Hội Gióng là lễ hội truyền thống tưởng nhớ và ca ngợi chiến công của người anh hùng Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Bài viết sau đây sẽ gửi đến bạn đọc phần thuyết minh về lễ hội Thánh Gióng hay nhất, mời các bạn cùng tham khảo.
Mục lục bài viết
1. Thuyết minh về lễ hội Thánh Gióng hay nhất:
Làng Gióng là tên một làng Việt cổ nay là khu vực các Đổng Viên, Đổng Xuyên, Phù Đổng và cả Phù Dực, thuộc xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội, làng mở hội hàng năm từ ngày 6 đến 12 tháng Tư âm lịch, chính hội là mùng 9. Hội Gióng là lễ hội lớn nhất, nghiêm trang nhất của đất Kinh Bắc thời xưa.
Hội Gióng còn trình diễn lại các chứng tích bất diệt của người anh hùng Gióng trong cuộc đọ sức với kẻ thù một cách ngoan cường và toàn thắng. Theo tục truyền thì hội lễ Gióng hàng năm được tổ chức với quy mô lớn, bắt đầu từ vua Lý Thái Tổ (1010 – 1028) đã tạo dựng ngôi đền Gióng và tổ chức lễ hội, cùng lúc dựng lại chùa Kiến Sơ, nằm kế đền Gióng, nơi mà thuở hàn vi ông đã nương nhờ cửa Phật. Hội Gióng bắt đầu từ ngày mùng 6 tháng Tư âm lịch bằng một lễ rước nước, khoảng 15 giờ chiều hôm đó. Những người tham dự hội đều có mặt, đoàn người rước hai chum từ đền Thượng đến đền Mẫu và đặt lên bệ bên giếng, có 80 quân phù giá xếp thành hai hàng bốn bậc xuống giếng. Người đứng gần mép nước kính cẩn múc từng gáo nước chuyền lèn đò vào chum qua một lớp vải lọc. Sáng mùng 7 sẽ rước cỗ chay từ đền Mầu về đền Thượng, có múa Ái Lao. Buổi trưa có múa rối nước ở ao trước đền Thượng. Chiều là rước khám đường, với ý nghĩa thăm dò đường đến trận địa. Đến ngày mùng 8, duyệt lại 28 nữ tướng, chọn tướng nhất, tướng nhì của mỗi giáp. Ngày mùng 9 là chính hội Gióng, tương truyền là ngày Gióng đánh thắng giặc Ân, hôm đó buổi sáng trời mưa, buổi trưa trời nắng. Mở đầu hội là cuộc rước cờ từ đền Mẫu đến đền Thượng. Khi đám rước về đến đền Thượng, đốt pháo hoa, đội quân của Gióng biểu diễn hàng ngũ và các động tác quân sự theo nhịp trống. Tiếp đó phường múa diễn trò săn hổ, theo điệu múa hổ, không khí hội náo nức nhưng trang nghiêm. Lúc có người về báo giặc Ân vây đóng ở Đông Đàm là chiêng, trông lại nổi lên, đoàn người tiến về Đống Đàm dưới hình thức một đám rước lớn. Đến chiến trường, hiệu trống nổi ba hồi to, mọi người im lặng tưởng nhớ Gióng; trung quân đốt tràng pháo ra lệnh tiến công, cờ lệnh bắt đầu mở, tung bay trước gió, trong tiếng chiêng trông và hò reo vang dậy một vùng trời. Trận chiến đấu chống giặc Ân bắt đầu bằng điệu múa cờ lệnh là lúc tướng giặc Ân tan tác bỏ chạy. Ngày mùng 10/4 là lễ rước văn, để duyệt quân và kiểm tra vũ khí, đồng thời cử hành lễ tạ ơn Gióng và hội mừng thắng lợi khao quân, lễ thả 26 tướng giặc, tướng giặc dâng lễ vật lên bàn thờ Gióng và cùng dự tiệc với quân của Gióng. Ngày 11/4 là lễ rửa hội, một hình thức rước nước về đền rửa vũ khí, múa hát diễn ra nhộn nhịp.
Hôm 12/4 là rước cắm cờ, xem lại hai chiến trường, phòng có tên giặc nào sống sót rồi cắm cờ an toàn. Đến buổi chiều sẽ làm lễ báo tiệp với đất trời và làm lễ hạ hồi; bốn nghệ nhân xuất sắc của phường múa hát vang bài Lạc Thành ca ngợi chiến công to lớn của quân dân đời Hùng Vương. Lễ hội Gióng hội tụ đầy đủ những tiêu chí của di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Lễ hội được cộng đồng bảo tồn, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, gìn giữ và phát triển. Nó chứa đựng những sáng tạo, thể hiện khát vọng về một cuộc sống ấm no và hòa bình.
2. Thuyết minh về lễ hội Thánh Gióng ấn tượng nhất:
Người dân Việt Nam đến dịp luôn tổ chức lễ hội để tỏ lòng biết ơn đối với những đấng siêu nhiên như thần thánh hoặc những vị anh hùng dân tộc. Lễ hội Gióng là một lễ hội mang ý nghĩa thiêng liêng như vậy để kỉ niệm đức Thánh Gióng tức Phù Đổng Thiên Vương.
Hội Gióng là lễ hội truyền thống tưởng nhớ và ca ngợi chiến công của người anh hùng Thánh Gióng chống giặc Ân. Lễ hội mô phỏng một cách sinh động diễn biến các trận đấu của Thánh Gióng chống giặc Ân, qua đó nâng cao nhận thức cộng đồng về truyền thống thượng võ, ý chí quật cường và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc. Hội Gióng tiêu biểu nhất là được tổ chức ở đền Phù Đổng và đền Sóc được tổ chức từ ngày 6-8 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Sau khi đánh thắng giặc Ân, Phù Linh là nơi dừng chân cuối cùng của Thánh Gióng trước khi bay về trời. Chuẩn bị cho ngày hội chính, vào đêm mùng 5, lễ tắm tượng được tiến hành để mời Đức Thánh về dự hội. Đến ngày mùng 6 khai hội, nhân dân 8 thôn làng thuộc 6 xã nằm quanh Khu di tích đền Sóc dâng các lễ vật đã được chuẩn bị chu đáo lên Đức Thánh, cầu mong ngài phù hộ cho dân làng có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đến sáng mùng 7 là hội chính, hoạt cảnh chém tướng giặc diễn tả lại cảnh Thánh Gióng chém 3 tướng giặc Ân cuối cùng ở chân núi Vệ Linh trước khi bay về trời được tổ chức. Chiều mùng 8, lễ hóa mô hình voi và ngựa giấy được diễn ra để kết thúc lễ hội. Trong thời gian diễn ra lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như chọi gà, cờ tướng, hát ca trù, hát chèo… Giá trị của Hội Gióng là một hiện tượng văn hóa được bảo tồn, lưu truyền liên tục và toàn vẹn qua nhiều thế hệ. Lễ hội có vai trò liên kết cộng đồng và chứa đựng nhiều ý tưởng sáng tạo, thể hiện khát vọng đất nước được thái bình, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Hội Gióng mang nhiều nét đẹp và giá trị của lễ hội đã chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. UNESCO đã ghi nhận một cách ngắn gọn và đầy đủ về Hội Gióng, đó là “Một bảo tàng văn hóa của Việt Nam, lưu giữ nhiều lớp phù sa văn hóa, tín ngưỡng” tốt đẹp.
3. Thuyết minh về lễ hội Thánh Gióng ngắn gọn:
Những lễ hội là các sự kiện văn hóa mang tính cộng đồng. Đây còn là sự kiện tưởng nhớ, tỏ lòng biết ơn của nhân dân đối với các vị thần linh, các anh hùng dân tộc. Lễ hội Thánh Gióng là một trong những lễ hội tiêu biểu và đặc sắc ở Việt Nam.
Lễ hội Thánh Gióng tưởng nhớ Thánh Gióng, một trong những vị Thánh “bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Hàng năm, lễ hội Thánh Gióng chính thống được tổ chức vào ngày mùng 8, 9 tháng 4 âm lịch tại đền Phù Đổng và các vùng lân cận. Lễ hội được tổ chức với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như lễ mộc dục, lễ rước, lễ dâng hương, lễ hóa voi và ngựa… cùng với sự tham gia của nhiều làng lân cận trong vùng và được người dân chuẩn bị từ rất sớm. Từ khoảng ba tuần trước ngày khai hội, những thôn tham gia lễ hội đã bắt đầu các công việc chuẩn bị. Ở ngày đầu tiên, nhân dân quanh khu di tích đền sẽ dâng các lễ vật đã được chuẩn bị lên Đức Thánh, cầu mong ngài phù hộ cho dân làng có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc đủ đầy. Sau khi làm lễ xong, các giò hoa tre được rước xuống. Tại đây diễn ra trò cướp lộc. Trò chơi này thể hiện mong muốn đạt được nhiều may mắn trong năm cho mỗi người dự lễ. Kết thúc là lễ khao quân, đến đêm có hát chèo mừng thắng trận. Thời điểm này, hội Gióng sẽ là một kịch trường dân gian rộng lớn với hàng trăm vai diễn tiến hành theo một kịch bản đã được chuẩn hóa từ xa xưa để lại, chứa đựng những ý nghĩa rất sâu sắc.
Lê hội Gióng hội tụ đầy đủ những tiêu chí của di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho dân tộc ta. Lễ hội được cộng đồng bảo tồn, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, gìn giữ và phát triển. Nó chứa đựng những sáng tạo, thể hiện khát vọng về một cuộc sống ấm no và hòa bình.