Bộ máy lãnh đạo nhà nước ta hiện nay đã được hoàn thiện hơn so những giai đoạn trước đây. Qua từng năm đổi mới thì nhìn chung đã được hoàn thiện và rút gọn hơn nhiều, giảm bớt sự dư thừa nhân viên tại các đơn vị, tiết kiệm được ngân sách nhà nước. Vậy, Thường trực huyện ủy là gì?
Mục lục bài viết
1. Thường trực Huyện ủy là gì?
Thường trực Huyện ủy được hiểu là cơ quan lãnh đạo gồm Bí thứ và các Phó bí thư. Có nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận, quy chế của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp mình và cấp trên; giải quyết công việc hằng ngày của đảng bộ theo quy chế làm việc; chuẩn bị nội dung và quyết định triệu tập các kỳ họp của ban thường vụ.
Ngoài ra, Ban thường vụ cấp ủy cấp Huyện cũng được hiểu như sau:
Ban thường vụ cấp ủy cấp huyện là cơ quan lãnh đạo giữa hai kỳ họp của cấp ủy cấp huyện; có chức năng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ; nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của cấp ủy cấp mình và cấp trên; quyết định chủ trương về công tác tổ chức, cán bộ theo thẩm quyền; quyết định triệu tập và chuẩn bị nội dung các kỳ họp của cấp ủy; đề xuất, kiến nghị với cấp ủy cấp mình và cấp tỉnh những vấn đề có liên quan đến sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với địa phương; phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.
Như vậy, Ban thường trực huyện ủy chính là cơ quan có vai trò rât quan trọng trong bộ máy nhà nước cấp Huyện. Việc bầu và miễn nhiệm các chức danh được thực hiện theo đúng trình tự và thủ tục luật định, đảm bảo công bằng, dân chủ và văn minh.
Thường trực Huyện ủy tiếng Anh là: Standing District Party Committee
Những thuật ngữ pháp lý liên quan dịch sang tiếng Anh:
Thường trực Huyện ủy | Standing District Party Committee |
Bí thư Huyện | District Secretary |
Phó bí thư | Deputy Secretary |
Nhiệm vụ | Mission |
Chương trình | Promotions |
Bầu cử | Vote |
2. Thường trực Huyện ủy gồm những ai và có vai trò gì?
2.1. Vai trò của Thường trực Huyện ủy:
- Giúp ban thường vụ chỉ đạo việc chuẩn bị và tổ chức thực hiện quy chế làm việc, chương trình làm việc toàn khóa của cấp ủy; xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình làm việc hằng tháng, quý, 6 tháng và cả năm của ban thường vụ, chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm của cấp ủy; quyết định triệu tập hội nghị ban thường vụ; chỉ đạo, kiểm tra việc chuẩn bị các nội dung trình hội nghị ban thường vụ quyết định.
- Chỉ đạo phối hợp hoạt động giữa các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội ở địa phương trong việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp mình và cấp trên.
- Chỉ đạo giải quyết công việc hằng ngày của đảng bộ; những vấn đề đột xuất nảy sinh giữa hai kỳ họp của ban thường vụ; công việc đột xuất, phát sinh theo sự chỉ đạo của cấp trên và theo quy chế làm việc của cấp ủy. Báo cáo kết quả giải quyết cho ban thường vụ tại phiên họp gần nhất.
- Thực hiện những công việc ban thường vụ ủy quyền và được cụ thể hóa trong quy chế làm việc của cấp ủy, ban thường vụ, thường trực cấp ủy cấp huyện. Báo cáo kết quả thực hiện cho ban thường vụ tại phiên họp gần nhất.
- Trong phạm vi được ủy quyền, các ý kiến chỉ đạo của thường trực cấp ủy có hiệu lực thực hiện như quyết định của ban thường vụ.
- Khi giải quyết những công việc được ban thường vụ ủy quyền, thường trực cấp ủy phải thảo luận tập thể và quyết định trên cơ sở thống nhất của các thành viên. Trường hợp chưa có sự thống nhất thì phải báo cáo rõ các ý kiến khác nhau để ban thường vụ xem xét, quyết định.
2.2. Cơ cấu của Thường trực Huyện ủy:
Thường trực huyện ủy tùy theo từng địa phương mà quy định số lượng khác nhau. Nhưng đa phần sẽ gồm:
- Bí thư Huyện ủy;
- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy;
- Phó Bí thư phụ trách xây dựng TCCSĐ Chủ tịch HĐND huyện;
- Phó Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện.
3. Nhiệm vụ và quyền hạn của cấp ủy cấp huyện:
- Lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, cụ thể hóa các chủ trương, biện pháp triển khai tổ chức thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ cấp mình. Quyết định chương trình làm việc, chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa và hằng năm; quy chế làm việc của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp mình.
- Lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai và tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết của cấp ủy cấp mình; các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của cấp trên. Xác định nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, các chương trình, đề án, dự án trọng điểm. Tổ chức triển khai thực hiện thí điểm các chủ trương, mô hình mới theo chỉ đạo của cấp trên.
- Định hướng hoặc quyết định theo thẩm quyền những vấn đề về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và công tác tổ chức cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng theo quy định của Điều lệ Đảng:
+ Lãnh đạo công tác chính trị, tư tưởng, học tập lý luận chính trị, tổng kết thực tiễn; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc, bịa đặt.
+ Lãnh đạo thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp.
+ Lãnh đạo việc đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; quyết định thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể, hợp nhất các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc theo thẩm quyền và theo quy định, hướng dẫn của cấp trên.
+ Căn cứ chỉ thị, quy định, hướng dẫn của cấp trên, lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị và tiến hành đại hội của các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc; chuẩn bị nội dung và quyết định triệu tập đại hội đảng bộ cấp huyện, hội nghị giữa nhiệm kỳ (nếu có); thông qua dự thảo các văn kiện trình đại hội; chuẩn bị và giới thiệu nhân sự bầu vào cấp ủy, ban thường vụ, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra và các chức danh lãnh đạo chủ chốt khóa mới.
+ Lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ bảo đảm đúng nguyên tắc, nội dung, quy trình, thủ tục, thẩm quyền. Căn cứ quy định, hướng dẫn của cấp trên, thảo luận, quyết định số lượng ủy viên ban thường vụ, ủy viên ủy ban kiểm tra; bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy. Trình ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh nhân sự giới thiệu ứng cử các chức danh bí thư, phó bí thư, chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp mình. Xem xét, giới thiệu nhân sự đề nghị bổ sung cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp huyện. Giới thiệu nhân sự ứng cử chức danh chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch Ủy ban nhân dân để Hội đồng nhân dân bầu; tham gia ý kiến về nhân sự phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân trước khi ban thường vụ cấp ủy quyết định giới thiệu để Hội đồng nhân dân bầu.
+ Thực hiện tự phê bình và phê bình, chất vấn và tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý theo quy định. Cho ý kiến về kết quả kiểm điểm, tự phê bình và phê bình hằng năm của ban thường vụ. Lãnh đạo xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên; công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nhất là vấn đề chính trị hiện nay.
+ Lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng, đảng viên. Quyết định hoặc đề nghị khen thưởng, kỷ luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với tổ chức đảng, đảng viên, vấn đề đảng tịch theo Điều lệ Đảng và các quy định của Trung ương.
+ Lãnh đạo chính quyền địa phương thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật. Định hướng những vấn đề quan trọng để Hội đồng nhân dân quyết định. Xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trung hạn và dài hạn; định kỳ xem xét, cho ý kiến về tình hình phát triển kinh tế – xã hội và định hướng nhiệm vụ tiếp theo. Cho ý kiến về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của địa phương theo quy hoạch chung của tỉnh và của Trung ương. Lãnh đạo thực hiện quy trình, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính theo chủ trương của cấp trên và quy định của pháp luật. Bàn chủ trương, biện pháp triển khai, tổ chức thực hiện những vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm về kinh tế – xã hội, ngân sách, nội chính, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; các chương trình, dự án quan trọng của địa phương.
- Lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới công tác dân vận, công tác dân tộc, công tác tôn giáo; chăm lo đời sống và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; xây dựng khối đoàn kết toàn dân; tạo sự đồng thuận trong xã hội. Lãnh đạo, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh theo quy định của Bộ Chính trị.
- Quyết định theo thẩm quyền các vấn đề liên quan đến quản lý tài chính, tài sản của đảng bộ; xem xét, cho ý kiến về công tác tài chính đảng hằng năm và cuối nhiệm kỳ.
- Xem xét, cho ý kiến về những công việc ban thường vụ đã giải quyết giữa hai kỳ hội nghị cấp ủy; quyết định những vấn đề quan trọng do ban thường vụ cấp ủy trình.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của cấp trên.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
- Quy định số 202-QĐ/TW quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của cấp ủy, ban thường vụ, thường trực cấp ủy cấp huyện.