Điều kiện mở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà? Thủ tục, hồ sơ xin mở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà?
Ngày nay khi các loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng đa dạng, các loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe được thành lập nhằm phục vụ cho nhu cầu sức khỏe của con người giúp giảm bớt chi phí, thuận tiện hơn cho người bệnh cũng phát triển nhanh chóng, trong đó có dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà là một loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể được thực hiện ngay tại nhà của bệnh nhân hoặc người bị chấn thương. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà thường ít tốn kém hơn, thuận tiện hơn và hiệu quả tương đương như khi được chăm sóc trong một bệnh viện hoặc cơ y tế chuyên môn. Vậy điều kiện và thủ tục mở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Luật sư
Căn cứ pháp lý:
– Nghi định 155/2018 NĐ-CP
1. Điều kiện mở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà
Theo quy định tại Điều 34 Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện của các cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà cung cấp các dịch vụ như thay băng, cắt chỉ; vật lý trị liệu, phục hồi chức năng; chăm sóc mẹ và bé; lấy máu xét nghiệm, trả kết quả; chăm sóc người bệnh ung thư và các dịch vụ điều dưỡng khác tại nhà như sau:
“1. Thiết bị y tế:
Có đủ thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn mà cơ sở dịch vụ đăng ký.
2. Nhân sự:
a) Người làm việc tại cơ sở nếu thực hiện khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và được phân công công việc phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề của người đó.
b) Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật đối với cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà phải là người tốt nghiệp trung cấp y trở lên có chứng chỉ hành nghề và có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 45 tháng.
– Là người hành nghề cơ hữu tại cơ sở.”
Theo đó, để có thể mở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà cần đáp ứng được các điều kiện sau đây:
Điều kiện về cơ sở vật chất
– Cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà phải có địa điểm cố định (trừ trường hợp tổ chức khám bệnh, chữa bệnh lưu động).
– Đối với cơ sở dịch vụ y tế nếu cung cấp dịch vụ kính thuốc thì phải có diện tích tối thiểu là 15 m2.
– Đối với phòng tiêm (chích), thay băng phải có diện tích ít nhất là 10 m2.
Điều kiện về trang thiết bị y tế
– Cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà phải có đủ trang thiết bị y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở theo quy định của pháp luật.
– Đối với phòng tiêm (chích), thay băng, đếm mạch, đo nhiệt độ, đo huyết áp thì phải có hộp thuốc chống sốc.
– Đối với dịch vụ vận chuyển cấp cứu phải có xe ô tô cứu thương; có hộp thuốc chống sốc và có đủ thuốc cấp cứu. Ngoài ra cần phải có hợp đồng vận chuyển cấp cứu với công ty dịch vụ hàng không nếu cơ sở đăng ký vận chuyển người bệnh ra nước ngoài.
Điều kiện về nhân sự
– Đối với dịch vụ vận chuyển cấp cứu thì người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
+ Là bác sỹ và có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.
+ Phải có văn bằng chuyên môn, chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đã được học về chuyên ngành hồi sức cấp cứu.
– Đối với phòng tiêm (chích), thay băng, đếm mạch, đo nhiệt độ, đo huyết áp; dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà thì người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phải là người tốt nghiệp trung cấp y trở lên và có chứng chỉ hành nghề cũng như có thời gian khám bệnh, chữa bệnh về tiêm (chích), thay băng, đếm mạch, đo nhiệt độ, đo huyết áp ít nhất là 45 tháng theo quy định của pháp luật.
– Đối với cơ sở dịch vụ y tế nếu cung cấp dịch vụ kính thuốc thì người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phải là người tốt nghiệp trung cấp y trở lên, có chứng chỉ hành nghề và có chứng chỉ đào tạo về chuyên khoa mắt hoặc đo kiểm, chẩn đoán tật khúc xạ mắt theo quy định của pháp luật.
– Đối với dịch vụ thẩm mỹ thì người thực hiện xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phải có giấy chứng nhận hoặc có chứng chỉ đào tạo, dạy nghề về phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp đúng theo quy định của pháp luật.
– Đối với người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật: Các cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà cung cấp các dịch vụ như chăm sóc mẹ và bé; lấy máu xét nghiệm, trả kết quả; thay băng, cắt chỉ; vật lý trị liệu, phục hồi chức năng; chăm sóc người bệnh ung thư và các dịch vụ điều dưỡng khác tại nhà thì người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật đối với cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà phải là người tốt nghiệp trung cấp y trở lên và có chứng chỉ hành nghề cũng như có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 45 tháng.
– Các đối tượng khác làm việc trong cơ sở ngoài người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nếu tham gia thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và chỉ được thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi công việc được phân công.
– Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phân công người hành nghề được thực hiện các kỹ thuật chuyên môn bằng văn bản phải căn cứ vào phạm vi hoạt động chuyên môn, văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận đào tạo và năng lực của người hành nghề.
– Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (kỹ sư vật lý y học, kỹ sư xạ trị, âm ngữ trị liệu, tâm lý trị liệu và các đối tượng khác) phân công các đối tượng khác tham gia vào quá trình khám bệnh, chữa bệnh nhưng không cần phải cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh, việc phân công phải phù hợp với văn bằng chuyên môn của người đó.
2. Thủ tục, hồ sơ xin mở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà
Bước 1: Cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà gửi hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động (GPHĐ) về Sở Y tế
Căn cứ theo Nghị định 109/2016/NĐ-CP và Nghị định 155/2018/NĐ-CP, thành phần hồ sơ xin mở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà bao gồm:
– Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại nhà theo Mẫu 01 Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định 109/2016/NĐ-CP.
– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân hoặc giấy chứng nhận đầu tư đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài hoặc bản sao hợp lệ quyết định thành lập hoặc văn bản có tên của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước.
– Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà; người phụ trách bộ phận chuyên môn của cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà.
– Danh sách đăng ký người hành nghề tại cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà (bao gồm đăng ký người hành nghề và người làm việc chuyên môn y tế tại cơ sở nhưng không thuộc diện phải cấp chứng chỉ hành nghề) theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 109/2016/NĐ-CP.
– Bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức và nhân sự của cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà theo Mẫu 02 Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định 109/2016/NĐ-CP.
– Tài liệu chứng minh cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà đáp ứng đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức nhân sự phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của một trong các hình thức tổ chức quy định tại Mục 1 Chương III Nghị định 109/2016/NĐ-CP.
– Bản sao hợp lệ hợp đồng vận chuyển người bệnh đối với bệnh viện, nhà hộ sinh không có phương tiện vận chuyển cấp cứu ngoài cơ sở.
– Danh mục chuyên môn kỹ thuật của cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà đề xuất trên cơ sở danh mục chuyên môn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
– Số lượng hồ sơ: 01 bộ
Bước 2: Sở Y tế tiếp nhận và gửi Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại mẫu số 09 Phụ lục XI ban hành kèm theo
Bước 3: Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Y tế sẽ xem xét thẩm định hồ sơ và thẩm định tại cơ sở để cấp giấy phép hoạt động:
– Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Giám đốc Sở Y tế cấp hoặc điều chỉnh giấy phép hoạt động cho cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà.
– Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, Sở Y tế phải có văn bản thông báo cho cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà xin cấp giấy phép hoạt động hoàn chỉnh hồ sơ. Thời gian giải quyết thủ tục sẽ tính từ ngày nhận đủ hồ sơ bổ sung.
– Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ và hợp lệ, Sở Y tế thành lập đoàn thẩm định và tiến hành thẩm định tại cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà để cấp giấy phép hoạt động.
– Trường hợp không cấp giấy phép hoạt động, Sở Y tế phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Bước 4: Trả giấy phép hoạt động cho cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính: Sở y tế tỉnh/ thành phố nơi đặt trụ sở chính.
Cở sở pháp lý:
+ Nghị định 109/2016/NĐ-CP
+ Nghị định 155/2018/NĐ-CP