Thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt phương án tái định cư. Quy định về bồi thường hỗ trợ tái định cư.
Thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt phương án tái định cư. Quy định về bồi thường hỗ trợ tái định cư.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin cho hỏi về thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt phương án tái định cư ra sao ? Về việc lập tái định cư cơ quan nào lập khu tái định cư cần đảm bảo những gì về việc thẩm định thì cơ quan nào thẩm định và thẩm định nội dung gì thời gian thẩm định bao lâu về việc phê duyệt thì cơ quan nào phê duyệt?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
2. Nội dung tư vấn:
Căn cứ vào các Điều 85 Luật Đất đai năm 2013 quy định như sau:
Điều 85. Lập và thực hiện dự án tái định cư
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư trước khi thu hồi đất.
2. Khu tái định cư tập trung phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền.
3. Việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng của khu tái định cư.
4. Chính phủ quy định chi tiết điều này.
Theo đó tại Điều 26 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thì điều kiện phương án tái định cư cần đảm bảo một số yếu tố như sau:
Điều 26. Về lập và thực hiện dự án tái định cư
Việc lập và thực hiện dự án tái định cư quy định tại Điều 85 của Luật Đất đai được thực hiện theo quy định như sau đây:
1. Dự án tái định cư được lập và phê duyệt độc lập với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng phải bảo đảm có đất ở, nhà ở tái định cư trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất.
2. Việc lập dự án tái định cư, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về phát triển và quản lý nhà ở tái định cư và phải bảo đảm các quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 69 của Luật Đất đai.
3. Khu tái định cư được lập cho một hoặc nhiều dự án; nhà ở, đất ở trong khu tái định cư được bố trí theo nhiều cấp nhà, nhiều mức diện tích khác nhau phù hợp với các mức bồi thường và khả năng chi trả của người được tái định cư.
4. Đối với dự án khu tái định cư tập trung có phân kỳ xây dựng theo các dự án thành phần thì tiến độ thu hồi đất và hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng của khu tái định cư được thực hiện theo tiến độ của từng dự án thành phần nhưng các công trình cơ sở hạ tầng của từng dự án thành phần trong khu tái định cư phải bảo đảm kết nối theo đúng quy hoạch chi tiết đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
5. Việc bảo đảm kinh phí để thực hiện dự án tái định cư thực hiện theo quy định tại Điều 32 của Nghị định này.
>>> Luật sư tư vấn pháp
Trình tự thực hiện:
– Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng nộp hồ sơ đề nghị thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Chủ đầu tư nộp hồ sơ đề nghị thu hồi đất tại Bộ phận giao dịch một cửa của Sở Tài nguyên và Môi trường.
– Bộ phận giao dịch một cửa kiểm tra hồ sơ, vào sổ theo dõi và viết phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ, chuyển hồ sơ đến lãnh đạo Sở giao Phòng Quy hoạch – Kế hoạch kiểm tra, giải quyết. Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tổ chức họp thẩm định phương án, bồi thường hỗ trợ, tái định cư; kiểm tra hồ sơ thu hồi đất. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo trả lại hồ sơ và nêu rõ lý do trả lại hồ sơ hoặc hướng dẫn bổ sung, hoàn chỉnh lại hồ sơ để nộp theo quy định.
– Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các cơ quan có liên quan tổ chức họp thẩm định phương án án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trình UBND tỉnh xem xét, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quyết định thu hồi đất. Trường hợp sau khi thẩm định mà phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần phải bổ sung, chỉnh sửa lại theo ý kiến thống nhất của Hội đồng thẩm định thì thời gian thực hiện thủ tục hành chính được tính từ ngày Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh lại hồ sơ.
– Sở Tài nguyên và Môi trường trình. Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, ký quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quyết định thu hồi đất trong cùng một ngày gửi kết quả cho các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan và chủ đầu tư.
Cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục hành chính:
– Cơ quan có thẩm quyền quyết định: UBND tỉnh .
– Cơ quan trực tiếp thực hiện: Sở Tài nguyên và Môi trường.
– Cơ quan phối hợp: Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; UBND cấp huyện; UBND cấp xã; các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Cụ thể trong từng trường hợp cụ thể mà phương án hỗ trợ tái định cư được thực hiện theo Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
Về thẩm quyền phê duyệt, theo Khoản 3 Điều 69 Luật Đất đai năm 2013 quy định:
3. Việc quyết định thu hồi đất, phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được quy định như sau:
a) Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 66 của Luật này quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày;
b) Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã phổ biến và niêm yết công khai quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi; gửi quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đến từng người có đất thu hồi, trong đó ghi rõ về mức bồi thường, hỗ trợ, bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có), thời gian, địa điểm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ; thời gian bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có) và thời gian bàn giao đất đã thu hồi cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng;
c) Tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt;
d) Trường hợp người có đất thu hồi không bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tổ chức vận động, thuyết phục để người có đất thu hồi thực hiện.
Trường hợp người có đất thu hồi đã được vận động, thuyết phục nhưng không chấp hành việc bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế theo quy định tại Điều 71 của Luật này.
Trong thời hạn không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ trình của cơ quan Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền, ban hành Quyết định thu hồi đất và Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định tại điểm a, Khoản 3, Điều 69, Luật Đất đai năm 2013.