Người dân Việt Nam ta luôn tự hào với muôn vàn danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, những vùng đất linh kiệt trong đó, rừng U Minh nổi bật bởi những cảnh đẹp hùng vĩ, vừa hoang sơ, vừa thơ mộng, giản dị. Dưới đây là bài Thuyết minh về rừng U Minh Hạ, U Minh Thượng hay nhất, mời các bạn cùng đón đọc.
Mục lục bài viết
1. Thuyết minh về rừng U Minh Thượng hay nhất:
Sở hữu bề dày lịch sử lâu đời, Rừng quốc gia U Minh Thượng luôn là một trong những điểm du lịch tại Kiên Giang thu hút đông đảo người ghé đến mỗi năm. Sở hữu diện tích rộng lớn lên đến 21000ha, Rừng quốc gia U Minh Thượng là nơi cứ trú của rất nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Đối với những ai yêu thích hòa mình vào thiên nhiên rộng lớn, tìm hiểu về các loài động, thực vật trên khắp thế giới thì Rừng quốc gia U Minh Thượng chính là điểm du lịch lý tưởng.
Được công nhận là Vườn Di sản ASEAN, Rừng quốc gia U Minh Thượng từng sở hữu 10 con rạch lớn chảy ra Vịnh Thái Lan. Qua biết bao thăng trầm, vùng đất xinh đẹp này đã rèn giũa tính cách chăm chỉ, cần cù, chịu thương chịu khó của người dân nơi đây khi mỗi năm đều đem tới thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Đây cũng chính là địa điểm tạo cảm hứng sâu sắc mà nhà văn Đoàn Giỏi viết nên tác phẩm Đất rừng Phương Nam lẫy lừng một thời. Sở hữu bề dày lịch sử lâu đời, Rừng quốc gia U Minh Thượng luôn là một trong những điểm du lịch Kiên Giang thu hút đông đảo người ghé đến mỗi năm.
Đến với Rừng quốc gia U Minh Thượng, bạn sẽ có cơ hội học hỏi và ngắm nhìn hệ sinh thái đa dạng. Điểm đến này nằm trong hệ thống Khu dự trữ sinh quyển thế giới và sở hữu hệ sinh thái rừng nhiệt đới ngập nước, đầm lầy, bùn than thuộc loại hiếm trên thế giới. Là nơi cư trú của khoảng 254 thực vật bậc cao, nhiều loài động vật khác nhau, Rừng quốc gia U Minh Thượng đưa bạn lên một chuyến phiêu lưu có một không hai trong hành trình khám phá Kiên Giang.
Có một điểm đặc biệt của Vườn quốc gia U Minh Thượng chính là hệ thực vật tại đây có những đặc biệt của rừng cực đỉnh nguyên sinh. Trải qua biết bao thăng trầm, Rừng quốc gia U Minh Thượng dần dần được công nhận với nhiều danh hiệu khác nhau. Một trong số đó chính là khu Ramsar thứ 2.228 của thế giới và thứ 8 của Việt Nam vào năm 2015.
Không chỉ gắn liền với đời sống kháng chiến, Rừng quốc gia U Minh Thượng còn là nơi sinh sống của ba dân tộc anh em là Kinh, Hoa và Khmer. Tại đây, người dân bản địa chủ yếu làm nghề “gác kèo, ăn ong”. Đây là một nghề truyền thống được cha ông ta truyền lại qua biết bao thế hệ. Mật ong của Rừng tràm U Minh vốn trứ danh bởi sở hữu hương vị thơm ngon, hấp dẫn và mang lại một nguồn kinh kế ổn định cho bà con nhân dân.
Nhắc đến địa điểm du lịch sinh thái ở Tây Nam Bộ thì chắc chắn không thể nào bỏ qua Rừng quốc gia U Minh Thượng bạn sẽ được chào đón bởi bầu không khí trong lành, mát mẻ cùng vô vàn trải nghiệm có một không hai. Đến với Vườn quốc gia U Minh Thượng, bạn có thể trải nghiệm khám phá hệ sinh thái đầm lầy độc đáo, tìm hiểu về đời sống ban đêm của động vật hoang dã, đi thuyền chiêm ngưỡng rừng tràm đẹp đến mê hồn.
2. Thuyết minh về rừng U Minh Hạ hay nhất:
Vườn Quốc gia U Minh Hạ với diện tích 8.527,8 ha được thành lập ngày 20/1/2006, thuộc địa giới hành chính 4 xã thuộc 2 huyện Trần Văn Thời và U Minh, tỉnh Cà Mau. Nằm về phía tây tỉnh Cà Mau, cách thành phố Cà Mau không khoảng 25km, mất hơn 30 phút ngồi ô tô, du khách sẽ đến Vườn quốc gia U Minh Hạ. Đặc trưng nổi bật là hệ sinh thái rừng tràm hình thành trong điều kiện ngập nước, úng phèn, trên đất than bùn, là cây tiêu biểu của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vào ngày 26 tháng 5 năm 2009, vườn quốc gia U Minh Hạ được UNESCO công nhận là 1 trong 3 vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển Thế giới Mũi Cà Mau.
Hệ thống động thực vật ở đây vô cùng phong phú và đa dạng: có gần 250 loài thực vật 250 loài thực vật, 182 loài chim, 20 loài bò sát sát và lưỡng thê, 40 loài thú và nhiều loài côn trùng khác, trong đó có nhiều loài được ghi vào sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế. Nhờ có môi trường sinh thái ổn định và phù hợp nên các loài chim, cò đều tụ hợp về đây sinh sản, trú ngụ và phát triển với số lượng đông đúc. Đó là những loài như chích cồ, còng cọc, vạc, điên điển, le le, cúm núm, chàng bè, sếu đen… và rất nhiều loài cò như: cò trắng, cò xanh, cò đỏ, cò hương, dơi quạ… trong đó có hàng chục loại chim, thú quý hiếm được ghi vào Sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).
Rừng U Minh Hạ còn có nguồn lợi thủy sản rất dồi dào trong đó có nhiều loài cá đặc trưng cho khu vực miền Tây như cá lóc, cá bông, cá thác lác, cá trê vàng, sắt bướm…không chỉ có giá trị sinh học mà còn có giá trị kinh tế cao. Thời gian gần đây, nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm xuất hiện ở rừng tràm U Minh Hạ, trong đó đáng chú ý nhất là heo rừng – loài động vật quý hiếm nhưng đã bị “mất tích” hàng chục năm qua. Sự xuất hiện trở lại của nhiều loài động vật hoang dã như heo rừng, chồn đèn, chồn cáo cộc, rắn hổ đất, kì đà, cá sấu… cùng với hàng trăm loài động vật hiện hữu càng làm phong phú thêm hệ động thực vật của khu rừng này.
Từ cửa rừng (ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời), con đường láng nhựa phẳng lỳ, sạch sẽ, dẫn du khách chạy bon bon qua đài quan sát cao tới 24 mét. Đứng trên đài quan sát phóng tầm mắt nhìn bao quát toàn cảnh, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước bạt ngàn màu xanh của lá, của rừng như kéo dài vô tận và cảm thấy con người nhỏ bé trước thiên nhiên rộng lớn. Không gì thú vị bằng khi được lênh đênh trên những chiếc ghe theo những con kênh đi vào sâu trong rừng ngang qua những bụi lau sậy, cùng những rừng tràm bạt ngàn hương thơm lan tỏa khắp. Tuy nhiên, dịch vụ này chỉ mở theo mùa, nếu vào đúng mùa nước lên hoặc trời hanh khô quá thì hình thức du lịch này sẽ không hoạt động.
Càng đi sâu vào bên trong du khách mới cảm nhận hết được vẻ hoang sơ của khu rừng đã có bề dày hàng trăm năm tuổi. Lênh đênh trên sông nước Cà Mau, bạn sẽ được ngắm nhìn thảm động thực vật vô cùng đa dạng, phong phú, và được nghe những truyền thuyết từ thuở tiền nhân khai khẩn đất phương Nam như chuyện về rắn hổ mây đậm chất bác Ba Phi do người dân địa phương kể lại. Ven theo các con sông, lạch nước, du khách sẽ bắt gặp các nông dân buông ghe đánh cá dưới tán rừng tràm, xem các loài thủy sản tươi rói mà họ mới đánh bắt được. Du khách có thể thuê một chiếc xuồng và tìm một vị trí thuận lợi trong rừng để câu cá hoặc tự giăng lưới. Cá ở đây có rất nhiều vì vậy chẳng khó khăn gì để du khách có một giỏ đầy cá sau chuyến đi câu, nếu may mắn còn có thể câu được những chú cá lóc cá bông nặng trên dưới 1kg, hoặc có khi lên đến 2,3kg, do cá tự nhiên ở đây rất nhiều và được bảo vệ khá nghiêm ngặt. Hay tùy thời điểm, mà bạn có thể tham gia cùng người dân vào rừng đặt trúm bắt lươn, đặt lờ bắt cá…, đi hái đọt choại, bồn bồn, sen, súng, đọt cóc kèn…
Đặc biệt, dưới tán rừng, loài ong cần mẫn hút mật từ những nhụy bông tràm mang về tổ, hàng năm cho khai thác sản lượng lớn. Vào mùa ăn ong từ tháng 12 đến tháng 6, đến tham quan rừng U Minh Hạ bạn sẽ có dịp theo chân những người thợ gác kèo vào rừng lấy mật, vừa là trải nghiệm lý thú vừa được thưởng thức món ong non vừa cắt xuống, chấm thêm tí mật vàng óng dẻo quánh thì ngọt thanh đến thao đầu lưỡi.
Nghề gác kèo ong của người dân ở vùng rừng U Minh Hạ (huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào đầu năm 2020.
Sau chuyến xuyên rừng U Minh Hạ, du khách sẽ được thưởng thức những món đặc sản rừng U Minh Hạ Nào cá nước ngọt, cá nước lợ, nào tôm, nào lươn, nào cua, v.v. Đến đây mọi người sẽ có cơ hội thương thức lẩu mắm U Minh thứ thiệt, lươn um lá nhàu đậm đà hương vị rau rừng hay sắc vị hoang dã của món rắn hổ hành nấu cháo đậu xanh vùng sông nước được chế biến đậm phong cách người Cà Mau. Ngoài ra còn có nhiều món ngon khác như cá lóc nướng trui, rắn bông súng chấm muối hột đâm với ớt hiểm xanh, cá rô đồng nấu lẩu mắm,chuột đồng chiên…. Nhâm nhi cùng hương vị đậm đà của rượu trái giác-được mệnh danh là “vang rừng” U Minh Hạ- sẽ đưa du khách cảm nhận được trọn vẹn hương vị hoang sơ mà bình dị của một vùng quê sông nước.
3. Dàn ý thuyết minh về rừng U Minh chi tiết:
1. Mở bài
Giới thiệu khái quát về địa danh, cảnh đẹp ở Việt Nam. Chúng ta luôn tự hào với muôn vàn danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, những vùng đất linh kiệt trong đó, rừng U Minh nổi bật bởi những cảnh đẹp hùng vĩ, vừa hoang sơ, vừa thơ mộng, giản dị.
2. Thân bài
a. Vị trí địa lý
– Rừng U Minh tựa lưng vào miền tây Nam Bộ, mặt hướng ra vịnh Thái Lan, trải dài từ sông Ông Đốc phía Nam (tỉnh Cà Mau) cho đến sông Cái Lớn (tỉnh Kiên Giang) phía bắc.
b. Kết cấu
– Thiên nhiên ở U Minh vô cùng hoang sơ và hùng vĩ.
– Có thể đến U Minh bằng đường thủy, hoặc đường bộ nhưng đường thủy thuận tiện hơn.
– Rừng ngập mặn ở Cà Mau là rừng đước. Còn rừng ở U Minh là rừng tràm.
– Mùa hè đến, rừng tràm nở hoa trắng xóa, dâng hương ngào ngạt. Hàng ngàn, hàng vạn… đàn ong kéo về hút nhụy hoa, mật hoa.
– Rừng U Minh là xứ sở của muỗi mòng và thú dữ, heo rừng, khỉ, kì đà, rắn, trăn, cá sấu, cọp.
– Đến thăm thú sân chim U Minh, du khách ngạc nhiên và vô cùng thú vị khi nhìn thấy những con ngỗng trời có đôi cánh đồ sộ hàng sải tay, nặng bảy tám kí, đậu oằn cả những cành cây lớn, những con giang sen cao lêu nghêu, chàng bè cổ quái, mỏ to bằng cổ tay người lớn.
c. Ý nghĩa của danh lam thắng cảnh
Là mảnh đất tiềm năng thuộc phía Nam Việt Nam, có nhiều giá trị kinh tế, tự nhiên cho sau này.
3. Kết bài
– Không thể phủ nhận, rừng U Minh chính là một niềm tự hào của người dân phía Nam Việt Nam.