Nguyễn Du là một nhà thơ, nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam, được tôn vinh là Đại thi hào dân tộc. Bài thơ “Sở kiến hành” là một trong những tác phẩm nổi bật của Nguyễn Du trong tập thơ Bắc hành tạp lục, được viết trong chuyến đi sứ của Nguyễn Du sang Trung Quốc. Dưới đây là một số bài thuyết minh bài thơ Sở kiến hành của Nguyễn Du hay nhất.
Mục lục bài viết
1. Thuyết minh bài thơ Sở kiến hành của Nguyễn Du hay nhất:
Nguyễn Du là một trong những danh nhân văn hóa vĩ đại của Việt Nam, không chỉ nổi tiếng với Truyện Kiều mà còn để lại nhiều tác phẩm thơ ca, trong đó Sở kiến hành là một tác phẩm đặc sắc trong tập thơ Bắc hành tạp lục. Đây là một bài thơ thể hiện sâu sắc những suy tư về cuộc đời, con người và xã hội trong bối cảnh lịch sử phức tạp cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX.
Bài thơ Sở kiến hành thuộc thể loại hành được Nguyễn Du sáng tác trong thời gian đi sứ sang Trung Quốc. Thông qua bài thơ, Nguyễn Du không chỉ tỏ bày những trăn trở, cảm xúc của riêng mình mà còn phê phán những bất công trong xã hội đương thời, thể hiện tư tưởng nhân văn sâu sắc.
Mở đầu bài thơ là hình ảnh đầy đau thương, bốn mẹ con người ăn mày lang thang: “Một mẹ cùng ba con/ Lê la bên đường nọ” cùng với một chiếc giỏ đựng “mớ rau lẫn tấm cám” là hành trang đi đường của họ. Trông họ nhếch nhác, tiều tụy, quần áo thì rách rưới, lam lũ, nhìn thật xót xa:
“Nửa ngày bụng vẫn không
Áo quần thật lam lũ
Gặp người chẳng dám nhìn
Lệ sa vạt áo ướt ”
Người mẹ vì sự đói khát mà phải dẫn con phiêu bạt khắp nơi, nỗi tủi thân, đau khổ khiến nước mắt tuôn trào, gặp ai cũng chẳng dám nhìn. Thương cảm trước cảnh đời cay đắng, Nguyễn Du tự hỏi làm sao người mẹ đó có thể nuôi nổi bốn miệng ăn. Một màu đau thương bao trùm, Nguyễn Du không chỉ miêu tả sự vật mà còn thể hiện lòng trắc ấn của mình đối với bốn mẹ con nhà họ. Ông lo lắng thay cho số phận của người mẹ và các con, vực thẳm đang trực chờ trước mắt và họ có thể trở thành mồi cho thú dữ bất cứ lúc nào:
“Chết lăn rãnh đến nơi,
Thịt da béo cầy sói”
Chứng kiến sự đau thương của con người đến ông trời cũng đau xót, gió lạnh cũng ùa về, mặt trời thì vàng úa. Khách qua đường cũng không khỏi xót thương. Nguyễn Du đã mượn cảnh vật để tô đậm nỗi đau của nhân gian tạo nên giá trị tố cáo hiện thực và tinh thần nhân đạo của bức tranh bốn mẹ con người ăn mày:
“… Nỗi đau như xé lòng
Trông mặt trời vàng úa.
Gió lạnh bỗng đâu về
Khách qua đường thương xót.”
Phần tiếp theo, Nguyễn Du miêu tả cảnh ăn uống linh đình, thừa mứa của bọn quan lại qua bữa tiệc đón tiếp sứ thần nước Nam. Có bao nhiêu thứ sơn hào hải vị: “Nào vây cá, gân hươu – Lợn dê mâm đầy ngút” trong khi bốn mẹ con người ăn mày cầm cự qua ngày bằng rau, bằng cám:
“Quan lớn không chọc đũa
Tùy tùng chỉ nếm chút
Thức ăn thừa đổ đi
Chó no ngấy món ngon.”
Hiện thực đau đớn hiện lên, kẻ ăn không hết người lần không ra. Trước hai cảnh đời trái ngược hoàn toàn như vậy, hai câu thơ cuối như một câu hỏi vu vơ nhưng hàm ẩn một ý nghĩa phê phán sâu sắc:
“Ai vẽ bức tranh này
Dâng lên nhà vua rõ!”
Bài thơ “Sở kiến hành” là một tác phẩm lớn, mang tính thời đại, không chỉ phản ánh thực trạng xã hội phong kiến Trung Quốc mà còn là một lời phản ánh sâu sắc về những bất công trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Qua đó, chúng ta thấy được tư tưởng nhân đạo và tầm nhìn sâu rộng của Nguyễn Du, một nhà thơ lớn của dân tộc.
2. Thuyết minh bài thơ Sở kiến hành của Nguyễn Du xuất sắc nhất:
Nguyễn Du là một nhà thơ lớn của văn học Việt Nam với tư tưởng nhân đạo sâu sắc và lòng trắc ẩn đối với con người. Bài thơ “Sở kiến hành” là một trong những tác phẩm thể hiện rõ ràng nhất tinh thần này. Được sáng tác trong chuyến đi sứ Trung Quốc, bài thơ không chỉ là một bức tranh hiện thực về xã hội phong kiến mà còn là lời kêu gọi thức tỉnh lương tâm con người, đặc biệt là những kẻ có quyền thế.
Bài thơ mở đầu với cảnh tượng một người mẹ cùng ba đứa con lê la bên đường. Hình ảnh mẹ con nghèo khổ hiện lên qua những câu thơ giản dị nhưng sâu sắc:
“Một mẹ cùng ba con,
Lê la bên đường nọ,
Đứa bé ôm trong lòng,
Đứa lớn tay mang giỏ.”
Cảnh người mẹ phải ôm con nhỏ trong lòng, đứa lớn cầm giỏ, lang thang kiếm ăn trên đường tạo nên một khung cảnh đầy bi thương và đau đớn. Áo quần lam lũ, nửa ngày bụng vẫn đói, người mẹ không dám ngẩng đầu nhìn người qua đường, tất cả những chi tiết ấy lột tả sự cùng cực của cuộc sống. Một điểm nhấn khác là sự đau lòng của người mẹ khi nhìn con cười đùa trong hoàn cảnh khốn khó:
“Mấy con vẫn cười đùa,
Biết đâu lòng mẹ xót.
Lòng mẹ xót vì sao?
Đói kém phải phiêu bạt.”
Trẻ con dù nghèo đói nhưng vẫn hồn nhiên cười đùa, không biết rằng lòng mẹ đang quặn đau vì không thể lo cho con một cuộc sống no đủ. Niềm vui của con trái ngược với nỗi xót xa của mẹ, tạo nên sự đối lập đau lòng. Đến phần tiếp theo của bài thơ là bức tranh đối lập giữa cảnh nghèo khổ của bốn mẹ con và sự xa hoa, thừa mứa của tầng lớp thống trị:
“Đêm qua trạm Tây Hà,
Mâm cỗ sang vô kể,
Nào vây cá, gân hươu,
Lợn dê mâm đầy ngút.”
Trong khi người mẹ và các con phải lê la kiếm ăn thì nơi trạm Tây Hà, các quan lại đang hưởng thụ những món ăn sang trọng như vây cá, gân hươu, lợn dê. Sự xa hoa ấy còn thừa mứa đến mức chó cũng no nê với những món ngon. Nguyễn Du đã khéo léo chỉ ra sự tương phản này không chỉ làm nổi bật cảnh đời khốn khổ của người dân mà còn là một lời tố cáo mạnh mẽ đối với sự xa hoa, hoang phí của giai cấp thống trị. Nguyễn Du đã khéo léo vạch trần sự vô cảm và tàn nhẫn của những người có quyền thế, khi họ không hề để tâm đến nỗi đau khổ của những người bên lề xã hội.
Cuối bài thơ, Nguyễn Du bày tỏ mong muốn sự bất công này sẽ được phản ánh tới nhà vua:
“Ai vẽ bức tranh này,
Dâng lên nhà vua rõ!”
Câu thơ này không chỉ là một lời đề nghị mà còn là một lời tố cáo xã hội phong kiến, nơi mà những người nông dân nghèo khổ bị bỏ mặc, còn tầng lớp thượng lưu thì sống xa hoa, vô trách nhiệm. Bài thơ “Sở kiến hành” của Nguyễn Du là một tác phẩm mang đậm giá trị hiện thực và nhân đạo. Qua bức tranh về sự nghèo khổ và bất công trong xã hội, Nguyễn Du đã thể hiện lòng trắc ẩn sâu sắc đối với người dân lao động cùng cực. Đồng thời, ông cũng tố cáo sự xa hoa, vô cảm của tầng lớp quan lại, kêu gọi sự quan tâm của những người cầm quyền.
3. Dàn ý thuyết minh bài thơ Sở kiến hành của Nguyễn Du:
Mở bài:
Giới thiệu về tác giả, tác phẩm:
+ Nguyễn Du (1765-1820) là một nhà thơ, nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam, được tôn vinh là “Đại thi hào dân tộc”;
+ “Sở kiến hành” nằm trong tập “Bắc hành tạp lục”, được sáng tác trong thời gian Nguyễn Du đi sứ Trung Quốc.
Thân bài:
- Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được viết trong chuyến đi sứ Trung Quốc của Nguyễn Du, khi ông có dịp chứng kiến tận mắt cuộc sống khổ cực của người dân.
- Nội dung chính của bài thơ:
+ Những điều Nguyễn Du nhìn thấy trong chuyến đi sứ: Hình ảnh người bốn mẹ con đói khổ lê la bên đường và sự phân hóa giai cấp rõ rệt, bất công xã hội: người dân thì đói khổ, trong khi giới quan lại giàu sang, hưởng thụ;
+ Phê phán chế độ phong kiến bất công.
- Giá trị hiện thực và nhân đạo của bài thơ:
+ Giá trị hiện thực: “Sở kiến hành” là bức tranh phản ánh chân thực xã hội phong kiến đương thời ở Trung Quốc với nhiều sự bất công. Nguyễn Du miêu tả tường tận cảnh ngộ của bốn mẹ con đói khổ và cuộc sống xa hoa của tầng lớp quan lại;
+ Giá trị nhân đạo: Tác giả thể hiện lòng thương cảm sâu sắc đối với những người dân nghèo khổ. Tư tưởng nhân đạo thể hiện qua sự cảm thông với những số phận bất hạnh, đồng thời lên án mạnh mẽ sự bất công của xã hội phong kiến.
Kết bài:
- Khẳng định giá trị của bài thơ “Sở kiến hành”:
+ “Sở kiến hành” là một bài thơ có giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc, phản ánh sự bất công của xã hội phong kiến;
+ Qua bài thơ, Nguyễn Du thể hiện tư tưởng triết lý nhân sinh sâu sắc và tình yêu thương con người;
+ Tác phẩm còn giúp người đọc hiểu thêm về tư tưởng nhân đạo và triết lý sống của Nguyễn Du.
THAM KHẢO THÊM: