Thủ tục đăng ký kinh doanh dịch vụ ăn uống. Các quy định hiện hành về đăng ký kinh doanh đối với dịch vụ ăn uống, nhà hàng.
Thủ tục đăng ký kinh doanh dịch vụ ăn uống. Các quy định hiện hành về đăng ký kinh doanh đối với dịch vụ ăn uống, nhà hàng.
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi đang có kế hoạch góp vốn với một người bạn mở cửa hàng ăn. Tôi cần tư vấn về tất cả các nội dung hoạt động liên quan đến pháp luật (kể cả hình thức hoạt động có nên thành lập công ty hay không).
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Thứ nhất, về hình thức hoạt động.
Bạn chỉ được phép tiến hành hoạt động kinh doanh khi đã đăng ký và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, bạn và người bạn của mình có thể lựa chọn một trong các hình thức tổ chức kinh doanh sau:
– Kinh doanh theo hình thức hộ kinh doanh: phù hợp với mô hình kinh doanh nhỏ hoặc vừa.
– Kinh doanh theo hình thức doanh nghiệp: phù hợp với mô hình kinh doanh vừa hoặc lớn. Pháp luật quy định 4 loại hình doanh nghiệp: doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH và công ty cổ phần. Trong trường hợp của bạn, có hai người góp vốn thì thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên là phù hợp hơn cả.
Tùy vào mục đích và nguyện vọng của hai bạn, hai bạn có thể lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp với mình và tiến hành đăng ký kinh doanh theo quy định của Nghị định 78/2015/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, hai bạn cũng phải làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm 2010.
Ngoài ra, bạn cũng cần tuân thủ các quy định về trật tự xã hội của địa phương, các quy định về chỗ gửi xe, có giấy phép kinh doanh bán lẻ rượu nếu có bán rượu,…
Thứ hai, về trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh.
– Nếu bạn lựa chọn kinh doanh theo hình thức hộ kinh doanh:
+ Hồ sơ bao gồm:
1. Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh, với các nội dung:
a) Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh; số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có);
b) Ngành, nghề kinh doanh;
c) Số vốn kinh doanh;
d) Số lao động;
đ) Họ, tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập.
2. Bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh.
3. Bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh.
+ Trình tự, thủ tục đăng ký:
1. Hộ kinh doanh nộp 01 bộ hồ sơ và nộp lệ phí đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện.
2. Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu có đủ các điều kiện sau đây:
a) Ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh;
b) Tên hộ kinh doanh dự định đăng ký phù hợp quy định của pháp luật
c) Nộp đủ lệ phí đăng ký theo quy định.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh.
3. Nếu sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thi người đăng ký hộ kinh doanh có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
– Nếu bạn lựa chọn kinh doanh theo hình thức doanh nghiệp:
+ Hồ sơ bao gồm:
1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (theo mẫu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành)
2. Điều lệ công ty.
3. Danh sách thành viên công ty
4. Bản sao hợp lệ các giấy tờ sau đây:
a) Một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân quy định tại Điều 10 Nghị định này đối với trường hợp người thành lập doanh nghiệp là cá nhân;
b) Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác.
+ Trình tự, thủ tục thành lập:
1. Nộp 1 bộ hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
2. Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ.
3. Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ hoặc tên doanh nghiệp yêu cầu đăng ký không đúng theo quy định, Phòng Đăng ký kinh doanh phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ. Phòng Đăng ký kinh doanh ghi toàn bộ yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với mỗi một bộ hồ sơ do doanh nghiệp nộp trong một Thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Nếu quá thời hạn trên mà không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thì người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
4. Doanh nghiệp có thể nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký và nộp phí để nhận qua đường bưu điện. Doanh nghiệp có quyền hoạt động kinh doanh kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Thứ ba, về trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
– Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm gồm có:
1. Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;
2. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
3. Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
4. Giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp;
5. Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành.
– Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm:
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT;
2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra thực tế điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; nếu đủ điều kiện thì phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; trường hợp từ chối thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Bạn có thể tham khảo thêm một số bài viết có liên quan khác của Dương Gia:
– Giải thể trong trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
– Các trường hợp không phải đăng ký kinh doanh
– Điều kiện kinh doanh nhà hàng
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.
——————————————————–
THAM KHẢO CÁC DỊCH VỤ CÓ LIÊN QUAN CỦA LUẬT DƯƠNG GIA:
– Tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại