Luật hôn nhân gia đình ngày 19/06/2014 cũng đã bộc lộ một số bất cập và khó thực thi trong thực tế hiện nay. Một số bất cập trong quá trình giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình ở Việt Nam
Luật Hôn nhân và gia đình được Quốc hội thông qua ngày 19/06/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Tuy nhiên cho đến nay, Luật hôn nhân gia đình cũng đã bộc lộ một số bất cập và khó thực thi trong thực tế hiện nay. Một số bất cập trong quá trình giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình ở Việt Nam:
Mục lục bài viết
1. Các quy định về nghĩa vụ của con cái:
Con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ. Nghiêm cấm ngược đãi, hành hạ, xúc phạm ông bà cha mẹ ... Căn cứ vào tính chất, mức độ khác nhau của hành vi con cái ngược đãi đối với cha mẹ mà người có hành vi sẽ phải chịu mức xử phạt hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người có hành vi ngược đãi cha mẹ mình thì ở mức bị xử phạt hành chính thì mức phạt được cụ thể hóa trong Nghị định 167/2013/NĐ–CP như sau:
+ Phòng, chống bạo lực gia đình thì nếu đánh đập, gây thương tích cho bố mẹ và những người khác trong gia đình thì sẽ bị xử phạt về hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình theo quy định tại Điều 49 của Nghị định số 167/2013/NĐ–CP với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng. + Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích, hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình bị phạt tiền từ 1,5 triệu đến 2 triệu + Hành vi thường xuyên chửi bới, lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình thì sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình theo quy định tại Điều 51 của Nghị định số 167/2013/NĐ–CP với mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. + Từ chối, trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha mẹ thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 nghìn đến 300 nghìn đồng.
Xử lý về mặt hình sự, người con bất hiếu có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội sau: + Tội hành hạ người khác (Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015) với khung hình phạt cao nhất là 3 năm tù + Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (Điều 165 Bộ luật Hình sự 2015) với khung hình phạt cao nhất là 05 năm tù giam + Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng (Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015) với khung hình phạt cao nhất là 02 năm tù giam.
Tuy nhiên, như chúng ta thấy số vụ việc con cái trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, ngược đãi, hành hạ ông bà cha mẹ vẫn đang ngày một tăng. Nguyên nhân đầu tiên dẫn tới tình trạng này không thể không kể đến đó là những quy định xử lý vi phạm tác giả đã nêu ở trên chưa đủ sức răn đe. Tiếp đến, các trường hợp vi phạm thì nhiều nhưng các vụ việc được giải quyết trước pháp luật thì rất ít do những bậc làm cha làm mẹ thường sống cam chịu và che dấu cho con cái.
2. Nguyên tắc chung sống một vợ một chồng:
Những quy định xử lý vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng vẫn chưa đạt hiệu quả cao và chưa đủ sức răn đe, do đó tình trạng vi phạm chế độ một vợ, một chồng diễn ra hết sức phức tạp và ngày càng tăng.
Ở nước ta, nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng là nguyên tắc hiến định và dẫn trở thành nguyên tắc của cuộc sống gia đình, là nền tảng để xây dựng một xã hội văn minh, phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong thực tế tình trạng ngoại tình, nam nữ sống chung như vợ chồng ngày càng tăng lên đặc biệt là tại các thành phố lớn. Việc giải quyết các trường hợp vi phạm nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng trong thực tế có nhiều vấn đề còn tồn tại. Cụ thể:
+ Khoản 1 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng”. Vấn đề trong thực tiễn là hiểu và xác định như thế nào về quy định coi nhau như vợ chồng. Thực tế có rất nhiều trường hợp công khai chung sống bất hợp pháp nhưng không coi nhau như vợ chồng mà chỉ nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu sinh lý và bù đắp về mặt tình cảm, dù hành vi của họ gây ra có nghiêm trọng cũng sẽ không phạm tội “Vi phạm chế độ một vợ, một chồng” theo quy định, thực trạng này dẫn đến nhiều trường hợp bỏ lọt tội phạm, quy định của pháp luật không được áp dụng thống nhất.
+ Các trường hợp vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng rất nhiều, trong khi các vụ việc được giải quyết trước pháp luật là rất ít, thông thường là do hai bên tự thỏa thuận.
+ Khó khăn khi xác định hành vi chung sống như vợ chồng: Khi người có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định hủy hôn trái pháp luật hoặc không công nhận quan hệ vợ chồng đối với một quan hệ nam nữ. Tòa án không ra quyết định ngay mà sẽ tiến hành điều tra xem quan hệ nam nữ đó có dấu hiệu vi phạm nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng. Do tính chất của quan hệ vi phạm nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng là quan hệ riêng tư, mang tính tình cảm, cá nhân nên các quan hệ này thường ít bộc lộ ra ngoài. Không những thế, các đương sự thường có tâm lý muốn che đậy, giấu diếm vì họ ngại dư luận xã hội.
+ Hiện nay tình trạng nam nữ chung sống với nhau không có đăng ký kết hôn ngày càng diễn ra phổ biến đặc biệt là các thành phố lớn. Xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó một phần là do hoàn cảnh xã hội. Thực tế cho thấy là hiện nay có quan hệ hôn nhân hợp pháp vẫn ngang nhiên có quan hệ ngoài hôn nhân. Vì thế, làm cho người còn lại trong mối quan hệ hôn nhân hợp pháp bị cảm thấy ngột ngạt, cuộc sống hôn nhân không còn chung mục đích, bị căng thẳng, đời sống vợ chồng không thể tiếp tục được, nên chính họ – người không vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng phải yêu cầu ly hôn. Chính điều này đã giải thoát cho người vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm, thậm chí hợp pháp hóa mối quan hệ của mình.
3. Căn cứ ly hôn:
Về căn cứ cho ly hôn Theo khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Tuy nhiên, để xác định thế nào là hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống hôn nhân không thể kéo dài là chưa có văn bản hướng dẫn, việc xác định mức độ hôn nhân trầm trọng là vào ý chí chủ quan của người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc, gây khó khăn cho việc xét xử vụ án.
Trong Luật Hôn nhân và gia đình hiện nay chưa có những quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan nhà nước hay những người có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền lợi của nhóm người yếu thế: người vợ, con, ông bà ... Phải chăng nên có những quy định về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền rõ ràng hơn?
4. Bất cập trong kỹ thuật xây dựng các quy phạm pháp luật hôn nhân và gia đình :
Một đặc điểm khá phổ biến trong lập pháp của nước ta hiện nay là các điều luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc, mà không có chế tài gắn liền với các quy định đó. Chế tài thường là các quy định trách nhiệm chung chung, phải xem và vận dụng ở một văn bản khác. Ví dụ, quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng và mức cấp dưỡng đối với người có nghĩa vụ cấp dưỡng. Khoản 1 Điều 115 Luật hôn nhân gia đình quy định: “Khi ly hôn nếu bên khó khăn túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình”. Với quy định này rất khó xác định trong thực tế nhiều người dân sẽ tưởng rằng pháp luật chỉ mang tính chất răn đe chứ họ không biết chế tài đã được dẫn chiếu đến một văn bản pháp luật khác có liên quan.
Quan hệ hôn nhân và gia đình nước ta hiện nay đang được điều chỉnh bằng rất nhiều các văn bản: Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2014; Bộ Luật Dân sự năm 2015; Bộ Luật Hình sự năm 2015; Luật Nuôi con nuôi năm 2010; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007; Cùng với một số lượng lớn các văn bản hướng dẫn: Nghị quyết 01/2003/NQ–HĐTP Hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết một số loại tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình; Nghị quyết 02/2004/NQ–HĐTP Hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình; Nghị định 08/2009/NĐ–CP Hướng dẫn Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Nghị định 19/2011/NĐ–CP Hướng dẫn Luật Nuôi con nuôi; Nghị định 110/2013/NĐ–CP Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; Nghị định 167/2013/NĐ–CP Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình; Nghị định 126/2014/NĐ–CP Hướng dẫn Luật Hôn nhân và gia đình; Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT–TANDTC VKSNDTC–BTP Hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình ... . Khi đất nước ngày càng phát triển thì các quan hệ xã hội cũng ngày càng đa dạng và phức tạp hơn. Do đó, đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ về việc quy định chi tiết tối đa các vấn đề ngay trong chính văn bản luật.