Phần đông cộng đồng người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài đều mong muốn Việt Nam công nhận quy chế hai hoặc nhiều quốc tịch, vì vậy luật quốc tịch Việt Nam hiện nay đã mang lại niềm vui cho rất nhiều người Việt khi đã cho phép được hưởng "song tịch". Và dưới đây là quy định về thủ tục nhập tịch cho vợ, chồng là người nước ngoài.
Mục lục bài viết
1. Thủ tục nhập quốc tịch cho vợ/chồng là người nước ngoài:
Để có thể thực hiện thủ tục nhập tịch cho vợ, chồng là người nước ngoài, ngoài các điều kiện để có thể nhập quốc tịch Việt Nam, cần phải tuân thủ theo quy trình nhất định. Theo đó, quy trình thủ tục nhập tịch cho vợ, chồng là người nước ngoài sẽ được thực hiện như sau:
Bước 1: Người có nhu cầu nhập quốc tịch Việt Nam cần phải chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ để nộp tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thành phần hồ sơ sẽ bao gồm các loại giấy tờ và tài liệu cơ bản sau đây:
– Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam theo mẫu do pháp luật quy định;
– Giấy khai sinh, hộ chiếu hoặc các loại giấy tờ khác có giá trị pháp lý thay thế. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý thay thế cho giấy khai sinh và hộ chiếu đối với người không quốc tịch xin nhập quốc tịch Việt Nam là giấy tờ phản ánh thông tin về họ và tên, ngày tháng năm sinh, có dán ảnh của người đó, có đóng dấu của cơ quan có thẩm quyền, giấy thông hành hoặc các loại giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế;
– Bản khai lý lịch, phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cung cấp đối với thời gian người xin nhập tịch cư trú tại Việt Nam;
– Giấy tờ chứng minh trình độ tiếng Việt, bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông hoặc bằng tốt nghiệp Trung học cơ sở, giấy tờ chứng minh năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài do các cơ sở giáo dục của Việt Nam cung cấp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
– Giấy tờ chứng minh về chỗ ở và thời gian thường trú hợp pháp trên lãnh thổ của Việt Nam, thông thường sẽ là bản sao của thẻ thường trú;
– Giấy tờ chứng minh khả năng đảm bảo cuộc sống trên lãnh thổ của Việt Nam như giấy chứng minh quyền sở hữu tài sản, giấy tờ xác định mức lương hoặc thu nhập, giấy tờ bảo lãnh của các tổ chức và cá nhân tại Việt Nam, giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú về tình trạng chỗ ở và thu nhập của người xin nhập quốc tịch;
– Người có vợ hoặc có chồng là công dân Việt Nam thì cần phải nộp thêm bản sao của giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy xác nhận tình trạng hôn nhân;
– Nếu có cha mẹ hoặc con cái là công dân Việt Nam thì cần phải nộp thêm bản sao giấy khai sinh hoặc các loại giấy tờ hợp lệ chứng minh quan hệ cha mẹ con;
– Văn bản ủy quyền hợp pháp cho vợ, chồng nộp hồ sơ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Các loại giấy tờ khác khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
Bước 2: Sau khi chuẩn bị bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, nộp hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền. Theo đó, khi có yêu cầu xin nhập quốc tịch, cần phải nộp hồ sơ xin nhập quốc tịch tại cơ quan có thẩm quyền đó là Sở tư pháp nơi cư trú. Người thụ lý hồ sơ sẽ phải có trách nhiệm và nghĩa vụ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Trong trường hợp nhận thấy hồ sơ chưa đầy đủ thì cần phải hướng dẫn bổ sung và hoàn thiện. Trong trường hợp hồ sơ đã đầy đủ và hợp lệ thì người thụ lý hồ sơ cần phải ghi vào sổ thụ lý, sau đó cấp phiếu thụ lý cho người nộp hồ sơ.
Bước 3: Trong khoảng thời gian 05 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Sợ tư pháp cần phải gửi văn bản đề nghị đến cơ quan công an cấp tỉnh để xác minh về tính trạng nhân thân của người nhập quốc tịch Việt Nam. Trong khoảng thời gian 30 ngày được tính kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở tư pháp, công an cấp tỉnh cần phải có nghĩa vụ xác minh, gửi kết quả về Sở tư pháp. Trong khoảng thời gian này, Sở tư pháp Bắc bộ phải tiến hành thủ tục thẩm định giấy tờ trong hồ sơ xin nhập quốc tịch, lập danh mục đầy đủ các loại giấy tờ và văn bản kèm theo trong hồ sơ xin nhập quốc tịch đó.
Bước 4: Trong khoảng thời gian 10 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận được kết quả xác minh của công an cấp tỉnh, Sở tư pháp ngay lập tức phải có trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ để trình lên chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong khoảng thời gian 10 ngày được tính kể từ ngày nhận được đề nghị, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần phải có trách nhiệm xem xét và đưa ra kết luận, xin đề xuất ý kiến của Bộ tư pháp về vấn đề cho phép nhập quốc tịch.
Bước 5: Trong khoảng thời gian 20 ngày được tính kể từ ngày nhận được văn bản của chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ tư pháp cần phải có trách nhiệm và nghĩa vụ kiểm tra lại thành phần hồ sơ, nếu nhận thấy đáp ứng đầy đủ điều kiện để nhập quốc tịch thì sẽ gửi thông báo bằng văn bản cho người nhập quốc tịch để người đó thực hiện thủ tục xin thôi quốc tịch nước ngoài, ngoại trừ trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài hoặc đó là người không có quốc tịch.
Bước 6: trong trường hợp người xin nhập quốc tịch xin giữ quốc tịch nước ngoài, người xin nhập quốc tịch được xác định là người không có quốc tịch thì trong khoảng thời gian 20 ngày được tính kể từ ngày nhận được đề xuất, Bộ tư pháp cần phải có nghĩa vụ kiểm tra lại hồ sơ, nếu nhận thấy người xin nhập quốc tịch đáp ứng điều kiện để có thể nhập quốc tịch thì báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục trình lên Chủ tịch nước để đưa ra quyết định cuối cùng. Trong khoảng thời gian 30 ngày được tính kể từ ngày nhận được đề nghị của thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước cần phải xem xét để đưa ra quyết định về việc cho phép nhập quốc tịch.
Theo đó, để có thể nhập quốc tịch cho vợ/chồng là người nước ngoài thì cần phải tuân thủ đầy đủ theo quy trình nêu trên.
2. Điều kiện để nhập quốc tịch Việt Nam cho vợ/chồng là người nước ngoài:
Căn cứ theo quy định tại Điều 19 của Văn bản hợp nhất Luật quốc tịch Việt Nam năm 2014 có quy định về điều kiện để có thể nhập quốc tịch Việt Nam. Theo đó, người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam để có thể xem xét nhập quốc tịch Việt Nam thì cần phải đáp ứng được những điều kiện nhất định. Theo đó, công dân nước ngoài và người không quốc tịch đang thường trú trên lãnh thổ của Việt Nam có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam, để có thể được cho phép nhập quốc tịch Việt Nam thì cần phải đáp ứng được đầy đủ các điều kiện sau:
– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật;
– Tuân thủ Hiến pháp, tuân thủ pháp luật Việt Nam, có thái độ tôn trọng truyền thống văn hóa, phong tục và tập quán của dân tộc Việt Nam;
– Viết tiếng Việt ở mức có thể hòa nhập với cộng đồng Việt Nam;
– Đã thường trú trên lãnh thổ Việt Nam trong khoảng thời gian từ 05 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch;
– Có khả năng đảm bảo cuộc sống trên lãnh thổ Việt Nam.
Bên cạnh đó, người xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể được nhập quốc tịch Việt Nam mà chỉ cần đáp ứng điều kiện về năng lực hành vi dân sự và tuân thủ đầy đủ pháp luật Việt Nam nếu người đó thuộc một trong những trường hợp sau:
– Là vợ chồng, cha mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;
– Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam;
– Việc nhập tịch hoàn toàn có lợi cho nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Những điều kiện bắt buộc sau khi đã nhập quốc tịch Việt Nam cho vợ/chồng là người nước ngoài:
Căn cứ theo quy định tại Điều 19 của Văn bản hợp nhất Luật quốc tịch Việt Nam năm 2014 có quy định, người nhập quốc tịch Việt Nam thì bắt buộc phải thôi quốc tịch nước ngoài, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép và đồng ý.
Đồng thời, người xin nhập quốc tịch Việt Nam thì bắt buộc phải có tên gọi Việt Nam. Tên gọi này phải do người xin nhập quốc tịch Việt Nam lựa chọn, tên gọi đó phải được ghi nhận rõ ràng trong quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
Đồng thời cần phải lưu ý, người xin nhập quốc tịch Việt Nam không được nhập quốc tịch Việt Nam nếu hành vi đó làm phương hại đến nền an ninh quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chính phủ là cơ quan có thẩm quyền quy định cụ thể về các điều kiện để có thể được nhập quốc tịch Việt Nam.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 05/VBHN-VPQH 2014 hợp nhất Luật quốc tịch Việt Nam.
THAM KHẢO THÊM: