Một số quy định chung về văn bằng, chứng chỉ? Điều kiện và nguyên tắc cấp phát văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật? Thủ tục đính chính thông tin trên học bạ và bằng tốt nghiệp THCS?
Để đất nước phát triển, Nhà nước ta cần phải đặc biệt quan tâm tới vấn đề giáo dục. Sau quá trình đào tạo, khi các chủ thể đáp ứng đủ yêu cầu và điều kiện thì cần cấp cho các đối tượng đó văn bằng, chứng chỉ phù hợp. Chúng ta đều đã rất quen thuộc với cụm từ văn bằng, chứng chỉ bởi hai loại giấy tờ này có vai trò vô cùng quan trọng trong thực tế và gắn liền với sự phát triển qua từng giai đoạn đối với mỗi người. Trong thực tế, không thiếu các trường hợp do nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến trường hợp thông tin trên văn bằng, chứng chỉ bị sai xót và nhầm lẫn. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định về thủ tục đính chính thông tin trên học bạ và bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
Thông tư số 21/2019/TT-BGDĐT về Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân.
1. Một số quy định chung về văn bằng, chứng chỉ:
1.1. Văn bằng, chứng chỉ là gì?
Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân sẽ được cấp cho người học sau khi đã tốt nghiệp cấp học hoặc sau khi hoàn thành chương trình giáo dục, đạt chuẩn đầu ra của trình độ tương ứng theo quy định của pháp luật, bao gồm các loại sau đây:
+ Bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.
+ Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.
+ Bằng tốt nghiệp trung cấp.
+ Bằng tốt nghiệp cao đẳng.
+ Bằng cử nhân.
+ Bằng thạc sĩ.
+ Bằng tiến sĩ.
+ Các văn bằng trình độ tương đương.
Còn đối với chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân sẽ được cấp cho người học và được dùng để xác nhận kết quả học tập sau khi người học đó đã được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp hoặc cấp cho người học dự thi lấy chứng chỉ theo quy định đã đề ra trước đó.
Các văn bằng, chứng chỉ do những cơ sở giáo dục cấp thuộc các loại hình và hình thức đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân cấp có giá trị pháp lý như nhau. Chính phủ ta đã ban hành một hệ thống văn bằng giáo dục đại học và quy định văn bằng trình độ tương đương của một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù.
1.2. Thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ:
Theo quy định của pháp luật, thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân có nội dung cụ thể như sau:
– Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.
– Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.
– Bằng tốt nghiệp trung cấp, Bằng tốt nghiệp cao đẳng, Bằng tốt nghiệp đại học do Hiệu trưởng nhà trường, nơi tổ chức đào tạo các trình độ tương ứng cấp; cơ sở giáo dục đại học có trường đại học thành viên thì Hiệu trưởng trường đại học thành viên cấp bằng tốt nghiệp.
– Bằng thạc sĩ do Hiệu trưởng trường đại học được phép đào tạo trình độ thạc sĩ cấp; trường hợp viện nghiên cứu khoa học được phép phối hợp với trường đại học đào tạo trình độ thạc sĩ thì Hiệu trưởng trường đại học cấp bằng thạc sĩ.
– Bằng tiến sĩ do Hiệu trưởng trường đại học hoặc Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ cấp.
– Các loại chứng chỉ trong hệ thống giáo dục quốc dân do người đứng đầu cơ sở giáo dục hoặc người đứng đầu tổ chức được phép cấp chứng chỉ cấp.
Theo quy định của Thông tư số 21/2019/TT-BGDĐT quy định việc phân cấp và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý văn bằng, chứng chỉ như sau:
– Thứ nhất: Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất quản lý văn bằng, chứng chỉ; quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng, phụ lục văn bằng giáo dục đại học; quy định mẫu bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân; quy định nguyên tắc in phôi, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ.
– Thứ hai: Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; quản lý việc sử dụng phôi, cấp phát văn bằng, chứng chỉ đối với các Phòng Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý.
– Thứ ba: Phòng Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm quản lý việc sử dụng phôi văn bằng, chứng chỉ đã được cấp theo quy định và chịu trách nhiệm về việc cấp văn bằng, chứng chỉ theo thẩm quyền.
– Thư tư: Các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo giáo viên tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật và quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Điều kiện và nguyên tắc cấp phát văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật:
2.1. Điều kiện cấp văng bằng, chứng chỉ:
Để được cấp văn bằng, chứng chỉ phải đáp ứng các diều kiện cụ thể sau đây:
– Điều kiện thứ nhất: Đối với việc cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân sẽ được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp cấp học hoặc sau khi người học đã hoàn thành hết chương trình đào tạo và đạt chuẩn đầu ra của trình độ đào tạo theo quy định và hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của người học.
– Điều kiện thứ hai: Đối với việc cấp chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân sẽ được cấp cho người học và dùng với mục đích để xác nhận kết quả học tập của các đối tượng tham gia vào khóa học sau khi được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp hoặc cấp cho người dự thi lấy chứng chỉ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3.1. Nguyên tắc cấp phát văn bằng, chứng chỉ:
Theo quy định của Thông tư số 21/2019/TT-BGDĐT, việc cấp phát văn bằng, chứng chỉ phải đáp ứng bốn nguyên tắc sau đây, cụ thể là:
– Thứ nhất: Việc cấp phát văn bằng, chứng chỉ phải đáp ứng nguyên tắc được quản lý thống nhất, thực hiện phân cấp quản lý cho các sở giáo dục và đào tạo, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở đào tạo giáo viên, cơ sở giáo dục đại học theo quy định tại Điều 3 của Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân.
– Thứ hai: Văn bằng, chứng chỉ được cấp một lần, trừ trường hợp quy định tại Điều 18 của Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân.
– Thứ ba: Nhà nước ta nghiêm cấm mọi hành vi gian lận trong quá trình thực hiện việc cấp phát và sử dụng văn bằng, chứng chỉ.
Cuối cùng, nguyên tắc vô cùng quan trọng là cần phải bảo đảm công khai, minh bạch trong việc thực hiện cấp phát văn bằng, chứng chỉ.
3. Thủ tục đính chính thông tin trên học bạ và bằng tốt nghiệp THCS:
Theo Điều 23 Thông tư số 21/2019/TT-BGDĐT về Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân quy định về thủ tục chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ có nội dung như sau:
“1. Hồ sơ đề nghị chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ:
a) Đơn đề nghị chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ;
b) Văn bằng, chứng chỉ đề nghị chỉnh sửa;
c) Trích lục hoặc quyết định thay đổi hoặc cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính đối với trường hợp chỉnh sửa văn bằng, chứng chỉ do thay đổi hoặc cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính;
d) Giấy khai sinh đối với trường hợp chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ do bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch, đăng ký lại việc sinh, đăng ký khai sinh quá hạn;
đ) Giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân hợp pháp khác có ảnh của người được cấp văn bằng, chứng chỉ. Thông tin ghi trên các giấy tờ này phải phù hợp với đề nghị chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ. Các tài liệu trong hồ sơ đề nghị chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ quy định tại các điểm b, c, d, đ khoản này là bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính.
2. Trường hợp tài liệu trong hồ sơ đề nghị chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ quy định tại các điểm b, c, d, đ khoản 1 Điều này là bản sao không có chứng thực thì người đề nghị chỉnh sửa văn bằng, chứng chỉ phải xuất trình bản chính để người tiếp nhận hồ sơ đối chiếu; người tiếp nhận hồ sơ phải ký xác nhận, ghi rõ họ tên vào bản sao và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính.
3. Trình tự chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ được quy định như sau:
a) Người đề nghị chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này cho cơ quan có thẩm quyền chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ xem xét quyết định việc chỉnh sửa; nếu không chỉnh sửa thì phải trả lòi bằng văn bản và nêu rõ lý do;
c) Việc chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ được thực hiện bằng quyết định chỉnh sửa; không chỉnh sửa trực tiếp trong văn bằng, chứng chỉ. Quyết định chỉnh sửa phải được lưu trong hồ sơ cấp văn bằng, chứng chỉ.
d) Căn cứ quyết định chỉnh sửa, cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ ghi đầy đủ thông tin về văn bằng, chứng chỉ, các nội dung được chỉnh sửa của văn bằng, chứng chỉ vào phụ lục sổ gốc cấp văn bằng, chứng chỉ.”
Như vậy, đối với trường hợp muốn đính chính thông tin trên học bạ và bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, các chủ thể có thể chỉnh sửa thông tin trên học bạ và bằng cấp 2 của các cá nhân theo thủ tục sau đây:
Hồ sơ gồm có:
+ Đơn đề nghị chỉnh sửa văn bằng, chứng chỉ.
+ Chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khác của người được cấp văn bằng, chứng chỉ.
+ Văn bằng, chứng chỉ đề nghị chỉnh sửa.
+ Các tài liệu chứng minh văn bằng, chứng chỉ bị ghi sai do lỗi của cơ quan cấp văn bằng, chứng chỉ.
Thẩm quyền:
Các cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ. Người có thẩm quyền quyết định chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ là thủ trưởng cơ quan đã cấp văn bằng, chứng chỉ và đang quản lý sổ gốc văn bằng, chứng chỉ.
Trường hợp cơ quan cấp văn bằng, chứng chỉ đã sáp nhập, chia, tách, giải thể hoặc có sự điều chỉnh về thẩm quyền thì người có thẩm quyền quyết định chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ là thủ trưởng cơ quan đang quản lý sổ gốc văn bằng, chứng chỉ.