Thương binh bị chết do vết thương tái phát, có được công nhận liệt sĩ? Thủ tục công nhận liệt sỹ cho thương binh chết do vết thương tái phát.
Thương binh bị chết do vết thương tái phát, có được công nhận liệt sĩ? Thủ tục công nhận liệt sỹ cho thương binh chết do vết thương tái phát.
Tóm tắt câu hỏi:
Bố tôi là thương binh hạng 1/4 (81%) và có người nuôi dưỡng từ năm 1986. Đầu năm 2012 bố tôi mất vì tai biến do vết thương tái phát. Sau đó gia đình tôi đã nộp các giấy tờ cần thiết để xét Liệt sỹ cho bố tôi, nhưng từ năm 2012 đến nay bố tôi vẫn chưa được công nhận Liệt sỹ. Lý do là cái quyết định công nhận thương binh hạng 1/4 (81%) của bố tôi giờ không có (xin nói thêm là bố tôi có thẻ thương binh 1/4, có sổ lương lấy hàng tháng, có hồ sơ bệnh án của bệnh viện huyện ghi rõ là tai biến do vết thương tái phát, khi mất có giấy báo tử của xã). Luật sư cho tôi hỏi giờ gia đình tôi cần làm những gì để bố tôi được công nhận Liệt sỹ? Tôi xin trân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Căn cứ Điều 17 Nghị định 31/2013/NĐ-CP quy định điều kiện xác nhận liệt sỹ như sau:
“1. Người hy sinh thuộc một trong các trường hợp được xem xét xác nhận là liệt sỹ:
…
i) Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh bị chết do vết thương tái phát (không áp dụng đối với thương binh loại B) trong các trường hợp sau:
Suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên chết do vết thương tái phát có xác nhận của cơ sở y tế.
Suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% chết trong khi đang điều trị vết thương tái phát tại bệnh viện cấp huyện hoặc tương đương trở lên;
… "
Theo như bạn trình bày, bố bạn là thương binh hạng 1/4 (81%), có xác nhận của bệnh viện là chết do vết thương tái phát thì bố bạn đủ điều kiện để công nhận là liệt sỹ.
Thủ tục công nhận liệt sỹ cho thương binh chết do vết thương tái phát theo quy định tại Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH như sau:
– Hồ sơ:
+ Giấy bảo tử (căn cứ cấp giấy bảo tử quy định tại Điều 4 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH).
+ Giấy tờ làm căn cứ giấy báo tử.
– Trình tự, thủ tục tiến hành:
+ Cá nhân chuẩn bị hồ sơ công nhận liệt sỹ cho thương binh chết do vết thương tái phát.
+ Cá nhân nộp hồ sơ tại cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý người hy sinh.
+ Cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý người hy sinh có trách nhiệm xác lập, hoàn thiện các hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy báo tử quy định tại Khoản 2 Điều 18 của Nghị định 31/2013/NĐ-CP.
+ Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy báo tử trong thời gian 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ, có trách nhiệm: Kiểm tra, xác minh, cấp giấy báo tử và chuyển hồ sơ xác nhận liệt sĩ đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, có trách nhiệm kiểm tra và có văn bản đề nghị kèm hồ sơ gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để thẩm định.
+ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội:
– Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, lập tờ trình và danh sách kèm theo trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”;
– Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận Bằng “Tổ quốc ghi công”, có trách nhiệm chuyển hồ sơ kèm Bằng “Tổ quốc ghi công” đến cơ quan đề nghị thẩm định để trả về cơ quan, đơn vị cấp giấy báo tử.
+ Cơ quan, đơn vị cấp giấy báo tử trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận Bằng “Tổ quốc ghi công” và hồ sơ, có trách nhiệm thông báo cho thân nhân liệt sĩ và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thân nhân liệt sĩ cư trú tổ chức lễ truy điệu liệt sĩ, trao Bằng “Tổ quốc ghi công”, sau đó bàn giao hồ sơ xác nhận liệt sĩ về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi gia đình liệt sĩ cư trú để thực hiện chế độ.
– Thẩm quyền giải quyết:
+ Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Chính phủ.
+ Cơ quan trực tiếp thực hiện: đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
+ Cơ quan phối hợp thực hiện: Cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý người hy sinh.
– Thời hạn giải quyết: Thời hạn giải quyết: 65 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.