Trong thời gian gần đây, các quy trình thủ tục hải quan luôn được cải tiến sao cho ngày càng đơn giản hơn, minh bạch hơn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động thương mại, hoạt động xuất nhập khẩu phát triển. Để tìm hiểu sâu hơn mời bạn tham khảo bài viết dưới đây
Mục lục bài viết
1. Thủ tục hải quan là gì?
Theo định nghĩa tại Chương 2 Công ước Kyoto: “ Thủ tục hải quan là tất cả các hoạt động mà cơ quan hải quan và những người có liên quan phải thực hiện nhằm đảm bảo sự tuân thủ pháp luật hải quan.”
Theo giải thích tại Khoản 23, Điều 4, Luật Hải quan: “Thủ tục hải quan là các công việc mà người khai hải quan và công chức hải quan phải thực hiện theo quy định của Luật này đối với hàng hóa, phương tiện vận tải.”. Những công việc này được ghi nhận cụ thể tại Điều 21 như sau:
– Đối với người khai hải quan:
+ Khai và nộp tờ khai hải quan; nộp hoặc xuất trình chứng từ thuộc hồ sơ hải quan.
+ Đưa hàng hóa, phương tiện vận tải đến địa điểm được quy định để kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải.
+ Nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí và quy định khác của pháp luật có liên quan.
– Đối với cơ quan hải quan, công chức hải quan:
+ Tiếp nhận và đăng ký hồ sơ hải quan.
+ Kiểm tra hồ sơ hải quan và kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải.
+ Tổ chức thu thuế và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí và quy định khác của pháp luật có liên quan.
+ Quyết định việc thông quan hàng hóa, giải phóng hàng hóa, xác nhận phương tiện vận tải đã hoàn thành thủ tục hải quan.
Nhìn chung, khái niệm về thủ tục hải quan được hiểu thống nhất theo quan điểm quốc tế.
Trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, người khai hải quan là chủ thể làm phát sinh thủ tục hải quan, họ phải là chủ thể chủ động thực hiện nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật. Nhưng cơ quan hải quan lại đóng vai trò chủ đạo, quyết định tính hiệu quả của thủ tục hải quan theo đúng nguyên tắc: “Thủ tục hải quan phải được thực hiện công khai, nhanh chóng, thuận tiện và theo đúng quy định của pháp luật.”
Theo quy định tại Khoản 4, Điều 1, Nghị định 59: Đối tượng phải làm thủ tục hải quan bao gồm:
– Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt, công cụ chuyển nhượng, vàng, kim loại quý, đá quý, sản phẩm văn hóa, di vật, cổ vật, bảo vật, bưu phẩm, bưu kiện xuất khẩu, nhập khẩu; hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; các vật phẩm khác xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, trong địa bàn hoạt động của cơ quan hải quan;
– Phương tiện vận tải đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển, đường thủy nội địa, đường sông xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
Thủ tục hải quan có thể thực hiện bằng những cách thức, phương tiện khác nhau. Ví dụ: truyền thống (thủ công), bán truyền thống hoặc điện tử. Trước đây, ở Việt Nam, thủ tục hải quan chủ yếu được thực hiện bằng phương pháp truyền thống (hoàn toàn dựa vào hồ sơ giấy) hoặc bán truyền thống – kết hợp giữa truyền thống và điện tử (khai báo bằng đĩa mềm, khai báo qua mạng internet kết hợp hồ sơ giấy). Trong phương pháp này, luôn có sự tiếp xúc trực tiếp giữa người khai hải quan và công chức hải quan trong quá trình làm thủ tục hải quan và sử dụng hồ sơ giấy.
Hiện nay, ngoài phương pháp truyền thống, bán truyền thống, thủ tục hải quan còn được thực hiện hoàn toàn bằng phương tiện điện tử (hệ thống xử lý dữ liệu điện tử). Người khai hải quan có thể đăng ký hồ sơ làm thủ tục hải quan bằng cách tạo, gửi các thông tin dưới dạng điện tử đến cơ quan HQ và nhận các thông tin (cũng dưới dạng điện tử) phản hồi từ phía cơ quan hải quan thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử.
2. Quy trình cơ bản thủ tục hải quan hàng hóa nhập khẩu:
Quy trình thủ tục hải quan hàng hóa nhập khẩu được quy định trong Luật Hải quan,
Địa điểm làm thủ tục hải quan là nơi cơ quan hải quan tiếp nhận, đăng ký và kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải.
Bước 1: Khai hải quan.
Đây là hoạt động đầu tiên được người khai hải quan thực hiện thông qua phương thức điện tử hoặc khai trên tờ khai hải quan giấy.
Khi khai hải quan, người khai hải quan thực hiện:
– Tạo thông tin khai tờ khai hải quan trên Hệ thống khai hải quan điện tử;
– Gửi tờ khai hải quan đến cơ quan Hải quan thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan;
– Tiếp nhận thông tin phản hồi và thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan Hải quan.
Đối với khai hải quan trên tờ khai hải quan giấy, người khai hải quan khai đầy đủ các tiêu chí trên tờ khai hải quan, ký tên, đóng dấu (trừ trường hợp người khai hải quan là cá nhân) trên tờ khai để nộp cho cơ quan hải quan.
Bước 2: Tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký, xử lý tờ khai hải quan.
Đây là hoạt động của cơ quan Hải quan.
Đối với khai hải quan thông qua phương thức điện tử: Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký, xử lý tờ khai hải quan 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần. Nếu không chấp nhận đăng ký tờ khai thì cơ quan Hải quan
Đối với trường hợp khai hải quan trên tờ khai hải quan giấy: Việc đăng ký tờ khai hải quan được thực hiện ngay sau khi người khai hải quan khai, nộp đủ hồ sơ hải quan theo quy định và được cơ quan hải quan kiểm tra các điều kiện đăng ký tờ khai hải quan.
Bước 3: Kiểm tra hồ sơ hải quan.
Đây là hoạt động của cơ quan hải quan trên cơ sở hồ sơ hải quan đã được người khai hải quan nộp, bào gồm: Tờ khai hải quan hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan; Chứng từ có liên quan (Chứng từ thuộc hồ sơ hải quan là chứng từ giấy hoặc chứng từ điện tử). Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng ký. Địa điểm tiếp nhận, đăng ký và kiểm tra hồ sơ hải quan là trụ sở Cục Hải quan, trụ sở Chi cục Hải quan.
Khi kiểm tra hồ sơ hải quan, cơ quan hải quan kiểm tra tính chính xác, đầy đủ, sự phù hợp của nội dung khai hải quan với chứng từ thuộc hồ sơ hải quan, kiểm tra việc tuân thủ chính sách quản lý hàng hóa, chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Kiểm tra hồ sơ hải quan được thực hiện thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hoặc trực tiếp bởi công chức hải quan.
Bước 4: Kiểm tra hàng hóa thực tế.
Đây là hoạt động của cơ quan hải quan. Nội dung kiểm tra gồm: Kiểm tra tên hàng, mã số, số lượng, trọng lượng, khối lượng, chủng loại, chất lượng, xuất xứ, trị giá hải quan của hàng hóa. Kiểm tra đối chiếu sự phù hợp giữa thực tế hàng hóa với hồ sơ hải quan.
Thời hạn hoàn thành việc kiểm tra thực tế hàng hóa chậm nhất là 08 giờ làm việc kể từ thời điểm người khai hải quan xuất trình đầy đủ hàng hóa cho cơ quan hải quan. Trường hợp hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành về chất lượng, y tế, văn hóa, kiểm dịch động vật, thực vật, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật có liên quan thì thời hạn hoàn thành kiểm tra thực tế hàng hóa được tính từ thời điểm nhận được kết quả kiểm tra chuyên ngành theo quy định.
Địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa bao gồm:
– Địa điểm kiểm tra tại khu vực cửa khẩu đường bộ, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế; bưu điện quốc tế; cảng biển, cảng thủy nội địa có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa;
– Trụ sở Chi cục Hải quan;
– Địa điểm kiểm tra tập trung theo quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan;
– Địa điểm kiểm tra tại cơ sở sản xuất, công trình; nơi tổ chức hội chợ, triển lãm;
– Địa điểm kiểm tra tại khu vực kho ngoại quan, kho bảo thuế, địa điểm thu gom hàng lẻ;
– Địa điểm kiểm tra chung giữa Hải quan Việt Nam với Hải quan nước láng giềng tại khu vực cửa khẩu đường bộ;
– Địa điểm khác do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định trong trường hợp cần thiết.
Bước 5: Thu, nộp lệ phí làm thủ tục hải quan.
Người khai hải quan phải nộp lệ phí làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí. Người nộp lệ phí hải quan thực hiện chuyển tiền, nộp tiền tại Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng, tổ chức được cơ quan hải quan ủy nhiệm thu, hoặc tại cơ quan hải quan.
Phí hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh: 20.000 đồng/tờ khai.
Bước 6: Giải phóng hàng hóa– là việc cơ quan hải quan cho phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa khi đáp ứng đủ điều kiện., ví dụ: Phải thực hiện việc phân tích, phân loại hoặc giám định để xác định mã số hàng hóa, số lượng, trọng lượng, khối lượng của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và người khai hải quan đã nộp thuế hoặc được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế trên cơ sở tự kê khai, tính thuế của người khai hải quan;…
Bước 7: Thông quan hàng hóa. Hàng hóa được thông quan sau khi đã hoàn thành thủ tục hải quan. Đây là giai đoạn kết thúc quy trình thủ tục hải quan.
Cần chú ý rằng, thủ tục này là thủ tục cơ bản được thực hiện theo đúng quy định từ trên xuống dưới, thực tế có thể không đầy đủ các bước và hoạt động thông quan hàng hóa có thể đã diễn ra ở các bước trước đó.
Nhìn chung, thủ tục hải quan hàng hóa nhập khẩu phụ thuộc rất nhiều vào nghiệp vụ của công chức hải quan, nhân viên hải quan, họ là người chủ động thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình trên cơ sở quy định của pháp luật. Tuy nhiên, dưới góc độ là người đọc luật, nghiên cứu văn bản pháp luật thì quy định về thủ tục hải quan được đánh giá là thiếu sự rõ ràng, các văn bản thay đổi liên tục và thiếu sự đồng nhất, dẫn đến những khó khăn nhất định, đặc biệt là với người khai hải qua.
Cơ sở pháp lý sử dụng trong bài viết:
– Luật Hải quan năm 2018.
– Nghị định 08/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.
– Nghị định 59/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 08/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.
– Thông tư 14/2021/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí hải quan và lệ phí hàng hóa, phương tiện vận tải quá cảnh do Bộ Tài chính ban hành.