Kon Tum - một tỉnh nằm ở phía Bắc của Tây Nguyên Việt Nam, là điểm đến hấp dẫn với những danh lam thắng cảnh độc đáo và văn hóa đa dạng. Bài viết dưới đây với chủ đề Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Kon Tum sẽ đưa các bạn đọc đến với những cảnh quan, danh lam đẹp đẽ của Kon Tum.
Mục lục bài viết
1. Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Kon Tum siêu hay:
Đến thành phố Kon Tum, du khách sẽ ngỡ ngàng khi được chiêm ngưỡng hình ảnh dòng sông Đăk Bla mềm mại như dải lụa óng ánh chẳng khác nào mái tóc của người thiếu nữ đương xuân thì, vừa gợi cảm, vừa quyến rũ. Nhưng ít ai biết rằng, dòng sông chảy ngược có màu đỏ thẫm này lại mang trong mình những huyền thoại, truyền thuyết gắn với câu chuyện tình buồn thuở xưa.
Sông Đăk Bla – một dòng sông hùng vĩ và trữ tình chảy qua lòng tỉnh Kon Tum và đã trở thành biểu tượng của vùng đất này. Nằm ở phía Bắc của Tây Nguyên, Kon Tum là nơi hội tụ của nhiều dân tộc thiểu số, mang đậm bản sắc văn hóa đặc sắc. Sông Đăk Bla hay còn gọi là Krong Blah, là một trong những nhánh chính của sông Sê San với chiều dài ấn tượng 137km và diện tích lưu vực rộng lớn 3436km². Điều thú vị là sông Đăk Bla chảy theo hướng Đông – Tây, ngược lại với hầu hết các dòng sông khác ở Việt Nam, khiến nó được mệnh danh là “con sông chảy ngược”. Theo ngôn ngữ của đồng bào dân tộc, “Đăk” có nghĩa là nước, còn “Bla” nghĩa là hung hãn, cuồng nộ, phản ánh sự mạnh mẽ và hùng vĩ của dòng sông này.
Từ bao đời nay, người dân sống ven sông Đăk Bla vẫn còn lưu truyền những câu chuyện, truyền thuyết để giải thích về hiện tượng chảy ngược, nước có màu đỏ thẫm của dòng sông này. Tương truyền, những người đầu tiên đến sông Đăk Bla lập làng là bộ tộc Jrai và Bana. Bộ lạc Jrai lập làng ở bên hữu ngạn, phía thượng lưu. Còn bộ lạc Bana lập làng bên tả ngạn, phía hạ lưu. Người dân hai làng này tuy khác bộ tộc nhưng họ vẫn chung sống chan hòa, yêu thương nhau giữa núi non hùng vĩ.
Nhưng một ngày nọ, chiến tranh nổ ra khắp vùng Tây Nguyên, các buôn làng và các bộ tộc không còn sống chan hòa với nhau nữa. Làng này đến tấn công làng kia, rồi cướp phá tài sản và giết hại dân làng. Làng Jrai và làng Bana cũng trở thành thù địch và gây chiến với nhau thường xuyên. Oái ăm thay, một người con trai Jrai lại đem lòng yêu cô gái người Bana ở phía bên kia sông. Họ rất yêu nhau dù biết rằng mối tình này sẽ không bao giờ được dân làng chấp nhận. Tuyệt vọng, họ hẹn nhau vào một đêm trăng sáng sẽ cùng nhau ra sông Đăk Bla tự sát để được chết bên nhau, qua đó hóa giải thù hận giữa hai buôn làng.
Đến ngày đã định, đôi nam nữ tự đâm vào cổ và gieo mình xuống dòng nước đang cuồn cuộn chảy. Dòng máu chàng trai chảy xuôi theo dòng nước tìm về phía hạ nguồn nơi cô gái ở. Còn dòng máu của cô gái chảy ngược dòng tìm về phía ngôi làng nơi chàng trai sinh sống. Khi đến giữa sông thì hai dòng máu gặp nhau, rồi như tuân theo luật tục mẫu hệ của đồng bào nơi đây, máu chàng trai quyện vào dòng máu của cô gái rồi chảy ngược dòng về phía thượng nguồn.
Máu của hai người hòa vào làn nước trong xanh của sông Đăk Bla, khiến cho toàn bộ dòng sông chuyển sang màu đỏ sẫm, kéo dòng nước chảy ngược về hướng Tây. Buổi sáng, khi người dân hai làng ra sông lấy nước, họ rất sửng sốt khi dòng sông quen thuộc bỗng chuyển sang màu đỏ và chảy ngược lại hướng trước kia. Họ chạy đi báo tin cho những người trong làng. Khi biết được sự thật, người dân hai buôn làng đã vô cùng hối hận và đau vì sự thù hận đã khiến cho đôi uyên ương phải chết tức tưởi.
Cảm động trước tình yêu này, hai làng quyết định gác lại quá khứ, cởi bỏ mối thù, kết nghĩa anh em, sống lại những ngày tháng chan hòa và yên lành Nhưng dòng sông cũng không thể đổi dòng được nữa, cứ tiếp tục chảy về hướng Tây và mang theo màu đỏ thẫm cho đến tận bây giờ.
Vào mùa khô, lòng sông Đăk Bla hẹp lại, lững lờ trôi. Vào mùa mưa, nước dâng lên hai bờ, mải miết chảy. Con sông như một đặc ân thiên nhiên ban tặng cho Kon Tum. Dòng sông bồi đắp phù sa cho ruộng lúa, đồng ngô trù phú, lặng thầm mang lộc cá tôm nuôi sống bao người con ở Bana, Jrai, Xê Đăng,… Dòng sông đã chứng kiến biết bao vòng đời, bao nhiêu vòng xe, những bước chân lặng lẽ và cả những nỗi buồn vui của người dân nơi đây.
Sông Đăk Bla không chỉ là nguồn nước quý giá cho đời sống và sản xuất nông nghiệp mà còn là điểm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ và bình yên. Vào ban đêm, dòng sông trở nên huyền bí, lung linh dưới ánh trăng, tạo nên một khung cảnh lãng mạn không kém cạnh dòng sông Hương thơ mộng của xứ Huế. Du khách đến đây sẽ được trải nghiệm cuộc sống bình dị của người dân tộc bản địa qua việc tham gia các hoạt động văn hóa như uống rượu cần, múa cồng chiêng hay thả hoa đăng trong mùa lễ hội.
Sông Đăk Bla chỉ là một trong số nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt vời tại Kon Tum. Vùng đất Kon Tum nổi tiếng sở hữu nhiều di sản văn hóa và thiên nhiên, mỗi nơi đều mang một câu chuyện riêng, một nét đẹp riêng, đợi du khách khám phá và trải nghiệm. Đến với Kon Tum, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn được đắm chìm trong không gian văn hóa phong phú, đa dạng của các dân tộc thiểu số nơi đây.
Sông Đăk Bla với dòng chảy mạnh mẽ và vẻ đẹp bình yên, là minh chứng cho sức sống mãnh liệt và sự hài hòa tuyệt vời giữa con người và thiên nhiên tại mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ.
2. Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Kon Tum ấn tượng:
Trong chuyến hành trình tìm về với miền núi rừng thiên nhiên hoang dã, du khách sẽ có cơ hội được đặt trên đến mảnh đất Kon Tum, nơi có bề dày truyền thống lịch sử hào hùng với những trận đánh lịch sử và không ít những sự kiện cách mạng. Đặc biệt là di tích lịch sử ngục Kon Tum, được biết đến là một dấu ấn hào hùng của dân tộc Việt Nam và là hiện diện, chứng nhân cho những gian khổ hy sinh anh dũng của người dân Tây Nguyên nói riêng và người dân miền Nam nói chung trong quá trình đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc.
Trải qua biết bao thăng trầm trong quá trình dựng nước và giữ nước, mảnh đất Kon Tum cằn cỗi nắng gió ngày nay đã phát triển không ngừng, trở thành một trong những thành phố núi phát triển nhất của vùng Tây Nguyên. Di tích lịch sử ngục Kon Tum nằm trên đường Trương Quang Trọng, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, nằm ở phía Bắc hạ lưu của dòng sông Đắk Bla – nơi có những hàng cây xà cừ vươn cao bóng cả.
Trong chiến tranh kháng chiến chống Pháp những năm 1930, thực dân Pháp đã cho xây dựng nhà ngục Kon Tum làm nơi giam giữ các tù binh chính trị, các chiến sĩ cách mạng yêu nước của ta bị bắt từ Nghệ An, Hà Tĩnh và Thừa Thiên Huế trong giai đoạn phong trào Xô Viết- Nghệ Tĩnh 1930-1931. Nằm ở phía Tây thị xã Kon Tum, hạ lưu con sông Đăk Bla, ngục Kon Tum không chỉ là minh chứng cho những năm tháng gian khổ mà còn là biểu tượng của tinh thần quật cường, anh dũng của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Ngục Kon Tum đã được công nhận là di tích lịch sử Quốc Gia vào năm 1988 để ghi nhận và tưởng nhớ những đóng góp, hy sinh anh dũng cao cả của các chiến sĩ đã từng bị giam giữ tại đây.
Khu di tích bao gồm nhiều khu vực như nhà tưởng niệm, nhà truyền thống, cụm tượng đài “Bất khuất” và hai ngôi mộ tập thể, là nơi an nghỉ của những chiến sĩ đã hy sinh. Ngục Kon Tum được gọi là “địa ngục trần gian”, bởi nơi đây đã có hơn 500 chiến sĩ cách mạng của ta bị giam giữ, đọa đày đến cùng cực, bị thực dân Pháp hành hạ bằng lao động khổ sai, làm thì khổ cực mà không làm thì bị giết một cách man rợ hoặc là thiêu sống hoặc là chôn sống. Chỉ tính đến tháng 6 năm 1930, đã có 170 chiến sĩ của ta bị giết tại ngục Kon Tum. Sự hy sinh của các anh đã trở thành ngọn lửa cho phong trào đấu tranh chống Pháp lan rộng ra khắp các tỉnh Tây Nguyên. Khi bước chân vào những khu vực này, du khách không chỉ có cơ hội tìm hiểu rõ hơn về lịch sử nước nhà mà còn tưởng nhớ và tri ân những anh hùng đã cống hiến cho đất nước.
Ngục Kon Tum còn là nơi cung cấp công nhân đi khai phá cao nguyên, làm đường. Trong quá trình đi khai phá và làm đường, nhiều người đã bị bắt, cho nên các tù binh của ngục tù Kon Tum nhiều lần phát động các cuộc biểu tình. Đã có những cuộc biểu tình khiến nhiều người bị chết và bị thương. Tại ngục Kon Tum, tháng 9/1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Kon Tum đã được thành lập, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong phong trào cách mạng tại địa phương. Tháng 12/1935, ngục Kon Tum được lệnh đóng cửa, nhưng dấu ấn lịch sử của nó vẫn còn mãi với thời gian.
Sau năm 1975 khi đất nước đã hoàn toàn thống nhất, hòa bình lặp lại trên cả 2 miền Nam – Bắc, nơi đây đã trở thành một di tích sót lại của chiến tranh, ngày 16/11/1988 nhà tù Kon Tum chính thức được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Có thể nói rằng, di tích lịch sử ngục Kon Tum có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với người dân Kon Tum, Tây Nguyên nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Ý nghĩa của di tích lịch sử ngục Kon Tum không chỉ dừng lại ở việc thể hiện tinh thần yêu nước của nhân dân miền Nam mà còn là minh chứng cho những năm tháng gian khổ của người dân Tây Nguyên. Di tích cũng là biểu tượng cho ý chí quyết tâm và lòng quả cảm của những chiến sĩ Cộng sản, những người đã không ngần ngại hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Du khách đến đây cùng nhau thắp những nén hương, đặt những bông hoa tươi thắm nhất gửi đến các chiến sĩ với lòng tưởng nhớ và biết ơn sâu sắc. Các anh đã hy sinh nhưng tên tuổi của các anh còn mãi với dân tộc. Người dân Việt Nam đời đời nhớ đến những chiến sĩ cách mạng tại ngục tù Kon Tum.
3. Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Kon Tum ngắn gọn:
Cầu treo Kon Klor được biết đến là một công trình kiến trúc độc đáo tại Kon Tum, không chỉ là một phần của cơ sở hạ tầng giao thông mà còn là biểu tượng văn hóa của người dân Tây Nguyên nơi đây.
Được khởi công xây dựng vào ngày 3 tháng 2 năm 1993 và hoàn thành vào ngày 1 tháng 5 năm 1994, cầu treo Kon Klor đã trở thành một điểm đến không thể bỏ qua khi ghé thăm Kon Tum. Với tổng chiều dài 292 mét và chiều rộng 4,5 mét, cầu được làm hoàn toàn từ sắt thép, đảm bảo sự kiên cố và an toàn cho người qua lại. Thiết kế đặc trưng của cầu cho thấy nét đẹp văn hóa và tinh thần mạnh mẽ của người dân nơi đây. Màu sắc nổi bật của cầu với hai tone màu cam vàng tạo nên một điểm nhấn ấn tượng giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của Tây Nguyên.
Cầu treo Kon Klor không chỉ là yếu tố quan trọng trong việc kết nối giao thông giữa hai bên bờ sông Đăk Bla mà còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Cây cầu đã chứng kiến những bước chuyển mình của Kon Tum từ một vùng đất yên bình đến khi trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút số lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến thăm quan. Cầu treo Kon Klor cũng là nơi lý tưởng để ngắm nhìn dòng sông Đăk Bla thơ mộng, nơi mà dòng nước chảy êm đềm phản chiếu bóng của cây cầu và bầu trời xanh thẳm. Đối với những ai yêu thích nhiếp ảnh, cầu treo là nơi lý tưởng cung cấp một bối cảnh tuyệt vời để ghi lại những khoảnh khắc đẹp đẽ của cuộc sống.
Đặc biệt, khi đến với cầu treo Kon Klor, du khách còn có cơ được gặp gỡ và giao lưu với nhiều nền văn hóa khác nhau. Đến đây, du khách có thể ghé thăm làng dân tộc Bah Nar – Kon Klor, cùng với họ uống rượu cần rồi lên đường vượt sông qua cầu treo để đến một vùng đất phù sa trú phú. Đó là nơi có những vườn chuối, vườn cà phê và các loại cây ăn quả. Vượt con đường quanh co khoảng 6km, du khách đến làng Kon K’tu, một làng dân tộc Bah Nar còn giữ nguyên được những nét sinh hoạt và cảnh vật thiên nhiên hoang sơ.
Làng du lịch văn hóa Kon K’tu có nhà rông cao, đẹp, du khách sẽ được thỏa mãn nhu cầu ngủ lại qua đêm, tham gia các sinh hoạt giao lưu văn hóa, nghe kể Khan bên bếp lửa ngập bùng cùng người dân bản địa. Khi từ biệt làng trở về, chắc chắn bạn sẽ thấy hài lòng với những món quà lưu niệm do bàn tay khéo léo của người dân nơi đây làm bằng vật liệu từ núi rừng.
Cầu treo Kon Klor với vẻ đẹp kiêu hãnh và ý nghĩa sâu sắc, sẽ mãi là một điểm sáng trong bức tranh đa dạng của du lịch Việt Nam.
THAM KHẢO THÊM: