Ca dao, dân ca Việt Nam được xem là kho tàng văn hóa tri thức dân gian, phản ánh rõ nét những phong tục tập quán của người dân Việt Nam, tạo nên một cuộc sống thiên nhiên và con người hòa quyện. Dưới đây là những bài thuyết minh về ca dao Việt Nam lớp 8 chọn lọc hay nhất, quý độc giả có thể tham khảo.
Mục lục bài viết
1. Thuyết minh về ca dao Việt Nam lớp 8 chọn lọc hay nhất:
Mỗi nền văn học ở mỗi quốc gia khác nhau đều mang những đặc điểm riêng biệt. Là một quốc gia có nền văn hiến lâu đời, văn học Việt Nam cũng có nhiều đặc điểm không thể trộn lẫn. Nếu như văn học Trung Hoa nổi tiếng với những tác phẩm tiểu thuyết, văn học Nhật Bản nổi tiếng với những bộ truyện tranh thì văn học Việt Nam vô cùng tự hào với nhiều bài ca dao đi cùng bao thế hệ. Ca dao được xem là thơ ca dân gian Việt Nam, kết hợp hài hòa giữa lời thơ và âm nhạc cảm xúc, diễn tả rõ nét đời sống nội tâm của con người Việt Nam. Ca dao còn được xem là một thể loại văn học nổi bật, đơn giản. Ca dao Việt Nam ra đời từ rất sớm, được truyền miệng thông qua nhiều hình thức khác nhau, có thể thông qua những câu hát hoặc thông qua những lời ru kèm theo nhịp điệu nhất định. Trải qua nhiều năm tháng thăng trầm và phát triển của lịch sử, cho đến ngày nay ca dao Việt Nam vẫn được xem là một thể loại văn học đặc trưng của dân tộc.
Ca dao Việt Nam hay còn có tên gọi khác là thơ trữ tình, do đó cũng mang trong mình những đặc điểm về nội dung và hình thức của một thể loại văn học nhất định. Về nội dung, ca dao Việt Nam bao quát và phản ánh phạm vi rất rộng của đời sống con người trong đó bao gồm lễ nghi, phong tục tập quán, đời sống gia đình, cộng đồng, văn hóa đạo đức, lối sống và kinh nghiệm sống. Đối tượng của ca dao vô cùng đa dạng và phổ biến ở tất cả lứa tuổi khác nhau, tuy nhiên trong mỗi chủ đề thì nhân vật trữ tình cũng mang những tâm tư và nỗi niềm khác nhau. Ca dao Việt Nam thông thường viết về gia đình thì nhân vật trữ tình là người vợ hoặc người mẹ, ca dao viết về tình yêu trai gái thì nhân vật trữ tình sẽ là những chàng trai và cô gái, hay ở phạm vi rộng lớn hơn như xã hội thì ca dao Việt Nam sẽ lựa chọn đối tượng là cả tầng lớp hoặc một đối tượng trong xã hội (người nông dân, người phụ nữ,…). Về hình thức, ca dao Việt Nam mang những đặc điểm nghệ thuật truyền thống. Thể thơ được sử dụng chủ yếu trong ca dao Việt Nam là thể thơ lục bát hoặc lục bát biến thể. Ngoài ra, ca dao Việt Nam đôi khi còn sử dụng các thể thơ khác như thơ bốn chữ, năm tiếng. Ca dao Việt Nam thông thường đều rất ngắn gọn, súc tích thế nhưng lại giàu cảm xúc, sử dụng linh hoạt nhiều biện pháp tu từ khác nhau và các hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Ca dao Việt Nam thường xuất hiện hình thức lặp lại: Lặp kết cấu, lặp từ, cụm từ, hình ảnh, lặp dòng thơ. Ngôn ngữ sử dụng trong ca dao Việt Nam thường là những ngôn ngữ trong sáng, gần gũi với lời ăn tiếng nói của nhân dân Việt Nam, mang đậm đà màu sắc dân tộc và màu sắc địa phương.
Ca dao Việt Nam thường có nhiều nội dung khác nhau, mỗi nội dung phản ánh một chủ đề khác nhau. Loại đầu tiên là ca dao thể hiện tình cảm yêu thương, tình nghĩa (tình cảm gia đình, con cái, vợ chồng, tình yêu đôi lứa, yêu quê hương, yêu đất nước, ca ngợi vẻ đẹp dân tộc). Đó là những lời ca hào hùng về mọi miền của tổ quốc thân yêu:
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.
Ca dao Việt Nam khơi gợi nỗi niềm đồng cảm, tự hào, biết ơn thế hệ cha ông đi trước đã anh dũng hy sinh, chiến đấu vì độc lập tự do của tổ quốc, biết ơn những người đã có công sinh thành và nuôi dưỡng mình:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ, kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Ca dao Việt Nam cũng nói lên nỗi than thân, trách phận, nói về sự bất công trong cuộc sống. Đó là người nông dân trong xã hội cũ và là người phụ nữ với những áp lực bất công:
Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày.
Trong xã hội phong kiến trước kia, chế độ nam quyền gia trưởng đã đầy biết bao người phụ nữ vào hoàn cảnh bi thương bất hạnh. Ca dao giống như những lời than thân vang lên từ tận đáy lòng của những người phụ nữ, để rồi chúng ta phải ghi nhớ mãi. Đồng thời, kho tàng ca dao Việt Nam còn có rất nhiều bài ca dao hài hước, châm biếm. Đây được xem là một trong những đặc điểm nổi bật tạo nên nét đặc sắc trong nghệ thuật “trào lộng” đặc trưng của dân gian Việt Nam, phê phán những thói hư tật xấu của con người trong xã hội. Ví như một bài ca dao châm biếm thói mê tín dị đoan như sau:
Số cô chẳng giàu thì nghèo
Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà
Số cô có mẹ có cha
Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông
Số cô có vợ có chồng
Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai.
Và không biết từ bao giờ, ca dao có lẽ đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm hồn của con người Việt Nam. Ca dao được xem là giá trị văn hóa tinh thần phi vật thể được lưu truyền từ đời này sang đời khác, ca dao không chỉ vang lên giai điệu ngọt ngào của lời yêu thương mà đó còn là nơi lưu giữ biết bao kinh nghiệm quý giá của những người đi trước. Đồng thời, ca dao cũng gửi gắm những bài học quý giá về đạo lý làm người cũng như lòng hiếu thảo với cha mẹ, sức mạnh trong tình yêu. Trong văn học dân gian Việt Nam, ca dao tạo nên động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của văn học, đó là nguồn tư liệu vô cùng quý giá cho các nhà văn, nhà thơ phát huy sức sáng tạo của bản thân. Vì vậy, ca dao chính là nét đẹp tâm hồn Việt Nam. Nhiều năm tháng đã qua đi thế nhưng ca dao Việt Nam vẫn luôn mãi sống với trái tim của nhiều thế hệ trẻ, để rồi mỗi lần giai điệu thân quen của ca dao vang lên, trong lòng chúng ta lại bồi hồi nhớ về quá khứ vàng son của tổ quốc.
2. Thuyết minh về ca dao Việt Nam lớp 8 chọn lọc ý nghĩa nhất:
Ca dao được xem là một loại văn học dân gian trong kho tàng văn học đa dạng, phong phú của Việt Nam. Tương tự như các thể loại văn học khác, ca dao mang trong mình một ý nghĩa cao đẹp và ẩn chứa nhiều thông điệp riêng. Thông thường, ca dao có nguồn gốc từ cuộc sống dân dã đời thường của người dân Việt Nam. Xét về nghĩa, ca dao là thể loại thơ trữ tình dân gian được sáng tác nhằm diễn tả suy nghĩ trong nội tâm của con người và thường có xu hướng kết hợp với âm nhạc khi diễn xướng.
Những câu ca dao Việt Nam chủ yếu được truyền miệng từ người này sang người khác, do vậy hầu hết không ai biết nguồn gốc của nó bắt đầu từ đâu hoặc bắt đầu từ ai. Ngày nay, ca dao vẫn thường xuất hiện rất nhiều trong sách báo hoặc trong giao tiếp và trong các tác phẩm văn học. Người ta thường mượn ý nghĩa sâu xa của những câu ca dao để nhắc đến một vấn đề nào đó trong xã hội. Đây được xem là cách nói giảm nói tránh có hiệu quả để thể hiện phép lịch sự nhưng ý nghĩa của nó thì lại cực kỳ rõ ràng. Trong suốt chiều dài của lịch sử, đâu đâu cũng vang lên những câu ca dao về cảnh núi non hùng vĩ, những sản vật phong phú của mỗi miền, chúng ta nhớ đến câu ca dao sau:
Sâu nhất là sông Bạch Đằng
Ba lần giặc đến, ba lần giặc tan
Cao nhất là núi Lam Sơn
Có ông Lê Lợi trong ngàn tiến ra.
Ai về Phú Thọ cùng ta
Vui ngày giỗ tổ tháng ba mùng mười
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba.
Hội An bán gấm, bán điều
Khiêm Bồng bán vải, Trà Nhiêu bán hàng
Lụa này thật lụa Cố Đô
Chính tông lụa cống các cô hay dùng.
Hoặc Việt Nam cũng có những câu ca dao nói về tình cảm gia đình và tình yêu đôi đứa rất trong sáng, hồn nhiên và tha thiết:
Con người có tổ có tông
Như cây có cội như sông có nguồn.
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau.
Mỗi đêm thắp một đèn trời
Cầu cho cha mẹ ở đời với con.
Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay.
Thông qua ca dao, hình ảnh con người hiện lên vô cùng lạc quan yêu đời, cần cù trong hoạt động lao động, dũng cảm trong chiến đấu, vị tha và giàu đức hy sinh trong quan hệ giữa người với người. Ca dao Việt Nam thông thường thể hiện những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam và hướng con người Việt Nam đến cái thiện, cái đẹp trong cuộc sống. Ca dao than thân ra đời từ cuộc sống làm ăn vất vả và áp bức nặng nề của người dân Việt Nam trong xã hội cũ:
Thương thay thân phận con rùa
Lên đình đội hạc, xuống chùa đội bia.
Ca dao Việt Nam không chỉ có yếu tố trữ tình lãng mạn mà nó còn thể hiện cả nghệ thuật trào phúng, tập trung thể hiện nét đặc trưng trong nghệ thuật trào lộng dân gian, ca dao Việt Nam phơi bày những sự việc mâu thuẫn và phê phán thói hư tật xấu của con người trong xã hội. Tiếng cười trong ca dao đôi khi không phải là tiếng cười sảng khoái mà đó chính là tiếng cười suy ngẫm. Bằng cách lấy hình ảnh so sánh ẩn dụ một cách khéo léo tài tình, nhằm mục đích đả kích những thói hư tật xấu của con người:
Làm trai cho đáng nên trai
Khom lưng chống gối gánh hai hạt vừng.
Đồng thời, ca dao Việt Nam rất phong phú trong cách xây dựng cấu tứ và hình tượng. Thể loại được sử dụng nhiều trong ca dao Việt Nam thông thường là thể loại xong thích lục bát, lục bát biến thể. Mỗi bài ca dao Việt Nam thường có hai dòng thơ lục bát kết hợp với kết cấu ngắn gọn và vô cùng đơn giản. Sức hấp dẫn ở ca dao thông thường thể hiện ở âm điệu vừa phong phú vừa thanh thoát cùng với lời ca dầu hình ảnh. Kết hợp với nhiều biện pháp nghệ thuật, biện pháp tu từ khác nhau như ẩn dụ, so sánh, nói quá để tạo ra những hình ảnh gợi cảm, mở rộng sức liên tưởng của con người:
Đôi ta thương mãi nhớ lâu
Như sông nhớ nước, như dâu nhớ tằm.
Có thể nói, ca dao đã sử dụng lời ăn tiếng nói của nhân dân Việt Nam để truyền tải tư tưởng tình cảm của con người. Chúng ta đã đi qua một hành trình lịch sử đẹp đẽ để rồi ca dao vẫn còn in dấu trong tâm hồn của mỗi con người. Phải biết yêu những câu ca dao để thêm yêu tổ quốc, để có thể vươn ra văn hóa toàn cầu tuy nhiên vẫn giữ vững bản sắc dân tộc Việt Nam.
3. Hướng dẫn lập dàn ý thuyết minh về ca dao Việt Nam lớp 8:
a. Mở bài:
Giới thiệu khái quát chung về ca dao Việt Nam: Đó là thơ ca dân gian Việt Nam được truyền miệng dưới nhiều hình thức khác nhau, thường được viết theo thể thơ lục bát cho dễ nhớ, dễ thuộc.
b. Thân bài:
- Trình bày định nghĩa về ca dao Việt Nam.
-
Giới thiệu những nội dung lớn của ca dao Việt Nam: Ca dao diễn tả mọi mặt đời sống tinh thần, tư tưởng và tình cảm của nhân dân trong các mối quan hệ xã hội như tình yêu đôi lửa, tình yêu gia đình, tình yêu đất nước. Thế nhưng một trong những chủ đề chính của ca dao chính là tiếng than thân trách phận, phản ánh éo le của cuộc đời trong xã hội cũ, hoặc cũng có những bài ca dao hài hước thể hiện thành công tinh thần lạc quan của những người dân lao động.
-
Giới thiệu những nét đặc sắc về nghệ thuật của ca dao Việt Nam: Ca dao sử dụng lời văn ngắn gọn, đa phần sử dụng thể thơ lục bát hoặc lục bát biến thể (câu trên 06 tiếng, câu dưới dài hơn 08 tiếng, cũng có thể là chín tiếng, 10 tiếng, 11 tiếng hoặc 12 tiếng), ngôn ngữ gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày của người dân, sử dụng nhiều hình ảnh so sánh, ẩn dụ, điệp từ, điệp ngữ và cách biểu đạt đậm chất văn chương.
-
Đánh giá về vai trò và tác dụng của ca dao Việt Nam trong nền văn học của dân tộc và trong đời sống mọi người.
-
Giới thiệu những đặc điểm của ca dao Việt Nam.
c. Kết bài:
Khẳng định lại giá trị của ca dao Việt Nam.
THAM KHẢO THÊM: