Thuế suất là căn cứ mức thuế phải nộp tính trên một đơn vị xác định giá trị của mức thuế phải đóng đối với mỗi loại đối tượng chịu thuế. Thuế suất được thể hiện qua tỉ lệ %, tùy vào mỗi loại chủ thể và các điều kiện liên quan thì mức thuế suất sẽ áp dụng sẽ khác nhau. Vậy thuế suất thuế giá trị gia tăng của dịch vụ quảng cáo là bao nhiêu %?
Mục lục bài viết
1. Thuế suất thuế giá trị gia tăng của dịch vụ quảng cáo là bao nhiêu phần trăm?
1.1. Các mức thuế suất thuế giá trị gia tăng:
Luật thuế giá trị gia tăng hiện hành quy định 3 mức thuế suất thuế giá trị gia tăng mà đang được áp dụng hiện nay đó là: 0%, 5% và 10%.
1.1.1. Thuế suất 0%:
Áp dụng đối với các loại hàng hoá, dịch vụ sau:
– Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu;
– Hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan;
– Vận tải quốc tế;
– Hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng khi xuất khẩu.
1.1.2. Thuế suất 5%:
– Nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt;
– Quặng để sản xuất phân bón; thuốc phòng trừ sâu bệnh và các chất kích thích tăng trưởng vật nuôi, cây trồng;
– Dịch vụ đào đắp, nạo vét kênh, mương, ao hồ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; nuôi trồng, chăm sóc, phòng trừ về sâu bệnh cho cây trồng; sơ chế, bảo quản các sản phẩm nông nghiệp;
– Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản mà chưa qua chế biến hoặc chỉ qua sơ chế, bảo quản ở khâu kinh doanh thương mại;
– Mủ cao su sơ chế như là mủ cờ rếp, mủ tờ, mủ bún, mủ cốm; hay nhựa thông sơ chế; lưới, dây giềng và sợi để đan lưới đánh cá;
– Thực phẩm tươi sống mà ở khâu kinh doanh thương mại; lâm sản chưa qua chế biến ở khâu kinh doanh thương mại;
– Đường; phụ phẩm trong sản xuất đường;
– Sản phẩm bằng đay, cói, tre, song, mây, trúc, chít, nứa, luồng và lá, rơm, vỏ dừa, sọ dừa, bèo tây và những sản phẩm thủ công khác sản xuất bằng các nguyên liệu tận dụng từ nông nghiệp là những loại sản phẩm được sản xuất, chế biến từ các nguyên liệu chính là đay, cói, tre, song, mây, trúc, chít, nứa, luồng, lá;
– Thiết bị, dụng cụ y tế;
– Giáo cụ dùng để giảng dạy và học tập;
– Hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; cuộc biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim;
– Đồ chơi cho trẻ em; Sách các loại;
– Dịch vụ khoa học và công nghệ là những hoạt động phục vụ, hỗ trợ kỹ thuật trong việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; những hoạt động có liên quan đến sở hữu trí tuệ; thực hiện chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, an toàn bức xạ, hạt nhân và năng lượng nguyên tử; các dịch vụ về thông tin, tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng và phổ biến, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong những lĩnh vực kinh tế – xã hội theo hợp đồng dịch vụ khoa học và công nghệ được quy định tại Luật Khoa học và công nghệ, không bao gồm có trò chơi trực tuyến và dịch vụ giải trí trên Internet;
– Bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội.
1.1.3. Thuế suất 10%:
– Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ mà những hàng hoá, dịch vụ đó không phải là những hàng hoá, dịch vụ thuộc:
– Đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng
– Những hàng hoá, dịch vụ chịu thuế suất 0%
– Những hàng hoá, dịch vụ chịu thuế suất 5%.
1.2. Thuế suất thuế giá trị gia tăng của dịch vụ quảng cáo:
Căn cứ vào các quy định trên thì dịch vụ quảng cáo không phải là dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, cũng không phải là dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 0% và 5%, thế nên dịch vụ quảng cáo là dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10%.
Tuy nhiên, với mục đích là phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội sau đại dịch covid vừa qua, nhà nước ta đã ban hành và triển khai áp dụng Nghị quyết 43/2022/QH15 chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Nội dung của Nghị quyết đã nêu rõ chính sách miễn, giảm thuế, cụ thể trong Nghị quyết có quy định giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với những nhóm hàng hóa, dịch vụ mà đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:
– Viễn thông;
– Công nghệ thông tin;
– Hoạt động tài chính;
– Ngân hàng;
– Chứng khoán;
– Bảo hiểm;
– Kinh doanh bất động sản;
– Kim loại;
– Sản phẩm từ kim loại đúc sẵn;
– Sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than);
– Than cốc;
– Dầu mỏ tinh chế;
– Sản phẩm hoá chất;
– Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Tại Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi kinh tế-xã hội có quy định cụ thể hơn về mức giảm thuế giá trị gia tăng, theo Nghị định này thì:
– Cơ sở kinh doanh mà tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thì sẽ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với những hàng hóa, dịch vụ mà đang áp dụng mức thuế suất 10%
– Cơ sở kinh doanh (bao gồm có cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) mà tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % tính trên doanh thu sẽ được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng khi mà thực hiện xuất hóa đơn đối với những hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng.
Như vậy, dịch vụ quảng cáo là dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10%, nhưng do dịch vụ quảng cáo thuộc nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết 43/2022/QH15 xuống 8% trong năm 2022, thế nên trong năm 2022 dịch vụ quảng cáo sẽ chỉ chịu mức thuế suất là 8%, còn từ 01/01/2023 trở đi dịch vụ quảng cáo lại quay trở về áp dụng mức thuế suất là 10%.
2. Các loại thuế suất:
Thuế suất gồm có hai loại đó là thuế suất tỉ lệ và thuế suất định mức (cố định), cụ thể:
– Thuế suất tỉ lệ xác định mức thuế sẽ phải thu theo tỉ lệ phần trăm của các đối tượng tính thuế;
– Thuế suất cố định sẽ xác định mức thuế phải thu theo số thu cụ thể.
Thuế suất bao gồm có các loại chủ yếu sau:
– Thuế suất thuế thu nhập cá nhân:
+ Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công sẽ được áp dụng theo biểu thuế suất lũy tiến từng phần;
+ Thuế suất luỹ tiến từng phần chính là biểu thuế gồm có nhiều bậc, ứng với mỗi bậc của cơ sở thuế đó là một mức thuế suất tương ứng, theo đó mà thuế suất tăng dần theo từng bậc thuế;
– Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp: Thuế thu nhập doanh nghiệp chính là loại thuế đánh vào phần thu nhập chịu thuế của các doanh nghiệp. Mỗi năm, Nhà nước ta lại quy định mức thuế suất đối với loại thuế này.
– Thuế suất thuế giá trị gia tăng:
+ Thuế giá trị gia tăng tại Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 được quy định là loại thuế tính trên giá trị tăng thêm của các hàng hóa, dịch vụ mà phát sinh trong quá trình từ sản xuất, đến lưu thông cho đến tiêu dùng. Lưu ý rằng, các loại thuế này sẽ không áp dụng với toàn bộ giá trị của các loại hàng hóa, dịch vụ mà sẽ chỉ áp dụng trên phần giá trị tăng thêm.
+ Hiện nay, thuế giá trị gia tăng đang áp dụng 03 mức thuế suất, đó là: 0%, 5%, 10%
– Thuế suất thuế bảo vệ môi trường: Thuế suất thuế bảo vệ môi trường chính là thuế suất tuyệt đối, có nghĩa là mức thuế sẽ được ấn định bằng một mức tuyệt đối dựa trên đơn vị vật lý của cơ sở thuế.
– Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt: Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt chính là mức tương đối, tức là mức thuế sẽ được tính bằng một tỉ lệ phần trăm trên một đơn vị giá trị đối tượng chịu thuế.
– Thuế suất thuế xuất nhập khẩu: Thuế nhập khẩu chính là loại thuế gián thu áp dụng với những loại hàng hóa, sản phẩm mà được phép thực hiện hoạt động xuất, nhập khẩu vào Việt Nam. Các mức thuế suất cơ bản của thuế nhập khẩu đó là:
+ Thuế suất ưu đãi đặc biệt:
+ Thuế suất ưu đãi:
+ Thuế suất thông thường.
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
– Luật Thuế giá trị gia tăng 2008.
– Nghị quyết 43/2022/QH15 chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội;
– Thông tư
– Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi kinh tế – xã hội.