Tem điện tử là tem có dấu hiệu nhận biết bằng mắt thường và có chứa đựng các thông tin, dữ liệu điện tử được kích hoạt, tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan. Đối với sản phẩm là thuốc lá, rượu nhập khẩu có phải dán tem điện tử không?
Mục lục bài viết
1. Thuốc lá, rượu nhập khẩu có phải dán tem điện tử không?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư 23/2021/TT-BTC, tem điện tử được hiểu là tem được nhận diện bằng mắt thường, trong đó chứa đựng các thông tin, dữ liệu điện tử sẽ được tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan nhằm mục đích để phục vụ công tác quản lý của doanh nghiệp, người tiêu dùng và cơ quan quản lý nhà nước.
Về việc dán tem điện tử sẽ phải đảm bảo theo các nguyên tắc sau:
* Đối tượng bắt buộc phải được dán tem điện tử, trong đó có thuốc lá, rượu. Cụ thể là:
– Sản phẩm là thuốc lá: thuốc lá nhập khẩu và thuốc lá sản xuất để tiêu thụ trong nước theo quy định phải được dán tem điện tử. Điều này cũng được quy định cụ thể tại Nghị định 67/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá. Theo đó:
Sản phẩm thuốc lá nhập khẩu phải được dán tem thuốc lá nhập khẩu do Bộ Tài chính phát hành (quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 30).
Sản phẩm thuốc lá sản xuất để tiêu thụ trong nước phải dán tem trên bao gói theo quy định hiện hành của Nhà nước (Khoản 1 Điều 37).
Sản phẩm thuốc lá sản xuất để xuất khẩu, chào hàng, triển lãm ở nước ngoài không phải dán tem theo quy định của Việt Nam (Khoản 2 Điều 37).
Sản phẩm thuốc lá nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải được dán tem nhập khẩu trên bao gói (Khoản 4 Điều 37).
Quy cách dán tem như sau: sản phẩm thuốc lá được đóng vào thành bao hoặc hộp, sau đó ở mỗi bao thuốc lá sẽ dán 01 tem điện tử. Đối với trường hợp bao thuốc lá có một lớp bóng kính bên ngoài thì khi đó, tem điện tử sẽ phải được dán vào bao thuốc lá bên trong rồi sau đó mới bọc lớp kính bên ngoài. Lưu ý khi dán phải dán tem vào vị trí để bảo đảm tem sẽ không bị rách khi mở hộp.
– Sản phẩm rượu:
+ Đối tượng dán tem gồm rượu được tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu. Nguyên tắc dán tem cho rượu được quy định cụ thể trong
Đối với rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu phải được dán tem và ghi nhãn hàng hóa theo quy định. Tuy nhiên ngoại trừ rượu được sản xuất rượu thủ công bán cho cơ sở có Giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại.
Không áp dán tem đối với rượu bán thành phẩm nhập khẩu.
+ Quy cách dán tem đối với rượu:
Thứ nhất, rượu kể cả rượu sảm xuất tiêu thụ trong nước hay rượu nhập khẩu đều phải được đóng thành chai hoặc hũ, bình, lọ, can, túi, hộp, thùng. Sau đó mỗi chai rượu sẽ được dán một tem điện tử theo quy định.
Đối với trường hợp nào chai rượu được bọc một lớp kính bọc bên ngoài thì tem điện tử sẽ được dán vào chai rượu rồi sau đó mới thực hiện lập một lớp bóng màng kính bên ngoài.
Khi dán tem điện tử phải đảm bảo ở một vị trí dán vắt qua nơi rượu có thể được lấy ra trên nắp chai nắp hũ, nắp bình, vòi rượu hoặc vị trí tương tự. Lưu ý vị trí dán tem đảm bảo tem sẽ không được rách và không thể sử dụng lại.
2. Nguyên tắc dán tem điện tử thuốc lá, rượu nhập khẩu:
– Đối với sản phẩm thuốc lá phải đóng vào thành bao (gói hoặc hộp), gọi chung là bao thuốc lá.
Mỗi bao thuốc lá sẽ được dán 01 tem điện tử. Tem điện tử phải được dán vào bao thuốc lá trước khi bọc màng bóng kính phủ bên ngoài áp dụng với trường hợp thuốc lá có sử dụng màng bóng kính bọc bên ngoài.
Tem điện tử được dán tại vị trí đảm bảo nguyên tắc khi mở bao thuốc lá tem sẽ rách.
– Đối với sản phẩm là rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu: phải được dán tem và ghi nhãn hàng hóa theo quy định (ngoại trừ trường hợp rượu sản xuất rượu thủ công bán cho cơ sở có Giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại).
– Đối với rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu phải được đóng thành chai (bao gồm cả hũ, bình, lọ, can, túi, hộp, thùng), dưới đây gọi chung là chai rượu. Mỗi chai rượu được dán một (01) con tem điện tử.
Tem điện tử phải được dán vào chai trước khi được đóng màng bóng kính phủ bên ngoài nếu như chai rượu có sử dụng màng bóng kính bọc bên ngoài. Tem điện tử rượu được dán vắt qua nơi rượu có thể được lấy ra trên bao bì chứa sản phẩm rượu (nắp chai, nắp hũ, nắp bình, vòi rượu hoặc vị trí tương tự) đảm bảo khi mở nắp thì tem sẽ rách và không thể sử dụng lại.
3. Đơn vị nào thực hiện dán tem điện tử:
Căn cứ Điều 4 Thông tư số 23/2021/TT-BTC quy định đơn vị thực hiện dán tem điện tử gồm có:
– Sản phẩm là thuốc lá nhập khẩu: trước khi nhập khẩu vào thị trường Việt Nam để tiêu thụ thì doanh nghiệp, tổ chức nhập khẩu sản phẩm thuốc lá đảm bảo việc dán tem đúng quy định cho sản phẩm thuốc lá tại cơ sở sản xuất ở nước ngoài.
– Sản phẩm là rượu đóng chai và rượu thành phẩm dạng thùng, téc nhập khẩu về sang, chiết ra chai: trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ thì doanh nghiệp, tổ chức thực hiện dán tem và tự chịu trách nhiệm việc dán tem rượu nhập khẩu cho sản phẩm rượu nhập khẩu.
Phải đảm bảo việc dán tem rượu nhập khẩu cho sản phẩm rượu nhập khẩu đúng quy định trước khi nhập khẩu vào thị trường Việt Nam để tiêu thụ nếu như doanh nghiệp, tổ chức nhập khẩu sản phẩm rượu đóng chai có nhu cầu dán tem tại cơ sở sản xuất ở nước ngoài.
– Sản phẩm là thuốc lá sản xuất để tiêu thụ trong nước: trước khi đưa sản phẩm đi tiêu thụ trong nước thì doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá phải thực hiện dán tem điện tử đúng quy định cho sản phẩm thuốc lá tại địa điểm sản xuất sau khi sản phẩm thuốc lá được đóng thành bao thuốc lá.
– Sản phẩm là rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước: sau khi rượu được đóng chai và trước khi đưa sản phẩm rượu đi tiêu thụ trong nước thì tổ chức, cá nhân có Giấy phép sản xuất rượu (bao gồm Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp) để tiêu thụ trong nước, sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân sản xuất rượu trong nước phải thực hiện dán tem điện tử đúng quy định cho sản phẩm rượu tại địa điểm sản xuất.
4. Mẫu tem điện tử của thuốc lá:
– Kích thước: kích thước tem 2,2 cm x 4,5 cm.
– Nội dung của tem: điều kiện in trên chất liệu giấy, có hoa văn bóng nước chìm định lượng 65g/m2.
– Dấu hiệu phải nhận biết được bằng mắt thường.
– Trên tem đảm bảo có chứa các nội dung thông tin, dữ liệu điện tử được tra cứu, xác thực trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, phục vụ công tác quản lý của doanh nghiệp, người tiêu dùng và cơ quan quản lý nhà nước.
– Nội dung tem:
+ In dòng chữ TEM ĐIỆN TỬ THUỐC LÁ.
+ Ký hiệu mẫu tem: TTL kèm theo số thứ tự từ số 00.000.001 đến số 40.000.000.
Ký tự để phân biệt các ký hiệu tem điện tử thuốc lá là 2 chữ cái trong 20 chữ cái in hoa của bảng chữ cái Tiếng Việt bao gồm: A, B, C, D, E, G, H, K, L, M, N, P, Q, R, S, T, U, V, X, Y và năm in của tem.
+ In mã vạch Qrcode.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Thông tư 23/2021/TT-BTC hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem điện tử rượu và tem điện tử thuốc lá do Bộ Tài chính ban hành.
Nghị định 67/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá.
Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu.
Nghị định 17/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương.
THAM KHẢO THÊM: