Tôi có một mảnh đất, muốn tặng cho con nuôi tôi là C và một người nữa là B đồng sở hữu mảnh đất đó. Vậy thủ tục tôi cần làm và những khoản phí tôi phải đóng là như nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi có một mảnh đất, muốn tặng cho con nuôi tôi là C và một người nữa là B đồng sở hữu mảnh đất đó. Vậy thủ tục tôi cần làm và những khoản phí tôi phải đóng là như nào? Xin cám ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo quy định tại “Luật đất đai 2013” và Luật công chứng 2006 thì thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất được thực hiện như sau:
Bước 1: Bạn cùng với C và B đến văn phòng công chứng ký kết hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất.
Bước 2: Sau khi làm xong hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, Bạn nộp hồ sơ tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để làm thủ tục chuyển quyền sở hữu.
Hồ sơ gồm:
1. Đơn xin cấp GCNQSDĐ (theo mẫu);
2. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bản chính + bản sao chứng thực);
3. CMTND, sổ hộ khẩu của các bên (bản sao chứng thực);
4. Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất (công chứng);
5. Hồ sơ kỹ thuật thửa đất (bản chính) (trong trường hợp hợp chia tách, hoặc hợp nhất nhiều thửa đất);
6. Giấy đăng ký kết hôn hoặc giấy xác nhận tình trạng nhân thân (bản sao);
7. Biên lại nộp nghĩa vụ tài chính (bản chính)
8. Giấy khai sinh của người con (để được miễn thuế)
Những khoản phí, lệ phí chính bạn cần đóng là:
– Khi làm văn bản tặng cho hoặc hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất thì phải đóng lệ phí công chứng việc tặng cho quyền sử dụng đất là trường hợp phải đóng lệ phí công chứng có giá ngạch (tùy theo giá trị quyền sử dụng đất)
Lệ phí Công chứng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 91/2008/TTLT-BTC-BTP.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
+ Mức phí là 100.000 đ nếu giá trị tài sản dưới 100 triệu đồng.
+ Mức phí là 0,1% giá trị tài sản nếu giá trị tài sản từ trên 100 triệu đến 1 tỷ đồng.
+ Mức phí là 1 triệu đồng + 0,07% của phần giá trị tài sản vượt quá 1 tỷ đồng nếu giá trị tài sản trên 1 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng.
+ Mức phí là 3.800.000 đồng + 0,05% của phần giá trị tài sản vượt quá 5 tỷ đồng nếu giá trị tài sản từ trên 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức thu phí tối đa của mỗi trường hợp không quá 10 triệu đồng/1trường hợp.
– Về Lệ phí trước bạ: Tại điểm 1 Điều 1 Thông tư số 34/2013/TT-BTC ngày 28/3/2013 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 124/2011/TT-BTC ngày 31/8/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về lệ phí trước bạ (LPTB) quy định về trường hợp không phải nộp LPTB như sau:
“10. Nhà, đất thừa kế, hoặc là quà tặng giữa: vợ với chồng, cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau nay được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
– Về thuế thu nhập cá nhân:
Khoản 1- Điều 4 – Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định về thu nhập được miễn thuế: “1. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.”
Theo đó, khi nộp kèm hồ sơ để thực hiện nghĩa vụ về tài chính bạn cần cung cấp các giấy tờ chứng minh quan hệ bố nuôi với con để được miễn thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ. Nhưng 2 khoản phí chỉ được miễn đối với C – là con nuôi bạn, còn đối với B thì hoàn toàn không được miễn.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.
Chuyên viên tư vấn: Đinh Thùy Dung