Trước khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn có thể sửa đổi đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích. Vậy thủ tục sửa đổi đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích được thực hiện như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thủ tục sửa đổi đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích:
Thủ tục sửa đổi đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích được thực hiện qua các bước sau:
1.1. Chuẩn bị hồ sơ sửa đổi đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích:
Căn cứ Điều 16 Nghị định 65/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp thì hồ sơ sửa đổi đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích bao gồm những giấy tờ sau:
– Đơn yêu cầu sửa đổi (đơn được làm theo Mẫu số 04 tại Phụ lục II của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp) (áp dụng đối với trường hợp sửa đổi đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích do người nộp đơn chủ động thực hiện sau khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp đã có chấp nhận đơn hợp lệ, kể cả thay đổi về đại diện hợp pháp tại Việt Nam).
– Văn bản yêu cầu sửa đổi đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích, trong đó nêu rõ nội dung yêu cầu sửa đổi (áp dụng đối với trường hợp sửa đổi đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích trước khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thực hiện chấp nhận hoặc từ chối chấp nhận đơn hợp lệ hoặc là sửa đổi, bổ sung đơn trên cơ sở là thông báo của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp liên quan đến đơn đó).
– Một phần hoặc là toàn bộ bản mô tả, bản tóm tắt sáng chế/giải pháp hữu ích
– Bản thuyết minh chi tiết các nội dung sửa đổi, bổ sung so với tài liệu ban đầu đã nộp.
– Đối với trường hợp sửa đổi tên, địa chỉ, mã nước của người nộp đơn, tên, quốc tịch của tác giả sáng chế thì khi đó người nộp đơn phải nộp tài liệu xác nhận (bản gốc hoặc bản sao có chứng thực) hoặc là các tài liệu pháp lý (bản sao có chứng thực) chứng minh về việc thay đổi (quyết định đổi tên, địa chỉ; giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có ghi nhận về việc thay đổi tên, địa chỉ v.v…).
– Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp người yêu cầu sửa đổi đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào trong tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp).
– Văn bản ủy quyền (trong trường hợp yêu cầu được nộp thông qua đại diện);
1.2. Nộp hồ sơ sửa đổi đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích:
Người có yêu cầu sửa đổi đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích thực hiện nộp hồ sơ sửa đổi đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích đã chuẩn bị nêu trên đến Cục Sở hữu trí tuệ ở tại Hà Nội hoặc là Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, phương thức nộp bằng một trong các cách sau:
– Nộp hồ sơ sửa đổi đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích trực tiếp đến trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc là Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
– Nộp hồ sơ sửa đổi đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích qua dịch vụ bưu chính đến tại trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc là Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
– Nộp hồ sơ sửa đổi đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích trực tuyến qua Hệ thống giải quyết các thủ tục hành chính của Bộ Khoa học và Công nghệ.
1.3. Giải quyết hồ sơ sửa đổi đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích:
Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp xử lý yêu cầu sửa đổi đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích như sau:
– Công bố các nội dung sửa đổi đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích trong trường hợp yêu cầu sửa đổi thông tin có liên quan đến đơn hợp lệ về mặt hình thức ghi ở trong quyết định chấp nhận đơn hợp lệ; tên, quốc tịch của chính tác giả sáng chế; bản tóm tắt sáng chế kèm theo hình vẽ (nếu có).
– Trường hợp người nộp đơn yêu cầu sửa đổi đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích trong trường hợp sửa đổi đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích do người nộp đơn chủ động thực hiện sau khi mà cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp chấp nhận đơn hợp lệ, kể cả là thay đổi về đại diện hợp pháp tại Việt Nam, nội dung sửa đổi được thẩm định như sau:
+ Đơn yêu cầu sửa đổi được thẩm định hình thức để đánh giá về tính hợp lệ của đơn.
+ Đơn yêu cầu sửa đổi bị coi là không hợp lệ trong những trường hợp sau đây:
++ Đơn không đáp ứng được các yêu cầu về hình thức;
++ Đối tượng nêu ở trong đơn là đối tượng không được bảo hộ;
++ Người nộp đơn không có quyền đăng ký, kể cả là trường hợp quyền đăng ký cùng thuộc nhiều tổ chức, cá nhân nhưng một hoặc là một số người trong số đó không đồng ý thực hiện việc nộp đơn;
++ Đơn được nộp trái với các quy định về cách thức nộp đơn pháp luật quy định
++ Người nộp đơn không nộp đủ các phí, lệ phí theo quy định;
++ Đơn yêu cầu sửa đổi được nộp trái với các quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế.
+ Đối với đơn yêu cầu sửa đổi bị coi là không hợp lệ, khi đó cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thực hiện các thủ tục sau đây:
++ Thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ, trong đó phải nêu rõ các lý do và ấn định thời hạn để người nộp đơn sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối dự định từ chối;
++ Thông báo từ chối chấp nhận đơn hợp lệ nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót, sửa chữa thiếu sót nhưng không đạt yêu cầu hoặc không có ý kiến xác đáng phản đối dự định từ chối.
– Yêu cầu sửa đổi đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích sau khi có thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ thuộc trường hợp sửa đổi các thông tin liên quan đến bản chất của đối tượng nêu trong đơn (bản mô tả sáng chế) thì đơn sẽ phải được thẩm định lại và người nộp đơn phải nộp phí theo quy định.
– Thông báo chấp nhận hoặc từ chối chấp nhận yêu cầu sửa đổi đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích trong thời hạn không quá mười tám tháng, kể từ ngày đã công bố đơn nếu yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trước ngày công bố đơn hoặc là kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn.
– Thông báo chấp nhận hoặc từ chối chấp nhận yêu cầu sửa đổi đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích tại các văn bản gửi cho người nộp đơn trong quá trình thực hiện xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp liên quan đối với trường hợp sửa đổi đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích trước khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp chấp nhận hoặc là từ chối chấp nhận đơn hợp lệ hoặc sửa đổi, bổ sung đơn trên cơ sở thông báo của chính cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp liên quan đến đơn đó.
2. Điều kiện sửa đổi đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích:
Khoản 1 Điều 16 Nghị định 65/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp quy định trước khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định từ chối việc chấp nhận đơn, quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn có thể:
– Sửa đổi, bổ sung các tài liệu trong đơn với điều kiện việc sửa đổi, bổ sung không được mở rộng về phạm vi (khối lượng) bảo hộ đã bộc lộ ở trong bản mô tả đối với đơn đăng ký sáng chế, bộ ảnh chụp, bản vẽ và bản mô tả kiểu dáng công nghiệp được thể hiện ở trong bộ ảnh chụp, bản vẽ đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, trong mẫu nhãn hiệu và danh mục các hàng hoá, dịch vụ đối với đơn đăng ký nhãn hiệu và không được làm thay đổi về bản chất của đối tượng nêu trong đơn;
– Sửa đổi về tên, địa chỉ, mã nước của người nộp đơn, tên, quốc tịch, địa chỉ của chính tác giả sáng chế, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp; sửa đổi đại diện sở hữu công nghiệp.
Như vậy, qua quy định trên thì có thể khẳng định được rằng điều kiện để được sửa đổi đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích đó chính là việc sửa đổi đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích không được mở rộng về phạm vi (khối lượng) bảo hộ đã bộc lộ trong bản mô tả đối với đơn đăng ký sáng chế.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 65/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp.
– Văn bản hợp nhất 11/VBHN-VPQH 2022 hợp nhất Luật Sở hữu trí tuệ.