Hiện nay với nền kinh tế mở cửa các hoạt động giao thương quốc tế về hàng hóa ngày càng tăng lên, nhu cầu nhập khẩu cũng theo đó mà phát triển hơn. Đối với nhập khẩu thì theo quy định của pháp luật phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định, đây là loại thuế đánh vào hàng hóa được phép nhập khẩu qua biên giới Việt Nam.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm về thuế nhập khẩu:
Nhìn chung khi nói tới thuế thì ta có thể hiểu đơn giản đó là thuế là một khoản tiền do các cá nhân, tổ chức nộp cho nhà nước để góp phần chia sẻ gánh nặng chi tiêu với nhà nước trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Trong cấu trúc hệ thống thuế ở mỗi quốc gia, thuế nhập khẩu là một loại thuế có vai trò và ý nghĩa thiết thực, không chỉ tạo nguồn thu cho ngân sách mà quan trọng hơn, nó là công cụ hữu hiệu trong tay nhà nước để kiểm soát hoạt động nhập khẩu hàng hoá từ nước ngoài, bảo hộ sản xuất trong nước và thực hiện các mục tiêu đối ngoại của chính phủ trong từng thời kỳ. Ngày nay, cho dù xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế đang từng bước ảnh hưởng đến số phận của thuế nhập khẩu theo hướng hạn chế vai trò của loại thuế này, song về cơ bản, thuế nhập khẩu vẫn sẽ là giải pháp quản lý vĩ mô có hiệu quả đối với nền kinh tế trong nước, nhất là đối với quốc gia đang trong quá trình từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung sang cơ chế thị trường như Việt Nam hiện nay
Dựa trên nhiều lĩnh vực khác nhau và dựa trên thực tế về phương diện kinh tế, thuế nhập khẩu là khoản đóng góp bằng tiền của các cá nhân, tổ chức vào ngân sách Nhà nước khi họ có hành vi nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ qua biên giới. Với cách tiếp cận này, thuế nhập khẩu được quan niệm như một quan hệ phân phối các nguồn lực tài chính, phát sinh giữa các chủ thể là tổ chức, cá nhân nộp thuế và người thu thuế là nhà nước. Mặt khác, thuế nhập khẩu cũng được hiểu như là đòn bẩy kinh tế hay biện pháp kinh tế để nhà nước điều tiết trực tiếp đối với quá trình sản xuất, tiêu dùng trong phạm vi quốc gia và chi phối gián tiếp đối với hoạt động kinh tế trong phạm vi khu vực và toàn cầu.
Xét dựa trên phương diện pháp lý thì thuế nhập khẩu là một loại thuế mà một quốc gia hay vùng lãnh thổ đánh vào hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài trong quá trình nhập khẩu. Khi phương tiện vận tải đến cửa khẩu biên giới thì các công chức hải quan sẽ tiến hành kiểm tra hàng hóa so với khai báo trong tờ khai hải quan đồng thời tính số thuế nhập khẩu phải thu theo các công thức tính thuế nhập khẩu đã quy định trước.
2. Đặc điểm của thuế nhập khẩu:
Như chúng ta đã biết thì theo quy định của pháp luật đề ra với mục đích quan trọng của thuế nhập khẩu là do yêu cầu bảo hộ nền sản xuất trong nước nhưng không thể áp dụng các biện pháp hành chính thì thuế nhập khẩu là công cụ hữu hiệu nhất thực hiện được yêu cầu này thuế nhập khẩu là loại thuế thu vào hành vi nhập khẩu các loại hàng hoá được phép nhập khẩu, nhập khẩu qua biên giới Việt Nam. Đối tượng chịu thuế xuất khẩu là hàng hoá được phép nhập khẩu, nhập khẩu qua biên giới Việt Nam. Chỉ có những hàng hoá được vận chuyển một cách hợp pháp qua biên giới Việt Nam mới là đối tượng chịu thuế xuất khẩu. Hàng hoá chịu thuế xuất khẩu phải là hàng hóa được mang qua biên giới Việt Nam.
Thứ nhất, thuế nhập khẩu có đối tượng chịu thuế là các hàng hóa được phép vận chuyển qua biên giới. Cụ thể các loại hàng hóa đó được quy định Luật Hải Quan sửa đổi bổ sung năm 2014 như sau: “là các động sản bao gồm hàng hóa nhập khẩu, vật dụng trên phương tiện vận tải nhập cảnh, hành lý, tiền, kim khí quý, đá quý, cổ vật, văn hóa phẩm, bưu phẩm và các loại tài sản khác… Chúng có mã số và tên gọi theo quy định của pháp luật, được nhập khẩu vào địa bàn hoạt động hải quan Việt Nam.”
Tuy nhiên thuế nhập khẩu không tác động vào đối tượng nhập khẩu là các loại dịch vụ bởi những sản phẩm này khó có thể kiểm soát được. Một ví dụ cụ thể cho điều này là sản phẩm công nghệ thông tin được giao dịch qua mạng máy tính Internet.
Thứ hai, bản chất của thuế nhập khẩu là thuế gián thu nhưng chỉ mang tính tương đối bởi nếu hàng hóa được nhập khẩu về nhằm sử dụng, tiêu dùng thì khi ấy người tiêu dùng là người nộp thuế đồng thời là người chịu thuế có tính chất là thuế trực thu. Còn nếu như nhà nhập khẩu đã nộp thuế hàng hóa và sau đó kinh doanh với chính số hàng hóa đó thì số tiền thuế nhập khẩu đã nộp có xu hướng chuyển sang cho người mua hàng và khi đó, khoản thuế nhập khẩu này lại có tính chất gián thu.
Thứ ba, thuế nhập khẩu gắn liền với hoạt động kinh tế đối ngoại của mỗi quốc gia nên thuế nhập khẩu không những góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước mà còn thể hiện cả những chủ trương, chính sách đối ngoại của nhà nước trong từng thời kỳ một cách rõ ràng.
Tuy nhiên ngoài những tác động tích cực của thuế nhập khẩu đối với nền kinh tế thì thuế nhập khẩu cũng có không ít những tác động tiêu cực như khuyến khích sản xuất không hiệu quả trong nước làm tăng giá hàng hóa khiến người tiêu dùng cắt giảm mua sắm, gián tiếp tạo ra môi trường cho buôn lậu,… Thuế xuất nhập khẩu là một thoại thuế ít ổn định. Thu ngân sách từ lọai thuế này phụ thuộc nhiều vào cung cầu hàng hóa trên thị trường, vào giá cả hàng hóa quốc tế, vào khả năng kiểm soát nạn buôn lậu và nhất là phụ thuộc vào sự giao lưu liên minh, liên kết và hội nhập kinh tế thế giới.
3. Vai trò của thuế nhập khẩu:
Có thể nói thuế nhập khẩu có vai trò quan trọng đối với việc tạo ra nguồn thu cho ngân sách. Thuế là một thực thể do nhà nước đặt ra thông qua việc ban hành các văn bản pháp luật. Các văn bản này không chỉ quy định nội dung thuế nhập khẩu mà còn xác lập các quyền, nghĩa vụ của chủ thể, các biện pháp đảm bảo thực hiện, thu, nộp thuế. Một nền tài chính quốc gia lành mạnh phải dựa chủ yếu vào nguồn thu nội bộ của nền kinh tế quốc dân. Do vậy, thuế nhập khẩu là một nguồn thu quan trọng, góp phần ổn định trật tự xã hội, chuẩn bị điều kiện và tiền đề cho việc phát triển lâu dài. Hơn nữa, đây lại là một loại thuế dễ thu nhất, ít bị phản ứng thuế trong nước và được sự ủng hộ của nhiều nước.
Ngoài ra khi nói tới tính thuế nhập khẩu còn có vai trò điều tiết hoạt động nhập khẩu và hướng dẫn tiêu dùng. Thuế nhập khẩu cấu thành trong giá cả hàng hoá, làm giá hàng hoá tăng, do đó có tác dụng điều tiết hoạt động nhập khẩu và hướng dẫn tiêu dùng; bởi vì lượng hàng hoá nhập khẩu phụ thuộc vào sức tiêu thụ của hàng hoá đó, yếu tố này phụ thuộc vào giá cả. Giá cả cao hay thấp sẽ quyết định giảm hay tăng sức cạnh tranh của hàng hoá đó trên thị trường. Như vậy, thông qua thuế nhập khẩu, nhà nước điều tiết việc nhập khẩu hàng hoá, đồng thời hạn chế việc tiêu dùng hàng hoá xa xỉ hoặc các loại hàng hoá không được khuyến khích sử dụng như: thuốc lá, rượu, bia…Tuy nhiên xuất phát từ đặc trưng cơ bản của loại thuế này là đánh vào hàng hoá nhập khẩu và sau đó được cấu thành trong giá cả hàng hoá nhập khẩu nên loại thuế này có vai trò khá đặc thù là bảo hộ sản xuất trong nước và chống lại xu hướng cạnh tranh không cân sức giữa hàng hoá trong nước và hàng hoá ngoại nhập. Cụ thể là, đối với hàng hoá nhập khẩu do bị đánh thuế nhập khẩu nên về lý thuyết giá cả hàng hoá này trên thị trường nhập khẩu sẽ tăng lên, trong khi đó, các hàng hoá được sản xuất trong nước do không phải chịu thuế nhập khẩu (hoặc chỉ chịu thuế nhập khẩu do phần nguyên liệu hoặc máy móc nhập khẩu) nên giá cả của chúng có xu hướng rẻ hơn và do đó, sức cạnh tranh lớn hơn hàng hoá ngoại nhập. Điều này cho thấy, việc đánh thuế nhập khẩu thực chất là một biện pháp để bảo vệ sản xuất trong nước, khi chính phủ nhận thấy những bất lợi nghiêng về phía hàng hoá được sản xuất từ phía các doanh nghiệp trong nước. Mặt khác, thuế nhập khẩu giúp các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các ngành còn non trẻ trong nước có thời gian trường thành và sinh lời, từ đó có thể cạnh tranh với hàng hoá nhập khẩu.
Pháp luật có quy định cụ thể đối với thuế nhập khẩu và theo quy định của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT), thuế quan-với rất ít ngoại lệ-là một công cụ chính sách duy nhất được chấp nhận để bảo hộ. Nó là công cụ cấp cao hơn để thay thế cho các công cụ bảo hộ như các rào cản phi thuế (NTBs), hạn ngạch, giấy phép và các rào cản kỹ thuật thương mại (TBTs) vì thuế quan ít tạo ra trục lợi và tham nhũng trong thực tế và nó cũng hạn chế được việc sử dụng sức mạnh độc quyền trong nước, nếu có, trong khi các rào cản phi thuế quan không làm được. So với các công cụ bảo hộ khác thuế nhập khẩu có đặc điểm khá rõ ràng, ổn định, thuận tiện cho nhà nhập khẩu dự báo về thị trường.
Bên cạnh đó còn những tồn tại đó là khi thực hiện thu thuế nhập khẩu cũng có những tác động tiêu cực tới sản xuất và tiêu dùng như là khuyến khích sản xuất không hiệu quả trong nước làm tăng giá hàng hoá khiến người tiêu dùng cắt giảm mua sắm, gián tiếp tạo ra môi trường cho buôn lậu…do vậy, điều quan trọng là phải “lựa chọn người được bảo hộ”, tức là xác định ứng cử viên có thể đáp ứng các điều kiện cho sự can thiệp, lựa chọn và duy trì mức thuế suất nhập khẩu.
Cơ sở pháp lý sử dụng trong bài viết: