Bảo hiểm y tế là một chính sách quan trọng trong hệ thống chính sách an sinh xã hội được Đảng và nhà nước quan tâm, triển khai sâu rộng trên phạm vi cả nước. Vậy theo quy định của pháp luật hiện nay thì quy trình, thủ tục để nhận lại tiền đóng bảo hiểm y tế chưa sử dụng như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thủ tục để được nhận lại tiền đóng BHYT chưa sử dụng:
Bảo hiểm y tế là một trong những hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với những đối tượng nhất định theo quy định của pháp luật bảo hiểm y tế, bảo hiểm y tế được ban hành nhằm mục đích chăm sóc sức khỏe của con người, không vì mục đích lợi nhuận do nhà nước tổ chức thực hiện trên thực tế. Chế độ bảo hiểm y tế được thực hiện dựa trên các nguyên tắc bảo đảm khả năng chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia chế độ bảo hiểm khi sức khỏe bị ảnh hưởng. Quỹ bảo hiểm y tế độc lập và quản lý tập trung, công khai, minh bạch, thống nhất, đảm bảo khả năng cân đối thu/chi, được nhà nước bảo hộ. Bên cạnh đó, các nguyên tắc về mức đóng bảo hiểm, mức hưởng bảo hiểm, chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cũng sẽ được quy định chặt chẽ. Vì vậy, bảo hiểm y tế là một trong những loại hình bảo hiểm thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Người mua bảo hiểm y tế sẽ được chi trả một phần hoặc cũng có thể chi trả toàn bộ chi phí thăm khám, phục hồi sức khỏe nếu không may xảy ra bệnh tật, ốm đau, tai nạn …
Trong một số trường hợp, người tham gia bảo hiểm y tế đặt ra nhu cầu được nhận lại tiền đóng bảo hiểm y tế chưa sử dụng. Quy trình để được nhận lại tiền đóng bảo hiểm y tế chưa sử dụng sẽ được thực hiện như sau:
Bước 1: Cá nhân có nhu cầu thực hiện thủ tục nhận lại tiền bảo hiểm y tế chưa sử dụng cần phải chuẩn bị hồ sơ để nộp tới cơ quan bảo hiểm xã hội. Thành phần hồ sơ sẽ bao gồm các loại giấy tờ và tài liệu sau: Tờ khai điều chỉnh thông tin bảo hiểm y tế, văn bản chứng thực hoặc bản chính giấy chứng tử đối với trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế đã qua đời, giấy tờ tùy thân của người nhận lại tiền bảo hiểm y tế như căn cước công dân/chứng minh thư nhân dân, các loại giấy tờ khác khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Số lượng hồ sơ cần phải chuẩn bị là 01 bộ.
Bước 2: Nộp hồ sơ tới cơ quan bảo hiểm xã hội. Có thể nộp trực tiếp hoặc nộp thông qua dịch vụ bưu chính. Cơ quan bảo hiểm xã hội tiếp nhận hồ sơ và giải quyết hồ sơ theo quy định của pháp luật.
Bước 3: Nhận kết quả giải quyết. Thời gian giải quyết sẽ không vượt quá 03 ngày làm việc được tính kể từ ngày cơ quan bảo hiểm xã hội nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trong trường hợp nhận thấy hồ sơ chưa hợp lệ thì sẽ yêu cầu người nộp hồ sơ bổ sung. Trong trường hợp không đáp ứng đầy đủ yêu cầu để hoàn trả tiền đóng bảo hiểm y tế thì cần phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do chính đáng.
2. Những trường hợp nào được hoàn trả tiền đóng BHYT?
Căn cứ theo quy định tại Điều 20 của Văn bản hợp nhất 2089/VBHN-BHXH năm 2020, có quy định về vấn đề hoàn trả tiền đóng bảo hiểm y tế. Theo đó, người đang tham gia chế độ bảo hiểm y tế sẽ được hoàn trả tiền đóng bảo hiểm y tế khi thuộc một trong những trường hợp sau đây:
– Người tham gia bảo hiểm y tế được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo nhóm đối tượng mới, vẫn bảo đảm giá trị sử dụng thẻ bảo hiểm y tế đã được cấp trước đó, có thứ tự đóng bảo hiểm y tế xếp sau đối tượng mới theo quy định tại Điều 12 của Văn bản hợp nhất
– Luật ngân sách nhà nước điều chỉnh tăng hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế;
– Qua đời trước khi thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 17 của Văn bản hợp nhất 2089/VBHN-BHXH năm 2020, có quy định đối tượng tham gia chế độ bảo hiểm y tế. Theo đó bao gồm:
(1) Nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế. Trong đó bao gồm:
– Những đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo;
– Học sinh, sinh viên đang theo học tại cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó bao gồm cả học sinh theo hệ dân sự đang học tập tại trường công an nhân dân;
– Những đối tượng thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình.
(2) Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình. Cụ thể bao gồm:
– Toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu, ngoại trừ những người đã khai báo tạm vắng;
– Toàn bộ những người có tên trong sổ tạm trú;
– Các đối tượng sau đây được tham gia chế độ bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình, bao gồm: Chức sắc, chức việc, các nhà tu hành, người sinh sống trong các cơ sở bảo trợ xã hội tuy nhiên không được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí để đóng bảo hiểm y tế.
Theo đó thì có thể nói, hiện nay pháp luật quy định hai đối tượng có thể được hoàn trả tiền bảo hiểm y tế đã đóng khi tham gia chế độ bảo hiểm y tế tuy nhiên có sự thay đổi sang đối tượng mới/hoặc được ngân sách nhà nước điều chỉnh tăng mức hỗ trợ, hoặc qua đời trước khi thẻ bảo hiểm y tế phát sinh giá trị sử dụng. Bao gồm:
– Đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng bảo hiểm y tế;
– Đối tượng tham gia chế độ bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình.
3. Quyền của tổ chức bảo hiểm y tế gồm những gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 40 của Văn bản hợp nhất
– Tổ chức bảo hiểm y tế có quyền yêu cầu người sử dụng lao động, đại diện của người tham gia chế độ bảo hiểm y tế, người tham gia chế độ bảo hiểm y tế cung cấp đầy đủ thông tin, chính xác thông tin và các loại giấy tờ tài liệu có liên quan đến trách nhiệm của mình trong quá trình thực hiện quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế;
– Kiểm tra, thực hiện thủ tục giám định việc thực hiện hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, thu hồi thẻ bảo hiểm y tế, tạm giữ thẻ bảo hiểm y tế đối với những trường hợp căn cứ theo quy định tại Điều 20 của Văn bản hợp nhất Luật bảo hiểm y tế năm 2020;
– Yêu cầu cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cung cấp các loại hồ sơ bệnh án, tài liệu giấy tờ về khám chữa bệnh phục vụ cho công tác giám định bảo hiểm y tế;
– Có quyền từ chối thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế không đúng quy định của pháp luật, không đúng với nội dung ghi nhận trong hợp đồng khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế;
– Yêu cầu người có trách nhiệm và nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho người tham gia chế độ bảo hiểm y tế, hoàn trả chi phí khám chữa bệnh trong một số trường hợp nhất định, tổ chức thủ tục khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật;
– Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để sửa đổi bổ sung chính sách pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, xử lý các tổ chức và cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế trong chức năng và nhiệm vụ của mình.
Vậy, trách nhiệm hoàn trả tiền đóng bảo hiểm y tế thuộc về các Tổ chức bảo hiểm y tế (cơ quan bảo hiểm xã hội …).
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 28/VBHN-VPQH 2020 Luật Bảo hiểm y tế;
– Quyết định 896/QĐ-BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
– Văn bản hợp nhất 2089/VBHN-BHXH năm 2020 do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành hợp nhất Quyết định Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế.
THAM KHẢO THÊM: