Nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng là gì? Chính sách về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng của Nhà nước ta. Thủ tục nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng về Việt Nam. Máy móc, thiết bị đã qua sử dụng vi phạm điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg thì bị xử phạt như thế nào?
Ngày nay, nhiều ngành nghề cần phải sử dụng các loại máy móc, thiết bị hiện đại để phục vụ cho sự phát triển, tiến bộ của ngành nghề đó và của cả đất nước. Tuy nhiên, khi nhập khẩu máy móc, thiết bị mới về Việt Nam giá thành sẽ rất cao, cộng thêm chi phí vận chuyển, thuế quan thì giá trị của máy móc sẽ cao hơn nữa. Vì vậy mà nhiều đơn vị lựa chọn nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng về Việt Nam để giảm thiểu chi phí phải chi trả. Vậy việc nhập khẩu máy móc, thiết bị đã quy sử dụng về Việt Nam được thực hiện theo trình tự thủ tục như thế nào?
Luật sư
Căn cứ pháp lý:
– Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 19/4/2019 quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng;
– Nghị định số 128/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 19/10/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Mục lục bài viết
- 1 1. Nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng là gì?
- 2 2. Chính sách về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng của Nhà nước ta:
- 3 3. Thủ tục nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng về Việt Nam:
- 4 4. Máy móc, thiết bị đã qua sử dụng vi phạm điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg thì bị xử phạt như thế nào?
1. Nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng là gì?
Nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng là nhập các máy móc cũ, thiết bị hay dây chuyền sản xuất công nghệ đã qua sử dụng từ các quốc gia khác về Việt Nam để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Việc nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng được thực hiện theo đúng quy trình nhập khẩu, thuế nhập khẩu và giám định hàng hoá được nhập khẩu.
2. Chính sách về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng của Nhà nước ta:
Nhà nước ta cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng vào Việt Nam. Theo đó, những máy móc, thiết bị này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
– Tuổi máy móc, thiết bị không quá 10 năm. Theo đó, tuổi thiết bị được tính như sau:
Tuổi máy móc, thiết bị (thời gian tính theo năm) = Năm nhập khẩu (Năm máy móc, thiết bị về đến cửa khẩu) – Năm sản xuất máy móc, thiết bị ;
– Máy móc, thiết bị nhập khẩu phải phù hợp với các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn và tiết kiệm năng lượng;
– Trong trường hợp máy móc, thiết bị không có quy chuẩn quốc gia thì máy móc, thiết bị đó phải phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia hoặc các nước G7, Hàn Quốc.
Như vậy, không phải tất cả các loại máy móc, thiết bị đã qua sử dụng đều được nhập khẩu về Việt Nam mà phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên
3. Thủ tục nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng về Việt Nam:
Thủ tục nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng về Việt Nam cũng được tiến hành như nhập khẩu máy móc, thiết bị khác về Việt Nam nhưng chỉ khác một điểm so với mặt hàng mới là phải trải qua bước giám định tuổi của máy móc, thiết bị. Việc giám định này được thực hiện cùng lúc với thủ tục nhập khẩu. Theo đó, thủ tục nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng về Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Điều 8 Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg như sau:
Bước 1: Doanh nghiệp/ Cơ sở mua máy móc, thiết bị nộp 01 bộ hồ sơ nhập khẩu và tài liệu về trụ sở Cơ quan hải quan.
Hồ sơ nhập khẩu được thực hiện theo quy định tại Điều 24
– Tờ khai hải quan hoặc chứng từ hợp pháp thay thế tờ khai hải quan do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định;
– Chứng từ có liên quan ( chứng từ giấy hoặc chứng từ điện tử. Trong đó, chứng từ điện tử phải được bảo đảm tính toàn vẹn và khuôn dạng theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử);
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và có đóng dấu mộc của doanh nghiệp. Trong trường hợp nhập khẩu theo uỷ thác thì phải có văn bản uỷ thác nhập khẩu;
– Bản chính Giấy xác nhận của nhà máy sản xuất máy móc, thiết bị đã qua sử dụng về năm sản xuất và tiêu chuẩn của máy móc, thiết bị đáp ứng tiêu chí, điều kiện được pháp luật quy định. Giấy xác nhận này phải được bảo đảm là đã được hợp pháp hoá lãnh sự và kèm bản dịch sang tiếng Việt.
– Chứng thư giám định được cấp bởi một tổ chức giám định được chỉ định đáp ứng các yêu cầu được pháp luật quy định trong trường hợp máy móc, thiết bị đã qua sử dụng nhập khẩu được sản xuất tại các quốc gia thuộc nhóm nước G7, Hàn Quốc nhưng không có Giấy xác nhận của nhà sản xuất hoặc máy móc, thiết bị đã qua sử dụng được sản xuất tại quốc gia không thuộc nhóm nước G7, Hàn Quốc.
Theo đó, chứng thư giám định máy móc, thiết bị đã qua sử dụng phải thể hiện các nội dung theo quy định tại Điều 10 Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg:
+ Thông tin của máy móc, thiết bị đã qua sử dụng như: tên, năm sản xuất, nhãn hiệu, kiểu loại ( model) số hiệu, nước sản xuất và tên nhà sản xuất;
+ Thời gian và địa điểm giám định máy móc, thiết bị đã qua sử dụng;
+ Tình trạng của máy móc, thiết bị khi giám định ( có hoạt động được hay không);
+ Phương pháp giám định và quy trình giám định;
+ Tên gọi và số hiệu của quy chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc gia của một trong các nước G7, Hàn Quốc về vấn đề an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường (nếu có);
+ Nhận xét, đánh giá kết quả giám định máy móc, thiết bị đã qua sử dụng so với từng tiêu chí được pháp luật quy định và kết luận về việc máy móc, thiết bị này có đáp ứng được hay không theo quy định pháp luật…
Thời hạn nộp hồ sơ hải quan đối với máy móc, thiết bị đã qua sử dụng được nhập khẩu phải nộp hồ sơ trước ngày máy móc, thiết bị đó đến cửa khẩu hoặc nộp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đầu máy móc, thiết bị đó đến cửa khẩu.
Bước 2: Cơ quan hải quan có thẩm quyền làm thủ tục thông quan.
Khi doanh nghiệp, cơ sở mua máy móc, thiết bị đã qua sử dụng nộp hồ sơ đã chuẩn bị về Cơ quan hải quan thì Cơ quan hải quan sẽ tiếp nhận, đăng ký, kiểm tra, xem xét tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ nhập khẩu và tài liệu như đã trình bày ở bước 1. Theo đó, Cơ quan hải quan xem xét kỹ lưỡng Chứng thư giám định có kết luận về máy móc, thiết bị đã qua sử dụng có đáp ứng yêu cầu được quy định hay không. Sau khi kiểm tra và xét thấy hồ sơ hợp lệ, máy móc, thiết bị nhập khẩu đạt điều kiện thì Cơ quan hải quan làm thủ tục thông quan cho sản phẩm. Trong trường hợp xét thấy kết quả giám định không đáp ứng được yêu cầu về điều kiện của máy móc, thiết bị đã qua sử dụng được nhập khẩu thì doanh nghiệp, cơ sở mua máy móc, thiết bị đó sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Lưu ý: Cơ quan hải quan hải quan sau khi nhận hồ sơ thì phải hoàn thành việc kiểm tra hồ sơ chậm nhất là 02 giờ làm việc. Phải hoàn thành việc kiểm tra thực tế máy móc và thiết bị chậm nhất là 08 giờ làm việc kể từ thời điểm người khai hải quan xuất trình đầy đủ hàng hoá cho Cơ quan hải quan. Trong trường hợp máy móc, thiết bị thuộc lĩnh vực chất lượng, y tế, văn hoá, an toàn thực phẩm, kiểm dịch động vật, thực vật thì thời hạn hoàn thành việc kiểm tra được tính từ thời điểm Cơ quan hải quan nhận được kết quả kiểm tra chuyên ngành theo quy định. Trường hợp lô hàng có số lượng lớn hoặc việc kiểm tra phức tạp thì Thủ trưởng Cơ quan hải quan quyết định về việc gia hạn thời gian kiểm tra thực tế, thời gian này gia hạn tối đa là không quá 02 ngày.
4. Máy móc, thiết bị đã qua sử dụng vi phạm điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg thì bị xử phạt như thế nào?
Trường hợp Cơ quan hải quan xét thấy kết quả giám định không đáp ứng được yêu cầu về điều kiện của máy móc, thiết bị đã qua sử dụng được nhập khẩu thì doanh nghiệp, cơ sở mua máy móc, thiết bị đó sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Căn cứ theo Điều 18 Nghị định số 128/2020/NĐ-CP thì khi vi phạm quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với nhập khẩu hàng hoá thì sẽ bị xử phạt như sau:
Thứ nhất, xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền:
– Bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp máy móc, thiết bị vi phạm có giá trị dưới 20.000.000 đồng;
– Bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp máy móc, thiết bị vi phạm có trị giá từ 20.000.000 đồng dưới 30.000.000 đồng;
– Bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp máy móc, thiết bị vi phạm có trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
– Bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp máy móc, thiết bị vi phạm có trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
– Bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp máy móc, thiết bị vi phạm có trị giá từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
– Bị phạt tiền bằng 02 lần mức tiền phạt quy định tại các trường hợp nêu trên trong trường hợp quá thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hàng hóa về đến cửa khẩu người khai hải quan mới nộp hồ sơ hải quan.
Thứ hai, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:
– Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất máy móc, thiết bị đã qua sử dụng vi phạm hành chính trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm;
– Buộc doanh nghiệp, cơ sở nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng vi phạm nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm.