Thừa phát lại là một trong những chế định mới xuất hiện trong quy định của pháp luật Việt Nam trong những năm gần đây. Là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự. Vậy thừa phát lại có phải là công chức, viên chức không?
Mục lục bài viết
1. Thừa phát lại có phải là công chức, viên chức không?
Thừa phát lại là gì?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định như sau: Thừa phát lại được xác định là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh về điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan
Như vậy theo quy định trên thì Thừa phát lại là những người được bổ nhiệm và làm việc tại các tổ chức hành nghề Thừa phát lại (văn phòng Thừa phát lại).
Đồng thời tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định:
– Văn phòng Thừa phát lại do 01 Thừa phát lại thành lập được tổ chức theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.
– Văn phòng Thừa phát lại do 02 Thừa phát lại trở lên thành lập được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh.
Công chức là gì?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức quy định công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, và chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Viên chức là gì?
Viên chức được hiểu là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo Điều 2 Luật Viên chức năm 2010 sửa đổi bổ sung 2019.
Theo như căn cứ tù các quy định trên thì Thừa phát lại cũng được bổ nhiệm nhưng Văn phòng Thừa phát lại hoạt động dưới mô hình doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh, và hơn nữa Thừa phát lại không hưởng lương từ ngân sách nhà nước mà hưởng thù lao từ hợp đồng ký với khách hàng. Do đó, Thừa phát lại không phải là công chức.
2. Quy định về chức năng, thẩm quyền của Thừa phát lại:
Văn phòng Thừa phát lại là tổ chức hành nghề của Thừa phát lại. Văn phòng Thừa phát lại do Thừa phát lại thành lập dựa trên việc gửi hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng Thừa phát lại đến Sở Tư pháp để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, ký quyết định. Chức năng của Văn phòng Thừa phát lại dựa trên những việc mà Thừa phát lại được làm. Những công việc mà Thừa phát lại được làm bao gồm:
2.1. Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự:
– Trưởng văn phòng Thừa phát lại sẽ có trách nhiệm giao cho thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại thực hiện việc tống đạt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận việc tống đạt phải do chính Thừa phát lại thực hiện.
– Văn phòng Thừa phát lại sẽ phải chịu trách nhiệm trước Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự về việc tống đạt thiếu chính xác, không đúng thủ tục, đúng thời hạn của mình; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thưởng theo quy định.
– Thực hiện việc thông báo về thi hành án dân sự thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Thủ tục thực hiện việc tống đạt văn bản của Tòa án thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng.
2.2. Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức:
– Vi bằng sẽ có giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án, đồng thời là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
– Việc lập vi bằng phải sẽ do chính Thừa phát lại thực hiện. Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại có thể sẽ giúp Thừa phát lại thực hiện việc lập vi bằng, nhưng Thừa phát lại phải chịu trách nhiệm về vi bằng do mình thực hiện.
– Vi bằng chỉ ghi nhận đối với những sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến; việc ghi nhận phải khách quan, trung thực. Trong trường hợp cần thiết Thừa phát lại có quyền mời người làm chứng chứng kiến việc lập vi bằng.
Thừa phát lại sẽ có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ các trường hợp pháp luật cấm.
2.3. Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự:
– Người được thi hành án sẽ có quyền dùng kết quả xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại để yêu cầu thi hành án. Cơ quan thi hành án dân sự, văn phòng Thừa phát lại có thẩm quyền thi hành án vụ việc căn cứ kết quả xác minh để tổ chức thi hành án.
– Trong trường hợp xét thấy cần thiết, Thừa phát lại có quyền mời cơ quan chuyên môn hoặc chuyên gia để làm rõ các nội dung cần xác minh. Các quy định khác về thủ tục xác minh điều kiện thi hành án thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án.
– Người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền, lợi ích liên quan đến việc thi hành án sẽ có quyền thỏa thuận với Trưởng văn phòng Thừa phát lại về việc xác minh điều kiện thi hành án
– Trong trường hợp có căn cứ xác định kết quả xác minh không khách quan, chính xác thì Cơ quan thi hành án dân sự, văn phòng Thừa phát lại khác có quyền không sử dụng kết quả đó nhưng phải trả lời bằng văn bản có nêu rõ lý do.
–
Theo quy định hiện nay, thừa phát lại có quyền xác minh điều kiện thi hành án liên quan đến việc thi hành án mà vụ việc đó thuộc thẩm quyền thi hành của các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi đặt văn phòng thừa phát lại.
3. Công chức được làm Thừa pháp lại hay không?
Căn cứ theo quy định Điều 11 Nghị định 08/2020/NĐ-CP thì những trường hợp được quy định sau đây sẽ không được bổ nhiệm Thừa phát lại:
– Người được xác định là bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự;
– Người đã được bổ nhiệm làm công chứng viên, được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, quản tài viên, đấu giá, được cấp thẻ thẩm định viên về giá mà chưa miễn nhiệm công chứng viên, thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư, đấu giá, quản tài viên, thẻ thẩm định viên về giá;
– Người hiện đang là cán bộ, công chức, viên chức, quân nhân chuyên nghiệp,sĩ quan, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;
– Người hiện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
– Người đã bị cơ quan có thẩm quyền kết án về tội phạm do vô ý, tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý mà chưa được xóa án tích;
– Người đã bị cơ quan có thẩm quyền kết án về tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản, trục lợi, gian lận, gian dối, xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, kể cả trường hợp đã được xóa án tích;
– Người đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư do vi phạm pháp luật hoặc vi phạm đến các quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư; người bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư mà chưa hết thời hạn 03 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó;
– Người bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên, thẻ thẩm định viên về giá, chứng chỉ hành nghề đấu giá, chứng chỉ hành nghề quản tài viên mà chưa hết thời hạn 03 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó;
– Người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.
=> Như vậy, căn cứ quy định trên thì bạn đang là công chức thì không được đồng thời làm Thừa phát lại. Theo đó, nếu bạn làm Thừa phát lại thì phải thôi viên chức tại đơn vị đang giảng dạy.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại.
THAM KHẢO THÊM: