Đăng ký hộ khẩu thường trú cho công dân là cơ sở để phục vụ cho hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, quản lý công dân tại địa bàn thuộc chức năng và nhiệm vụ của mình. Vậy theo quy định của pháp luật hiện nay thì thủ tục nhập khẩu cho người 02 quốc tịch sẽ được thực hiện như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thủ tục nhập hộ khẩu cho người 2 quốc tịch như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Văn bản hợp nhất Luật quốc tịch Việt Nam năm 2014 thì thủ tục nhập khẩu cho người 02 quốc tịch sẽ được thực hiện như sau:
Bước 1: Người có nhu cầu thực hiện thủ tục nhập khẩu cần phải chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ để nộp tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bao gồm: Hộ chiếu do nước ngoài cung cấp hoặc các loại giấy tờ có giá trị thay thế cho hộ chiếu, giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê nhà, hợp đồng mua bán nhà …), phiếu báo thay đổi nhân khẩu và bản khai nhân khẩu của người tiếp nhận, giấy tờ tùy thân của người thực hiện thủ tục nhập khẩu (trong trường hợp là loại giấy tờ thay thế được cấp bởi cơ quan nước ngoài thì cần phải thực hiện thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự).
Bước 2: Sau khi chuẩn bị bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, nộp hồ sơ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Phòng quản lý xuất nhập cảnh thuộc Công an cấp tỉnh hoặc Cục quản lý xuất nhập cảnh.
Bước 3: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ, giải quyết hồ sơ theo quy định của pháp luật. Sau đó nhận được kết quả giải quyết đồng ý cho nhập khẩu đối với người 02 quốc tịch tại cơ quan mà bạn đã nộp hồ sơ.
Bước 4: Thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, nhập hộ khẩu tại địa phương phải xin cấp căn cước công dân và hộ chiếu Việt Nam.
Tuy nhiên cần phải lưu ý về thủ tục cấp chứng minh nhân dân đối với người hai quốc tịch trong quá trình nhập khẩu. Theo quy định của pháp luật hiện nay, pháp luật Việt Nam đã thực hiện hoạt động cấp căn cước công dân thay thế cho chứng minh thư nhân dân, vì vậy cần phải tiến hành thủ tục cấp căn cước công dân. Đối với người có hai quốc tịch (trong đó bao gồm quốc tịch Việt Nam và quốc tịch nước ngoài, có thời gian sinh sống lâu dài tại nước ngoài), nếu đó là người vẫn mang quốc tịch Việt Nam, thì người đó vẫn được coi là công dân Việt Nam. Vì vậy, người này sẽ được cấp thẻ căn cước công dân giống như công dân Việt Nam. Căn cứ theo quy định tại Điều 22 của Luật căn cước công dân năm 2023 có quy định về trình tự và thủ tục cấp thẻ căn cước công dân. Theo đó:
– Công dân cần phải điền vào tờ khai xin cấp căn cước công dân theo mẫu do pháp luật quy định. Sau đó, người được giao chức năng và nhiệm vụ thu thập, cập nhật thông tin, tài liệu sẽ tiến hành hoạt động kiểm tra đối chiếu thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó xác định chính xác người còn cấp thẻ căn cước công dân. Trong trường hợp công dân chưa có các thông tin được cập nhật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì cần phải xuất trình các loại giấy tờ hợp pháp phản ánh đầy đủ thông tin ghi nhận trong tờ khai theo mẫu do pháp luật quy định;
– Các cán bộ quản lý cần phải chụp ảnh chân dung, thu nhận vân tay của người đến làm thủ tục căn cước công dân. Sau đó, các cán bộ quản lý sẽ cấp giấy hẹn trả căn cước công dân cho người nộp hồ sơ. Trả thẻ căn cước công dân theo đúng thời hạn và theo đúng địa điểm ghi nhận trong giấy hẹn căn cứ theo quy định tại Điều 26 của Luật căn cước công dân năm 2023. Trong trường hợp công dân có yêu cầu trả thẻ tại địa điểm khác thì cơ quan quản lý căn cước công dân có thể trả thẻ tại địa điểm theo yêu cầu của công dân và công dân cần phải trả phí dịch vụ chuyển phát;
– Công dân có thể lựa chọn một trong những nơi sau đây để có thể thực hiện thủ tục cấp căn cước công dân, bao gồm: Có thể cấp tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ công an, hoặc tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, hoặc tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an cấp huyện và các đơn vị hành chính tương đương, hoặc cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền tổ chức thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân tại xã hoặc tại chỗ ở trong trường hợp cần thiết.
Ngoài ra, cần phải lưu ý về thủ tục đăng ký hộ khẩu thường trú. Căn cứ theo quy định tại Luật cư trú năm 2020, thành phần hồ sơ đăng ký hộ khẩu thường trú cần phải chuẩn bị các loại giấy tờ và tài liệu cơ bản như sau: Bản khai nhân khẩu theo mẫu do pháp luật quy định, phiếu báo thay đổi nhân khẩu, hộ chiếu Việt Nam hoặc các loại giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương có dấu kiểm định của lực lượng kiểm soát xuất nhập khẩu tại cửa khẩu, các loại giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.
Theo đó, để có thể thực hiện thủ tục nhập khẩu cho người hai quốc tịch, cần phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Quá trình này vô cùng phức tạp, vì vậy cần phải lưu ý về quy trình nhập khẩu để có thể thực hiện đúng cơ quan có thẩm quyền và thực hiện một cách tốt nhất.
2. Điều kiện thực hiện thủ tục nhập khẩu cho người 2 quốc tịch:
Căn cứ theo quy định tại Điều 40 của Văn bản hợp nhất Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2023 có quy định về điều kiện xét cho thường trú tại Việt Nam.
– Người nước ngoài được xét cho thường trú nếu người nước ngoài đó có chỗ ở hợp pháp và có thu nhập ổn định đáp ứng đầy đủ khả năng đảm bảo cuộc sống tại Việt Nam;
– Người nước ngoài là các nhà khoa học, chuyên gia đang tạm trú trên lãnh thổ của Việt Nam bắt buộc phải được bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, các cơ quan trực thuộc Chính phủ quản lý nhà nước về lĩnh vực chuyên môn của người đó đề nghị;
– Người nước ngoài được cha mẹ, vợ chồng, con cái là công dân đang thường trú trên lãnh thổ của Việt Nam bảo lãnh sẽ được xét cho thường trú nếu họ đã tạm trú trên lãnh thổ Việt Nam liên tục từ 03 năm trở lên.
Theo đó thì có thể nói, để có thể được nhập khẩu vào Việt Nam, người hai quốc tịch cần phải đáp ứng được các điều kiện sau:
– Cần phải có giấy tờ chứng minh người đó đã từng có quốc tịch Việt Nam, hiện tại vẫn còn đang giữ quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam;
– Có chỗ ở hợp pháp trên lãnh thổ của Việt Nam, trong đó bao gồm nhà thuộc sở hữu của cá nhân hoặc nhà đi thuê, đi mượn, ở nhà người khác hoặc có thể do người thân bảo lãnh.
3. Các trường hợp người Việt Nam được mang hai quốc tịch:
Có thể kể đến một số trường hợp người Việt Nam được mang hai quốc tịch như sau:
Thứ nhất, trường hợp người Việt Nam định cư trên lãnh thổ của nước ngoài tuy nhiên vẫn tiếp tục giữ quốc tịch Việt Nam. Theo đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tuy nhiên chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước giai đoạn ngày 01 tháng 07 năm 2009 thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam đó.
Thứ hai, trường hợp được nhập quốc tịch Việt Nam tuy nhiên không bắt buộc phải thôi quốc tịch nước ngoài. Bao gồm các trường hợp sau:
– Là vợ chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;
– Những người có công lao đặc biệt lớn trong quá trình xây dựng sự nghiệp và bảo vệ tổ quốc Việt Nam;
– Những người có lợi cho nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi cho phép nhập quốc tịch Việt Nam.
Tuy nhiên cần phải lưu ý, người xin nhập quốc tịch Việt Nam tuy nhiên không bắt buộc phải thôi quốc tịch nước ngoài cần phải được trình lên Chủ tịch nước để có thể xem xét. Người đó cần phải đáp ứng được một số điều kiện sau:
– Có đầy đủ điều kiện để có thể nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch;
– Đó là người có công lao đặc biệt lớn đóng góp cho quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam, đồng thời quá trình nhập quốc tịch cho những người đó hoàn toàn có lợi cho nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
– Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó trong quá trình nhập quốc tịch Việt Nam hoàn toàn phù hợp với pháp luật mà người đó là công dân;
– Việc thôi quốc tịch nước ngoài có thể dẫn tới quyền lợi của người đó ở nước ngoài bị ảnh hưởng, đồng thời không sử dụng quốc tịch nước ngoài có thể gây phương hại tới quyền lợi hợp pháp của cá nhân, cơ quan và tổ chức, xâm hại tới an ninh, trật tự an toàn quốc gia, an toàn xã hội của nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thứ ba, trường hợp người xin trở lại quốc tịch Việt Nam tuy nhiên không bắt buộc phải thôi quốc tịch nước ngoài. Trong trường hợp này cũng cần phải đáp ứng được những điều kiện tương tự giống như trường hợp nhập quốc tịch Việt Nam tuy nhiên không bắt buộc phải thôi quốc tịch nước ngoài, đồng thời cần phải được Chủ tịch nước xem xét và phê duyệt.
Thứ tư, trường hợp trẻ em Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi. Theo đó, trẻ em là công dân mang quốc tịch Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi thì chờ em đó vẫn sẽ được giữ quốc tịch Việt Nam. Hay nói cách khác, trong trường hợp trẻ em là người mang quốc tịch Việt Nam được công dân nước ngoài nhận làm con nuôi thì pháp luật Việt Nam vẫn sẽ cho phép trẻ em đó mang hai quốc tịch.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 30/VBHN-VPQH năm 2023 do Văn phòng Quốc hội ban hành hợp nhất Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;
– Luật Căn cước năm 2023;
– Luật Cư trú năm 2020;
– Văn bản hợp nhất 05/VBHN-VPQH 2014 hợp nhất Luật quốc tịch Việt Nam;
– Nghị định 16/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam.
THAM KHẢO THÊM: