Thực tiễn thực hiện vai trò của Viện kiểm sát trong điều tra tố tụng đặc biệt. Những tồn tại vướng mắc trong thực hiện vai trò của Viện kiểm sát khi áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
Mục lục bài viết
1. Những kết quả đạt được:
Các biện pháp điều tra tố tụng nói chung, trong đó có các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được thực hiện nhằm mục đích thu thập chứng cứ để chứng minh sự thật khách quan của vụ án hình sự về tội phạm; để xác định có hay không có hành vi phạm tội xảy ra và các tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giả quyết vụ án. Những chứng cứ thu được thông qua việc thực hiện các biện pháp điều tra tố tụng nói chung đã là cơ sở cho việc truy tố, xét xử các loại tội phạm xảy ra trong những năm vừa qua.
Cho đến thời điểm hoàn thành luận văn này, tác giả Luận văn khẳng định trong suốt thời gian công tác tại phòng Thống kê thuộc Viện KSND TP Hà Nội và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, tác giả chưa từng đọc hồ sơ vụ án nào phản ánh nội dung có áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt. Bên cạnh đó, trong các báo cáo sơ kết, tổng kết hàng năm cũng như các số liệu thống kê của ngành kiểm sát từ năm 2018 đến nay (2021) hoàn toàn không đề cập bất kỳ nội dung nào có liên quan đến việc áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
Qua khảo sát cũng như phỏng vấn các kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cũng như Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, không kiểm sát viên nào thực hiện việc kiểm sát các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong các vụ án hình sự do các cơ quan điều tra tiến hành. Do vậy, việc đánh giá những kết quả đạt được trong thực tiễn thực hiện các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là rất khó khăn. Hay nói cách khác, theo kết quả nghiên cứu của tác giả, từ khi BLTTHS năm 2015 có hiệu lực từ 1/1/2018 đến nay (2021), không có vụ án hình sự nào được các cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
2. Những tồn tại vướng mắc trong thực hiện vai trò của Viện kiểm sát khi áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt:
Việc áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có liên quan đến trách nhiệm của Viện Kiểm sát đang có những tồn tại, vướng mắc sau đây:
Thứ nhất, Viện kiểm sát không kiểm sát được các hoạt động điều tra “có tính chất đặc biệt” do thực tiễn chủ yếu được tiến hành dưới dạng các biện pháp trinh sát nghiệp vụ
Công tác trinh sát là công tác đặc thù của ngành công an, đặc trưng của công tác này là sự bí mật trong hoạt động áp dụng. Tuy nhiên, khi đã luật hóa bằng quy định của BLTTHS thì việc áp dụng biện pháp này phải tuân thủ theo đúng trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định cũng như tiến hành dưới sự kiểm soát của một thiết chế đặc thù có vai trò kiểm sát là VKSND. Chính vì vậy, hoạt động áp dụng này cần phải có sự đổi mới, khác biệt so với áp dụng các biện pháp trinh sát trước kia.
Theo quy định của Điều 223 BLTTHS năm 2015, sau khi khởi tố vụ án, trong quá trình điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt: Ghi âm, ghi hình bí mật; Nghe điện thoại bí mật; Thu thập bí mật dữ liệu điện tử chưa được hiểu một cách thống nhất trong các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát. Ví dụ, thế nào là bí mật; phạm vi của sự bí mật này đến đâu, những người tiến hành tố tụng nào có thể biết; nghe điện thoại bí mật có phải là nghe lén, hoặc nghe trộm điện thoại không; kết quả thu được là những chứng cứ vụ án thông qua áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt này có được đưa vào hồ sơ vụ án không, nếu được đưa vào hồ sơ vụ án thì tại sao trong hồ sơ tất cả các vụ án hình sự về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền; các tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng … đều không có các chứng cứ này. Đây có thể coi là tồn tại, vướng mắc lớn nhất trong thi hành trách nhiệm của Viện Kiểm sát khi áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
Thứ hai, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung tương không có quyền đề xuất áp dụng các BPĐTTTĐB nên chưa tạo được thuận lợi trong điều tra các vụ án có tính chất đặc biệt phức tạp, nghiêm trọng.
Liên quan tới thẩm quyền ra quyết định tiến hành biện pháp điều tra Tố tụng đặc biệt, tại Khoản 1 Điều 225 quy định “Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt”, dường như điều luật chỉ đề cập tới Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu mà chưa đề cập tới Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương trong việc yêu cầu CQĐT cùng cấp áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Như vậy, có thể suy ra rằng, đối với các vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, hoặc thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì Viện kiểm sát hoàn toàn không có quyền yêu cầu phía Cơ quan điều tra thực hiện các biện pháp này. Đây là một thiếu sót về thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát trong các hoạt động điều tra tố tụng đặc biệt.
Thứ ba, Kiểm sát viên khó khăn trong việc đề xuất áp dụng cũng như thực hiện kiểm sát áp dụng các BPĐT TTĐB nếu có.
Trong một vụ án, điều tra viên thụ lý là người trực tiếp tiến hành các hoạt động điều tra, đưa ra phương hướng điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm và người phạm tội. Đối với các vụ án thuộc nhóm tội phạm có thể áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt quy định tại Điều 224 BLTTHS năm 2015 thì điều tra viên là người trực tiếp đưa ra nhận định, đánh giá, đề xuất, tham mưu cho Thủ trưởng Cơ quan điều tra ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, biện pháp điều tra đặc biệt nào phù hợp, hiệu quả nhất, đối tượng, thời gian áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Đồng thời, những thông tin, tài liệu thu thập được do Cơ quan chuyên trách trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là rất rộng, chỉ những thông tin, tài liệu cần thiết cho việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự mới được sử dụng còn những thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án phải tiêu hủy kịp thời.
Như vậy, đòi hỏi điều tra viên trực tiếp thụ lý vụ án là người tường tận những vấn đề cần chứng minh trong vụ án phải phối hợp Cơ quan chuyên trách trực tiếp kiểm tra, đánh giá thông tin, tài liệu thu thập được từ biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt mới mang lại kết quả cao nhất. Bên cạnh đó, KSV được phân công kiểm sát vụ án với vai trò là người thực hành quyền công tố, kiểm sát sẽ đánh giá tính chất vụ án, từ đó có căn cứ đề xuất với Viện trưởng Viện kiểm sát có đưa ra yêu cầu áp dụng, phê chuẩn, hủy bỏ quyết định tiến hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
Tuy nhiên, Chương XVI, BLTTHS năm 2015 quy định về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt nhưng chưa đề cập tới nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của ĐTV, KSV trực tiếp điều tra, kiểm sát điều tra trong vụ án áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt cũng như chưa đề cập cụ thể đến các hình thức kiểm sát nên hiện còn tồn tại những ý kiến khác nhau, nhất là trong việc VKS có được quyền trực tiếp tiến hành kiểm sát việc thu thập chứng cứ bằng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt này không.
Thứ tư, chưa có cơ chế quy định sau khi VKSND phê chuẩn thì để đảm bảo việc CQĐT thực hiện sau khi có Quyết định phê chuẩn việc áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt của VKS
Biện pháp ĐTTTĐB tạo điều kiện cho CQĐT chủ động thu thập chứng cứ, xác định đối tượng tình nghi phạm tội trong quá trình điều tra các vụ án phức tạp, có tổ chức, đặc biệt nghiêm trọng; góp phần đấu tranh chống tội phạm, mở rộng nguồn chứng cứ có giá trị trực tiếp chứng minh tội phạm nhưng việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt vừa đòi hỏi phải chặt chẽ và vừa yêu cầu tiến hành cấp bách.
Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP đã đặt ra thời hạn CQĐT sau khi ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải gửi hồ sơ đề nghị phê chuẩn cho VKS (24 giờ), thời hạn VKS quyết định việc phê chuẩn hoặc yêu cầu bổ sung chứng cứ, tài liệu (03 ngày). Tuy nhiên Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP không quy định thời hạn Thủ trưởng CQĐT phải thực hiện thi hành sau khi nhận được Quyết định phê chuẩn của VKS. Thiếu vắng quy định này có thể sẽ làm chậm quá trình tiến hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, gây khó khăn cho việc phát hiện và chứng minh tội phạm.
Vấn đề đặt ra khi áp dụng biện pháp ĐTTTĐB đòi hỏi phải đảm bảo việc tiến hành cấp bách trong điều tra vụ án hình sự như: phát hiện đối tượng gây án, truy nguyên tài sản bị chiếm đoạt, truy tìm công cụ, phương tiện phạm tội, phát hiện đồng bọn đang lẩn trốn… Những tài liệu thu thập được từ biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có thể dùng làm cơ sở để CQĐT tiến hành các hoạt động điều tra tiếp theo nhằm đáp ứng yêu cầu đầu tranh, phòng chống tội phạm.
Bên cạnh đó, cũng phải đảm bảo tính chặt chẽ trước khi thi hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, BLTTHS năm 2015 quy định quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được thi hành khi được sự phê chuẩn của Viện trưởng VKS cùng cấp, tuy nhiên trong Bộ luật lại chưa quy định trong khoảng thời gian bao lâu thì quyết định áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt của thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp quân khu trở lên được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn để thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt phải được CQĐT thi hành trong thời gian như thế nào? Việc sau khi VKS đã phê chuẩn mà CQĐT không thực hiện thì VKS cần có cơ chế gì để đảm bảo việc thi hành đúng thời hạn.
Bởi lẽ sử dụng biện pháp ĐTTTĐB nhằm đến loại đối tượng phức tạp, tinh vi, xảo quyệt, hoạt động ngấm ngầm, tìm mọi cách che giấu ý đồ và hành vi phạm tội nên nếu sau khi Quyết định áp dụng BPĐT TTĐB đã được phê chuẩn mà CQĐT không tiến hành ngay thì khả năng cao sẽ làm mất những chứng cứ quan trọng, có ý nghĩa chứng minh tội phạm, mang tính quyết định trong quá trình giải quyết vụ án mà chúng ta có thể thu thập được. Bên cạnh đó nếu không thực hiện ngay việc áp dụng BPĐT TTĐB sẽ không còn đảm bảo được ý nghĩa quan trọng mà BLLTHS năm 2015 quy định về BPĐT TTĐB là tính cấp bách trong đấu tranh, phòng chống tội phạm.
Thứ năm, khó khăn trong giải quyết mâu thuẫn giữa đảm bảo bí mật điều tra và hiệu quả của việc kiểm sát.
Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là các biện pháp thu thập chứng cứ một cách bí mật như: ghi âm, ghi hình bí mật, nghe điện thoại bí mật, thu thập dữ liệu điện tử bí mật. Do đó, việc tiến hành biện pháp này hoàn toàn khác với các biện pháp điều tra tố tụng khác là việc áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng được thực hiện một cách công khai, còn việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt cần tiến hành bí mật.
Chính vì vậy, quá trình tiến hành biện pháp này, cơ quan áp dụng cần tiến hành bí mật với chủ thể bị áp dụng và các chủ thể khác trong xã hội. Tuy nhiên, do lo ngại về sự lạm dụng và vi phạm quyền con người mà cần có quy định về kiểm soát của các chủ thể trong quá trình áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, trong đó đặc biệt là thông qua chức năng kiểm sát của VKSND. Tuy nhiên, một khi có sự kiểm sát của VKSND và các chủ thể khác thì sự bí mật trong quá trình điều tra đặc biệt sẽ một phần không còn ý nghĩa nữa. Chính vì vậy, trong khi chưa có cơ chế phối hợp chặt chẽ, chưa xây dựng được văn bản pháp quy hướng dẫn về hoạt động này, thì vấn đề đảm bảo bí mật trong mối quan hệ với kiểm sát việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt cần lưu ý.
Thứ sáu, một thách thức mới đối với ngành Kiểm sát để đảm bảo thực hiện vai trò của mình trong việc áp dụng biện pháp ĐTTTĐB trong thời điểm hiện nay.
Vấn đề đặt ra khiến xã hội lo ngại khi BPĐT TTĐB được áp dụng đó là việc xảy ra nguy cơ lạm dụng, dễ dẫn đến việc vi phạm các quyền con người, quyền công dân như quyền bất khả xâm phạm về thư tín, điện tín, bí mật đời tư, bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân… Việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có khả năng cao xâm phạm tới quyền bất khả xâm phạm về bí mật đời tư.
Do đó, quy định của BLTTHS đã quy định rất chặt chẽ về trình tự, thủ tục, về thẩm quyền, thời hạn áp dụng. Tuy nhiên, trên thực tế việc băn khoăn nếu để xảy ra các vi phạm khi áp dụng biện pháp này là hoàn toàn có cơ sở. Hơn nữa, vì là quy định mới nên chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện và kiểm sát việc thực hiện các biện pháp này; chưa có hướng dẫn cụ thể về cơ chế kiểm sát nên việc kiểm sát việc áp dụng các biện pháp này hiện nay vẫn là hoàn toàn mới lạ, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Chủ thể thực hiện quyền kiểm sát việc áp dụng BPĐT TTĐB là VKSND cũng chưa có kinh nghiệm thực hiện chức năng của mình trong lĩnh vực đặc thù này, do đó đây thực sự là một thách thức không hề nhỏ bởi khó khăn nhất cần phải đề cập là đặc thù của biện pháp mang tính trinh sát từ trước vốn đã là nghiệp vụ bí mật. Công tác trinh sát là công tác đặc thù của ngành Công an, đặc trưng của công tác này là sự bí mật trong hoạt động áp dụng. Tuy nhiên, khi đã luật hóa bằng quy định của BLTTHS năm 2015 thì việc áp dụng các biện pháp này phải tuân thủ theo đúng trình tự, thủ tục do BLTTHS năm 2015 quy định, cũng như tiến hành dưới sự kiểm tra, giám sát của một thiết chế đặc thù có vai trò kiểm sát là VKSND.
Trong quá trình áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt để thể hiện của mình thì VKSND thực hiện như thế nào, liệu các hoạt động này có được tiến hành trước sự chứng kiến của VKSND như các biện pháp điều tra tố tụng thông thường, hay thực hiện một cách bí mật hoàn toàn, còn VKSND chỉ kiểm sát thông qua các giấy tờ, tài liệu đã được thu thập? Điều này chưa có những quy định mang tính hướng dẫn thi hành.
Chủ thể kiểm sát hoạt động này là VKSND và trực tiếp là các KSV cũng cần phải rất nỗ lực trong việc nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức mới, tổng kết rút kinh nghiệm để có thể thực hiện tốt chức năng của mình trong lĩnh vực đặc thù này.
Chính vì vậy, đây thực sự là một thách thức không hề nhỏ trong quá trình triển khai hoạt động kiểm sát để đảm bảo hoạt động kiểm sát việc áp dụng này cần phải có sự đổi mới, khác biệt so với hoạt động kiểm sát áp dụng các biện pháp trinh sát trước kia.