Mỗi một địa phương trên mảnh đất hình chữ S này đều có một đặc sản riêng mang nét đặc trưng của địa phương đó. Cùng bài viết này của Luật Dương Gia mang đến cho quý bạn đọc một số mẫu bài Thuyết minh về đặc sản của quê hương em hay nhất:
Mục lục bài viết
1. Bài thuyết minh về đặc sản Phở Hà Nội:
Thủ Đô Hà Nội là địa điểm nổi tiếng với ẩm thực hấp dẫn, không chỉ đối người Việt Nam mà còn thu hút cả du khách nước ngoài. Nhưng nhắc đến món ăn Hà Nội là người ta nhắc đầu tiên đến phở. Phở như một thứ đại diện mang tính bản sắc, đặc thù của món ăn Hà Nội. Lý do thật đơn giản phở Hà Nội khác hẳn các nơi khác, nó không thể trộn lẫn với bất cứ một thứ phở nơi nào, cho dù ở đó người ta đã cố tình treo biển mang tên Phở Hà Nội cũng có thể nhận ra.
Phở là món ăn được dùng riêng như một bữa ăn cho bữa sáng hoặc bữa trưa và bữa tối, không ăn chung với các món ăn khác. Phở Hà Nội được người ta biến tấu thành ba món chính là phở nước, phở xào và phở áp chảo. Trong ba loại này thì phở nước phổ biến hơn cả và cũng gồm có phở bò, phở bà, phở tim gan, … nhưng người ăn chuộng nhất vẫn là phở bò, tiếp đến mới là phở gà.
Những điều làm nên sự tuyệt vời của bát phở nước là nước dùng phở được nấu ninh nhừ từ xương bò như: xương cục, xương ống chân và xương vè. Thịt dùng để ăn kèm với phở có thể là thịt bò hoặc thịt gà. Sợi phở phải mỏng và mềm, thêm gia vị hành lá, tiêu, giấm ớt, vài lát chanh thái. Không giống với những sợi bún có thể ăn lạnh, món phở phải luôn được ăn nóng mới ngon, người Hà Nội còn thường ăn phở kèm với những miếng quẩy nhỏ giòn giòn. Tuy nhiên, để có được bát phở ngon còn phụ thuộc vào kinh nghiệm và bí quyết nấu phở truyền thống. Vì vậy mà chỉ có ở Hà Nội ta mới có thể ăn những bát phở ngon nhất mà không ở đâu làm được.
Trong món phở Hà Nội là sự kết hợp của nước dùng, sợi phở và thịt nhưng trong đó thì công đoạn chế biến nước dùng, còn gọi nước lèo là công đoạn quan trọng nhất, quyết định đến độ ngon của bát phở. Nước dùng của phở truyền thống là phải được ninh từ xương ống của bò cùng với một số gia vị. Xương phải được rửa sạch, cạo sạch hết thịt bám vào xương cho vào nồi đun với nước lạnh. Nước luộc xương lần đầu phải đổ đi để nước dùng khỏi bị nhiễm mùi hôi của xương bò, nước luộc lần sau mới được dùng làm nước lèo, sau đó là cho thêm vào chút gừng và củ hành đã được người làm nướng lên.
Ban đầu phải để lửa thật to để nước sôi lên, khi nước đã sôi thì phải giảm lửa và bắt đầu vớt bọt do xương, thịt tiết ra, điều này làm cho nước dùng được trong. Khi đã vớt hết bọt, ta phải cho thêm một ít nước lạnh và lại đợi nước tiếp tục sôi tiếp để vớt hết bọt. Cứ tiếp tục làm như vậy cho đến khi nước trong và không còn một gợn bọt. Sau đó, điều chỉnh lửa sao cho nước chỉ sôi lăn tăn và cho thêm một ít gia vị vào, lúc này nếu để lửa to làm nước sôi quá sẽ làm cho nước bị đục và chất ngọt từ xương không đủ để tan hết vào nước dùng.
Có thể nói phở truyền thống của Hà Nội có vị ngọt chính xác của xương bò. Sau khi chế biến nước dùng, để có một bát phở, người ta lấy một nhúm bánh phở trần qua nước nóng mềm mại dàn đều trong bát, tiếp đến là nhúng qua những thịt bò thái mỏng xuống nồi nước dùng đang sôi đó cho đến khi thịt chỉ vừa chín tới là ngon nhất, mùi thơm của thịt vừa chín đến mức vẫn dẻo nhưng không bị dai, điểm thêm mấy ngọn hành hoa xanh hoặc mấy cọng rau thơm, mấy miếng ớt hoặc thêm cả mấy lát gừng vàng. Tùy vào khẩu vị của mỗi người mà khi ăn có thể vắt thêm chanh hoặc giấm tỏi. Chỉ cần nhìn bát phở cũng đủ thấy những tinh túy trong phong cách ăn uống cầu kỳ và tỉ mỉ của người Hà Nội.
Một bát phở là sự kết hợp một cách chân thật, tuyệt kỹ hài hòa của thịt thì mềm, bánh thì dẻo, thỉnh thoảng lại thấy cái cay dịu của gừng, cái cay nồng của ớt, cái thơm nhè nhẹ của rau thơm, cái thơm của thịt bò tươi mềm. Một bát phở với những màu sắc hòa quyện với thiên nhiên như một bức hoạ vừa đẹp mắt vừa dậy lên hương vị, quyện với hơi nước phở bỏng rẫy, bốc lên nghi ngút, đánh thức tất thảy khả năng vị giác, khứu giác của người ăn, nhất là vào tiết trời thu bắt đầu se lạnh khiến ta có cảm giác đang được hưởng những cái tinh tế nhất của đất trời và con người hợp lại. Chỉ húp một tý nước thôi đã thấy tỉnh người.
Đối với du khách nước ngoài khi đặt chân đến đất nước Việt Nam và đến với thủ đô Hà Nội thì phở được coi là món ngon hấp dẫn và lạ miệng bởi sự tinh túy mà họ không thể bỏ qua. Để thưởng thức phở ngon thì cần phải để phở trong bát sứ chứ không phải là bát thủy tinh hay bát nhựa để giữ được nước dùng không bị chóng nguội.
Nếu có cơ hội đến với mảng đất thủ đô nghìn năm văn hiến Hà Nội thì bạn đừng quên thưởng thức hương vị phở đặc trưng này nhé! Phở Hà Nội là như thế, đó là cái ngon của tất thảy những sự tinh tế của nguyên liệu được bàn tay tài hoa của người Hà Nội làm thành tác phẩm!
2. Bài thuyết minh về đặc sản Bún bò Huế:
Từ rất lâu, vùng đất cố đô Huế đã là nơi có không gian văn hóa ẩm thực độc đáo, tinh tế và có sức hấp dẫn mạnh mẽ. Các món ăn mang phong cách Huế khá cầu kỳ do ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa cung đình và phong cách của người dân Huế, họ chú trọng đến việc thưởng thức hơn là việc ăn chỉ để no, đối với các bữa ăn hay tiệc tùng, bàn ăn được bày ra mỗi món một chút, ăn từng món một, không cầu kỳ và xa hoa. Bản sắc ẩm thực Huế đã lan rộng khắp cả nước với những món ăn đậm đà hương vị Huế như bún bò Huế, bánh bèo, bánh nậm, bánh lộc, bánh in, cơm hến, chè đậu xanh, chè bột lọc, bia Huda… Trong số đó, bún bò Huế là món ăn có sức phổ biến nhất, được ưa chuộng nhất và trở thành nét đặc trưng của văn hóa ẩm thực Huế.
Bún bò là một trong những đặc sản của Huế mặc dù món bún này phổ biến ở cả ba miền Việt Nam và cả người Việt ở nước ngoài. Bún bò Huế ra đời vào thời chúa Nguyễn Hoàng (khoảng thế kỷ 16). Tương truyền từ xưa kể lại rằng ngày xưa có một cô gái ở làng Vân Cừ (nay là thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) xinh đẹp, tài giỏi và khéo léo đã phát minh ra cách chế biến món ăn mới: Luộc thịt bò lấy nước. dùng cho các món mì. Từ đó món bún bò ra đời và được lưu giữ, phát triển qua nhiều thế hệ.
Tại Huế, món này được gọi đơn giản là “bún bò” hoặc gọi cụ thể hơn là “bún thịt bò“. Các địa phương khác gọi là “bún bò Huế” để chỉ món bún bò có nguồn gốc Huế chứ không phải món bún thường có ở các địa phương khác. Món ăn có nguyên liệu chính là bún, thịt bắp bò, giò heo, chả Huế, nạm bò,… cùng nước dùng có màu đỏ đặc trưng và vị sả và ruốc. Ngày nay món bún bò được phát triển hơn, đôi khi tô bún còn được người ta thêm vào thịt bò tái, chả cua, và các loại nguyên liệu khác tùy theo sở thích của người nấu và người ăn.
Trong nước dùng của bún bò Huế có điểm đặc biệt là người ta thường nêm vào một ít mắm ruốc, tạo nên hương vị rất riêng của nồi bún bò Huế. Sau khi xương bò được hầm chín tới, người ta thường thêm vào một ít chả heo hay chả cua được quết nhuyễn. Thịt bò được thái lát mỏng, nhúng vào nồi nước dùng đang sôi trước khi cho vào tô bún (gọi là thịt bò tái). Khi thưởng thức bát bún bò của mình, người ta cũng thường cho thêm một ít ớt bột và gia vị vào tô bún rồi ăn kèm với rau sống gồm giá, rau thơm, xà lách, rau cải con, bắp chuối cắt nhỏ.
Yếu tố quyết định trước hết đến hương vị của bát bún bò được nấu chuẩn hay không nằm ở quá trình nấu nước dùng, cũng như chọn lựa sợi bún sao cho phù hợp, tươi ngon nhất. Với nước dùng, tiêu chuẩn chung là phải ngọt và trong, mang hương vị thanh dịu của xương thịt hầm đúng độ. Nguyên liệu bún nấu luôn là loại bún tươi sợi lớn, trắng trơn, dai ngon. Bún Huế cổ truyền được ưa chuộng bởi chính bí quyết kết hợp việc nhào bột gạo chung với ít bột lọc, làm cho sợi bún thành hình sẽ có tính dai dẻo đặc thù, sắc trắng sáng tự nhiên, không đục màu. Khi ăn, nhâm nhi miếng bún, người thưởng thức dễ thấy ngay cái mềm mại, bùi ngon nhưng không hề gây ngán. Có được nước dùng cùng với sợi bún “chất lượng” là đã đủ 7 trên 10 thành tố tạo nên sản phẩm bún bò Huế ngon đúng điệu. Những yếu tố còn lại là gia vị truyền thống, ruốc, sả, dầu điều, tiết canh, ớt, rau thơm, giá trộn ăn kèm tươi sống được thêm vào lượng vừa phải, góp phần hoàn thiện và làm tròn đầy giá trị của tô bún dân dã mà quyến rũ về phong vị.
Người Huế có thể ăn món bún bò mọi lúc như một bữa ăn chính như bữa sáng, bữa trưa, bữa tối. Dùng bún buổi sáng ngon bổ được xem như một thói quen từ lâu của họ. Tất cả những sự tinh túy trên làm nên một hình ảnh thân thuộc về Huế, như góp phần phản ánh nếp sống dung dị, đã “bắt nhịp” từ hàng trăm năm trước.
Có thể nói, Bún bò Huế là một món ăn với đầy đủ hương vị cay, thơm, ngọt, béo, đây cũng là điều đại diện tiêu biểu cho linh hồn của ẩm thực xứ Huế – một vùng đất đôn hậu, hiền hòa nhưng lại ẩn chứa những giá trị đậm đà bản sắc văn hoá cố đô. Ấn tượng lẫn vẻ đẹp ẩm thực tiêu biểu – hiện diện nơi tô bún bò, là nét kết hợp đầy lý thú của nghệ thuật chế biến truyền thống, cùng hương vị chan chứa đậm đà mà vẫn thanh tao, dung hòa hoàn hảo.
3. Bài thuyết minh về đặc sản Nam chua Thanh Hóa:
Nem chua Thanh Hóa là món ăn nổi tiếng và là niềm tự hào của người dân nơi đây. Món ăn này được chế biến rất công phu, trải qua nhiều công đoạn cẩn thận, từ khâu chọn nguyên liệu đến đóng gói sản phẩm…
Nem chua được làm từ thịt lợn nhưng thịt dùng làm nem phải là thịt còn nóng, nghĩa là khi lợn vừa mới cắt ra, người làm nem phải thái, xay và chế biến ngay, không để lâu. Vì nếu để nguội, nem sẽ không có độ bóng, độ kết dính trong quá trình lên men. Trước đây khi chưa có máy xay, người thợ làm nem chua phải giã thịt bằng tay trên cối đá lớn. Theo kinh nghiệm của các gia đình làm nem chua truyền thống từ xưa, thịt giã trong cối đá sẽ giòn, dẻo và dẻo hơn so với thịt xay bằng máy.
Da heo cũng phải được lựa chọn rất cẩn thận. Thịt lợn dùng để làm da phải là thịt lợn cạo chín, nghĩa là luộc bằng nước sôi. Chỉ khi đó lông mới sạch và việc xử lý sẽ tiết kiệm được thời gian. Để có được những thớ da trong, ngon, người thợ phải cạo thật kỹ toàn bộ lớp mỡ còn sót lại trên da, cho đến khi lớp da mỏng, trắng tinh, trong suốt. Da được làm càng cẩn thận thì khi thái lát sẽ giòn và dai hơn.
Khi đã chuẩn bị xong nguyên liệu chính là thịt và da, người thợ làm nem sẽ trộn hai hỗn hợp này lại với nhau cùng với các gia vị như muối, bột ngọt, đường và thêm một chút nước mắm cho thơm. Sau đó lấy hỗn hợp thịt ra và gói lại bằng lá chuối. Mỗi chiếc nem được người gói kèm thêm một lát tỏi, lá đinh lăng và ớt. Những chất phụ gia này có tác dụng làm hương vị món nem chua ngon hơn, hấp dẫn hơn và còn có tác dụng cân bằng giữa lạnh (nem chua) với nóng (lá đinh lăng, ớt). Lá chuối để gói mỗi chiếc nem phải còn xanh và dày vì trong quá trình vận chuyển và bảo quản nem, nem vẫn tiếp tục lên men.
Để bảo quản được lâu, người thợ thường gói nem trong giấy bóng. Thông thường, nem chín sau 3 ngày là có thể sử dụng được. Bóc lớp lá chuối xanh bên ngoài, màu hồng của cùi, màu trắng của thớ vỏ và màu đỏ của quả ớt lộ ra.
Khi thưởng thức, bạn sẽ bắt gặp vị chua của thịt, vị dai giòn của thớ da, vị cay của ớt, mùi thơm của tỏi, vị ngọt chát của đinh lăng… một hương vị rất đặc trưng mà không nơi nào có được. đâu đâu cũng như nem ở Thanh Hóa. . Nem Thanh có hương vị lạ, rất khác với nem chua ở Hà Nội hay nem lụi ở Huế, lại càng khác nem chua hay nem tai. Nó vừa chua vừa cay, vừa có vị mặn của gia vị vừa có vị ngọt của thịt khiến bạn không thể không ăn thêm vài miếng.
Nem chua Thanh Hóa vừa ngon vừa rẻ nhưng có một điều rất lạ và thú vị là có thể làm món ăn vặt, đôi khi còn ăn với cơm. Còn gì tiện lợi hơn là chúng ta có thể thưởng thức hương vị thơm ngon của nó ở bất cứ đâu. Nghĩ đến món nem chua quê hương Thanh Hóa là những người từng được thử qua đều có thể thấy lưỡi cay cay, ngọt ngào, khó diễn tả.
Nếu có dịp dừng chân ở vùng đất này, hãy thưởng thức món nem chua xứ Thanh nhé. Vị chua ngọt đậm đà của gia vị tạo nên mùi thơm khó quên của món nem Thanh Hóa. Nem chua Thanh Hóa nổi tiếng khắp dải đất dài từ Nam ra Bắc, ai ai đi qua vùng đất này đều nhất quyết phải mua được đặc sản nơi đây về làm quà. Người Thanh Hóa tự hào với bạn bè khắp nơi bởi có một món quà không phải nơi nào cũng có thể học và làm được mà được truyền qua kinh nghiệm từ thế hệ này sang thế hệ khác trong nhiều năm.