nét đẹp truyền thống của nền văn hóa nho học nay dần bị lãng quên “Lá vàng bay trên giấy/Ngoài trời mưa bụi bay”. Ông vẫn ngồi đấy nhưng chẳng còn mấy ai để ý, lá vàng rơi giữa ngày xuân trên trang giấy nhạt phai như dấu chấm hết cho sự phai tàn của một nền văn hóa rực rỡ. Hạt mưa bụi nhạt nhòa bay trong cái se lạnh như khóc thương, tiễn biệt cho một thời đại đang dần trôi vào dĩ vãng.
Ta như cảm nhận được qua tứ thơ là tâm trạng của người thi nhân phảng phất một nỗi xót thương, nỗi niềm hoài cổ nhớ tiếc về một thời đã qua. Và câu hỏi cuối bài thơ như lời tự vấn cũng là hỏi người, hỏi vọng về quá khứ với bao ngậm ngùi “Những người muôn năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ?”. Ông đồ vắng bóng không chỉ khép lại một thời đại của quá khứ mà đó còn là sự mai một truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Bài thơ đã chạm đến những rung cảm của lòng người, để lại những suy ngẫm sâu sắc trong lòng bạn đọc.
3. Thuyết minh về tác giả Vũ Đình Liên và tác phẩm Ông đồ ấn tượng:
Vũ Đình Liên (1913 – 1996) là một trong những gương mặt tiêu biểu của văn học Việt Nam, đặc biệt được biết đến với bài thơ “Ông đồ” – một tác phẩm xuất sắc của phong trào Thơ Mới. Dù không nằm trong danh sách mười nhà thơ tiêu biểu nhất của phong trào, nhưng “Ông đồ” chắc chắn là một trong những bài thơ để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong lòng độc giả.
Bài thơ “Ông đồ” không chỉ được đánh giá cao về giá trị nghệ thuật mà còn trở thành đề tài nghiên cứu của nhiều nhà phê bình văn học. Với nhịp thơ ngũ ngôn đặc trưng, tác phẩm khắc họa một cách đầy bi thương sự phai nhạt của những giá trị truyền thống trước dòng chảy của thời gian. Bên cạnh đó, bài thơ còn thể hiện triết lý nhân sinh, tình cảm hoài niệm sâu lắng và lòng nhân ái tha thiết của tác giả. Nhờ sức hút mạnh mẽ, “Ông đồ” đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ và trở thành chủ đề bàn luận trong các diễn đàn văn học.
Sinh thời, Vũ Đình Liên thường được gọi với cái tên “Ông đồ” và chính ông cũng xem mình là “ông đồ hiện đại”. Nhà phê bình Hoài Thanh từng nhận xét rằng “Ông đồ” là sự kết hợp tinh tế giữa tình cảm nhân ái và nỗi hoài niệm, có lẽ được hun đúc từ chính trải nghiệm giảng dạy của tác giả. Không chỉ sáng tác thơ, Vũ Đình Liên còn có những đóng góp to lớn cho nền giáo dục Việt Nam. Ông tham gia viết sách giáo khoa, đồng sáng lập Nhóm Lê Quý Đôn để nghiên cứu và dịch thuật văn học Pháp. Với hơn nửa thế kỷ cống hiến, năm 1990, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân – một sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp của ông đối với nền văn học và giáo dục nước nhà.
Sự tài hoa tận tụy của một người nghệ sĩ không được đánh giá bằng số lượng tác phẩm trong một gia tài văn chương đồ sộ mà là ở những dư vang của đứa con tinh thần mà người nghệ sĩ ấy đã hết mực nuôi nấng. Có những nhà thơ viết không nhiều nhưng để lại dấu ấn trong mỗi chúng ta khi suy nghĩ về những vần thơ ấy, Vũ Đình Liên là một trong những cây bút như thế.
Xuất hiện ẩn hiện trong làng thơ như một người yêu con chữ và hết lòng với ngôn từ, Vũ Đình Liên đã vẽ nên hình ảnh huy hoàng tuyệt mĩ của một quá khứ đáng mong ước và tự hào qua bài thơ “Ông đồ”.
Mở đầu bài thơ, ta bắt gặp ngay quy luật của tự nhiên hay quy luật của chính con người:
“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua”
Sự kiện hoa đào nở gợi nhắc người đọc nhớ về một không khí Tết, một ngày đầu xuân mà mỗi năm đều có theo quy luật muôn đời của tạo hóa. Dường như trong sự vận động có quy luật ấy của thiên nhiên, ông đồ xuất hiện như một thói quen, như một điều hết sức hiển nhiên với từ “lại”.
Hình ảnh ông đồ gắn với mực tàu, giấy đỏ chính là phông nền văn hóa cho một truyền thống của truyền đẹp đẽ của dân tộc: Cho chữ ngày Tết với mong ước về một năm mới bình an. Trong những câu thơ tiếp theo, hình ảnh ông đồ hiện ra thật tài hoa, rạng rỡ:
“Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài:
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay”
“Hoa tay” là để chỉ về tài năng viết chữ của ông đồ. Chúng ta dường như có thể tưởng tượng được hình ảnh một ông đồ già với áo dài, khăn xếp đang tỉ mẩn nắn nót viết những chữ Nho trên khuôn giấy đỏ tươi. Cánh tay chuyển động nhịp nhàng, khi thanh, khi đậm, tạo nên những đường nét mềm mại mà chắc chắn, được so sánh như là rồng bay phượng múa hiện hình trên trang giấy. Vào lúc ấy, những người xung quanh đều trầm trồ thán phục, thể hiện rằng họ đang vô cùng trọng vọng người tạo ra con chữ và chính nét chữ dân tộc tuyệt vời kia. Nhưng rồi, người đọc dễ dàng nhận ra ngay sự tàn phai của một quá khứ huy hoàng khi mà:
“Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu…”
Quá khứ đã đi qua, khi này, có lẽ nhiều người mới chợt nhận ra sự vắng mặt của ông đồ:
“Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”
Nếu ở khổ thơ trên, hình ảnh ông đồ vẫn còn phảng phất “ho dù là “không ai hay”, thì ở đoạn này ông đồ đã biến mất. Đào thì vẫn nở, vũ trụ vẫn tuần hoàn nhưng không có bóng dáng của ông đồ già năm nào nữa rồi. Sự biến mất của ông cũng chính là sự biến mất của những giá trị văn hóa cổ truyền dân tộc. Câu hỏi cuối bài: “Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?” dường như là một lời chiêu hồn, gọi hồn tổ quốc, một tiếng kêu than vọng vang như muốn tìm lại đâu đây mảnh hồn dân tộc đang phai dần.
Có thể nói, “Ông đồ” chính là tấm lòng của một người nặng lòng với tổ quốc, với những nét văn hóa cổ truyền ngàn năm của dân tộc. Qua bài thơ, Vũ Đình Liên không chỉ bày tỏ niềm khắc khoải, tha thiết của bản thân với giá trị của đạo Nho mà còn khắc vào lòng người đọc sự khát khao, yêu mến những giá trị cổ truyền của dân tộc.
THAM KHẢO THÊM: