Các đối tượng được xác lập quyền sở hữu toàn dân. Thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân với bất động sản vô chủ. Thẩm quyền xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với bất động sản vô chủ. Mẫu quyết định việc xác lập quyền sở hữu toàn dân với bất động sản vô chủ.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, bất động sản thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước thay mặt quản lý, thực hiện thủ tục xác lập quyền sở hữu với từng cá nhân, hộ gia đình; tổ chức. Tuy nhiên thực tế vẫn có những bất động sản không thuộc sở hữu của bất kể các đối tượng nào. Vậy khi đó, bất động sản này được gọi là vô chủ. Thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân với bất động sản vô chủ như thế nào? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:
Mục lục bài viết
1. Các đối tượng được xác lập quyền sở hữu toàn dân:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 29/2018/NĐ-CP về quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, các đối tượng xác lập quyền sở hữu toàn dân trong đó có tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy, tài sản không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước theo quy định của Bộ luật dân sự; hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan, bao gồm:
– Bất động sản vô chủ hay không xác định được chủ sở hữu.
– Các tài sản bị đánh rơi, bỏ quên không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận.
– Các tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy thuộc đất liền, các hải đảo và vùng biển Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán mà tại thời điểm phát hiện hoặc tìm thấy không có hoặc không xác định được chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.
– Tài sản của người mất để lại mà không có người thừa kế theo di chúc hay theo pháp luật hoặc có người thừa kế nhưng người đó không được quyền hưởng di sản, hoặc họ từ chối nhận di sản; hay hết thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế tính từ thời điểm mở thừa kế mà không có người nào chiếm hữu, sử dụng ổn định lâu dài theo quy định về thừa kế của Bộ luật dân sự năm 2015.
– Theo quy định của pháp luật về hải quả, tài sản là những hàng hóa tồn đọng được lưu giữ tại các khu vực cảng, kho, bãi thuộc địa bàn hoạt động hải quan.
Căn cứ theo quy định trên, thì bất động sản vô chủ sẽ thuộc đối tượng được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
2. Thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân với bất động sản vô chủ:
Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 29/2018/NĐ-CP, trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với bất động sản vô chủ được tiến hành như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:
Khi có bất động sản không xác định được chủ sở hữu, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận thông tin về bất động sản vô chủ là Ủy ban nhân dân cấp xã hay Công an tại nơi có bất động sản tiến hành thủ tục xác định chủ sở hữu theo quy định.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành thủ tục xác định chủ sở hữu, Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an sở tại sẽ lập 01 bộ hồ sơ gửi Phòng Tài chính Kế hoạch.
Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau:
– Bản chính báo cáo quá trình xác định chủ sở hữu đối với bất động sản từ khi phát hiện.
– Bản chính bảng kê địa điểm, diện tích, hiện trạng bất động sản.
– Bản sao các hồ sơ, tài liệu liên quan đến quá trình xác định chủ sở hữu đối với bất động sản (nếu có).
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết:
Phòng Tài chính Kế hoạch có trách nhiệm lập Tờ trình kèm hồ sơ như trên gửi lên Ủy ban nhân dân cấp huyện để gửi Sở Tài chính trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người có thẩm quyền được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản. Thời hạn giải quyết là trong 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định.
Sở Tài chính có trách nhiệm trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người có thẩm quyền được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản trong thời hạn là 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người có thẩm quyền được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp ban hành Quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản (mẫu số 01-QĐXL tại Phụ lục kèm theo Nghị định 29/2018/NĐ-CP). Thời hạn giải quyết là 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ.
3. Thẩm quyền xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với bất động sản vô chủ:
* Thẩm quyền thuộc về Bộ Tài chính khi:
– Tài sản do tổ chức, cá nhân chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước Việt Nam nhưng không xác định cụ thể cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận tài sản để sử dụng.
– Bất động sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản chuyển giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý theo đề nghị của bộ, cơ quan trung ương.
* Đối với tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng thuộc lĩnh vực quốc phòng do tổ chức, cá nhân chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước Việt Nam: thẩm quyền thuộc về Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
* Đối với trường hợp tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng thuộc lĩnh vực an ninh do tổ chức, cá nhân chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước Việt Nam: thẩm quyền thuộc về Bộ Công an.
* Đối với tài sản của quỹ xã hội, tài sản của quỹ từ thiện sẽ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản.
* Thẩm quyền thuộc về Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản đối với:
– Đối với trường hợp cơ quan ký hợp đồng dự án thuộc trung ương quản lý sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính: tài sản chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo hợp đồng dự án đối tác công tư.
– Tài sản do tổ chức, cá nhân chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước Việt Nam chuyển giao cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương.
* Thẩm quyền thuộc về Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người có thẩm quyền được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp quyết định:
– Bất động sản vô chủ.
– Bất động sản không có người thừa kế.
* Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền quyết định ác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản đối với tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, di sản không người thừa kế không thuộc phạm vi những đối tượng thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
4. Mẫu quyết định việc xác lập quyền sở hữu toàn dân với bất động sản vô chủ:
(1) ………… | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: ………/QĐ-……(3) | ……., ngày…. tháng…. năm……… |
QUYẾT ĐỊNH
Về việc xác lập quyền sở hữu toàn dân
………(4)
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ngày 21 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân;
Căn cứ Văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ của ……….. (2);
Xét đề nghị của ……… (5),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với các tài sản sau đây:
STT | Tên tài sản | Đơn vị tính | Số lượng/ | Giá trị tài sản (nếu có) | Tình trạng tài sản |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Nguồn gốc tài sản: …… (6)
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. ………(7) có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | ……….. (4) |
(1) Tên cơ quan cấp trên (nếu có).
(2) Tên cơ quan của người ra quyết định.
(3) Chữ viết tắt tên cơ quan của người ra quyết định.
(4) Chức danh của người ra quyết định.
(5) Tên đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản trình.
(6) Ghi rõ nguồn gốc của tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân (tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, di sản không người thừa kế…).
(7) Tên các cơ quan, cá nhân chịu trách nhiệm thi hành Quyết định.
(8) Ghi Sở Tài chính nơi có tài sản (trường hợp cơ quan của người ra quyết định là cơ quan trung ương hoặc cấp tỉnh); Phòng Tài chính – kế hoạch (trường hợp cơ quan của người ra quyết định là cơ quan cấp huyện).