Thủ tục tịch thu phương tiện và thanh lý tài sản vi phạm giao thông? Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Thủ tục tịch thu phương tiện và thanh lý tài sản vi phạm giao thông? Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Tóm tắt câu hỏi:
Cho em hỏi xe mô tô do công an giao thông tịch thu phương tiện, trước tiên phải ra quyết định tịch thu, nếu thanh lý thì phải ra quyết định bán thanh lý tài sản có phải không ạ hay chỉ cần quyết định tịch thu là được?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật xử lý vi phạm hành chính;
2. Luật sư tư vấn:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có thể được hiểu như sau: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hoá, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức.
Sau khi có quyết định tịch thu phương tiện thì tài sản phương tiện bị tich thu sẽ được bổ sung vào tài sản nhà nước và việc xử lý tài sản sẽ theo quyết định của cơ quan quản lý tài sản đó cũng như theo quy định pháp luật tại khoản 2 Điều 82 Luật xử lý vi phạm hành chính có quy định về việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu như sau:
"Điều 82. Xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu
2. Thủ tục xử lý đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện như sau:
a) Đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này thì cơ quan quyết định tịch thu lập biên bản nộp, chuyển giao tang vật, phương tiện. Việc bàn giao và tiếp nhận các tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này phải được tiến hành theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;
b) Đối với trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này, giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá khi làm thủ tục chuyển giao được xác định theo Điều 60 của Luật này. Trường hợp giá trị của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã được xác định có sự thay đổi tại thời điểm chuyển giao thì cơ quan ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quyết định thành lập hội đồng để định giá tài sản trước khi làm thủ tục chuyển giao. Thành phần Hội đồng định giá theo quy định tại khoản 3 Điều 60 của Luật này."
Trong trường hợp cụ thể của bạn, phương tiện của bạn mà bị tịch thu thì quy trình để xử lý phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu như sau:
Thứ nhất: Nếu phương tiện vi phạm hành chính là mô tô đó là công cụ hỗ trợ hành vi vi phạm thì chuyển giao cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật. Sau khi phương tiện vi phạm hành chính đã được cấp có thẩm quyền ra quyết định chuyển giao cho cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng thì cơ quan đã ra quyết định tịch thu chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính tổ chức chuyển giao cho cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng;
Thứ hai: Đối với phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu không thuộc trường hợp trên thì tiến hành thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi xảy ra hành vi vi phạm để thực hiện việc bán đấu giá; trường hợp không thuê được tổ chức bán đấu giá thì thành lập hội đồng để bán đấu giá. Nhưng nếu phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu nhưng không còn giá trị sử dụng hoặc không bán đấu giá được thì cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu phải lập hội đồng xử lý gồm đại diện các cơ quan nhà nước hữu quan. Việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu phải được lập thành biên bản có chữ ký của các thành viên hội đồng xử lý. Phương thức, trình tự, thủ tục xử lý tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Như vậy, phương tiện bị tịch thu sau khi có quyết định tịch thu thì phương tiện đó sẽ được xử lý theo hình thức bán đấu giá tài sản theo những quy trình, trình tự nhất định về bán đấu giá tài sản quy định tại Nghị định 17/2010/NĐ-CP Nghị định về bán đấu giá tài sản. Khi đó, tổ chức bán đấu giá phải niêm yết, thông báo công khai việc bán đấu giá tài sản là động sản (phương tiện) tại nơi bán đấu giá phương tiện, nơi trưng bày tài sản và nơi đặt trụ sở của tổ chức bán đấu giá theo Điều 28 của Nghị định 17/2010/NĐ-CP:
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổ ng đài: 1900.6568
"Điều 28. Niêm yết, thông báo công khai việc bán đấu giá tài sản
1. Tổ chức bán đấu giá tài sản phải niêm yết việc bán đấu giá tài sản là động sản tại nơi bán đấu giá, nơi trưng bày tài sản và nơi đặt trụ sở của tổ chức bán đấu giá tài sản chậm nhất là bảy ngày trước khi tiến hành bán đấu giá, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Đối với bất động sản, tổ chức bán đấu giá tài sản phải niêm yết việc bán đấu giá tài sản tại nơi bán đấu giá, nơi có bất động sản bán đấu giá và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có bất động sản bán đấu giá chậm nhất là ba mươi ngày trước ngày mở cuộc bán đấu giá, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Đối với tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức, thời hạn niêm yết việc bán đấu giá tài sản có thể được rút ngắn theo thỏa thuận của các bên.
2. Đối với tài sản bán đấu giá là động sản có giá khởi điểm từ ba mươi triệu đồng trở lên và bất động sản thì đồng thời với việc niêm yết, tổ chức bán đấu giá tài sản phải thông báo công khai ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ba ngày trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương nơi có tài sản bán đấu giá về việc bán đấu giá tài sản. Thời hạn thông báo công khai được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Việc thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng cũng được thực hiện đối với tài sản bán đấu giá là động sản có giá khởi điểm dưới ba mươi triệu đồng, nếu người có tài sản bán đấu giá yêu cầu."