Hiện nay, nhu cầu mở doanh nghiệp/hộ kinh doanh ngày càng tăng, nhưng người mở lại không rõ phải mở và chọn loại hình như thế nào cho phù hợp với mong muốn của mình và của pháp luật Việt Nam. Vậy thuế khoán là gì? Các trường hợp nào phải nộp thuế khoán?
Mục lục bài viết
1. Thuế khoán là gì?
Thuế khoán là một loại thuế dành cho cá nhân hay còn gọi là loại thuế trọn gói, do mức thuế thấp khó xác định rõ ràng nên cơ quan thuế có thẩm quyền định mức một khoản thuế tương ứng cho cá nhân kinh doanh cần phải nộp. Theo đó, thuế khoán thường áp dụng cho loại hình là hộ kinh doanh cá thể.
Để xác định và phân biệt thuế khoán cần căn cứ theo quy định tại Thông tư 92/2015/TT-BTC:
Thuế khoán áp dụng cho hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ, thuế khoán này tính cho mức tương đương tổng của bao loại thuế gồm: Thuế môn bài, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng cộng lại.
Thuế khoán hoạch tính rất dễ dàng, mang tính chất tương đối, quản lý dễ và chỉ phù hợp cho mô hình kinh doanh nhỏ lẻ, giảm thiểu được gian lận thuế vì nó đơn giản chỉ là một số tiền cố định đánh vào tất cả các cá nhân (tất nhiên có trường hợp một số cá nhân có thể được miễn thuế ví dụ người có thu nhập quá thấp hay tàn tật, mất khả năng lao động….).
Tuy nhiên, thuế khoán tính toán chưa mang tính chất công bằng tuyệt đối vì mỗi hộ kinh doanh cá thể đều phải nộp thuế bằng một mức nhất định dựa vào mức thu nhập tương đối tự kê khai, ảnh hưởng của thuế khoán đến các cá nhân có mức thu nhập khác nhau hay có nhiều biến động đến mức thuế hàng tháng cũng khác nhau và dĩ nhiên đối với người thu nhập thấp thì ảnh hưởng rất lớn. Do vậy thuế khoán gặp phải sự phản đối của một số người đóng thuế nếu họ biết được tính chất của thuế khoán và biết được mức đóng của họ không hợp lý so với tổng nguồn thu, đặc biệt là người đóng thuế có thu nhập thấp.
Thuế khoán tiếng Anh là: Presumptive tax
2. Các trường hợp phải nộp thuế khoán:
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 7 Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định về đối tượng áp dụng phương pháp tính thuế khoán như sau:
“Điều 7. Phương pháp tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán
1. Phương pháp khoán được áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc trường hợp nộp thuế theo phương pháp kê khai và không thuộc trường hợp nộp thuế theo từng lần phát sinh theo hướng dẫn tại Điều 5, Điều 6 Thông tư này.”
Căn cứ khoản 1 Điều 2 Thông tư 40/2021/TT-BTC, Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hiểu như sau: Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là cá nhân cư trú có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật
Theo đó, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ áp dụng phương pháp khoán khi không thuộc các trường hợp dưới đây:
– Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy mô lớn; và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chưa đáp ứng quy mô lớn nhưng lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai;
– Cá nhân kinh doanh không thường xuyên và không có địa điểm kinh doanh cố định
3. Mức thuế khoán được tính dựa trên những cơ sở nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 51 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định xác định mức thuế khoán như sau:
– Cơ quan thuế xác định số tiền thuế phải nộp theo phương pháp khoán thuế (sau đây gọi là mức thuế khoán) đối với trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ, trừ trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai.
– Căn cứ vào tài liệu kê khai của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế, ý kiến của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn để Cơ quan thuế xác định mức thuế khoán.
– Đối với trường hợp kinh doanh theo thời vụ, mức thuế khoán được tính theo năm dương lịch hoặc theo tháng. Mức thuế khoán phải được công khai trong địa bàn xã, phường, thị trấn. Trường hợp có thay đổi ngành, nghề, quy mô kinh doanh, ngừng, tạm ngừng kinh doanh, người nộp thuế phải khai báo với cơ quan thuế để điều chỉnh mức thuế khoán.
– Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết căn cứ, trình tự để xác định mức thuế khoán đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh
4. Căn cứ để tính mức thuế khoán cho hộ kinh doanh cá thể:
Căn cứ theo quy định Điều 7 Thông tư 40/2021/TT-BTC được sửa đổi bởi thông tư 100/2021/TT-BTC quy định phương pháp tính thuế cho hộ kinh doanh theo phương pháp khoán như sau:
– Phương pháp khoán được áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc trường hợp nộp thuế theo phương pháp kê khai và không thuộc trường hợp nộp thuế theo từng lần phát sinh theo hướng dẫn tại Điều 5, Điều 6 Thông tư 40/2021/TT-BTC.
– Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán (Hộ khoán) sẽ không phải thực hiện chế độ kế toán. Hộ khoán sử dụng hóa đơn lẻ phải lưu trữ và xuất trình cho cơ quan thuế các hóa đơn, chứng từ, hợp đồng, hồ sơ chứng minh hàng hoá, dịch vụ hợp pháp khi đề nghị cấp, bán lẻ hóa đơn theo từng lần phát sinh. Riêng đối với trường hợp hộ khoán kinh doanh tại chợ cửa khẩu, chợ biên giới, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu trên lãnh thổ Việt Nam phải thực hiện việc lưu trữ hóa đơn, chứng từ, hợp đồng, hồ sơ chứng minh hàng hóa hợp pháp và xuất trình khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
– Hộ khoán thực hiện nộp thuế theo
– Hộ khoán khai thuế theo năm quy định tại điểm c khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý thuế, nộp thuế theo thời hạn ghi trên Thông báo nộp tiền của cơ quan thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Quản lý thuế. Trường hợp hộ khoán sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế cấp, bán lẻ theo từng số thì hộ khoán thực hiện khai thuế, nộp thuế riêng đối với doanh thu phát sinh trên hóa đơn đó theo từng lần phát sinh.
Về căn cứ tính thuế: (Căn cứ theo quy định tại Điều 10 Thông tư 40/2021/TT-BTC)
Căn cứ tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh xác định là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu.
Xác định số thuế phải nộp:
Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT
Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN
Trong đó:
– Doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền; các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội, phí thu thêm được hưởng theo quy định; các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác (chỉ tính vào doanh thu tính thuế TNCN); doanh thu khác mà hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
– Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu gồm tỷ lệ thuế GTGT và tỷ lệ thuế TNCN được áp dụng chi tiết đối với từng lĩnh vực, ngành nghề theo hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC.
– Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoạt động nhiều lĩnh vực, ngành nghề thì hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện khai và tính thuế theo tỷ lệ thuế tính trên doanh thu áp dụng đối với từng lĩnh vực, ngành nghề. Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế của từng lĩnh vực, ngành nghề hoặc xác định không phù hợp với thực tế kinh doanh thì cơ quan thuế thực hiện ấn định doanh thu tính thuế của từng lĩnh vực, ngành nghề theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.