Thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài. Khi di sản thừa kế ở nước ngoài, khi người thừa kế ở nước ngoài thì giải quyết thừa kế thế nào?
Di chúc thể hiện quyền tự do của mỗi cá nhân trong việc định đoạt tài sản của mình. Khi giao lưu kinh tế ngày càng phát triển thì việc sở hữu tài sản ở nước ngoài ngày càng trở nên phổ biến, vấn đề thừa kế di chúc có yếu tố nước ngoài từ đó cũng được đặt ra.
Khái niệm về quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài có thể được xây dựng dựa trên khái niệm quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được quy định tại Điều 758 Bộ luật dân sự năm 2005:
“Thừa kế có yếu tố nước ngoài là quan hệ có ít nhất một bên chủ thể là cá nhận người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc căn cứ xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở nước ngoài hoặc tài sản thừa kế ở nước ngoài”
Đối với các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì hầu hết luôn đi kèm với vấn đề về xung đột pháp luật.
1. Quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành trong việc giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài
Khoản 1 điều 768 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định:
“Năng lực lập di chúc, thay đổi và hủy bỏ di chúc phải tuân theo pháp luật của nước mà người lập di chúc là công dân”.
Như vậy, Bộ luật dân sự năm 2005 đã xác định hệ thuộc luật quốc tịch để giải quyết XĐPL về năng lực lập di chúc. Quy định này phù hợp với việc xác định pháp luật áp dụng đối với năng lực hành vi dân sự của cá nhân và phù hợp với các HĐTTTP mà Việt Nam đã ký kết.
Tuy nhiên đối với người nước ngoài tại Việt Nam, nếu theo pháp luật mà người nước ngoài mang quốc tịch thì học có năng lực chủ thể để lập, thay đổi và hủy bỏ di chúc nhưng theo pháp luật Việt Nam thì họ chưa có đủ điều kiện về năng lực chủ thể thì giải quyết thế nào? Như vậy Bộ luật dân sự năm 2005 nên quy định: khi người nước ngoài thực hiện hành vi lập, thay đổi và hủy bỏ di chúc tại Việt Nam thì năng lực hành vi ngoài việc tuân theo pháp luật của nước mà người đó là công dân còn phải tuân theo pháp luật Việt Nam.
Còn “Hình thức của di chúc phải tuân theo pháp luật của nước nơi lập di chúc” (khoản 2 điều 768 Bộ luật dân sự năm 2005). Khác với nguyên tắc áp dụng luật đối với việc xác định năng lực lập, thay đổi và hủy bỏ di chúc, hình thức của di chúc trong trường hợp có yếy tố nước ngoài không căn cứ vào quốc tịch của người lập di chúc mà căn cứ vào lãnh thổ nơi người để lại di sản lập di chúc. Điều này hoàn toàn hợp lý bởi nhiều quốc gia quy định di chúc có hiệu lực khi được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, do đó cần phải tuân theo các quy định của quốc gia nơi lập di chúc về hình thức của di chúc.
Trên thực tế có nhiều trường hợp di chúc do người nước ngoài lập tại Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam về hình thức nhưng không phù hợp với pháp luật của nước nơi người đó cư trú hoặc có di sản. Vậy trường hợp này sẽ giải quyết ra sao? Thiết nghĩ, Khoản 2 Điều 768 Bộ luật dân sự năm 2005 có thể điều chỉnh theo hướng: Hình thức di chúc được xem là hợp pháp nếu phù hợp với pháp luật của nước nơi lập di chúc hoặc phù hợp với pháp luật của nước mà người để lại di sản có nơi cư trú hoặc của nước có di sản thừa kế.
>>> Luật sư
Việc thừa kế của công dân Việt Nam đối với tài sản ở nước ngoài, pháp luật của nước ta không có các quy định cấm mà trên thực tế Nhà nước cho phép và bảo hộ. Đối với việc thừa kế theo di chúc của công dân Việt Nam ở nước ngoài, Điều 660 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định những di chúc bằng văn bản dưới đây cũng có giá trị như di chúc được công chứng nhà nước chứng nhận hoặc UBND xã, phường, thị trấn chứng thực:
“Di chúc của người đang đi trên tàu biển, máy bay có xác nhận của người chỉ huy phương tiên đó; Di chúc của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài có chứng nhận của cơ quan lãnh sự, đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước đó”.
Đối với việc thừa kế:
“Trong trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc Nhà nước”.