Ông nội tôi là thương binh, gia đình tôi phải làm những thủ tục gì để ông tôi được hưởng các quyền lợi về trợ cấp và phụ cấp?
Tóm tắt câu hỏi:
Ông nội tôi là thương binh, theo tôi được biết đối với thương binh sẽ được hưởng trợ cấp và phụ cấp theo chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Luật sư cho tôi hỏi, ông tôi phải làm những thủ tục gì để được hưởng những chế độ trên
Luật sư trả lời:
Chào bạn! Với băn khoăn của bạn, Công ty Luật DƯƠNG GIA xin được tư vấn như sau:
Căn cứ vào Nghị định 31/2013/NĐ-CP
Thứ nhất: Trách nhiệm lập hồ sơ, cấp Giấy chứng nhận bị thương và Giấy chứng nhận thương binh theo Điều 28 nghị định này quy định như sau:
“1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, chính quyền địa phương có người bị thương có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
2. Cấp giấy chứng nhận bị thương:
a) Người bị thương là quân nhân, công nhân viên quốc phòng do Thủ trưởng Trung đoàn hoặc cấp tương đương trở lên;
b) Người bị thương là công an nhân dân, công nhân viên công an nhân dân do Giám đốc Công an cấp tỉnh hoặc cấp tương đương trở lên;
c) Người bị thương thuộc cơ quan trung ương do Bộ trưởng hoặc cấp tương đương;
d) Người bị thương thuộc cơ quan cấp tỉnh quản lý do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
đ) Người bị thương thuộc cơ quan cấp huyện hoặc cấp xã và các trường hợp đóng trên địa bàn không thuộc quy định tại Điểm a, b, c, d Khoản này do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
3. Cấp Giấy chứng nhận thương binh, Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh và trợ cấp, phụ cấp thương tật:
a) Các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an ra quyết định cấp Giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp, phụ cấp thương tật đối với những trường hợp quy định tại Điểm a, b Khoản 2 Điều này;
b) Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ra quyết định cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh và trợ cấp, phụ cấp thương tật đối với những trường hợp quy định tại Điểm c, d, đ Khoản 2 Điều này.”
Thứ hai: Hồ sơ hưởng chế độ thương binh (Điều 29)
– Giấy chứng nhận bị thương.
– Biên bản giám định thương tật của Hội đồng giám định y khoa.
– Quyết định cấp Giấy chứng nhận thương binh, Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh và trợ cấp, phụ cấp thương tật.
Thứ ba: Thẩm quyền giải quyết:
Phòng Người có công thuộc Sở lao động- Thương binh và xã hội: Tiếp nhận hồ sơ do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận thương binh chuyển đến
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn giải quyết được những vướng mắc của bạn một cách nhanh nhất. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.
Chuyên viên tư vấn: Nguyễn Thị Yến