Các vấn đề liên quan đến hộ chiếu? Thủ tục xin gia hạn hộ chiếu tại cục quản lý xuất nhập cảnh?
Hộ chiếu được xem là giấy thông hành, phục vụ việc xuất nhập cảnh của người dân được hợp thức hóa về mặt pháp luật. Việt Nam cùng thế giới đang sống trong xu thế toàn cầu hóa, do đó vấn đề liên quan đến việc đối ngoại, xuất nhập cảnh luôn được đông đảo người dân quan tâm. Đặc biệt là vấn đề liên quan đến hộ chiếu. Bài viết dưới đây sẽ phân tích và làm rõ về vấn đề thủ tục xin gia hạn hộ chiếu tại cục quản lý xuất nhập cảnh.
Luật sư
Mục lục bài viết
1. Các vấn đề liên quan đến hộ chiếu:
– Theo Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (Luật Xuất nhập cảnh), hộ chiếu là giấy tờ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam sử dụng để xuất cảnh, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân. Hộ chiếu được hiểu là một giấy thông hành, thường do chính phủ của một quốc gia cấp cho công dân của quốc gia đó, xác nhận danh tính và quốc tịch của người giữ hộ chiếu chủ yếu cho mục đích đi lại quốc tế.Hộ chiếu tiêu chuẩn có thể chứa thông tin như tên, nơi ở và ngày sinh, ảnh, chữ ký và các thông tin nhận dạng có liên quan khác của người sở hữu hộ chiếu. Trên hộ chiếu gồm các thông tin như: ảnh chân dung; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; ký hiệu, số giấy tờ xuất nhập cảnh; ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp; ngày, tháng, năm hết hạn; số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân; chức vụ, chức danh đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ phù hợp với yêu cầu đối ngoại.
– Theo quy định của luật xuất nhập cảnh, hộ chiếu Việt Nam chỉ cấp cho công dân Việt Nam. Khi xuất cảnh, nhập cảnh, công dân Việt Nam phải xuất trình hộ chiếu hoặc giấy thông hành với lực lượng kiểm soát xuất nhập cảnh của Việt Nam tại cửa khẩu. Người có hộ chiếu được phép xuất, nhập cảnh, quá cảnh khi có thị thực xuất, nhập cảnh, quá cảnh của nước mình hoặc nhà nước hữu quan.
– Về phân loại, hộ chiếu gồm 3 loại, gồm:
+ Hộ chiếu ngoại giao, trang bìa màu nâu đỏ : Loại hộ chiếu này thường được cấp cho quan chức cấp cao của Nhà nước được quy định tại Điều 8 Luật Xuất nhập cảnh; được cơ quan, người có thẩm quyền cử hoặc cho phép ra nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ công tác. Những người sở hữu hộ chiếu này thường là cán bộ, quan chức cấp cao của Nhà nước. Họ sử dụng hộ chiếu này để thực hiện nhiệm vụ công tác theo sự phân công của cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền.
+ Hộ chiếu công vụ, trang bìa màu xanh lá cây đậm: Hộ chiếu này được cấp cho đối tượng như cán bộ, công chức, viên chức, Công an, Quân đội ( thuộc Điều 9 Luật Xuất nhập cảnh)… được cơ quan, người có thẩm quyền cử hoặc cho phép ra nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ công tác. Những đối tượng này đều là cán bộ Nhà nước, ra nước vì nhiệm vụ được giao. Do đó, họ mới được cấp hộ chiếu công vụ.
+ Hộ chiếu phổ thông, trang bìa màu xanh tím: Cấp cho công dân Việt Nam. Với hộ chiếu này, mọi công dân Việt Nam đều được cấp nếu họ có nhu cầu xuất nhập cảnh. Đi du lịch, du học, xuất khẩu lao động…người dân đều được cấp hộ chiếu phổ thông này.
– Hộ chiếu được xem là văn bản thông hành, giúp việc xuất nhập khẩu của công dân được hợp thức hóa về mặt pháp luật. Nó có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc quản lý công dân của cơ quan Nhà nước, cụ thể như sau:
+ Thứ nhất, việc yêu cầu hộ chiếu khi có nhu cầu xuất nhập cảnh giúp cơ quan hải quan (đại diện cho Nhà nước) quản lý được việc xuất nhập cảnh của người dân. Thực tế, có rất nhiều trường hợp phạm tội, lẩn trốn ra nước ngoài để trốn tránh trách nhiệm về hành vi của mình. Nếu cơ quan hải quan và Nhà nước không quản lý dân cư xuất nhập cảnh bằng hộ chiếu, thì sẽ để xảy ra tình trạng bỏ lọt tội phạm, làm bất ổn an ninh quốc gia khi cảnh phần tử xấu tự do di chuyển ra vào địa phận nước mình.
+ Thứ hai, việc yêu cầu hộ chiếu khi xuất nhập cảnh, giúp Nhà nước giám sát, quản lý được việc công dân của mình đi đâu, trong thời gian bao lâu, từ đó đưa ra những biện pháp xử lý kịp thời nếu có trường hợp xấu xảy ra.
Ví dụ: Chị Nguyễn Thị A , có một người bạn nhập quốc tịch Mỹ và sinh sống tại đó và người đó rủ chị sang Mỹ chơi. Vậy nên, cuối tháng 4 năm 2021, chị đã xuất cảnh sang Mỹ để thăm em gái. Theo kế hoạch, chị làm visa đi du lịch trong 1 tháng. Tuy nhiên, sau 1 tháng, chị không nhập cảnh về lại Việt Nam, hộ chiếu cũng không được gia hạn thêm. Người nhà của chị G không liên lạc được với chị, nên đã trình báo ra phía công an. Thông qua việc kiểm soát thông tin hộ chiếu của công dân xuất cảnh, cơ quan hải quan đã xác định được điểm đến của chị G. Từ đó, liên hệ với đại sứ quán của nước nơi chị G đến, lúc này mới biết do chưa gia hạn được hộ chiếu nên chị chưa thể bay về nước. Đây là minh chứng cho việc thông qua hộ chiếu, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể quản lý lịch trình di chuyển của công dân nước mình.
2. Thủ tục xin gia hạn hộ chiếu tại cục quản lý xuất nhập cảnh:
Theo quy định của luật, trong trường hợp hộ chiếu hết hạn, công dân sẽ không thể nhập cảnh. Do đó, để có thể nhập cảnh hợp pháp, cá nhân phải tiến hành gia hạn hộ chiếu. Thủ tục xin gia hạn hộ chiếu tại cục quản lý xuất nhập cảnh được pháp luật quy định cụ thể như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ gia hạn hộ chiếu:
Hồ sơ gồm những giấy tờ sau:
+ Một tờ khai làm hộ chiếu (Tờ khai không phải xác nhận của Công an xã; phường, thị trấn nơi có hộ khẩu thường trú.)
+ 2 ảnh mới chụp; cỡ 4cm x 6cm, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu, phông nền màu trắng. Trẻ em dưới 09 tuổi cấp chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ; thì nộp 02 ảnh cỡ 3cm x 4cm
+ Hộ chiếu phổ thông còn giá trị
+ Giấy chứng minh nhân dân; hoặc Thẻ căn cước công dân còn giá trị (xuất trình khi nộp hồ sơ để cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh kiểm tra đối chiếu)
( Đối với trẻ em dưới 14 tuổi, người giám hộ khi gia hạn hộ chiếu cần nộp thêm 01 bản sao; hoặc bản chụp có chứng thực giấy khai sinh; nếu nộp bản sao không có chứng thực thì xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu; tờ khai do cha, mẹ ký thay có xác nhận của công an xã, phường nơi cư trú. Đối với trường hợp ủy thác cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khác thực hiện: Người ủy thác khai và ký tên vào tờ khai làm hộ chiếu theo mẫu quy định; có dấu giáp lai ảnh và xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức được ủy thác. Từ đó, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được ủy thác có công văn gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh và bộ Công an đề nghị giải quyết. Cán bộ, nhân viên của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có tư cách pháp nhân; được ủy thác khi nộp hồ sơ gia hạn hộ chiếu của người ủy thác phải xuất trình
Bước 2: Nộp hồ sơ tại một trong các cơ quan sau:
+ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh; thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú hoặc tạm trú.
+ Cục Quản lý xuất nhập cảnh trong các trường hợp đặc biệt:
- Người cần đi nước ngoài để chữa bệnh nếu có giấy tờ chỉ định của bệnh viện;
- Người có thân nhân ruột thịt ở nước ngoài bị tai nạn; bệnh tật, bị chết cần phải đi gấp để giải quyết; nếu có giấy tờ chứng minh những sự việc đó;
- Cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan; công nhân viên trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân có nhu cầu xuất cảnh gấp; nếu có văn bản đề nghị của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc;
- Trường hợp có lý do cấp thiết khác đủ căn cứ; thì Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh xem xét, quyết định.
+Thời gian nộp hồ sơ: từ thứ 2 đến thứ 6 (trừ ngày Tết, ngày lễ và chủ nhật)
+ Thời gian làm hộ chiếu:
- Hồ sơ nộp tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh: Thời hạn giải quyết không quá 08 ngày làm việc; kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
- Hồ sơ nộp tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh: Thời hạn giải quyết không quá 05 ngày làm việc; kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Bước 3: Nhận hộ chiếu:
Nhận hộ chiếu tại nơi đã nộp hồ sơ xin cấp: Phòng Quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh; thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Cục Quản lý xuất nhập cảnh theo thời gian ghi trong giấy hẹn.