Chợ quê chính là đặc sản của mỗi vùng quê mỗi ngày phiên của nó, đây chính là phong tục tập quán trao đổi hàng hóa, mua bán hình thành từ bao đời nay của dân tộc Việt Nam. Để tìm hiểu về nét đẹp này của dân tộc, mời bạn tham khảo bài viết Thuyết minh về một phiên chợ quê Việt Nam lớp 9 hay nhất dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Thuyết minh về một phiên chợ quê Việt Nam lớp 9 hay nhất:
Từ ngàn đời nay, chợ quê luôn là một nét đẹp trong văn hóa của làng quê Việt và nó được hình thành từ lâu đời. Chợ quê thường nằm ở đầu mỗi làng, xã hoặc là nơi giao nhau của các làng, xã. Sở dĩ như vậy bởi là nơi trao đổi hàng hóa của những người trong làng, hoặc trong xã. Cùng với đó, mỗi chợ sẽ có những tên gọi riêng, có thể dựa vào đặc điểm của chợ hay của làng xã mà đặt tên cho nó. Đồng thời, mỗi chợ sẽ có phiên chợ vào một số này nhất định ở trong tháng và những ngày này luôn cố định, không thay đổi theo thời gian.
Chợ quê thường có kết cấu, quang cảnh rất đơn giản, thường là những lều bằng lá tranh, lá cọ và cột làm bằng tre. Ngày nay, có nhiều nơi đã được xây bằng gạch, thành những gian hàng khang trang hơn. Những phiên chợ quê thường bắt đầu từ lúc sáng sớm tinh mơ và kết thúc khi buổi xế chiều. Từ sáng sớm, những người buôn bán đã mang rất nhiều hàng hóa đến chợ và bày biện, mỗi người, mỗi gian hàng có những món hàng hóa khác nhau. Ngay từ cổng chợ, người ta đã nghe thấy âm thanh náo nhiệt, ồn ào, tấp nập kẻ mua người bán, người mời hàng, người trả giá và còn có cả tiếng trò chuyện vui vẻ của những cô những bác đi chợ. Thêm vào đó còn có những em bé theo mẹ đi chợ, vừa đi vừa ngắm nhìn khung cảnh xung quanh. Những phiên chợ quê luôn bày bán rất nhiều những món hàng. Từ đầu chợ đã nghe thấy mùi thơm của những gánh phở, mùi hương của những loại bánh như bánh gạo tẻ, bánh bao, bánh chưng,… Không dừng lại ở đó, chợ còn là nơi bày bán những nhu yếu phẩm thiết yếu hằng ngày cho mọi người như rau củ, thịt, cá, các loại hoa quả, các loại gạo,… Có lẽ những gian hàng này luôn là nơi được nhiều người quan tâm nhất vì vậy lúc nào cũng đông đúc, nhộn nhịp. Thêm vào đó, ở chợ, người ta còn bày bán các loại áo quần, giày dép, mũ nón,… để mọi người có thể ghé lựa chọn và mua. Những phiên chợ quê bao giờ cũng vậy, luôn đầy đủ mọi món đồ và là niềm mong ước của những đứa trẻ.
Những phiên chợ quê đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của con người Việt Nam nói chung và ở những làng quê nói riêng. Nó không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà hơn thế phiên chợ quê là nét đặc trưng, là nét đẹp riêng của làng quê Việt từ ngàn đời nay và có thật nhiều họa sĩ đã lấy cảm hứng từ đây để vẽ nên những bức tranh thật tuyệt. Cùng với đó, những phiên chợ quê còn là nơi lưu giữ những kỉ niệm, những kí ức tuổi thơ hồn nhiên của những đứa trẻ nơi làng quê Việt.
Như vậy, cùng với cây đa, giếng nước, sân đình, những phiên chợ quê là nét đẹp, là biểu tượng của làng quê Việt. Hình ảnh những phiên chợ quê luôn là dấu ấn đậm sâu trong lòng mỗi người con khi xa quê.
2. Thuyết minh về một phiên chợ quê Việt Nam lớp 9 ấn tượng nhất:
Người con nào xuất thân từ những vùng nông thôn Việt Nam lam lũ, sau này đi xa sẽ nhớ vô cùng bóng dáng của những phiên chợ quê gắn liền với các bà, các mẹ. Đó như một miền kí ức khó quên mà ai cũng rưng rưng khi nhớ về.
Chợ quê Việt Nam hình thành rất đặc biệt. Ở nông thôn, thường mỗi xã hoặc một vài làng liền kề nhau có một cái chợ. Chợ là nơi trao đổi hàng hoá của cư dân địa phương. Chợ đặt ở làng nào, xã nào thường lấy tên của làng, xã ấy mà gọi. Nói nôm na đó là loại chợ quê. Quang cảnh chợ quê rất đơn giản, vài cái lều lợp gianh, lợp lá trên mấy cái cọc tre nhỏ, đơn giản. Có khi không có lều quán mà chỉ là một bãi đất trống. Người bán bày sản phẩm thành hàng, thành dãy hai bên lối đi. Chủng loại hàng hoá, đa phần là những sản vật địa phương do vậy mà thay đổi theo mùa, vụ.
Chợ quê cũng có sự “phân cấp” một cách tự nhiên thành chợ Làng, chợ xã, chợ huyện, chợ tình… Người ta gọi chợ theo cấp hành chính và quy mô chợ cũng từ đó mà to dần lên. Ngày nay chỉ còn dấu vết chợ quê ở làng, ở xã, còn chợ huyện, chợ tỉnh hầu như đã biến thành những trung tâm buôn bán lớn trong vùng. Do nhu cầu trao đổi, mua bán nên ngày nào cũng họp chợ. Vì vậy mà mất đi phiên chợ truyền thống ngày trước.
Chợ quê lại có hai loại, chợ phiên và chợ hôm. Chợ phiên họp vào những ngày theo một chu kỳ nhất định. Khi nói chợ họp ngày ba và ngày tám, có nghĩa là phiên chợ họp vào những ngày mồng ba, mồng tám, mười ba, mười tám, hai ba, hai tám hàng tháng (theo âm lịch). Gần đây nhiều chợ chọn ngày chủ nhật làm phiên họp chính. Phiên chợ chính bao giờ cũng đông người hơn phiên chợ xép (chợ họp không đúng phiên). Ngoài những sản phẩm địa phương, ở chợ phiên mặt hàng đa dạng hơn bởi sự góp mặt của các hàng công nghiệp đắt tiền.
Chợ hôm thì ngày nào cũng họp. Người mua người bán chỉ thưa thớt, trao đổi những hàng thiết yếu hàng ngày, hàng tươi sống như rau, hoa quả, dầu, muối, tôm cá, trứng… Chợ thường họp vào buổi sáng sớm hay chiều. Nếu chợ họp vào buổi chiều người ta hay gọi là chợ chiều.
Chợ quê đặc biệt hơn cả vào những dịp lễ tết. Khi ông mặt trời còn ngái ngủ sau lớp mây hồng phơn phớt, chợ đã khá đông rồi. Có lẽ ai cũng muốn nhanh chân lựa những món hàng còn mới. Từng tốp, từng tốp người quang gánh kĩu kịt, tíu tít đổ về chợ. Tiếng trò chuyện râm ran khiến cả khu chợ ồn ào, náo nhiệt khác với ngày thường. Ngay lối vào chợ là hàng bán lá dong. Lá dong được xếp thành từng đống lớn gọn ghẽ, xanh mươn mướt. Trẻ em đi theo mẹ để được sắm những bộ đồ đón tết. Ai cũng hồ hởi, nô nức sắm những thức ngon về dâng lên bàn thờ tổ tiên và đón năm mới.
Niềm vui ở chợ quê theo bước chân lon ton của các bé em đến tận nhà và theo cả niềm trông chờ của những đôi mắt hấp háy nô đùa ở ngoài sân đợi mẹ đi chợ về để được cái bánh, cây kẹo. Chợ quê mãi là miền hồi ức xinh đẹp của những người con lớn lên từ nông thôn. Cùng với cây đa, bến nước, sân đình, chợ quê mãi là một nét văn hóa đẹp đẽ của người Việt in đậm dấu ấn thôn dã bình yên.
3. Thuyết minh về một phiên chợ quê Việt Nam lớp 9 chi tiết nhất:
Hàng năm, cứ đến mỗi dịp Tết, mẹ luôn dành thời gian cho tôi để cùng nhau đến chợ chuẩn bị cho ngày Tết. Những ngày này, không gian chợ Tết luôn tràn ngập sự náo nhiệt và sôi động. Tuy nhiên, chợ Tết năm nay để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc và khó quên.
Sáng sớm, tôi và mẹ đã bắt đầu hành trình đến chợ. Phía đông, mặt trời còn chưa kịp tỏa nắng đầy, nhưng chợ đã sôi động và đông đúc. Mọi người đổ về chợ để nhanh chóng lựa chọn những món hàng mới nhất cho ngày Tết. Tiếng cười, tiếng trò chuyện râm ran làm cho không khí chợ trở nên sống động và khác biệt so với những ngày thường. Ngay từ lối vào, hàng bán lá dong đã thu hút sự chú ý với những đống lá xanh mướt được xếp gọn. Bên cạnh đó, những bó ống dang để chẻ lạt và gói bánh chưng đã tạo nên bức tranh đậm đà hương vị truyền thống.
Dọc theo chợ, có các quầy bán măng khô, nấm hương, mộc nhĩ, và các loại cây thuốc quý như cam thảo, sa nhân, hồi, quế, mang theo hương vị đặc trưng của núi rừng. Các cô bán hàng với giọng ngọt ngào đón tiếp khách mua hàng. Khu vực bán hoa quả là một thế giới màu sắc, với chuối vàng, bưởi to, quả hồng xiêm, và chùm nho tím, tất cả được sắp xếp gọn gàng, tươi mới. Quầy rau củ cũng đầy ắp những sản phẩm tươi ngon, từ củ su hào đến cà chua chín mọng. Quầy bánh kẹo là nơi thu hút ánh nhìn với hộp mứt, kẹo và bánh trang trí đầy màu sắc.
Chợ Tết không chỉ có các quầy bán hàng truyền thống mà còn có các khu vực bán cá cảnh, với những chú cá vàng, cá đen múa lượn trong nước trong lành. Gần cuối chợ, có nơi bán gia súc với những chú lợn con, đàn gà nhép, và lũ vịt đáng yêu. Chợ càng trở nên huyên náo với tiếng cạc cạc của vịt và tiếng “ụt ịt” của lợn. Đến cuối cùng, chợ còn có hàng bán câu đối và tranh Tết, với vần thơ bay bướm và những bức tranh gà, lợn, cá chép trông trăng.
Chợ Tết năm nay thực sự là một trải nghiệm đầy thú vị và ngập tràn niềm vui. Sau một hành trình dài, tôi và mẹ đã trở về nhà với đầy đủ những đồ đạc cần thiết cho ngày Tết. Niềm vui của chợ Tết theo bước chân mẹ và tôi từ chợ về nhà, và tôi hy vọng rằng trong những năm sau, chợ Tết sẽ mang đến cho tôi nhiều điều mới mẻ và thú vị hơn.
THAM KHẢO THÊM: