Ký cam kết an toàn thực phẩm là thủ tục bắt buộc đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không thuộc đối tượng phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Vậy thủ tục ký cam kết an toàn thực phẩm thực hiện như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thủ tục ký cam kết an toàn thực phẩm thực hiện như thế nào?
1.1. Những trường hợp nào phải ký cam kết an toàn thực phẩm:
Cam kết an toàn thực phẩm (hay còn gọi là bản cam kết an toàn thực phẩm) là giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương với giấy phép an toàn thực phẩm nhằm để chứng minh rằng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã đáp ứng được các điều kiện quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm và sẽ được tiến hành hoạt động trên thị trường.
Tại Điều 10 Nghị định 17/2020/NĐ-CP sửa đổi Điều 24
– Thứ nhất, phải có đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp với từng loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật;
– Thứ hai, thực hiện việc gửi bản cam kết đến cơ quan có thẩm quyền mà do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn;
– Riêng đối với các cơ sở đã được cấp một trong những Giấy chứng nhận sau thì phải thực hiện việc gửi bản sao của Giấy chứng nhận (phải có xác nhận của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm) đến cơ quan có thẩm quyền mà do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn:
+ Thực hành sản xuất tốt (GMP);
+ Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP);
+ Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000;
+ Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS);
+ Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC);
+ Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.
Như vậy, việc thực hiện ký cam kết về an toàn thực phẩm là trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không thuộc đối tượng phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, bao gồm có:
– Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;
– Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định;
– Sơ chế nhỏ lẻ;
– Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;
– Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;
– Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;
– Nhà hàng trong khách sạn;
– Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm;
– Kinh doanh thực ăn đường phố.
1.2. Thủ tục ký cam kết an toàn thực phẩm thực hiện như thế nào?
Thành phần hồ sơ, cách thức giải quyết, cơ quan phân quyền, thời gian giải quyết về vấn đề ký cam kết an toàn thực phẩm sẽ do từng tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể. Thế nên trước khi thực hiện ký cam kết an toàn thực phẩm, chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần phải tìm hiểu trước thủ tục, quy trình ký cam kết an toàn thực phẩm tại địa bàn kinh doanh của mình cần tuân thủ những gì.
Tuy là vậy, nhưng trình tự, thủ tục chủ yếu khi ký cam kết an toàn thực phẩm mà các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần tuân thủ lần lượt các bước như sau:
Bước 1: chuẩn bị hồ sơ: từng tỉnh sẽ có hướng dẫn về thành phần hồ sơ, tuy nhiên trong bộ hồ sơ ký cam kết an toàn thực phẩm sẽ có các loại giấy tờ chủ yếu sau:
– Hai bản cam kết chấp hành những quy định đảm bảo an toàn thực phẩm (02 bản – in trên bìa màu xanh dương);
– Bản sao có chứng thực giấy xác nhận kiến thức về ATTP của chủ cơ sở, người trực tiếp kinh doanh của cơ sở kinh doanh do chính cơ quan thẩm quyền cấp còn hiệu lực;
– Bản sao có chứng thực giấy xác nhận đủ sức khỏe của người trực tiếp sản xuất thực phẩm do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp theo quy định;
– Bản sao có chứng thực giấy đăng ký hộ kinh doanh.
Bước 2: nộp hồ sơ
Cơ sở sản xuất, kinh doanh nộp hồ sơ đã chuẩn bị bằng hình thức trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện tới cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp.
Bước 3: giải quyết hồ sơ
– Trong trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp: cán bộ tiếp nhận hồ sơ sẽ ghi phiếu tiếp nhận và hẹn trả giao cho cơ sở, sau đó chuyển hồ sơ đến cơ quan thụ lý giải quyết. Nếu như hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải có trách nhiệm hướng dẫn cơ sở hoàn thiện.
– Trong trường hợp nộp hồ sơ qua bưu điện: nếu hồ sơ đầy đủ hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ chuyển hồ sơ đến bộ phận thụ lý giải quyết.
– Thụ lý giải quyết hồ sơ xem xét tính hợp pháp của hồ sơ:
+ Nếu hồ sơ hợp lệ bộ phận thụ lý giải quyết sẽ tiếp nhận hồ sơ và trình lãnh đạo ký xác nhận bản cam kết chấp hành những quy định đảm bảo an toàn thực phẩm;
+ Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, bộ phận thụ lý giải quyết hồ sơ sẽ phải ra văn bản thông báo yêu cầu cơ sở sản xuất, kinh doanh bổ sung hồ sơ (thông báo phải ghi rõ các lý do không hợp lệ và trong thời gian quy định cơ sở phải hoàn thiện gửi cơ quan thụ lý để giải quyết xem xét ký cam kết).
– Hết thời gian yêu cầu, cơ sở không thực hiện bổ sung theo thông báo, cơ quan thụ lý giải quyết hồ sơ sẽ ra thông báo từ chối ký xác nhận cam kết và trả hồ sơ cho cơ sở.
Bước 4: Dự thảo văn bản, trình lãnh đạo cơ quan ký xác nhận vào bản cam kết.
Bước 5: Tiếp nhận kết quả, vào sổ và đóng dấu.
Bước 6: Trả kết quả cho cơ sở sản xuất, kinh doanh, tổ chức và lưu hồ sơ theo dõi.
2. Điều kiện đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và người trực tiếp sản xuất thực phẩm để được ký cam kết an toàn thực phẩm:
Căn cứ Nghị định 17/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 77/2016/NĐ-CP quy định các điều kiện đối với cơ sở sản xuất kinh doanh và người trực tiếp sản xuất thực phẩm bao gồm có:
2.1. Điều kiện đối với cơ sở sản xuất:
– Thiết kế, bố trí nhà xưởng:
+ Quy trình sản xuất thực phẩm phải được bố trí theo nguyên tắc là một chiều từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng;
+ Các khu vực sau phải được phải được thiết kế riêng biệt:
Khu vực kho nguyên liệu, kho thành phẩm;
Khu vực sơ chế, chế biến, đóng gói thực phẩm;
Khu vực vệ sinh;
Khu thay đồ bảo hộ;
Các khu vực phụ trợ liên quan.
+ Các nguyên vật liệu sau cũng phải được để riêng biệt:
Nguyên liệu;
Thành phẩm thực phẩm;
Vật liệu bao gồm thực phẩm, phế thải.
+ Đối với cơ sở sản xuất, sản phẩm bảo quản ở trong kho thành phẩm phải được sắp xếp riêng biệt theo lô và có bảng ghi những thông tin về: Tên sản phẩm, lô hàng, ngày sản xuất, ca sản xuất
+ Nơi tập kết, xử lý các chất thải phải ở ngoài khu vực nhà xưởng sản xuất thực phẩm và có đủ những dụng cụ thu gom chất thải, rác thải. Dụng cụ thu gom chất thải, rác thải phải được bảo đảm kín, có nắp đậy và được vệ sinh thường xuyên.
– Kết cấu nhà xưởng:
+ Tường nhà và trần nhà phẳng, không bị thấm nước, không bị rạn nứt, không bị dính bám những chất bẩn và dễ làm vệ sinh;
+ Nền nhà phẳng, nhẵn, không gây trơn trượt, thoát nước tốt, không thấm, đọng nước;
+ Cửa ra vào và cửa sổ bảo đảm ngăn ngừa được côn trùng, vật nuôi xâm nhập.
– Hệ thống thông gió: hướng gió của hệ thống thông gió phải bảo đảm không được thổi từ khu vực có nguy cơ ô nhiễm sang các khu vực có yêu cầu sạch.
– Hệ thống cung cấp nước:
+ Các nguồn nước do cơ sở khai thác, xử lý và sử dụng phải được kiểm tra và bảo đảm phù hợp với các quy định về chất lượng, vệ sinh ít nhất 6 tháng/lần.
– Nhà vệ sinh, khu vực thay đồ bảo hộ lao động:
+ Nhà vệ sinh phải được bố trí riêng biệt với các khu vực sản xuất thực phẩm;
+ Cửa nhà vệ sinh không được mở thông vào khu vực sản xuất;
+ Bảo đảm gió không được thổi từ nhà vệ sinh sang khu vực sản xuất;
+ Có bảng chỉ dẫn “Rửa tay sau khi đi vệ sinh” ở vị trí dễ nhìn, dễ thấy tại khu vực vệ sinh;
+ Thông gió của nhà vệ sinh không được hướng sang các khu vực sản xuất;
+ Có phòng thay trang phục bảo hộ lao động.
2.2. Điều kiện đối với cơ sở kinh doanh:
– Thiết kế các khu vực sau phải tách biệt, phù hợp với yêu cầu của từng loại thực phẩm kinh doanh:
+ Kinh doanh thực phẩm;
+ Vệ sinh;
+ Thay đồ bảo hộ;
+ Các khu vực phụ trợ.
– Cửa nhà vệ sinh không được mở thông vào các khu vực bảo quản thực phẩm.
– Nền nhà phẳng, nhẵn, không gây trơn trượt, thoát nước tốt, không thấm, đọng nước
– Tường nhà và trần nhà phẳng, không bị thấm nước, không bị rạn nứt, không bị dính bám những chất bẩn và dễ làm vệ sinh.
– Hướng gió của hệ thống thông gió phải bảo đảm không được thổi từ các khu vực có nguy cơ ô nhiễm sang khu vực có yêu cầu sạch
– Có đủ dụng cụ thu gom chất thải, rác thải; dụng cụ làm bằng vật liệu ít bị hư hỏng, bảo đảm phải kín, có nắp đậy và được vệ sinh thường xuyên.
– Khu vực rửa tay có đủ dụng cụ, xà phòng, những chất tẩy rửa để vệ sinh và rửa tay; có bảng chỉ dẫn “Rửa tay sau khi đi vệ sinh” ở nơi mà dễ nhìn, dễ thấy.
2.3. Điều kiện đối với chủ cơ sở, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm:
– Người trực tiếp sản xuất phải được tập huấn về kiến thức an toàn thực phẩm và được chủ cơ sở xác nhận
– Người trực tiếp sản xuất thực phẩm phải bảo đảm về yêu cầu về sức khỏe; không bị mắc các bệnh như tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp.
– Người trực tiếp sản xuất thực phẩm phải thực hiện mang trang phục bảo hộ riêng, đội mũ, đi găng tay chuyên dùng và đeo khẩu trang.
– Người tiếp xúc trực tiếp trong quá trình sản xuất thực phẩm phải tuân thủ những quy định về thực hành vệ sinh như:
+ Giữ móng tay ngắn, sạch sẽ và không đeo nhẫn, đồ trang sức tay, đồng hồ;
+ Không được ăn uống, hút thuốc, khạc nhổ trong khu vực sản xuất thực phẩm.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 17/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương;
– Luật an toàn thực phẩm 2010;
–
– Nghị định 77/2016/NĐ-CP sửa đổi quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế, hóa chất, vật liểu nổ công nghiệp, phân bón, kinh doanh khí, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công thương.