Thủ tục hải quan truyền thống là gì? Thủ tục hải quan truyền thống có những đặc điểm cơ bản nào?
Khái niệm thủ tục hải quan
Theo Công ước quốc tế Kyoto về đơn giản hóa và kết hợp hài hòa hóa các thủ tục hải quan của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) : “ Thủ tục hải quan là tất cả các hoạt động tác nghiệp mà bên hữu quan và hải quan phải thực hiện nhằm đảm bảo tuân thủ Luật hải quan”
Luật Hải quan Việt Nam năm 2001 ( SĐ, BS năm 2005): “ Thủ tục hải quan là các công việc mà người khai hải quan và công chức hải quan phải thực hiện theo quy định của Luật này đối với hàng hóa, phương tiện vận tải”
Luật Hải quan 2014 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015) “ Thủ tục hải quan là các công việc mà người khai hải quan và công chức hải quan phải thực hiện theo quy định của Luật này đối với hàng hóa, phương tiện vận tải”
Kết luận: Về cơ bản nhận thấy rằng thủ tục hải quan là những công việc mà người khai hải quan và công chức hải quan cần phải thực hiện theo quy định của pháp luật đối với hàng hóa, phương tiện vận tải.
Đặc điểm của thủ tục hải quan
Thứ nhất: Chủ thể tham gia thủ tục hải quan bao gồm những đối tượng cơ bản sau: Người khai hải quan và công chức hải quan
Về người khai quan: được quy định như sau:
Luật Hải quan 2001 ( SĐ,BS năm 2005) tại khoản 7 Điều 4 và Nghị định 154/2005/NĐ –CP thì người khai hải quan bao gồm: Chủ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; Tổ chức được chủ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu uỷ thác; Người được uỷ quyền hợp pháp (áp dụng trong trường hợp hàng hoá, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại); Người điều khiển phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh; Đại lý làm thủ tục hải quan; Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế.
Luật Hải quan 2014 quy định: Người khai hải quan bao gồm: chủ hàng hóa; chủ phương tiện vận tải; người điều khiển phương tiện vận tải; đại lý làm thủ tục hải quan, người khác được chủ hàng hóa, chủ phương tiện vận tải ủy quyền thực hiện thủ tục hải quan
Về công chức hải quan: Công chức hải quan là người được tuyển dụng, đào tạo và sử dụng theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức (khoản 1 Điều 14 Luật Hải quan 2001) và Công chức hải quan là người có đủ điều kiện được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan hải quan; được đào tạo, bồi dưỡng và quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức (khoản 1 Điều 15 Luật Hải quan 2014)
Ngoài ra, còn có những chủ thể khác như: Giám định viên,… tham gia vào thủ tục hải quan
Thứ hai: Đối tượng cần khai báo hải quan
Về đối tượng cần khai báo hải quan bao gồm hàng hóa và phương tiện vận tải
– Hàng hóa
Hàng hóa thuộc đối tượng cần khai báo hải quan bao gồm:
Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh bao gồm tất cả động sản có mã số và tên gọi theo quy định của pháp luật được xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hoặc lưu giữ trong địa bàn hoạt động hải quan. (Luật Hải quan 2001)
Hàng hóa bao gồm động sản có tên gọi và mã số theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam được xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hoặc được lưu giữ trong địa bàn hoạt động hải quan (Luật Hải quan 2014)
Về cơ bản Luật Hải quan 2014 kế thừa quy định về hàng hóa xuất nhập khẩu là đối tượng cần khai báo hải theo quy định của pháp luật hải quan.
Theo đó, hàng hóa là động sản có tên gọi, mã số ( HS- 8 số), nằm trong Danh mục hàng hóa xuất khẩu Việt Nam và lưu giữ trong địa bàn hoạt động của hải quan
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
– Phương tiện vận tải
Phương tiện vận tải bao gồm phương tiện vận tải đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển, đường sông xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh
Như vậy pháp luật hải quan đã quy định những đối tượng cơ cần tiến hành khai báo khi làm thủ tục hải quan.