Thanh lý hợp đồng nhằm mục đích để xác định mức độ thực hiện hợp đồng cũng như là những nội dung, nghĩa vụ, quyền, lợi ích hợp pháp các bên đã thực hiện thực tế so với thỏa thuận. Vậy thủ tục thanh lý hợp đồng trước thời hạn quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thủ tục thanh lý hợp đồng trước thời hạn:
1.1. Được hiểu như thế nào là thanh lý hợp đồng:
Hiện nay, tại Bộ luật Dân sự 2015 không có định nghĩa cụ thể về thanh lý hợp đồng mà thuật ngữ thanh lý hợp đồng chỉ được đề cập đến ở tại
– Khoản 2 Điều 181
– Khoản 2 Điều 231
Tuy nhiên, trước đây, ở tại Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989 (hiện đã hết hiệu lực) có quy định các nội dung ở Chương III để đề cập đến việc thực hiện, thay đổi, đình chỉ thanh lý hợp đồng kinh tế. Tại Điều 28 của Pháp lệnh này nêu rõ những trường hợp phải thanh lý hợp đồng kinh tế gồm:
– Thực hiện xong về hợp đồng kinh tế.
– Hết hạn hợp đồng kinh tế và những bên không thỏa thuận kéo dài thỏa thuận này.
– Đình chỉ hoặc là hủy bỏ hợp đồng kinh tế.
– Không tiếp tục thực hiện về hợp đồng kinh tế…
Mặc dù trong quy định của pháp luật không đề cập nhiều đến việc thanh lý hợp đồng nhưng đây chính là thuật ngữ được rất nhiều bên sử dụng khi giao kết hợp đồng kinh tế, thương mại, lao động…
Trong đó, các bên thường sử dụng “thanh lý hợp đồng” nhằm mục đích để xác định mức độ thực hiện hợp đồng cũng như là những nội dung, nghĩa vụ, quyền, lợi ích hợp pháp các bên đã thực hiện thực tế so với thỏa thuận.
Thanh lý hợp đồng cũng là một trong các văn bản thể hiện tiến độ thực hiện hợp đồng của hai bên, qua đó để xác định lại về quyền, nghĩa vụ còn lại của các bên. Đặc biệt, khi thực hiện thanh lý hợp đồng thì các bên sẽ giảm thiểu được những tranh chấp pháp lý không đáng có.
1.2. Thủ tục thanh lý hợp đồng trước thời hạn:
Thủ tục thanh lý, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn sẽ được phân chia làm 02 trường hợp như sau:
Trường hợp 1: trường hợp các bên thỏa thuận về việc thanh lý, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn
– Từ những phân tích ở trên có thể thấy rõ thanh lý hợp đồng không phải quy định bắt buộc. Nếu như các bên có thỏa thuận thì thực hiện thanh lý hợp đồng trước thời hạn theo thỏa thuận của các bên.
– Trong trường hợp này, các bên sẽ thực hiện soạn thảo dự thảo biên bản thanh lý hợp đồng trước thời hạn đến khi mà đạt được thống nhất ý kiến của các bên thì sẽ tiến hành ký biên bản thanh lý hợp đồng.
– Sau khi thanh lý hợp đồng thì các quyền, nghĩa vụ của các bên thực hiện theo biên bản thanh lý này.
Trường hợp 2: trường hợp đơn phương yêu cầu hủy bỏ, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn theo như ý chí của một bên
Riêng trường hợp đơn phương thanh lý hợp đồng trước thời hạn thì bên đơn phương cũng phải căn cứ vào những điều khoản tại hợp đồng trước đó. Theo đó, có hai trường hợp sau đây:
– Hai bên đã có thỏa thuận ở trong hợp đồng: Căn cứ vào thỏa thuận này để cho bên đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn thực hiện việc soạn biên bản thanh lý và gửi đến cho bên bị đơn phương chấm dứt hợp đồng. Lưu ý rằng thời gian thông báo cần phải thực hiện theo như thỏa thuận trong hợp đồng hoặc báo trước cho đối tác một khoảng thời gian nhất định.
– Hai bên không có thỏa thuận về thanh lý ở trong hợp đồng: Khi mà có nhu cầu thì bên đơn phương thanh lý hợp đồng trước thời hạn sẽ phải gửi biên bản thanh lý đến cho bên còn lại và nhận được sự đồng ý của bên đó. Nếu như có thiệt hại xảy ra, hai bên cũng phải thỏa thuận về việc bồi thường thiệt hại…
2. Nội dung của biên bản thanh lý hợp đồng trước thời hạn:
Như đã nói ở trên, trong thủ tục thanh lý hợp đồng trước thời hạn thì trong cả trường hợp các bên thỏa thuận thanh lý, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn hay trường hợp đơn phương yêu cầu hủy bỏ, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn theo ý chí của một bên thì sẽ đều phải lập biên bản thanh lý hợp đồng trước thời hạn. Nội dung ở trong biên bản thanh lý hợp đồng trước thời hạn phải có những nội dung sau:
– Căn cứ và quy định pháp luật để thanh lý hợp đồng trước thời hạn: Thanh lý hợp đồng sẽ cần dựa vào những căn cứ và quy định pháp luật được nêu ở trong hợp đồng. Ngoài ra sẽ còn dựa vào những điều khoản để làm căn cứ thanh lý hợp đồng chính đã giao kết với nhau. Những căn cứ này rất quan trọng bởi nó chính là căn cứ để xác định lý do vì sao hợp đồng lại chấm dứt, chính vì vậy người soạn thảo biên bản này cần phải soạn thảo một cách tinh tế, chuẩn xác; và cũng phải am hiểu pháp luật. Việc thanh lý phải có sự đồng nhất về các điều khoản áp dụng từ hợp đồng chính nhằm để đối chiếu điều khoản sang hợp đồng thanh lý.
– Thông tin cá nhân của các bên: Nội dung trong biên bản cần ghi rõ các thông tin cá nhân của các bên, đồng thời cũng phải ghi rõ các bên đã tiến hành thực hiện xong về các nghĩa vụ như thế nào về công việc, về thanh toán và dựa vào đó hai bên sẽ phải cam kết sau này không thể xuất hiện tranh chấp xảy ra đối với nội dung này.
– Trách nhiệm của các bên: Nêu rõ về các trách nhiệm cũng như là nghĩa vụ bảo hành, tức là hai bên thỏa thuận về nghĩa vụ bảo hành của bên cung cấp dịch vụ vẫn sẽ còn hiệu lực sau khi mà hai bên tiến hành ký biên bản thanh lý hợp đồng và hiệu lực sẽ phải kéo dài cho đến thời gian nào thì khi đó tùy các bên thỏa thuận với nhau.
– Cách thức giải quyết: Với trường hợp các bên thực hiện chấm dứt vì các lý do như tự chấm dứt hợp đồng thì bên còn lại sẽ phải nêu rõ về cách thức giải quyết, ví dụ như bồi thường giá trị hợp đồng như thế nào và thời hạn bao lâu thì bên vi phạm sẽ phải có trách nhiệm thanh toán khoản vi phạm sau khi biên bản thanh lý được các bên đồng ý ký vào.
– Cam kết: Khi các bên thực hiện việc thanh lý hợp Đồng thì biên bản thanh lý này sẽ có hiệu lực kể từ ngày ký. Các bên không còn bất kỳ một quyền và trách nhiệm nào có liên quan đến hợp đồng và cam kết rằng không khiếu nại gì đối với hợp Đồng sau khi ký biên bản.
3. Các nguyên tắc phải tuân thủ khi thanh lý hợp đồng trước thời hạn:
Căn cứ Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015 thì khi các bên thực hiện thủ tục thanh lý hợp đồng trước thời hạn phải đảm bảo được các nguyên tắc sau:
– Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ một lý do nào để mà phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.
– Cá nhân, pháp nhân thực hiện việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở là tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận đều không có vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, có hiệu lực thực hiện đối với tất cả các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
– Cá nhân, pháp nhân phải thực hiện việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.
– Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt về những quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
– Cá nhân, pháp nhân sẽ phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự 2015.