Thuận tình ly nhưng vợ không có mặt thì có được giải quyết không? Trường hợp xét xử vắng mặt được áp dụng như thế nào?
Thuận tình ly nhưng vợ không có mặt thì có được giải quyết không? Trường hợp xét xử vắng mặt được áp dụng như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa luật sư. Tôi làm đơn thuận tình ly với vợ nhưng khi mọi thủ tục đều đã hoàn tất, tòa án tiến hành hòa giải nhưng tòa đã không liên hệ được với vợ tôi . Vậy nên nhờ luật sư tư vấn giúp cho tôi là khi vắng mặt cô ấy tòa án có thể tiến hành vắng mặt cô ấy được không .?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
* Cơ sở pháp luật:
– Luật hôn nhân và gia đình 2014;
– Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
* Nội dung:
Theo Điều 55 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về thuận tình ly hôn như sau:
“Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn."
Theo Điều 54 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định Hòa giải tại Tòa án: “Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.”
Hòa giải tại Tòa án là thủ tục bắt buộc trước khi đưa vụ án ra xét xử. Nếu hòa giải thành thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành và nếu các đương sự không thay đổi về ý kiến thì Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải thành và quyết định này có hiệu lực ngay và không được kháng cáo kháng nghị. Nếu hòa giải không thành Tòa án cũng phải lập biên bản hòa giải không thành sau đó ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo quy định.
Thủ tục hòa giải tại Tòa án sẽ tuân theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Cụ thể thủ tục hòa giải sẽ tuân thủ theo nguyên tắc tại Điều 205 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
"Điều 205. Nguyên tắc tiến hành hòa giải.
1. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Bộ luật này hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.
2. Việc hòa giải được tiến hành theo các nguyên tắc sau đây:
a) Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của mình;
b) Nội dung thỏa thuận giữa các đương sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội."
"Điều 206. Những vụ án dân sự không được hòa giải.
1. Yêu cầu đòi bồi thường vì lý do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.
2. Những vụ án phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội."
"Điều 207. Những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được
1. Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt.
2. Đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng.
3. Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.
4. Một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải."
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân qua tổng đài: 1900.6568
Theo quy định trên thì nếu vợ bạn vắng mặt tại buổi hòa giải nhưng có lý do chính đáng hoặc đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt thì vụ việc hòa giải sẽ không thể tiến hành được. Tuy nhiên, việc ly hôn vẫn sẽ tiến hành như bình thường theo đúng quy định của pháp luật tại khoản 1 Điều 205 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như trên.
Như vậy, căn cứ theo quy định của pháp luật thì việc vắng mặt của bên vợ thuộc hai trường hợp vắng mặt dẫn đến không thể tiến hành hòa giải được thì vụ án ly hôn vẫn sẽ được tiến hành bình thường.