Để được cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu, doanh nghiệp cần phải thực hiện các thủ tục gì? Bài viết sau đây sẽ phân tích các quy định của pháp luật liên quan đến thủ tục xin cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu.
Mục lục bài viết
1. Điều kiện để được cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu:
1.1. Đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ:
Theo Điều 3 và Điều 5
– Là doanh nghiệp được thành lập hợp pháp;
– Doanh nghiệp có đăng ký hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ;
– Được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ;
– Doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu đúng với hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ của mình, đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, việc nhập khẩu vàng nguyên liệu còn phải phù hợp với mục đích kinh doanh và nhu cầu của hợp đồng gia công giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp gia công;
– Trong phạm vi 12 tháng liền kề trước khi đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu, doanh nghiệp không được vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường.
1.2. Đối với doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực khai thác vàng:
Theo Điều 6
– Là doanh nghiệp được thành lập hợp pháp;
– Có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do cơ quan có thẩm quyền cấp;
– Doanh nghiệp đăng ký hoạt động khai thác vàng và hoạt động này phải được thể hiện trong Giấy chứng nhận đầu tư;
– Doanh nghiệp chỉ sử dụng vàng nguyên liệu nhập khẩu do doanh nghiệp khai thác ở nước ngoài vào mục đích sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ;
– Trong phạm vi 12 tháng liền kề trước khi đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu, doanh nghiệp không được vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
2. Thủ tục xin cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu:
2.1. Đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ:
Điều 17 Thông tư 16/2012/TT-NHNN được sửa đổi bởi
– Doanh nghiệp nộp 02 bộ hồ sơ trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc nộp qua dịch vụ bưu chính;
– Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính gửi hồ sơ đề nghị đến Vụ Quản lý ngoại hối thuộc Ngân hàng Nhà nước để cơ quan này xem xét việc cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp. Việc gửi hồ sơ đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được thực hiện trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp. Bên cạnh hồ sơ đề nghị cấp phép mà doanh nghiệp đã nộp, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố còn phải gửi cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kèm theo văn bản ý kiến của mình về việc doanh nghiệp có đủ điều kiện được cấp Giấy phép nhập khẩu hay không.
– Sau khi xem xét hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi văn bản cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố với nội dung thông báo chấp thuận hoặc từ chối chấp thuận đề nghị cấp Giấy phép của doanh nghiệp. Việc xem xét chấp thuận và gửi hồ sơ được thực hiện trong vòng 17 ngày làm việc kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận đủ hồ sơ mà Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố gửi;
– Trên cơ sở văn bản thông báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố cấp hoặc từ chối cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp. Nếu từ chối cấp thì phải ghi rõ lý do từ chối. Việc cấp hoặc từ chối cấp Giấy phép được thực hiện trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nhận được văn bản thông báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
– Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ có thời hạn giá trị được xác định theo kế hoạch sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ của doanh nghiệp và không quá 12 tháng kể từ ngày được cấp;
– Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu hồ sơ, chứng từ liên quan đến quá trình nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ của doanh nghiệp định kỳ hàng quý hoặc vào thời điểm thấy cần thiết trên cơ sở báo cáo của doanh nghiệp.
2.2. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực khai thác vàng:
Điều 15 Thông tư 16/2012/TT-NHNN được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 15/2021/TT-NHNN quy định thủ tục xin cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài như sau:
– Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ cho Vụ quản lý ngoại hối thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có thể nộp bằng hình thức trực tiếp tại Bộ phận một cửa được bố trí tại Văn phòng Ngân hàng Nhà nước hoặc nộp qua dịch vụ bưu chính;
– Sau khi nhận đủ hồ sơ từ doanh nghiệp, Vụ Quản lý ngoại hối trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm xem xét và ra quyết định cấp Giấy phép. Trong đó, việc cấp Giấy phép phải được thực hiện trên cơ sở đảm bảo phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ, cung – cầu vàng trong từng thời kỳ và đảm bảo doanh nghiệp đã thực hiện đúng và đầy đủ các điều kiện, hồ sơ, thủ tục cần thiết;
– Trên cơ sở xem xét hồ sơ mà doanh nghiệp nộp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp hoặc từ chối cấp Giấy phép cho doanh nghiệp. Nếu từ chối cấp phải ghi rõ lý do từ chối. Việc cấp hoặc từ chối cấp Giấy phép được thực hiện trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận đủ hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp.
Trong trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đề nghị cấp phép theo cơ chế một cửa quốc gia, doanh nghiệp gửi hồ sơ theo quy định đến Cổng thông tin một cửa quốc gia để được cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu.
Việc khai, gửi, tiếp nhận, trả kết quả, trao đổi, phản hồi thông tin về hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo cơ chế một cửa quốc gia được thực hiện theo quy định tại Nghị định 85/2019/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế cho Nghị định này (nếu có).
Hồ sơ doanh nghiệp gửi trên Cổng thông tin điện tử được sử dụng chữ ký số. Đồng thời, các tài liệu trong hồ sơ điện tử là bản điện tử được quét từ bản gốc hoặc là bản chính dưới hình thức tập tin điện tử được định dạng PDF, TIF, JPG, trừ văn bản đề nghị cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu vì văn bản này được doanh nghiệp khai trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Nếu hệ thống Cổng thông tin một cửa quốc gia hoặc hệ thống xử lý chuyên ngành của Ngân hàng Nhà nước gặp sự cố hoặc có lỗi dẫn đến không thể tiếp nhận, trao đổi thông tin điện tử, doanh nghiệp tiến hành các thủ tục xin cấp phép qua dịch vụ bưu chính hoặc thực hiện trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ngân hàng Nhà nước. Trong trường hợp này, doanh nghiệp nộp các tài liệu dưới hình thức hồ sơ giấy, tài liệu phải là bản chính hoặc là bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực theo quy định của pháp luật hoặc bản sao có xuất trình bản chính để đối chiếu. Nếu sử dụng bản sao có xuất trình bản chính để đối chiếu, người đối chiếu phải thực hiện việc xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính.
Trình tự, thủ tục cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo cơ chế một cửa quốc gia được thực hiện như sau:
– Doanh nghiệp soạn và nộp 01 bộ hồ sơ cho Ngân hàng Nhà nước theo quy định;
– Trên cơ sở xem xét hồ sơ mà doanh nghiệp nộp, Ngân hàng Nhà nước cấp hoặc từ chối cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu và gửi cho doanh nghiệp theo quy định. Nếu từ chối cấp thì phải ghi rõ lý do từ chối. Việc cấp hoặc từ chối cấp Giấy phép và gửi cho doanh nghiệp được thực hiện trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trong trường hợp doanh nghiệp nộp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm thông báo cho doanh nghiệp để doanh nghiệp bổ sung, sửa đổi.
3. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu:
3.1. Đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ:
Theo Điều 10 Thông tư 16/2012/TT-NHNN, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu bao gồm:
– Đơn đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu;
– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cơ quan có thẩm quyền cấp;
– Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ do Ngân hàng Nhà nước cấp;
– Báo cáo tình hình nhập khẩu vàng nguyên liệu và sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ của doanh nghiệp trong phạm vi 12 tháng liền kề trước thời điểm báo cáo, trong đó phải kèm bảng kê các tờ khai Hải quan nhập khẩu vàng và Phiếu trừ lùi in từ hệ thống thông tin nghiệp vụ Hải quan được doanh nghiệp xác nhận tính chính xác của tài liệu này;
– Bản kế hoạch sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ của doanh nghiệp.
3.2. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ:
Theo Điều 12 Thông tư 16/2012/TT-NHNN được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 15/2021/TT-NHNN, doanh nghiệp phải gửi hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu đến Ngân hàng Nhà nước trễ nhất vào ngày 15 tháng 12 của năm trước năm kế hoạch sản xuất, hoặc vào thời điểm cần bổ sung khối lượng nhập khẩu vàng nguyên liệu theo kế hoạch. Hồ sơ bao gồm:
– Đơn đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu;
– Giấy chứng nhận đầu tư do cơ quan có thẩm quyền cấp;
– Báo cáo tình hình thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu và tiêu thụ sản phẩm vàng tại thị trường Việt Nam trong phạm vi 12 tháng liền kề trước thời điểm báo cáo, trong đó phải kèm theo bảng kê các tờ khai Hải quan xuất khẩu, nhập khẩu và Phiếu trừ lùi in từ hệ thống thông tin nghiệp vụ Hải quan được doanh nghiệp xác nhận tính chính xác của tài liệu này;
– Bản kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; các văn bản, tài liệu chứng minh năng lực sản xuất của doanh nghiệp;
– Hợp đồng gia công vàng trang sức, mỹ nghệ với nước ngoài.
3.3. Đối với doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực khai thác vàng:
Theo Điều 13 Thông tư 16/2012/TT-NHNN được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 15/2021/TT-NHNN, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu của doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài bao gồm:
– Đơn đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu;
– Giấy chứng nhận đầu tư do cơ quan có thẩm quyền cấp;
– Tài liệu chứng minh nguồn vàng nguyên liệu dự kiến nhập khẩu từ nước ngoài có nguồn gốc do doanh nghiệp khai thác hoặc là kết quả phân chia sản phẩm theo thỏa thuận khai thác vàng;
– Văn bản, tài liệu chứng minh việc sử dụng nguồn vàng nguyên liệu nhập khẩu không trái quy định;
– Báo cáo tình hình khai thác và nhập khẩu vàng nguyên liệu của doanh nghiệp trong phạm vi 12 tháng liền kề trước thời điểm báo cáo, trong đó phải kèm theo bảng kê các tờ khai Hải quan nhập khẩu vàng và Phiếu trừ lùi in từ hệ thống thông tin nghiệp vụ Hải quan được doanh nghiệp xác nhận về tính chính xác của tài liệu này.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định số 24/2012/NĐ – CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng;
–
–
– Thông tư số 15/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2012/TT-NHNN ngày 25 tháng 5 năm 2012 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.