Phan Châu Trinh không chỉ là một nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng, mà còn là một nhà thơ, nhà văn xuất sắc. Các tác phẩm của ông thấm đẫm tinh thần yêu nước và ý chí chiến đấu kiên trì, bền bỉ. “Đập đá ở Côn Lôn” là một trong những bài thơ tiêu biểu thể hiện tinh thần cứng cỏi, yêu nước của tác giả. Xin mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Thuyết minh về bài thơ Đập đá ở Côn Lôn chọn lọc siêu hay:
Thơ là linh hồn của xúc cảm, thơ luôn thể hiện những tâm tư, tình cảm của nhân vật trữ tình. Chính vì thế mà mỗi bài thơ tác giả viết đều mang trong mình bóng dáng tâm hồn của người thi sĩ, nỗi niềm của những con người nhạy cảm trước thời cuộc. Văn học những năm đầu thế kỷ 20 đã mang đến cho chúng ta những bài thơ hay, sinh động, tràn đầy sức sống mà khi đọc lại, trái tim không khỏi ngưỡng mộ, cảm phục và tin yêu.
Bài thơ “Đập đá Côn Lôn” của Phan Châu Trinh là một bài thơ như thế, đã khắc họa nên cuộc sống bền bỉ và tinh thần phi thường của một học giả yêu nước tạo nên bầu không khí hào hùng, oanh liệt cho thời đại.
“Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn
Lừng lẫy làm cho lở núi non”
Côn Lôn có thật nhiều gian khổ. Nhắc đến Côn Lôn, người ta thường nghĩ đến sự khổ cực, đày đọa và cái chết. Côn Lôn là nơi giam giữ những người lính cách mạng bị thực dân Pháp bắt và đày về đây. Mặc dù họ đến từ nhiều nơi khác nhau nhưng đều có chung một tấm lòng yêu nước bất khuất. Nơi đây cũng là nơi bao nhiêu con người yêu nước đã phải ra đi mãi mãi. Phan Châu Trinh là một nhà cách mạng nhiệt thành nên thực dân Pháp cũng truy lùng và bắt giữ ông gắt gao. Giống như bao chiến sĩ cách mạng khác, Phan Châu Trinh bị bắt và đày ra Côn Đảo.
Khó khăn khắc nghiệt nơi Côn Đảo không hề làm nhụt đi ý chí của “đấng quân tử” ấy. Tư thế đứng của người anh hùng giữa đất Côn Lôn thật tự do và thoải mái đến nỗi dường như không có gì khiến cho người anh hùng ấy phải bận tâm. Người tù dũng cảm đến bất ngờ, đứng giữa trời đất bao la mà không hề sợ hãi hay chẳng màng thử thách. Ý thức bản thân, sự tự tin cùng tinh thần bền bỉ đã giúp Phan Châu Trinh vượt qua được những gian khổ của cuộc sống đày ải khắc nghiệt nơi Côn Lôn. Rồi một giọng thơ cất lên khiến chúng ta không khỏi tự hào:
” Lừng lẫy làm cho lở núi sông”
Chí làm trai hiên ngang, quyết phải đem thân mình xông pha giành chiến công lừng lẫy, nuôi chí anh hùng xây dựng non sông, gấm vóc.
“Xách búa đánh tan năm bảy đống,
Ra tay đập bể mấy trăm hòn”
Công việc đập đá không hề dễ dàng với một người lao động chân tay bình thường, huống chi với Phan Châu Trinh, một học giả Nho học vốn quen với bút mực sách vở từ nhỏ. Vậy mà trong hoàn cảnh ấy, chúng ta không hề thấy một chút nào sự mệt mỏi mà thay vào đó lại là những thành tựu vô cùng to lớn. Sức khoẻ và tinh thần của người nho sĩ yêu nước ấy chẳng thể nào bị giết chết được bởi những kẻ bóc lột tàn ác kia.
Những kẻ thực dân tàn ác càng hành hạ tra tấn tù nhân bao nhiêu thì tinh thần kiên cường và ý chí bất khuất của họ càng trở nên mạnh mẽ bấy nhiêu. Càng mạnh mẽ thì càng thể hiện khát vọng của người tù muốn chống lại bọn giặc xâm lược kiêu căng kia để cứu nước cứu dân. Đây chính là sự khẳng định thái độ quyết tâm, kiên định, bền bỉ của một người cách mạng kiên trung.
“Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,
Mưa nắng chi sờn dạ sắt son”
Những ngày tháng ở Côn Lôn không hề dễ dàng, khó khăn có, bóc lột có, áp bức có, cũng có cả bất công. Thời tiết thì thất thường, công việc lại vất vả, nặng nhọc. Song chính bởi gian nan ấy mà tôi luyện nên một người chiến sĩ mạnh mẽ, kiên cường. Thân thể dũng mãnh, trái tim kiên cường, lòng dạ sắt son yêu nước, tình yêu đồng bào vẫn chảy trong từng dòng máu, cùng khát vọng đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo và tù đày luôn chứa chan trong tấm lòng của người con yêu nước kia.
” Những kẻ vá trời khi lỡ bước
Gian nan kể chi việc con con”
Đối với Phan Châu Trinh, người có khát vọng vì dân, vì nước, người nuôi chí lớn vùng vẫy bốn bể năm châu, vá trời trời lấp biển ấy, có khi đôi lúc lại “lỡ bước”. Ông xem đó như lẽ thường tình, chuyện “tầm thường” không cần bàn tới. Đối với những người khao khát sự nghiệp vĩ đại thì những gian khổ, khó khăn này chẳng là gì cả, có lẽ chúng chỉ chỉ là những nhân tố rèn luyện lòng người trở nên kiên cường hơn mà thôi.
Bài thơ không quá dài nhưng cũng đủ để chúng ta cảm nhận được tinh thần anh hùng của người tù cách mạng, sinh ra là một người bình thường nhưng mang trong mình sứ mệnh cao cả vì dân, vì nước, “đầu đội trời, chân đạp đất” . Đọc bài thơ, ngay cả bản thân tôi cũng thấy mình học được nhiều bài học về cách sống và cách đối mặt với những khó khăn trong cuộc đời thông qua người chiến sĩ vĩ đại này.
2. Thuyết minh về bài thơ Đập đá ở Côn Lôn chọn lọc ấn tượng:
“Đập đá ở Côn Lôn” – ngay từ nhan đề của bài thơ đã gợi lên cảnh lao động khổ sai, khó nhọc của tác giả và các chiến sĩ yêu nước bị thực dân Pháp bắt và đày ra Côn Đảo. Sau sự kiện chống thuế ở Trung kì, năm 1908, Phan Châu Trinh cùng một số chiến sĩ bị thực dân Pháp bắt và đày ra Côn Đảo với án khổ sai chung thân.
“Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn,
Lừng lẫy làm cho lở núi non.
Xách búa đánh tan năm bảy đống,
Ra tay đập bể mấy trăm hòn.”
Bốn câu thơ đầu vừa miêu tả cảnh đập đá một cách chân thực lại vừa thể hiện tâm thế và ý chí rất ngông của người làm trai. Chí nam nhi, chí làm trai coi việc đứng giữa đất Côn Lôn giống như một thử thách nhưng không hề thấp hèn một chút nào mà lại vô cùn lừng lẫy đến mức làm cho lở núi non.
Hai chữ “đứng giữa” của người chiến sĩ. Chí khí kiêu hãnh, kiên cường không hề sợ hãi kẻ thù lại được thể hiện trong câu thơ thứ hai. Các động từ “đánh tan”, “Đập bể” vừa mô tả sức mạnh phá vỡ đá, vừa thể hiện quyết tâm, ý chí căm thù giặc ngoại xâm. Đó là quyết tâm nhất định phá tan cảnh tù đày, lật đổ chế độ thực dân tàn bạo. Sau đó, câu thứ ba và thứ tư đối lập với nhau, làm nổi bật thêm cho lời thơ.
“Xách búa đánh tan năm bảy đống,
Ra tay đập bể mấy trăm hòn”
Hai câu năm và sáu đối nhau rất chỉnh. Tác giả lấy thời gian bị giam cầm (tháng ngày) đối với nghịch cảnh và thử thách (mưa nắng), lấy thân dày dặn phong trần (thân sành sỏi) đối với tinh thần sắt thép (dạ sắt son). Chính nghệ thuật đối ấy đã khắc họa nên người chiến sĩ cách mạng có tâm hồn và tinh thần cao thượng. “Thân sành sỏi” và “dạ sắt son” là hai hình ảnh ẩn dụ thể hiện ngắn gọn, tượng trưng những phẩm chất cao đẹp của người anh hùng Phan Châu Trinh:
“Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,
Mưa nắng càng bền dạ sắt son.
Những kẻ vá trời khi lỡ bước,
Gian nan chi kể việc con con!”
Hai chữ “bao quản” và “chi sờn” biểu thị thái độ dám đương đầu với những khó khăn, thử thách, một thái độ bất chấp trước ngục tù của người chiến sĩ. Hai câu thơ cuối nói lên lòng dũng cảm phi thường của những người có chí lớn, mưu đồ đại sự (vá trời) mà không thành (lỡ bước). Điều thú vị là hình ảnh anh hùng dù thất thế nhưng vẫn vô cùng hiên ngang. Chuyện tù đày được coi là chuyện con con. Và hai câu thơ cuối đã làm toát lên thái độ yêu nước ngạo nghễ và rất tự tại của Phan Châu Trinh:
“Những kẻ vá trời khi lỡ bước,
Gian nan chi kể việc con con!”
Đập đá ở Côn Lôn là một bài thơ tiêu biểu của các chiến sĩ yêu nước viết trong khoảng thời gian ngục tù đầu thế kỷ 20. Bài thơ có giọng điệu mộc mạc, hào hùng; ngôn ngữ vừa ngắn gọn, đơn giản, vừa cổ kính sang trọng. Tác giả đã dùng thơ để bày tỏ tâm tư, ý chí của mình. Sẵn sàng hy sinh mạng sống để cứu nước, trung thành với sự nghiệp cứu nước, hiên ngang trước cảnh tù đày. Đây chính là tâm tư, ý chí của Phan Châu Trinh được thể hiện qua bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn”.
3. Thuyết minh về bài thơ Đập đá ở Côn Lôn chọn lọc đặc sắc:
Phan Châu Trinh – một nhà thơ, nhà văn Việt Nam. Dường như trong những tâm hồn chí sĩ như ông, cái chất ngang tàng đã thấm vào máu xương để dù cho trong bất cứ hoàn cảnh nào thì vẫn tỏa sáng như ngọn hải đăng trong đêm tối của thời đại.
“Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn,
Lừng lẫy làm cho lở núi non.”
Bài thơ được viết vào năm 1908 khi Phan Châu Trinh bị bắt giam và đày ra Côn Đảo vì vục chống thuế ở Trung Kì. Nhưng khi đọc hai câu thơ đầu, thật lì lạ là chúng ta không hề có cảm nhận được đây là một tù nhân khổ sai đang phải làm việc nặng nhọc ở nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian” nhưng lại hiện lên hình ảnh một đấng nam nhi đứng hiên ngang giữa trời đất bao la. Côn Lôn không đơn giản chỉ là một địa danh mà là một không gian rộng lớn, đồ sộ để làm nền cho hình ảnh cao lớn của con người.
Giữa vùng đất bao la rộng lớn ấy, chí khí của đấng nam nhi dường như “lừng lẫy”, kiêu hãnh đến nỗi núi non cũng phải rung chuyển.
“Xách búa đánh tan năm bảy đống
Ra tay đập bể mấy trăm hòn.”
Thủ pháp cường điệu của các từ “xách búa” và “ra tay” cùng với các động từ mạnh mẽ “đánh tan” và “đâp bể” đã vẽ nên một bức chân dung mạnh mẽ và vạm vỡ của người trí thức yêu nước. Đây là những chi tiết thực tế được lý tưởng hóa cao độ. Là những tù nhân khổ sai ở Côn Lôn, công việc chính của những tù nhân cách mạng này là đập đá để xây nhà tù.
Họ phải sử dụng những công cụ vô cùng thô sơ như búa, xẻng để đập vỡ những tảng đá lớn và chắc chắn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt ccùng điều kiện sống tồi tàn dưới sự quản thúc của những kẻ bè lũ tay sai. Vậy mà, những lời thơ này của Phan Châu Trinh không hề có giọng điệu bi thương mà hùng tráng vô cùng.
Người đọc như cảm nhận được sức mạnh dời non lấp bể của một đấng nam nhi, mỗi nhát búa không chỉ mang theo sức mạnh thể chất phi thường mà còn cả ý chí sắt đá và sự căm phẫn sâu sắc đối với kẻ thù. Và có lẽ vì thế mà Phan Châu Trinh coi những ngày tháng lao động vất vả ở đây không gì khác hơn là thử thách để phát triển ý chí và sức mạnh:
“Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,
Mưa nắng càng bền dạ sắt son.”
Ngày càng dài, con người dường như càng trở nên cường tráng và từng trải, sành sỏi hơn. Càng nhiều khổ cực, nắng mưa dãi dầu, lòng con người ta như càng vững, càng tin hơn. Côn Đảo thực ra là nơi thực dân Pháp cố tình lập ra để giam cầm những người chiến sĩ yêu nước, những người cách mạng lao động trong khổ sai và tra tấn vì muốn làm hao mòn đi ý chí đấu tranh của người tù. Nhưng chúng đã nhầm, tinh thần sắt đá của các chiến sĩ cách mạng không những không mất đi mà lại còn như vàng, càng qua thử lửa càng có giá trị. Phan Châu Trinh chỉ coi những năm tháng này là thử thách để xây dựng bản thân, phát triển lý tưởng của ông càng ngày càng rõ ràng hơn và không bao giờ lụi tàn. Bởi ông đã tự coi mình là:
“Những kẻ vá trời khi lỡ bước,
Gian nan chi kể sự con con.”
Ông tự coi mình là “kẻ vá trời” gánh trên vai trách nhiệm to lớn, cao cả vì hòa bình, hạnh phúc của dân tộc nên những khó khăn ở Côn Lôn chỉ là “việc con con” tầm thường trong quá trình vĩ đại của người chiến sĩ ấy. Toàn bộ bài thơ toát lên khí phách bất khuất, ngoan cường bằng giọng điệu kiêu hãnh và hào sảng. Đây chính là tinh thần của những người con yêu nước cuối thế kỷ 19 trong quyết tâm giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của chủ nghĩa thực dân. Hình ảnh người chiến sĩ yêu nước dũng cảm, hiên ngang sẽ không phai mờ trong lòng thế hệ mai sau và truyền cảm hứng cho thế hệ tiếp tục tiến về phía trước với tinh thần bất khuất, xứng đáng với cha ông ta ngày trước.