Thuyết minh về lễ hội Dinh Cô Long Hải chọn lọc siêu hay được chúng tôi tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo ở bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Thuyết minh về lễ hội Dinh Cô Long Hải chọn lọc:
Dinh Cô thuộc thị trấn Long hải (huyện Long Điền) nằm bên sườn ngọn đồi nhỏ, trước mặt là bãi cát dài và biển khơi mênh mang sóng nước.
Sách Đại Nam nhất thống chí viết giữa thế kỷ 19, mục Núi, Sông cho biết: “Ngoài mõm núi có ngọn Thần Nữ, tục gọi là mõm Dinh Cô, có một đống vừa cát, vừa đá, trước kia có người con gái chứng 17, 18 tuổi, tử nạn, bị bão đánh giạt tới đây được người địa phương chôn cất sau đó mộng thấy người con gái tự xưng là Thị Cách đến đây giúp đỡ; người ta cho là thần, lập đền thờ”.
Từ đó cô luôn hiển linh mộng báo điềm lành, diệt trừ dịch bệnh, độ trì bá tánh nên dân trong vùng tôn xưng là “Long Hải Thần Nữ Bảo An Chánh Trực Nương Nương Chi Thần”.
Lúc đầu Dinh Cô chỉ là ngôi miếu nhỏ được làm đơn sơ, nhưng theo thời gian, cùng với sự “linh thiêng” của Cô được chứng nghiệm. Năm 1930, Dinh Cô được xây dựng khá khang trang. Năm 1987, Dinh Cô bị hoả hoạn, sau đó được xây dựng lại như hiện nay.
Hiện Dinh Cô như một toà lâu đài tráng lệ nhưng cũng thật trang nghiêm bề thế có diện tích trên 1.000m2. Cổng Tam quan vào Dinh Cô nằm dưới chân mũi Thuỳ Vân, đắp nổi “Long hổ hội”, phía trên có “Lưỡng long chầu nguyệt” và song phụng chầu, lối lên điện Cô là 37 bậc tam cấp.
Chính điện Dinh Cô bài trí 7 bàn thờ. Ngay trung tâm chánh điện là bàn thờ nổi bật với bức tượng Bà Cô cao hơn 0,5 mét, mặc áo choàng đỏ, viền kim tuyến lấp lánh đội mũ gắn ngọc. Phía sau cạnh bàn thờ Bà Cô là bàn thờ Diêu Trì Phật Mẫu, Chúa Cậu (Nhị vị Công tử, tức là Cậu Tài, Cậu Quý), Ngũ Hành Nương Nương, Tứ Pháp Nương Nương (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện), ông Địa, Thần Tài.Ngoài chính điện, ngư dân còn lập bàn thờ Cửu Thiên Huyền Nữ, Chúa Ngọc Nương Nương, chúa Tiên Nương Nương, Chư vị, Bà Mẹ Sanh, Chủ tịch Hồ Chí Minh và miếu thờ Hoả Tinh Thánh Mẫu, Quan Thánh Đế Quân, Quan Thế âm Bồ Tát.
Chúng ta thấy, vì sự phối tự với Bà Cô – một nhân thần địa phương, ngư dân Long Hải đã đưa vào Dinh Cô một hệ thống thần thánh đông đảo đại diện cho rất nhiều dòng văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo của các dân tộc khác nhau, sống trên những địa bàn khác nhau.
Liên quan đến Dinh Cô và là một bộ phận quan trọng của di tích là Mộ Cô, nằm trên đồi “Cô Sơn”, cách Dinh Cô chừng l km. Mộ Cô là một nơi khang trang đẹp đẽ, thu hút nhiều người đến thăm viếng, chiêm bái, đặc biệt là trong dịp lễ hội Nghinh Cô.
Hàng năm, vào các ngày 10, 11, 12 tháng 2 âm lịch ngư dân Long Hải mở lễ hội Dinh Cô (còn gọi là vía Cô). Lễ hội Nghinh Cô là một trong những lễ hội quốc gia lớn nhất ở Nam Bộ. Đây là dịp Dinh Cô thu hút hàng chục ngàn du khách khắp mọi miền đến viếng lễ và tắm biển. Trên đồi núi dọc ven biển là rừng cây xanh tốt, những gộp đá đủ mọi hình thù, phía dưới là bãi cát vàng hình bán nguyệt với những khu tắm biển lúc nào cũng đông người, trước mặt là đại dương nghìn trùng sóng vỗ, nhộn nhịp tàu ghe qua lại. Xa xa phía tây là thành phố Vũng Tàu tươi trẻ cùng bãi tắm Thuỳ Vân (Bãi Sau) bốn mùa nhộn nhịp du khách. Phía tây bắc sừng sững một dãy núi cao có rừng cây bao phủ là khu di tích lịch sử căn cứ Minh Đạm…
Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và kiến trức Dinh Cô, Mộ Cô cùng bãi biển thơ mộng hoà nhập thành một danh lam thắng cảnh nổi tiếng một vùng.
2. Thuyết minh về lễ hội Dinh Cô Long Hải siêu hay:
Lễ hội Dinh cô được tổ chức hàng năm tại Khu di tích lịch sử – văn hóa Dinh Cô, tọa lạc trên bãi biển thuộc thị trấn Long Hải, Huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu. Đây là di tích vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia năm 1995 và vừa được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thế quốc gia vào tháng 2/2023.
Theo tương truyền, Dinh cô là nơi thờ một vị trinh nữ tên Lê Thị Hồng, quê ở Tam Quan, tỉnh Bình Định, cách đây 2 thế kỷ người con gái này đã lâm nạn tại hòn Hang sau một lần theo cha ra biển, lúc đó cô vừa tròn 16 tuổi. Sau khi mất người dân địa phương đã chôn cất và lập miếu thờ cô ngoài bãi biển và bà hiện linh về giúp giúp dân làng vượt qua khó khăn, vững tay chèo trong những chuyến biển xa khơi. Dân làng tôn xưng bà danh hiệu “Long Hải thần nữ bảo an chính trực nương nương chi thần” và dời miếu lên núi Kỳ Vân đây chính là nơi Dinh cô tọa lạc cho đến ngày nay.
Lễ hội Dinh Cô được tổ chức trong 03 ngày từ ngày 10 đến 12/2 (Âm lịch). theo nghi thức cổ truyền long trọng và trở thành một trong những lễ hội lớn của người dân miền biển tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu. Theo quan niệm của người dân, lễ hội là dịp để tạ ơn cô sau một năm làm ăn và cầu cho mưa thuận, gió hòa, bình an bám biển.
Sáng sớm ngày 12/2 (Âm lịch) các ghe thuyên sẽ ra biển làm lễ Nghinh cô, các ghe được trang trí ngai, long vị Cô cùng các vị bô lão, cao niên trong ban tương tế với trang phục trang nghiêm. Sau khi ghe thuyền tiến ra chỗ nhắm chừng nơi Cô tử nạn ngày xưa thì sẽ bắt đầu nghi lễ rước cô và các vị thần linh về dinh ăn giỗ. Trong những ngày diễn ra lễ hội có nhiều nghi thức quan trọng được thực hiện như: Cung thỉnh bài vị cá ông, Cung thỉnh bài vị của bà thủy tộc nương nương, cúng an vị, tiền hiền, tụng niệm cầu quốc thái dân an… Bên cạnh nghi thức trang trọng của phần lễ phần hội diễn ra với nhiều trò chơi dân gian sôi nổi như thi đan lưới, đi cà kheo trên cát, bóng chuyền bãi biển, biểu diễn diều nghệ thuật … các hoạt động đã thu hút đông đảo người dân và du khách về tham dự.
3. Thuyết minh về lễ hội Dinh Cô Long Hải ấn tượng:
Dinh Cô là ngôi đền thờ Long Hải thần nữ, một vị thần rất linh thiêng của người dân địa phương, luôn che chở cho ngư dân. Trước đây ngư dân Long Hải thường gọi Dinh Cô là điện thờ Cô, hoặc điện thờ Bà Cô.
Quần thể di tích Dinh Cô gồm ngôi đền thờ Cô tọa lạc dưới mõm núi Thùy Vân, thuộc ấp Hải Sơn và khu Mộ Cô nằm trên đồi Cô Sơn, ba mặt giáp biển, cách ngôi điện thờ chừng 1km về phía Đông. Xưa kia đây là vùng hoang vắng. Ngư dân Long Hải chủ yếu sinh sống quanh vùng mà bây giờ gọi là ấp Hải Phong. Điện thờ Cô gồm ba khối nhà đúc mái ngói nằm liền kề nhau theo chiều ngang của triền đồi. Bên trái Chánh điện là ngôi thờ Tiền hiền Hậu hiền, tiếp đến là phòng trưng bày xiêm y, áo mão của Cô, nơi tiếp khách, văn phòng làm việc của Ban Quản lý, phòng ăn và bếp.
Dinh Cô nằm sát ngay bên bãi biển Long Hải. Có thể nói đây là vị trí đẹp nhất của thị trấn Long Hải. Một vị trí sơn thủy hữu tình. Tương truyền ngày trước, nơi thờ Cô chỉ là một ngôi miếu nhỏ bằng cây lá, sát bờ biển. Về sau, do bị thủy triều xâm thực nên dân làng đã dời lên chân núi Thùy Vân. Hồi đầu thế kỷ này điện Cô được xây cất, mái ngói. Vào khoảng năm 1930, do có sự tranh chấp đất đai giữa ông Bang Biện Phạm Văn Cang (có lẽ là một người Hoa) với người Pháp tên là Vercode, điện Cô một lần nữa được dời lên triền núi Thùy Vân ở vị trí hiện nay. Lần này điện Cô được xây dựng tương đối khang trang bằng vật liệu gạch, đá, xi măng cốt thép với sự đóng góp công sức và tiền bạc của nhiều ngư dân địa phương.
Ngày mồng Tám Tết Đinh Mão 1987, một trận hỏa hoạn dữ dội thiêu trụi gần như hoàn toàn bên trong chánh điện. Dân làng đã quyên góp tiền của để một lần nữa xây dựng lại Dinh Cô.
Năm 1989, người ta xây dựng thêm một căn nhà hai tầng theo thế dựa vào vách núi trước chánh điện, tầng dưới làm nơi tiếp khách, tầng trên là nhà Võ ca. Liên tiếp các năm sau đó, 1992, 1993, Dinh Cô luôn được xây dựng bổ sung Phật Đài Quan Thế Âm Bồ Tát, nhà khách… Nhưng lần trùng tu gần đây nhất là vào năm Kỷ Mão (1999) để có được một Dinh Cô bề thế như hiện nay, với tổng diện tích xây dựng gần 1.000m2, trên diện tích 1,32ha. Hiện nay, Dinh Cô, Mộ Cô là một nơi khang trang đẹp đẽ, thu hút nhiều người đến thăm viếng, chiêm bái, đặc biệt là trong dịp ra lễ hội.