Bài viết này cung cấp cho các bạn học sinh, thầy cô và các bậc phụ huynh dàn ý và bài văn mẫu về Thuyết minh về phong tục lì xì ngày Tết cổ truyền hay nhất. Mong qua bài viết này có thể giúp các bạn học sinh hoàn thành tốt bài tập của mình và đạt kết quả tốt.
Mục lục bài viết
1. Dàn ý thuyết minh về phong tục lì xì ngày Tết cổ truyền hay nhất:
a. Mở bài
Giới thiệu khái quát về phong tục lì xì ngày Tết của người Việt Nam
b. Thân bài
– Lì xì là gì?
Hướng dẫn: Lì xì là một phong tục đẹp thường có vào ngày Tết hàng năm, được mọi người gửi tặng cho nhau, chủ yếu là người lớn tặng cho con, cháu, trẻ nhỏ hoặc được con cháu tặng cho bố, mẹ, ông, bà với ý nghĩa mừng tuổi để mong muốn một năm mới bình an. Bao lì xì là một phong bao (hay phong bì) thường có màu đỏ, to bằng bàn tay người lớn, bên trong chứa một tờ tiền. Ngày nay, một số người đã không còn quan tâm đến hình thức nên đã ít sử dụng bao lì xì mà mừng tuổi trực tiếp.
– Nguồn gốc của phong tục lì xì ngày Tết:
Hướng dẫn: Phong tục lì xì ngày Tết ra đời từ rất xưa tại Trung Hoa. Có rất nhiều câu chuyện giải thích về nguyên gốc của phong tục lì xì nhưng phổ biến nhất là câu chuyện về một con quỷ rất thích trẻ em có tên là Sui. Con quỷ thường xuất hiện vào đêm giao thừa, khi trẻ em đã ngủ say, nó thường trốn và xoa đầu trẻ khiến trẻ em thức và khóc đến sốt . Vì vậy để giữ an toàn cho trẻ em, cha mẹ thường đốt đèn để trông trẻ trong đêm giao thừa. Có một gia đình nọ sinh được một em bé. Trong một hôm vào đêm giao thừa, có 8 vị tiên đi ngang qua trông thấy con Sui đang tìm cách xoa đầu cậu bé, do cha mẹ bé là người có tâm tốt nên các vị tiên ra tay cứu giúp bằng cách biến thành 8 đồng tiền và dặn cha mẹ hãy gói 8 đồng tiền này vào một cái phong bao đỏ để đặt kế bên cậu bé. Khi con quỷ đến Xoa đầu đứa bé, những đồng xu phát ra ánh sáng để xua đuổi con quỷ. Vì vậy, vào mỗi đêm giao thừa, nhà nhà đều gói những đồng tiền vào phong giấy đỏ tặng cho con cháu để cầu bình an.
– Ý nghĩa của phong tục lì xì:
Hướng dẫn: Trong tiếng Hán Việt, “lì xì” có nghĩa là lợi thị, mang ý nghĩa được lợi, được may mắn. Vì vậy việc lì xì ngày đầu năm mới là cầu chúc may mắn, sức khỏe, bình an cho mọi người trong gia đình trong những ngày đầu năm mới. Phong bao lì xì mang ý nghĩa tốt đẹp. Phong tục lì xì phổ biến ở những quốc gia châu Á, điển hình như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản.
– Phong tục lì xì tết của người Việt:
Trong truyền thống văn hóa của người Việt, vào đêm giao thừa hoặc vào những ngày đầu tiên của năm mới, các gia đình người Việt thường tụ họp đông đủ để thắp nén hương cúng ông bà tổ tiên và cùng ăn uống chào đón năm mới. Ngày đầu tiên của năm mới không chỉ là dịp để gia đình sum vầy mà cũng là dịp mà con cháu thể hiện tình cảm với ông bà, cha mẹ, người nhỏ tuổi sẽ đến chúc Tết người lớn tuổi và nhận lì xì mừng tuổi. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay việc mừng tuổi không chỉ có trong ngày đầu tiên của năm mới mà nó được gửi tặng trong cả dịp Tết Nguyên Đán.
c. Kết bài
Khẳng định lại ý nghĩa và giá trị của phong tục lì xì ngày Tết
2. Mẫu bài văn thuyết minh về phong tục của lì xì ngày Tết cổ truyền hay nhất:
Có thể nói Tết Nguyên Đán là một phong tục có ý nghĩa quan trọng nhất đối với người Việt Nam. Tết không chỉ là dịp để nhà nhà sum vầy đoàn viên, cùng ngồi lại bên mâm cơm tất niên với những món ăn quen thuộc của ngày Tết, ôn lại những chuyện cũ và chia sẻ những dự định trong năm mới. Bên cạnh những phong tục như lễ chùa đầu năm, chúc tết, … thì phong tục lì xì hay mừng tuổi là một trong những nét văn hóa không thể thay đổi, được diễn ra vào những ngày đầu năm mới.
Phong tục lì xì vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc và là cách gọi theo người Hoa. Trong tiếng Hán Việt, “lì xì” có nghĩa là lợi thị, mang ý nghĩa được lợi, được may mắn. Nghĩa tiếng Việt của lì xì là tiền mừng tuổi đầu năm. Lì xì đầu năm mới mà phong tục có từ lâu đời và được phổ biến ở các nước Á Đông như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản. Có rất nhiều câu chuyện giải thích về nguyên gốc của phong tục lì xì nhưng phổ biến nhất là câu chuyện về một con quỷ rất thích trẻ em có tên là Sui. Con quỷ thường xuất hiện vào đêm giao thừa, khi trẻ em đã ngủ say, nó thường trốn và xoa đầu trẻ khiến trẻ em thức và khóc đến sốt . Vì vậy để giữ an toàn cho trẻ em, cha mẹ thường đốt đèn để trông trẻ trong đêm giao thừa. Có một gia đình nọ sinh được một em bé. Trong một hôm vào đêm giao thừa, có 8 vị tiên đi ngang qua trông thấy con Sui đang tìm cách xoa đầu cậu bé, do cha mẹ bé là người có tâm tốt nên các vị tiên ra tay cứu giúp bằng cách biến thành 8 đồng tiền và dặn cha mẹ hãy gói 8 đồng tiền này vào một cái phong bao đỏ để đặt kế bên cậu bé. Khi con quỷ đến Xoa đầu đứa bé, những đồng xu phát ra ánh sáng khiến con quỷ hoảng sợ và bỏ chạy. Vì vậy, vào mỗi đêm giao thừa, nhà nhà đều gói những đồng tiền vào phong giấy đỏ tặng cho con cháu và những đứa trẻ để cầu bình an và may mắn trong một năm.
Lì xì có hình dạng một chiếc bao nhỏ hình chữ nhật hoặc hình vuông, to bằng bàn tay người lớn. Bao lì xì được làm bằng giấy đỏ, bên trên trang trí những hình ảnh và những câu chúc. Bên trong phong bao lì xì sẽ chứa một tờ tiền có mệnh giá khác nhau. Với màu sắc rực rỡ của phong bao lì xì là màu đỏ, đem lại sự may mắn trong năm mới. Chính vì vậy phong tục lì xì, mừng tuổi ngày Tết mang ý nghĩa của người lớn đối với người nhỏ về một năm may mắn, sức khỏe, bình an.
Vào thời khắc giao thừa bước sang năm mới, những người lớn tuổi trong gia đình sẽ phát lì xì mừng tuổi cho con cháu kèm theo những lời chúc cầu mong một năm mới bình an, may mắn. Con cháu cũng gửi biếu ông bà cha mẹ những phong bao lì xì để chúc sức khỏe.
Phong tục mừng tuổi lì xì đầu năm là một trong những nét đẹp văn hóa lâu đời của người Việt Nam. Tùy thuộc vào điều kiện gia đình của mỗi nhà mà số tiền mừng tuổi trong mỗi phong bao sẽ là khác nhau. Tuy nhiên ý nghĩa của bao lì xì không nằm ở số tiền mà nó tượng trưng cho sự may mắn trong đầu năm mới. Trong quan niệm của người Việt Nam, nếu phóng khoáng trong làm ăn sẽ được nhiều tài lộc, may mắn. Vì vậy mà những ngày đầu năm mới người ta thường phát lì xì cho trẻ em với mong muốn một năm mới làm ăn phát tài, phát lộc. Do đó phong tục lì xì được lưu giữ và truyền qua rất nhiều thế hệ. Phong tục lì xì của người Việt không đưa tiền trực tiếp mà để trong những phong bao lì xì. Điều đó thể hiện sự tế nhị trong văn hóa giao tiếp ứng xử của người Việt Nam.
Cùng với bánh chưng xanh, cành đào thắm, cành mai vàng và phong tục lì xì đã trở thành những nét văn hóa đẹp trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Bởi Tết không chỉ là lúc nhà nhà đoàn viên, mọi người nghỉ ngơi mà còn là lúc chúng ta thể hiện những ước nguyện cho một năm mới bình an.
Phong tục lì xì ngày Tết đã trở thành một phong tục không thể thiếu trong Tết cổ truyền của người Việt Nam. Vì vậy chúng ta cần phát huy và giữ gìn phong tục đẹp này.
3. Mẫu bài văn thuyết minh về phong tục của lì xì ngày Tết cổ truyền ngắn gọn nhất:
Ngày Tết cổ truyền từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Cách đón Tết nay và Tết xưa của người Việt vẫn giữ được những nét văn hóa tinh túy nhất những cũng đã có ít nhiều thay đổi, nhưng có một nét văn hóa đặc sắc nhất không bao giờ thay đổi là phong tục lì xì. Lì xì ngày Tết cổ truyền đã trở thành một phong tục có từ lâu đời của đất nước ta.
Không có tài liệu nào ghi chép chính xác về sự ra đời của phong tục lì xì. Chỉ có những sự tích thú vị kể lại rằng, phong tục lì xì ngày Tết Nguyên Đán bắt nguồn từ Trung Quốc. Theo truyền thuyết, có một con yêu quái thường xuất hiện vào đêm giao thừa, thích xoa đầu những đứa trẻ con khi chúng đang ngủ ngon giấc khiến chúng giật mình khóc thét lên. Hôm sau, trẻ đau đầu, sốt cao làm các bậc cha mẹ không dám ngủ để canh phòng. Cặp vợ chồng ngoài 50 tuổi nọ mới sinh được mụn con trai. Tết năm ấy, có 8 vị tiên dạo qua nhà, biết trước cậu bé này sẽ gặp tai họa với yêu quái liền hóa thành 8 đồng tiền, ngày đêm túc trực bên bé. Sau khi chú bé ngủ say, hai vợ chồng lấy giấy đỏ gói những đồng tiền này lại, đặt lên gối con rồi đi ngủ. Nửa đêm, con yêu quái xuất hiện, vừa giơ tay định xoa đầu đứa trẻ thì từ bên chiếc gối lóe lên những tia vàng sáng rực khiến nó kinh hoàng bỏ chạy. Phép lạ này lan truyền, rồi cứ Tết đến, người ta lại bỏ tiền vào trong những chiếc túi màu đỏ tặng cho trẻ con. Tiền đó được gọi là tiền mừng tuổi.
Cũng có truyền thuyết khác về phong tục này liên quan đến con trai Dương Quý Phi đời nhà Đường – Trung Quốc và đời Tần. Nhưng tựu chung lại, phong tục lì xì ngày Tết đều bắt nguồn với ý nghĩa là tặng tiền mừng cho trẻ con, mong ước chúng lớn lên được tiền lộc có thể vượt qua tuổi mới với những điều tốt lành và may mắn. Phong tục này du nhập vào Việt Nam từ rất lâu trước kia với tên gọi lì xì hoặc mừng tuổi và còn giữ mãi đến tận hiện tại.
Phong tục lì xì ngày Tết diễn ra vào những ngày đầu năm mới, tức là sau khoảnh khắc giao thừa. Lì xì bằng tiền không chỉ giới hạn trong mùng một Tết mà có thể lì xì trong suốt ba ngày đầu năm, thậm chí kéo dài tận những ngày cuối cùng của Tết như mùng 9, mùng 10. Khi sang năm mới, trẻ con sẽ đến thăm ông bà, họ hàng, chúc Tết. Những người lớn chuẩn bị sẵn phong bao lì xì, đựng tiền may mắn, có thể ít hoặc nhiều tặng cho trẻ con. Phong bao lì xì thường có màu đỏ – một trong những màu cát tường nhất trong những lễ hội. Tuy nhiên, ngày nay phong bao lì xì còn được thiết kế nhiều màu sắc và hình dáng, họa tiết khác nhau cùng những câu chúc ngắn gọn ý nghĩa như: “Phát tài phát lộc”, “an khang thịnh vượng”, “xuân sum vầy”…
Phong tục lì xì mang những ý nghĩa vô cùng tốt đẹp. Phong bao tượng trưng cho sự kín đáo – không muốn có sự so bì dẫn đến chuyện xích mích, không vui trong ngày tết. Phong bao lì xì cho trẻ con mang ý nghĩa bình tuổi mới bình an, may mắn. Phong bao lì xì cho người lớn như cha mẹ, ông bà thể hiện sự hiếu kính và lời chúc sức khỏe của con cháu. Đặc biệt, phong bao lì xì tượng trưng cho tài lộc, đầu năm người ta nhận được hay cho đi càng nhiều bao lì xì thì người ta càng tin rằng mình đã phát tài phát lộc…
Phong tục lì xì không những là một nét đẹp trong ngày Tết cổ truyền dân tộc mà còn thể hiện những tình cảm đáng quý của con người Việt Nam. Trải qua bao biến đổi thăng trầm của thời đại, phong tục lì xì vẫn còn nguyên vẹn mỗi dịp Tết đến xuân về. Một phong bao lì xì nhỏ lại chứa đựng nhiều ý nghĩa yêu thương, quả thực là phong tục đáng quý lâu đời của đất nước.