Quyết toán thuế thu nhập cá nhân là việc cá nhân tiến hành các công việc kê khai số thuế trong một năm tính thuế, về các vấn đề số thuế cần phải nộp thêm, hoàn trả số thuế đã nộp thừa và bù trừ thuế vào kỳ tiếp theo. Dưới đây là bài phân tích về thủ tục quyết toán thuế TNCN cho người nước ngoài về nước.
Mục lục bài viết
1. Khi nào người nước ngoài phải đóng thuế thu nhập cá nhân?
Thuế thu nhập cá nhân là khoản thuế phí mà công dân phải đóng cho Nhà nước khi có mức thu nhập theo tháng nằm trong hạn mức phải đóng thuế. Đóng thuế thu nhập cá nhân là nghĩa vụ mà người dân phải đảm bảo thực hiện.
Nhà nước quản lý xã hội, dân cư, thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế thông qua một trong các cách thức là yêu cầu thực hiện nghĩa vụ đóng thuế. Ta có thể hiểu, công dân, các cá nhân làm việc và hoạt động tại Việt Nam sẽ phải tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam về nghĩa vụ đóng thuế.
Người nước ngoài định cư, sinh sống tại Việt Nam được hiểu là các chủ thể có quốc tịch nước ngoài, đến sinh sống, học tập và làm việc tại Việt Nam trong một khoảng thời gian nhất định. Khi đến Việt Nam, các chủ thể này thực hiện đăng ký tạm trú tại cơ quan chức năng có thẩm quyền. Sau khi đăng ký tạm trú, Nhà nước Việt Nam đã nắm bắt được thông tin của các chủ thể này và thực hiện quản lý. Sinh sống và làm việc tại Việt Nam, nên người nước ngoài cũng phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam, bao gồm cả nghĩa vụ đóng thuế. Theo quy định của pháp luật, người nước thuộc đối tượng xét duyệt đóng thuế khi đảm bảo các điều kiện cụ thể sau đây: Cá nhân cư trú có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong 01 năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Các cá nhân có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở theo đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn (thuê để ở).
Theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 và Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC, người nước ngoài ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên thì chỉ phải nộp thuế thu nhập cá nhân nếu có thu nhập từ tiền lương, tiền công trên 11 triệu đồng/tháng với điều điều kiện không có người phụ thuộc. Theo quy định này, điều kiện để người nước ngoài đóng thuế thu nhập cá nhân là:
+ Người nước ngoài ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên. Đây được xem là thời hạn làm việc tối thiểu mà người nước ngoài phải đảm bảo.
+ Người nước ngoài có thu nhập hàng tháng là trên 11 triệu đồng. Tức khi có mức thu nhập hàng tháng trên 11 triệu, người nước ngoài mới được xem xét đóng thuế thu nhập cá nhân.
+ Người nước ngoài không có người phụ thuộc.
Trên đây là những điều kiện đồng thời mà người nước ngoài phải có đủ thì mới được xem xét về nghĩa vụ đóng thuế thu nhập cá nhân.
Thực tế, quy định về nghĩa vụ đóng thuế dựa trên hệ thống pháp quy của pháp luật Việt Nam liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính. Đồng thời, quy định về thu nhập đảm bảo đóng thuế còn dựa trên thực tiễn thu nhập trung bình của người dân Việt Nam. Ngưỡng đóng thuế là ngưỡng đạt quy chuẩn mà Nhà nước đưa ra, đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các cá nhân.
Từ những nội dung phân tích ở trên, có thể khẳng định, đóng thuế thu nhập cá nhân là nghĩa vụ bắt buộc mà người nước ngoài phải thực hiện nếu đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam. Quy định về việc đóng thuế thu nhập đối với người nước ngoài dựa trên cơ sở quy định pháp lý mà Nhà nước Việt Nam đưa ra. Tức nó mang tính khách quan và toàn diện nhất.
2. Khi người nước ngoài về nước, có cần quyết toán thuế thu nhập cá nhân cho họ hay không?
Quyết toán thuế thu nhập cá nhân là việc cá nhân tiến hành các công việc kê khai số thuế trong một năm tính thuế, về các vấn đề số thuế cần phải nộp thêm, hoàn trả số thuế đã nộp thừa và bù trừ thuế vào kỳ tiếp theo. Có thể thấy, quyết toán thuế có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng đối với các cá nhân trong việc thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế thu nhập cá nhân đối với cơ quan chức năng có thẩm quyền. Thông qua việc quyết toán thuế, các cá nhân sẽ xác định xem mình đã đảm bảo đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế hay không, lệ phí thuế mà mình nộp có thừa, thiếu như thế nào.
Người nước ngoài đóng thuế thu nhập cá nhân khi đảm bảo thời hạn giao kết hợp đồng lao động tại Việt Nam là tối thiểu ba tháng, thu nhập bình quân hàng tháng là trên 11 triệu, và không có người phụ thuộc. Khi về nước, đồng nghĩa với việc các cá nhân này không còn tham gia lao động tại Việt Nam nữa. Lúc này, nghĩa vụ đóng thuế của họ cũng chấm dứt. Tuy nhiên, trong suốt thời gian làm việc tại Việt Nam, đảm bảo điều kiện về đóng thuế, họ đã phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Trong quá trình đóng, chắc chắn sẽ có những vấn đề phát sinh liên quan đến lệ phí đóng có chênh lệch hay thừa thiếu. Lúc này, để đảm bảo hoàn thành toàn diện và chính xác nghĩa vụ đóng thuế của mình, người nước ngoài trước khi về nước phải thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân.
Điều 21, Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định rõ: Trong trường hợp cá nhân cư trú là người nước ngoài kết thúc hợp đồng làm việc tại Việt Nam khai quyết toán thuế với cơ quan thuế trước khi xuất cảnh.
Nếu người nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa làm thủ tục quyết toán thuế với cơ quan thuế thì có thể ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự cho đơn vị trả thu nhập hoặc tổ chức, cá nhân khác quyết toán thuế theo quy định nếu tổ chức, cá nhân đó cam kết chịu trách nhiệm với cơ quan thuế về số thuế thu nhập cá nhân phải nộp của cá nhân theo quy định.
Từ những nội dung phân tích ở trên, có thể khẳng định, khi người nước ngoài về nước, họ bắt buộc phải thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân.
3. Thủ tục quyết toán thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài về nước:
3.1. Hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài về nước:
Khi thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân, người nước ngoài cần chuẩn bị một bộ hồ sơ với đầy đủ các loại giấy tờ, tài liệu sau đây:
– Văn bản xác nhận thu nhập cá nhân theo mẫu quy định số 20/TXN-TNCN.
– Các giấy tờ, tài liệu chứng minh việc các cá nhân đã thực hiện nghĩa vụ đóng thuế.
– Đối với người nước ngoài chịu thuế phát sinh ngoài lãnh thổ nước Việt Nam: cần nộp thêm giấy tờ khác có liên quan được yêu cầu trong hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân.
Trên đây là những giấy tờ, tài liệu mà các cá nhân cần phải chuẩn bị đầy đủ khi làm thủ tục quyết toán thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật. Các giấy tờ, tài liệu này chính là cơ sở để cơ quan chức năng có thẩm quyền dựa vào, xác minh nghĩa vụ đóng thuế mà các cá nhân này đã thực hiện. Từ đó, đưa ra xác nhận về việc quyết toán thuế cho người dân.
3.2. Trình tự quyết toán thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài về nước:
– Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ quyết toán thuế.
Cá nhân là người nước ngoài sẽ chuẩn bị hồ sơ quyết toán thuế với đầy đủ giấy tờ, tài liệu như trên.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, cá nhân sẽ thực hiện nộp hồ sơ tại chi cục thuế nơi chủ thể này cư trú.
– Bước 2: Giải quyết hồ sơ.
Trong trường hợp hồ sơ hợp lệ, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra và giải quyết vấn đề quyết toán thuế cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Trên đây là thủ tục quyết toán thuế cho người nước ngoài về nước. Có thể thấy, việc quyết toán thuế có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các cá nhân.
+ Đây là cơ sở, quy định mang tính bắt buộc mà Nhà nước đưa ra, buộc tất cả người dân, người lao động Việt Nam hay nước ngoài (làm việc tại Việt Nam) phải tuân thủ thực hiện. Thông qua quyết toán thuế, quyền lợi của các cá nhân được đảm bảo (xác minh xem mình đã hoàn thành nghĩa vụ hay chưa, nếu chi phí thuế thừa thì sẽ được trả lại).
+ Thông qua việc quyết toán thuế thu nhập cá nhân, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ quản lý hoạt động đóng thuế của người dân một cách khách quan và toàn diện nhất, tránh trường hợp trốn thuế. Đây là cơ sở để tăng nguồn ngân sách quốc gia, thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế xã hội nước nhà.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14;
Thông tư 92/2015/TT-BTC Hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh.