Theo quy định của pháp luật hiện nay, lý lịch tư pháp là khái niệm để chỉ lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án. Dưới đây là quy trình, thủ tục làm và nộp lý lịch tư pháp qua đường bưu điện có thể tham khảo.
Mục lục bài viết
1. Thủ tục làm và nhận lý lịch tư pháp qua đường bưu điện:
Quy trình làm và nhận lý lịch tư pháp qua đường bưu điện được thực hiện như sau:
Bước 1: Các cá nhân có nhu cầu làm vào nhận lý lịch tư pháp thông qua đường bưu điện sẽ chuẩn bị các loại giấy tờ sau đây:
– Tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp theo mẫu do pháp luật quy định;
– Văn bản ủy quyền làm thủ tục yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp có công chứng. Trong trường hợp người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp được xác định là cha mẹ/vợ chồng/con của người được cấp phiếu lý lịch tư pháp thì sẽ không cần phải có văn bản ủy quyền, tuy nhiên cần phải có các loại giấy tờ tài liệu chứng minh quan hệ cha mẹ, vợ chồng, con như: giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Bản sao có công chứng chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền của người được cấp phiếu lý lịch tư pháp;
– Bản sao có công chứng giấy chứng nhận thường trú, tạm trú được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền;
– Phiếu đăng ký nhận kết quả phiếu lý lịch tư pháp thông qua dịch vụ bưu chính;
– Các loại giấy tờ chứng minh như thẻ sinh viên, giấy chứng nhận hộ nghèo nếu thuộc diện được miễn giảm phí làm lý lịch tư pháp theo quy định của pháp luật;
– Các loại giấy tờ và tài liệu khác khi được yêu cầu.
Bước 2: Sau khi chuẩn bị bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ nêu trên, nộp hồ sơ tới bưu điện theo quy định của pháp luật. Có nhiều hình thức để nộp hồ sơ khác nhau, có thể mang hồ sơ trực tiếp tới bưu cục để nộp, nhân viên bưu cục sẽ chuyển hồ sơ của người nộp hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Sở tư pháp. Sau khi nhận được bộ hồ sơ, nhân viên của Sở tư pháp sẽ tiến hành hoạt động kiểm tra hồ sơ, kiểm tra giấy tờ theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp nhận thấy giấy tờ đã đầy đủ và hợp lệ, người nộp hồ sơ sẽ nhận được phiếu hẹn trả kết quả, có thể gửi vào địa chỉ email đăng ký, có thể gửi thông qua số điện thoại hoặc tin nhắn. Công dân hoàn toàn có thể tra cứu tình trạng xác nhận theo hướng dẫn tra cứu lý lịch tư pháp của nhân viên bưu cục. Nếu nhận thấy thành phần hồ sơ chưa đầy đủ và hợp lệ, công dân sẽ nhận được thông báo để bổ sung và sửa đổi hồ sơ sao cho phù hợp với quy định của pháp luật.
Bước 3: Nhận kết quả phiếu lý lịch tư pháp. Kết quả trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính này là phiếu lý lịch tư pháp theo quy định của pháp luật. Phiếu lý lịch tư pháp sẽ được gửi tới địa chỉ ghi nhận trong Phiếu đăng ký nhận kết quả phiếu lý lịch tư pháp thông qua dịch vụ bưu chính (là thành phần hồ sơ đã được nộp ban đầu). Cá nhân nhận phiếu lý lịch tư pháp phải là các chủ thể sau:
– Đối với phiếu lý lịch tư pháp số 01: Người có họ tên ghi nhận trong phiếu đăng ký nhận kết quả phiếu lý lịch tư pháp. Trong trường hợp cá nhân yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp là cha mẹ, vợ chồng, con của người được cấp phiếu lý lịch tư pháp thì có thể nhận phiếu lý lịch tư pháp đó, tuy nhiên các cá nhân này phải được ghi nhận trong Phiếu đăng ký nhận kết quả cấp phiếu lý lịch tư pháp;
– Đối với phiếu lý lịch tư pháp số 02: Chỉ người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp mới được nhận kết quả là phiếu lý lịch tư pháp, đồng thời thông tin của người cấp phiếu lý lịch tư pháp cần phải được ghi trong phiếu đăng ký nhận kết quả phiếu lý lịch tư pháp. Cá nhân khi nhận kết quả cần phải xuất trình chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn.
2. Ưu điểm và nhược điểm khi làm lý lịch tư pháp qua bưu điện:
Trên thực tế hiện nay, làm phiếu lý lịch tư pháp thông qua đường bưu điện được nhiều cá nhân lựa chọn. Làm phiếu lý lịch tư pháp thông qua dịch vụ bưu điện có một số yêu điểm và nhược điểm như sau:
– Về ưu điểm khi làm phiếu lý lịch tư pháp thông qua bưu điện. Cả phiếu lý lịch tư pháp số 01 và phiếu lý lịch tư pháp số 02 đều có thể thực hiện thông qua bưu điện, làm phiếu lý lịch tư pháp thông qua bưu điện sẽ giúp tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí đi lại cho cá nhân, tiết kiệm thời gian chờ đợi để nộp hồ sơ và nhận kết quả, đồng thời các hãng bưu điện cũng có công cụ để theo dõi đầy đủ quá trình xử lý hồ sơ và trả kết quả cho người nộp hồ sơ. Khi làm phiếu lý lịch tư pháp thông qua bưu điện thì kết quả trả về hoàn toàn là hợp lệ và đảm bảo tính pháp lý;
– Về nhược điểm khi làm phiếu lý lịch tư pháp thông qua bưu điện có thể kể đến như: rủi ro thất lạc thành phần hồ sơ và thích là kết quả trong quá trình chuyển phát là điều không thể tránh khỏi. Đồng thời bên cạnh đó, thời gian nhận kết quả trên thực tế sẽ lâu hơn so với việc làm phiếu lý lịch tư pháp trực tiếp vì sẽ tính thêm thời gian chuyển phát của bưu điện. Bên cạnh đó, phí dịch vụ bưu chính sẽ Được hoàn lại trong trường hợp người nộp hồ sơ lựa chọn hình thức nhận kết quả trực tiếp tại Sở tư pháp.
Trên thực tế, làm phiếu lý lịch tư pháp qua bưu điện cũng không tốn quá nhiều thời gian. Thời gian trả phiếu lý lịch tư pháp thông qua bưu điện thông thường sẽ được xác định là 10 ngày kể từ thời điểm nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ và thực hiện đầy đủ phí làm lý lịch tư pháp, hoặc cũng có thể là 15 ngày nếu đó là công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi khác nhau hoặc là công dân có thời gian cư trú tại nước ngoài và đồng thời phải thực hiện thêm thủ tục xác minh về án tích.
3. Phí làm lý lịch tư pháp qua bưu điện và cách nộp phí thế nào?
Lệ phí làm lý lịch tư pháp trực tiếp hoặc lệ phí làm lý lịch tư pháp thông qua bưu điện sẽ được tuân thủ theo quy định tại Thông tư 244/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính. Theo đó, công dân Việt Nam, người nước ngoài khi nộp hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp cần phải nộp phí cụ thể như sau:
STT | Nội dung thu | Mức thu (đồng/lần/người) |
1 | Phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp. | 200.000 đồng |
2 | Phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của sinh viên, người có công với cách mạng, người được xác định là thân nhân liệt sỹ (trong đó bao gồm gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ/chồng), con (trong đó bao gồm cả con đẻ hoặc con nuôi), người có công nuôi dưỡng liệt sỹ). | 100.000 đồng |
Đồng thời bên cạnh đó, trong trường hợp người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp đề nghị cấp trên hai phiếu lý lịch tư pháp trong cùng một lần thì kể từ phiếu lý lịch tư pháp thứ ba trở đi, tổ chức thu phí sẽ được thu thêm 5.000 đồng/phiếu lý lịch tư pháp để bù đắp chi phí cần thiết cho quá trình in mẫu phiếu lý lịch tư pháp. Đồng thời, đối với những trường hợp người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp trong một lần yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp có đề nghị cấp hai phiếu lý lịch tư pháp (trong đó bao gồm phiếu lý lịch tư pháp số 01 và phiếu lý lịch tư pháp số 02), thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Sở tư pháp cũng sẽ thực hiện theo mức thu nêu trên. Ngoài ra, người nộp hồ sơ cần phải nộp phí dịch vụ bưu chính nhận phiếu lý lịch tư pháp theo thông báo giá cước của Sở tư pháp nơi yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp đó. Khi xin cấp phiếu lý lịch tư pháp thông qua dịch vụ bưu điện, người nộp hồ sơ cần phải nộp luôn lệ phí này.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 30/VBHN-VPQH 2020 Luật lý lịch tư pháp;
– Thông tư 244/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp;
– Thông tư 74/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về hình thức, thời hạn thu, nộp, kê khai các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Bộ Tài chính.
THAM KHẢO THÊM: